Cơ quan Mật vụ Mỹ cần “vá lại áo giáp”

Thứ Năm, 16/10/2014, 20:45

Sau sự việc một nhân viên bảo vệ đang làm việc cho một công ty bảo an tư nhân mang theo súng, từng có 3 tiền sự về hành vi vũ phu và hành hung người khác đã được Cơ quan Mật vụ cho phép đi cùng thang máy với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Atlanta, mặc dù người đứng đầu Nhà Trắng không gặp nguy hiểm, nhưng các thành viên Quốc hội không ngớt chỉ trích kịch liệt Cơ quan Mật vụ đã vi phạm nghiêm trọng quy định bảo vệ yếu nhân Mỹ. Từ đây, chuyện đảm bảo an toàn cho Tổng thống Obama cùng gia đình ông sau hàng loạt sự cố nguy hiểm kể từ khi nhậm chức năm 2009 được nhìn nhận là “có vấn đề”...

Từ sự cố một cựu chiến binh xâm nhập trái phép Nhà Trắng…

Hôm 30/9 vừa qua, thừa nhận trước Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan Mật vụ (SS) Julia Pierson đã thừa nhận rằng, kế hoạch an ninh trong toàn bộ khu vực Nhà Trắng đã không được "thực hiện hợp lý" khi để xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc: vụ một người đàn ông đột nhập vào Nhà Trắng đêm 19/9.  Điều đó có nghĩa là an ninh Nhà Trắng "thất bại trong việc ngăn chặn kẻ lạ tìm cách xâm nhập vào bất cứ lúc nào".

Diễn tiến vụ việc xảy ra không khác gì cảnh đột nhập trong phim. Omar Gonzalez, 42 tuổi, đến từ thành phố Copperas Cove, bang Texas, trước đây đã từng tham chiến trong đội quân viễn chinh Mỹ tại chiến trường Iraq. Gonzalez đã chạy qua cửa trước của Nhà Trắng rồi thoát nhanh vào trong phòng phía Đông, một phòng trưng bày, bên dưới khu ở riêng của Tổng thống Mỹ Obama và gia đình ông chỉ có một tầng. Ngay sau đó, Gonzalez đã bị chặn ở Phòng Xanh, cũng là phòng trưng bày, nhìn ra bãi cỏ phía nam của Nhà Trắng.

Theo tường thuật của các báo, Gonzalez mang theo một con dao nhọn màu đen hiệu Spyderco VG-10 dài 8,9cm có lưỡi răng cưa trong túi quần bên phải phía trước khi đột nhập vào Nhà Trắng.

Dù mật vụ được bố trí tháp tùng, bảo vệ dày đặc nhưng quanh Tổng thống Mỹ Obama vẫn luôn có những lỗ hổng an ninh.

Tổng thống Obama và các con đã rời phòng riêng tại Nhà Trắng bằng trực thăng để tới nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng Trại David ở Maryland, vài phút trước khi xảy ra vụ đột nhập. Gonzalez được cho là người đầu tiên thực sự lọt được vào trong Nhà Trắng, nơi được các tay thiện xạ, chó nghiệp vụ và mật vụ mặc đồng phục bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt.

Giải thích câu hỏi tại sao các đặc vụ Mỹ không bắn hạ đối tượng vượt rào, các phóng viên dẫn lời một nguồn tin trong cuộc nói rằng, đây không phải một vụ tấn công quân sự. Đối tượng không mang theo túi hay balô, không có vũ khí nhìn thấy được. Sau khi bị bắt, Gonzalez nói với một nhân viên mật vụ rằng "ông ta lo ngại bầu trời đang sập xuống và cần thông tin từ Tổng thống Obama để ông ta có thể nói với người dân một lời" - một mật vụ viết trong bản khai. Khi khám xét xe ôtô của Gonzalez, phát hiện đối tượng mang theo 800 viên đạn, một con dao và 2 chiếc rìu nhỏ.

Sáng 30/9, xuất hiện trong phiên xét xử lần đầu tiên tại Tòa án cấp quận tại Washington, Gonzalez bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp và mang theo vũ khí nguy hiểm, có thể gây chết người. Các quan chức an ninh Nhà Trắng cũng cho biết rằng trước đó, vào tháng 7/2014, Gonzalez cũng từng bị bắt giữ với 2 khẩu súng trường và một bản đồ đánh dấu Nhà Trắng. Tháng 8/2014, Gonzalez đã bị chặn lại nhưng không bị bắt giữ khi đi bộ vào Nhà Trắng với chiếc rìu giắt ở thắt lưng

… nhìn lại lịch sử lỗ hổng an ninh của Cơ quan Mật vụ Mỹ

Trước đó 3 hôm lại xảy ra một "lỗ hổng" an ninh khác, khi Tổng thống B. Obama đến thăm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) ở thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia, để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Ebola đang có nguy cơ thâm nhập vào đất Mỹ. Đi cùng trong thang máy với người đứng đầu Nhà Trắng là một người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ của CDC. Kẻ lạ mặt cứ liên tục dùng điện thoại di động chụp ảnh Tổng thống Obama, bất chấp lời cảnh báo của nhóm nhân viên SS đứng xung quanh.

Khi Tổng thống rời thang máy, một vài người thuộc SS quyết định nán lại kiểm tra kẻ khả nghi và phát hiện trong túi quần người này có một khẩu súng lục... Sau đó SS tiến hành xác định qua Trung tâm Lưu trữ dữ liệu hình sự của Sở Cảnh sát Atlanta, cho thấy kẻ trong trang phục nhân viên bảo vệ CDC đã có 3 tiền án về tội hành hung và ẩu đả nơi công cộng.

Khi được Hạ nghị sĩ Jason Chaffetz, dân biểu Cộng hòa của tiểu bang Utah trong COGR hỏi: "Thế Tổng thống có hay biết gì về vụ này không?", Giám đốc J. Pierson đã lảng tránh câu trả lời. "Nếu kẻ khả nghi bóp cò súng thì sự thể sẽ ra sao với đất nước này?!", dân biểu J. Chaffetz thốt lên.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, khi Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân toàn cầu tại Amsterdam (Hà Lan), một đặc vụ SS đã bị Giám đốc J. Pierson quyết định trục xuất ngay về nước, do say xỉn tới mức… gục ngã bất tỉnh trước tiền sảnh khách sạn nơi phái đoàn Mỹ trú ngụ.

Nhật báo The Washington Post dẫn lời ông Ed Donovan, phát ngôn viên SS, xác nhận trường hợp đó chính là "đội phó biệt đội bảo vệ người đứng đầu Nhà Trắng (PPDs), đặc trách đứng sát Tổng thống như hình với bóng ở mọi lúc mọi nơi, sẵn sàng dùng thân mình che chở cho vị nguyên thủ quốc gia"(!).

Giám đốc J. Pierson ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trước khi từ chức.

Hầu hết các sự cố có thể gây nguy hiểm cho Tổng thống Obama đều bị Cơ quan Mật vụ giấu nhẹm để bảo vệ "tính chuyên nghiệp." Tuy nhiên, trong số ra ngày 1/10 vừa qua, tờ báo Telegraph đã phanh phui ra toàn bộ “tính chuyên nghiệp đó được thể hiện qua thái độ tắc trách, lơ là trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo quốc gia của Cơ quan Mật vụ, cụ thể:

Năm 2011, một tay súng xả đạn thẳng vào Nhà Trắng bằng một khẩu súng trường bán tự động. 7 viên đạn găm đều trên những bức tường và cửa sổ phòng ở quan trọng nhất dành riêng cho gia đình Tổng thống. Lúc đó Sasha, con gái nhỏ của Tổng thống Obama đang ở bên trong.

Sau khi thực hiện vụ nổ súng, đối tượng nhanh chóng rời khỏi hiện trường, các nhân viên mật vụ báo cáo có tiếng súng nổ nhưng chỉ huy nói với họ hãy giấu kín.  Mãi 4 ngày sau, một người lao công phát hiện kính vỡ và Cơ quan Mật vụ đã phải thừa nhận Nhà Trắng bị dính đạn. Tổng thống Obama và phu nhân rất tức giận vì cách xử lý tình huống nguy hiểm của các vệ sĩ.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Colombia, có 11 nhân viên mật vụ bị đuổi thẳng cổ về Mỹ sau khi uống rượu say khướt và hú hí với gái mại dâm trong suốt một tuần trước chuyến thăm của ông Obama. Cơ quan Mật vụ hứa "sửa sai" nhưng một sự cố tương tự khiến cả nước Mỹ "muối mặt" đã xảy ra ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan) vào tháng 3 năm nay, khi một nhân viên mật vụ say bí tỉ nằm bẹp dí trong hành lang của một khách sạn.

Đạn đã từng "lạc đường" găm vào nóc Phòng Bầu Dục Nhà Trắng năm 2011.

Chưa đầy một năm sau khi nhậm chức năm 2009, Tổng thống Obama đã tổ chức một buổi dạ tiệc chiêu đãi, rất nhiều các nhân vật quan trọng của Washington đến dự. Nhưng trong số khách mời có 2 người lạ mặt gồm Micheale và Tareq Shalahi, một cặp vợ chồng đến từ bang Virginia ăn mặc lịch lãm nhưng không có giấy mời. Họ dễ dàng đi qua hàng rào Cơ quan Mật vụ, những bức ảnh chụp được công bố sau này cho thấy họ đang mỉm cười cùng với ông Obama và các cố vấn thân tín nhất của ông.

Để người lạ tự do đi vào Nhà Trắng không những phơi bày điểm yếu gây chết người của Cơ quan Mật vụ mà còn làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng về vấn đề đảm bảo an toàn cho Tổng thống Obama cùng gia đình.

Sơ đồ "kể chuyện" Gonzales mang theo dao vượt qua hàng rào bảo vệ, đi vào Nhà Trắng "hỏi thăm" Tổng thống Obama.

Theo báo chí Mỹ, Tổng thống Obama đang phải đối mặt với những lời đe dọa đến tính mạng ở cấp độ cao nhất so với những người tiền nhiệm - kẻ muốn gây nguy hiểm cho ông đều là những tên khủng bố hoặc tín đồ Hồi giáo cực đoan. Sự tắc trách, chủ quan đang làm sứt mẻ uy tín cùng lịch sử đáng tự hào mà Cơ quan Mật vụ đã có.

Ngân sách và tinh giảm biên chế khiến Cơ quan Mật vụ liên tục mắc lỗi?

Theo Thời báo New York, ngân sách và quy mô của Cơ quan Mật vụ đã giảm trong vài năm qua. Năm 2011, cơ quan này có khoảng 6.900 nhân viên biên chế. Hiện nay chỉ còn khoảng 6.700 người. Ngân sách giảm từ 1,9 tỉ USD năm 2012 xuống 1,8 tỉ USD năm 2013, một phần do cắt giảm tự động theo yêu cầu của Quốc hội, và kể từ đó cho đến nay chỉ tăng nhẹ.

Mặc dù tiền không phải là lý do duy nhất dẫn đến những sai sót trong thời gian vừa qua, những người bên trong cơ quan trải lòng chia sẻ: Cắt giảm ngân sách khiến nhân viên kiệt sức, do đó tinh thần chiến đấu không cao và nhiều vị trí "nóng"; "nhạy cảm" không được giám sát chặt chẽ.

Dù nhiều lần bị những kẻ lạ mặt "hỏi thăm" bằng súng, dao và rìu có thể gây ra hậu quả khôn lường, Nhà Trắng vẫn phải lấp liếm và khẳng định vẫn đặt niềm tin vào đội cận vệ tinh nhuệ đang bảo vệ Tổng thống. "Nhiệm vụ đang dần mất đi uy tín và áp lực công việc mà họ phải gánh cũng mất dần uy tín. Cơ quan Mật vụ đang điều tra vụ này và họ sẽ phải thực hiện mọi bước cần thiết để sửa chữa sai sót" - ông Tony Blinken, một cố vấn cấp cao của Tổng thống trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ.

Dưới áp lực từ các nhà lập pháp đến từ cả hai đảng, nữ Giám đốc đầu tiên trong lịch sử 148 năm của Cơ quan Mật vụ Mỹ buộc phải từ chức sau 1 năm 6 tháng làm việc. Bộ trưởng An ninh Nội địa, ông Jeh Johnson đã chấp nhận đơn từ chức đồng thời cho biết đang cân nhắc sẽ bổ nhiệm ông Joseph Clany-nguyên nhân viên mật vụ giàu kinh nghiệm nghỉ hưu từ năm 2011 làm Giám đốc Cơ quan Mật vụ thay cho bà Julia Pierson.

Ông Jeh Johnson cũng cho biết, tuy vậy ông vẫn đang mở rộng phạm vi việc tìm kiếm ứng viên phù hợp nhất để giữ trọng trách lãnh đạo đội "ngự lâm quân" Nhà Trắng gồm 6.700 nhân viên. Đề xuất này đã được Tổng thống Obama chấp thuận

Tường Quyên - Kim Dung - Anh Trúc (tổng hợp)
.
.