Cố vấn Nhà Trắng làm nội gián cho tình báo Liên Xô.

Thứ Sáu, 20/04/2007, 16:30
Là chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, Lauchlin Currie trở thành cố vấn kinh tế của Tổng thống Franklin Roosevelt từ năm 1939 đến năm 1945. Cho đến ngày nay người ta vẫn không hiểu nổi tại sao ông lại làm nội gián cho tình báo Liên Xô.

Thế nhưng khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông bị phát hiện là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô hoạt động trong một đường dây điệp báo có tên gọi Nhóm Silvermaster.

Bị thẩm vấn, điều trần và quản thúc, năm 1954, Lauchlin Currie bị trục xuất vĩnh viễn khỏi lãnh thổ Mỹ. Cho đến khi qua đời vào tháng 12/1993, nguyên nhân khiến ông làm điệp viên nội gián vẫn còn là một bí mật.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II xảy ra, các đề xuất của Lauchlin Currie, từng làm việc tại Cục Dự trữ liên bang và là một trong những người có công lớn trong việc đề ra các chính sách liên quan đến tiền tệ, thuế nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, về cải tiến các chính sách thuế, an sinh xã hội đã giúp cho chính phủ của Tổng thống Roosevelt không những đáp ứng kịp thời các nhu cầu về quân sự cho cả mặt trận châu Âu và châu Á mà còn khiến nền kinh tế Mỹ ổn định và phát triển.

Từ năm 1943 đến năm 1944, ngoài chức vụ Cố vấn kinh tế của Tổng thống Roosevelt, Currie còn được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Kinh tế đối ngoại của chính phủ và là người có công lớn trong tổ chức Hội nghị Tài chính và Tiền tệ thế giới tổ chức tại Bretton Woods vào năm 1944, được xem là cột mốc quan trọng để thành lập Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới sau này.

Khi Chiến tranh thế giới chấm dứt, uy tín của Currie tăng cao đến mức còn được Tổng thống Harry Truman bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang. Thế nhưng mọi việc trở nên xấu đi đối với Currie vào năm 1946 khi Elisabeth Bentley, một nữ điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô, đầu thú với FBI.

Những thông tin do Bentley cung cấp đã giúp FBI phá vỡ một đường dây điệp báo của tình báo Liên Xô hoạt động trên lãnh thổ Mỹ đông đến 80 người, trong đó có nhiều nhân vật chủ chốt làm việc tại các cơ quan trọng yếu của Chính phủ Mỹ như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và cả tại Nhà Trắng. Và điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô tại Nhà Trắng không ai khác hơn là cố vấn kinh tế Lauchlin Currie.

Cũng theo khai báo của Bentley thì Currie nằm trong đường dây điệp báo do Greg Silvermaster phụ trách. Nhóm Silvermaster có nhiệm vụ tuyển dụng các viên chức làm việc tại các cơ quan quan trọng của Chính phủ Mỹ.

Tất cả những thông tin thu thập được về hoạt động kinh tế, quốc phòng, ngoại giao và an ninh của Mỹ đều được Silvermaster tập hợp rồi chuyển giao cho tình báo Liên Xô thông qua Bentley.

Nhờ các hoạt động tích cực của đường dây điệp báo Sivermaster, mà tình báo Liên Xô nắm được các thông tin quan trọng về sức mạnh quân sự của Đức Quốc xã và phát xít Nhật, tình hình sử dụng vũ khí, khí tài của quân đội Mỹ, thông tin về các kế hoạch mở mặt trận trên chiến trường châu Âu và châu Á của Anh, Mỹ...

Các cuộc điều tra của FBI về đường dây điệp báo Silvermaster cho biết Lauchlin Currie được tuyển dụng bởi Silvermaster khi cả hai còn làm việc ở Bộ Tài chính Mỹ. Cả khi được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Roosevelt, Currie vẫn giữ mối liên lạc bí mật với Silvermaster dưới nhiều mật danh khác nhau. Trong khi Silvermaster sử dụng các mật danh Robert, Robbie, Rob thì các mật danh của Currie là Pal, Pul...

Theo điều tra của FBI, thông qua các thông tin được cung cấp bởi Currie mà Chính phủ Liên Xô nắm bắt được việc Mỹ đã cố gắng dùng nỗ lực ngoại giao và cả viện trợ quân sự cho Quốc Dân đảng và Quân giải phóng Trung Quốc để triển khai các mặt trận chống quân Nhật.

Lauchlin Currie và bà Tống Mỹ Linh.

Việc Chính phủ Mỹ bí mật thành lập Lực lượng không quân Hổ bay giúp đào tạo, huấn luyện cho không quân Quốc Dân đảng. Là cố vấn thân cận của Tổng thống Roosevelt, Currie đã tác động để ông Roosevelt buộc các cơ quan tình báo Mỹ trao trả và cả trao đổi với Liên Xô các tài liệu mật đã giải mã và đình chỉ các chiến dịch cài mã lẫn giải mã đối với Liên Xô.

Khi vụ việc bị phát hiện, Currie không những bị FBI thẩm vấn mà còn buộc phải điều trần nhiều lần trước Ủy ban An ninh và Tình báo của Quốc hội Mỹ. Ông thú nhận hành vi hoạt động nội gián của mình nhưng không hề tiết lộ động cơ và khẳng định không phải là đảng viên đảng Cộng sản Mỹ.

Là một quan chức chính phủ tiếng tăm có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế của nước Mỹ nên Currie không bị truy tố nhưng lại bị quản thúc nghiêm ngặt.

Năm 1950, Tổng thống Harry Truman cho phép ông rời Mỹ để đến Colombia làm cố vấn về kinh tế theo đề nghị của nước này. Người ta cho rằng, sở dĩ Chính phủ Mỹ chấp thuận cho Currie đến làm việc tại Colombia là muốn trục xuất vĩnh viễn ông ra khỏi nước Mỹ một cách êm thấm thay vì việc phải truy tố ông sẽ làm rối rắm thêm tình hình.

Quả thật, đến năm 1954, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định không cấp thị thực nhập cảnh cho Currie vào nước Mỹ để buộc ông phải định cư mãi mãi tại Colombia.

Chấp nhận Colombia làm quê hương mới, Currie làm việc hết sức mình để phục vụ quốc gia Nam Mỹ này với tư cách là cố vấn về kinh tế cho chính phủ của các đời Tổng thống Alberto Lleras và Cesar Gaviria. Khi Currie qua đời vào năm 1993, đích thân Tổng thống Gaviria truy tặng ông huân chương cao quý Cruz de Boyaca.

Tên tuổi của Lauchlin Currie có thể được sánh cùng với những nhà tình báo lớn như Kim Philby, Guy Burgess, Sergei Petrov hay Aldrich Ames... Tuy nhiên, nguyên nhân nào khiến một chuyên viên kinh tế nổi tiếng và làm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ như Lauchlin Currie lại làm điệp viên nội gián vẫn còn là một bí mật

Văn Hòa (theo Spy Eye)
.
.