Thảm kịch kinh hoàng trên dãy núi Andes: Cơn bão tử thần

Thứ Tư, 16/03/2016, 20:00
Xế trưa thứ Năm, ngày 12-10-1972, chiếc máy bay Fairchild hai động cơ cánh quạt số hiệu 571 thuê bao của Không quân Uruguay chở theo 5 nhân viên phi hành đoàn cùng 40 hành khách là cầu thủ đội tuyển bóng bầu dục Christian Brothers thuộc Trường cao đẳng Stella Maris cùng bạn bè và thân nhân họ, cất cánh từ thủ đô Montevideo đi Santiago, Chile để tham gia một chương trình thi đấu với đội Old Boys, Santiago.

Ngày hôm sau, ngày 13-10, do gặp bão, máy bay rơi xuống một khu vực hoang vắng phủ đầy tuyết trên dãy núi Andes. Trong số 45 nạn nhân, chỉ có 16 người sống sót. 40 năm sau, một trong những người ấy là Tiến sĩ Roberto Canessa mới cho công bố cuốn hồi ký, kể lại những ngày bi thảm như là cách rũ bỏ nỗi ám ảnh kinh hoàng vì phải ăn thịt bạn bè mình để tồn tại…

Địa ngục trên núi Andes

“Tâm trạng của tất cả những người trên máy bay trước khi nó chuẩn bị cất cánh hoàn toàn vui vẻ và phấn khích…”, Tiến sĩ Roberto Canessa  - khi ấy là sinh viên y khoa năm thứ 2 mở đầu cuốn hồi ký của mình kể về chuyến bay định mệnh: “Các thành viên đội tuyển Christian Brothers cười đùa, ca hát, hứa hẹn với nhau về chiến thắng sắp tới với đội tuyển Old Boys, Chile. Bản thân tôi cũng rất ham mê môn bóng bầu dục nên tôi tình nguyện đi theo với tư cách cổ động viên vì trường cao đẳng Stella Maris là nơi tôi đã từng học. Hơn nữa, cùng đi với tôi còn có mẹ của Lauri Surraco, một người phụ nữ rất xinh đẹp, là người yêu của tôi…”.

Chiếc máy bay Fairchild số hiệu 571 trước ngày gặp nạn.

Do thời tiết xấu, máy bay phải hạ cánh xuống một thành phố nhỏ trên lãnh thổ Argentina là Mendoza. Chiều hôm sau, thứ sáu ngày 13-10, nó tiếp tục bay đến Santiago. Hơn một tiếng từ khi khởi hành, chiếc Fairchild 571 đã ở trên dãy Andes, gần biên giới Chile. Qua khung cửa kính, Roberto Canessa cảm thấy có điều gì đó không ổn. Ông viết: “Nó bay thấp quá. Tôi có thể nhìn rõ từng gờ đá lởm chởm và đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng ở ngay trước mặt. Tôi tự hỏi chẳng biết phi công có nhận ra điều ấy không, hay đó vẫn là cách bay thông thường của họ?”.

Thế rồi đột nhiên máy bay lọt vào một vùng nhiễu động không khí tạo ra bởi một cơn bão. Tất cả những người có mặt trong khoang đều cảm thấy cơ thể hẫng xuống như bị hút vào một cái hố không đáy.

“Giây lát, thân máy bay rung lên bần bật khi phi công cố gắng lấy lại độ cao nhưng chỉ trong tích tắc, tôi nghe vang lên những tiếng động chát chúa. Cánh phải máy bay đập vào vách đá nhô ra trên đỉnh núi khiến nó lộn vòng vì mất thăng bằng. Chưa hết, nó tiếp tục đâm vào đỉnh núi thứ hai khiến cánh trái đứt lìa luôn. Tôi chỉ biết dùng tay ôm chặt lấy đầu, nghe tiếng kim loại bị xé rách và kết thúc bằng một tiếng nổ khủng khiếp. Mắt tôi tối sầm, bụng tôi đau thắt trong lúc thân máy bay lao xuống sườn núi như một chiếc xe trượt băng rồi đột ngột, tất cả im bặt như chưa hề xảy ra chuyện gì”.

Lúc này, xác máy bay nằm ở độ cao 4.200m so với mực nước biển và nhiệt độ bên ngoài là 30 độ âm. Mất vài phút, Roberto Canessa mới biết mình còn sống. Tháo sợi dây an toàn ra khỏi người, ông nhận thấy những hàng ghế phía trước do tác động của lực rơi đã ép sát vào chỗ ông ngồi khiến ông kẹt cứng. Xung quanh vang lên tiếng rên la thê thảm của người bị thương cùng với mùi khói cay nồng của cao su cháy. Nhìn ra phía trước, phần mũi máy bay và buồng lái biến đâu mất còn ở phía sau, phần đuôi cũng chẳng còn, riêng thân máy bay thủng và rách nhiều chỗ.

Roberto Canessa viết: “Bên ngoài là mênh mông tuyết trắng. Không khí loãng nên rất khó thở và rất lạnh. Hết sức cố gắng, tôi xoay nghiêng người lại rồi lần lượt rút từng chân lên. Một ai đó ở sau lưng kéo mạnh chiếc ghế của tôi về phía họ nhằm tạo thêm khoảng trống nhưng cũng phải mất gần 10 phút, tôi mới thoát ra được. Nhìn lại thì đó là Gustavo Zerbino, bạn học chung y khoa với tôi”.

Cùng với Zerbino, Canessa leo qua những đống đổ nát. Rải rác đây đó là những xác chết. “Tôi và Zerbino lay từng người. Cứ một lát, anh ta lại nói “còn sống” hoặc “đã chết”. Tôi đếm tổng cộng được 12 xác, còn phi hành đoàn 5 người là đại tá cơ trưởng Julio Ferradas, trung tá cơ phó Dante Lagurara, trung tá hoa tiêu Ramon Martinez, trung sĩ cơ khí phi hành Carlos Fraga Roque và trung sĩ an ninh Ovidio Joaquin Ramirez  thì chắc đã tan theo buồng lái”.

Một số cầu thủ của đội bóng bầu dục trên máy bay lúc khởi hành.

Trong số 40 hành khách, còn lại 28 người thì phần lớn đều bị thương. Lục tìm trong những vali hành lý, Canessa và Zerbino xé mấy chiếc quần, chiếc áo thành những mảnh vải nhỏ, băng bó và ủ ấm cho họ. Lần đầu tiên trong đời, Canessa tin là có địa ngục và cái địa ngục ấy nằm ngay trước mắt ông: Xăng máy bay chảy lênh láng trên mặt tuyết trắng, tạo thành một lớp băng mỏng màu hồng nhạt mà chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ để biến tất cả những người còn sống thành món thịt nướng.

Khi thần chết tung hoành

Hoàng hôn buông xuống, bóng tối ập đến rất nhanh. Một vài người phát hiện những mảnh vải bằng nỉ bọc ghế ngồi có thể dùng làm chăn đắp nên họ lấy vài miếng kính vỡ, cắt ra từng tấm một. Tất cả nằm cuộn tròn vào nhau trong thân máy bay để giữ ấm. Nhằm giảm bớt những làn gió buốt thấu xương, Antonio, Roy Harley và Rafael Cano đem hết các túi xách, vali hành lý, che chắn thành một bức tường ở phần đuôi máy bay.

Chui vào trong khoang máy bay và mặc dù biết rằng lượng xăng chảy ra đã đông cứng nhưng Canessa vẫn thận trọng dùng lòng bàn tay che cái bật lửa để kiểm tra tình trạng của những người bị thương. Ông viết: “Alfonsin bị một mảnh kim loại đâm xuyên qua lồng ngực. Cô ấy thở khò khè, không ngừng rên xiết vì đau đớn. Hai mẹ con bà Susana và Eugenia - cũng là cổ động viên như tôi - một người mất hẳn một cẳng chân còn người kia thì một phần đầu vỡ toác. Họ không còn đủ sức để rên mà chỉ biết nằm đó nhìn tôi, mắt mở trừng trừng khi tôi rọi bật lửa vào sát mặt họ”.

Càng về khuya, tiếng la hét của Alfonsin càng vang lên không ngớt. Quá căng thẳng, cầu thủ Carlitos quát tháo ầm ĩ, rằng “có phải chỉ một mình cô bị thương thôi đâu”, rằng “cô làm ơn im miệng đi cho chúng tôi nhờ” và rằng “cô có chết thì chết liền đi, chứ đừng bắt chúng tôi phải chết vì những tiếng la hét…”.

Một lát, hình như xấu hổ vì thái độ nóng nảy của mình, Carlitos đến bên cạnh Alfosin, ngồi xuống rồi cầm lấy tay cô gái, cố nhét vào miệng cô một mẩu sô cô la. Canessa viết: “Với số thực phẩm ít ỏi là hộp sô cô la mà chúng tôi tìm được trong một vali hành lý, Antonio tuyên bố sẽ áp dụng chế độ phân phối. Nhưng với hy vọng sẽ được cứu vào ngày hôm sau nên tất cả mọi người - chỉ trừ Javier, vợ của Liliana và Antonio - đã biểu quyết ăn cho bằng hết”.

Khoảng 8 giờ tối, một cầu thủ tên là Francisco Abal chết. Trước lúc qua đời, Abal không ngừng kêu lên mấy tiếng “mẹ ơi”. Nằm cuộn tròn trong một góc, Canessa bắt đầu nhớ lại mọi chuyện và ông cảm thấy may mắn vì đã không bị một thương tích nào. Ông hy vọng chỉ trong buổi sáng mai, các đội cứu hộ sẽ dùng trực thăng, tỏa ra đi tìm chiếc máy bay lâm nạn. Như vậy, có khả năng nhiều người sẽ được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Xác người chết chất thành đống bên ngoài thân máy bay.

“Mặc dù không có máy phát thanh, điện thoại hoặc bất cứ phương tiện liên lạc nào nhưng lúc đó, tôi vẫn ảo tưởng rằng đây là chiếc máy bay to đùng chứ có phải một con chim đâu mà họ không nhìn thấy”. Sau này, khi đã thoát chết, Canessa mới biết do tính toán sai lầm nên trước khi gặp nạn, phi công báo cho Đài kiểm soát không lưu tại Santiago biết là máy bay đang ở trên không phận tỉnh Curico, Chile. Vì vậy, địa điểm thật sự nơi chiếc Fairchild 571 rơi trên đất Argentina thì chẳng ai ngó ngàng đến. Hơn nữa, do thân máy bay sơn màu trắng, trùng với màu tuyết còn những chỗ rách nham nhở màu xám đen, nhìn như những tảng đá nên đội cứu hộ đã bay qua nhiều lần mà vẫn không nhận ra.

Đến sáng, lại thêm người chết là cầu thủ Alexis Alejo Hounie. Canessa viết: “Tôi và Zerbino chỉ còn đủ sức kéo họ ra ngoài, để họ nằm trên mặt tuyết. Chúng tôi lấy áo khoác, áo len của họ để ủ ấm cho những người còn sống. Tôi đoán chúng tôi bị rơi cách thành phố Mendoza - là nơi máy bay đã phải dừng lại hôm qua vì thời tiết xấu - khoảng 450km. Về phía tây, đó là đất nước Chile nhưng ngăn cách chúng tôi với Chile là những dãy núi cao trên dưới 5.000, 6.000m. Nhìn lại thân máy bay, nó nằm ngang sườn núi, 8 cửa sổ quay lên trời với những mảnh vỡ và những bó dây điện chằng chịt”.

Việc di chuyển các xác chết kéo dài đến gần trưa. Lục trong đống hành lý, Canessa tìm thêm được vài chai rượu và mấy thanh kẹo. Ông bẻ ra, chia cho mỗi người một mẩu. Để giữ ấm, ông lấy tuyết rồi dùng các mẩu nhựa nhóm lửa nấu tuyết tan ra thành nước, đút cho những người mất khả năng đi lại. Cố gắng giữ cho mình không hoảng sợ, Canessa liên tục động viên bạn bè bị thương rồi tự tay cào lên mặt tuyết tín hiệu cấp cứu SOS khá lớn. Để máy bay cứu hộ có thể phát hiện, ông chọn những bộ quần áo màu tối cùng những chiếc vali, đặt lên trên dòng chữ này.

Từ đó đến tối, vẫn chẳng thấy chiếc máy bay nào. Con số 28 người nay chỉ còn 25 người. Canessa viết: “Sáng hôm sau, chúng tôi nghe tiếng máy bay phản lực bay trên cao, thấp hơn phía dưới là một chiếc máy bay cánh quạt nhỏ. Những người còn đủ sức khỏe để bò ra ngoài đều nhìn thấy chiếc máy bay cánh quạt lắc cánh vài lần - dấu hiệu cho biết họ đã nhìn thấy chúng tôi (nhưng thật ra viên phi công chẳng hề nhìn thấy gì cả, và những luồng gió mạnh đã khiến cánh máy bay chao đảo). Tất cả mừng rỡ hét lớn rồi khóc òa trong niềm vui sướng tột độ. Chúng tôi tin chắc mình sẽ được cứu, đến nỗi Zerbino nước mắt nước mũi chèm nhẹp nhưng vẫn khẳng định rằng việc đầu tiên khi về đến thành phố, anh ta sẽ ăn ngay một cái bánh piasta - loại bánh làm bằng bột bắp nướng - thật to với nhiều tương ớt và phó mát”.

Nhưng suốt cả ngày hôm đó, vẫn chẳng thấy chiếc máy bay nào quay lại ngoại trừ vài chiếc phản lực thương mại xa tít trên cao, phun ra những làn khói trắng đục rồi tan biến trong bầu trời xanh thẫm. Để trấn an mọi người, Canessa phải nói dối và cũng là tự nói dối với chính mình, rằng muốn cứu họ thì phải cần đến trực thăng vì máy bay cánh bằng làm sao đáp xuống nơi này được! Trong hồi ký, ông viết: “Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Tôi tin đội cấp cứu sẽ đến”.

Ngay sau khi chiếc Fairchild 571 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, ba quốc gia gồm Uruguay, Argentina và Peru đã lập tức gửi máy bay đi tìm kiếm nhưng không phi công nào phát hiện thân chiếc máy bay màu trắng trùng với màu tuyết. 8 ngày sau, tất cả mọi cuộc cứu hộ đều ngừng lại vì các chuyên gia khẳng định chẳng người nào có thể sống sót trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt trên dãy Andes…

Cao Trí – Nhật Minh (theo hồi ký “Câu chuyện của những người sống sót trên dãy Andes”)
.
.