"Con đường tơ lụa trên biển" nối dài tham vọng
Gợi nhớ tuyến hàng hải lịch sử vốn kết nối Trung Quốc với thế giới trong thế kỷ XV, việc đề xuất tái lập một "con đường tơ lụa trên biển" từ cuối năm 2013 cho thấy cách tiếp cận có hệ thống của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng an ninh, chính trị và kinh tế trong khu vực. Nhưng có lẽ vì quá nóng nảy với quá trình giang tay ôm trọn Biển Đông bằng con đường hợp tác kinh tế và thương mại đòi hỏi những ràng buộc pháp lý rõ ràng cùng những khoản đầu tư khổng lồ, nhà cầm quyền Bắc Kinh xoay sang giới nghiên cứu khoa học…
Từ “chiếc bánh vẽ” Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN...
Trong chuyến thăm Malaysia và Indonesia vào tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất tái khôi phục "con đường tơ lụa trên biển" từ nhiều thế kỷ trước nối eo biển Malacca với Biển Đông thành tuyến hàng hải mới của thế kỷ XXI. Để gây thêm hiệu ứng cho đề xuất quan trọng của mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: Chính phủ Bắc Kinh sẵn sàng tài trợ cho các dự án hàng hải liên quan đến ASEAN thông qua tổ chức đầu tư nhà nước của mình là Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN.
Theo một số tờ báo của Trung Quốc, quỹ này trị giá đến 3 tỉ NDT sẽ tập trung đầu tư cho kinh tế hàng hải, nghiên cứu môi trường, cứu hộ và liên lạc trên biển. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 400 tỉ USD. Theo ông Tập Cận Bình, đó là tiền đề thuận lợi cho viễn cảnh phát đạt của "con đường tơ lụa trên biển" vì đến năm 2020, nó có thể đưa kim ngạch thương mại hai bên lên khoảng 1.000 tỉ USD.
Mặc dù không có thông tin chi tiết để hình dung "con đường tơ lụa trên biển" hiện đại sẽ hình thành ra sao, nhiều người đã dự đoán về một mạng lưới các liên kết thương mại và sự kết nối tốt hơn giữa các cảng và các hoạt động hợp tác biển sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc chỉ có hai mục đích tại Ấn Độ Dương là lợi ích kinh tế và an ninh của các tuyến đường biển. Mục tiêu đầu tiên đang đạt được thông qua các giao dịch thương mại với các quốc gia ven Ấn Độ Dương. Về mục đích thứ hai, từ cuối năm 2008, Hải quân Trung Quốc đã tham gia các chiến dịch quân sự quốc tế chống nạn cướp biển tại các vùng biển ngoài khơi Somalia.
Ấn Độ Dương đang trở nên ngày càng quan trọng với các lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng của Trung Quốc, nhất là việc nhập khẩu năng lượng. Trung Quốc hiện nhập khẩu năng lượng từ khắp nơi trên thế giới, và Trung Đông là nguồn nhập khẩu quan trọng nhất. Vì thế, Ấn Độ Dương và an ninh của các tuyến hàng hải - từ eo biển Hormuz đến eo biển Malacca - trở nên rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Ngày nay, những tuyến hàng hải này đang hỗ trợ mạng lưới sản xuất chung của các nước vùng Đông Á, đưa các linh kiện được sản xuất khắp châu Á tới Trung Quốc để lắp ráp và sau đó tái xuất đến châu Âu và Bắc Mỹ.
Cái bắt tay của ông Tập Cận Bình với Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono tại Jakarta, tháng 10/2013. |
Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc đang hợp tác với các nước ven biển trong việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh. Các dự án lớn này, với khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc, có thể thay đổi một cách cơ bản tình hình chính trị và kinh tế của Ấn Độ Dương và làm lợi cho tất cả các nước trong khu vực. Trung Quốc dự tính kế hoạch xây dựng "con đường tơ lụa trên biển" khi thông báo rằng, sẽ ưu tiên xây dựng các hải cảng và cải thiện cơ sở hạ tầng tại các nước ven biển như Bangladesh và Sri Lanka.
Trung Quốc cũng có kế hoạch thành lập các khu vực thương mại tự do tại các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương - một động thái sẽ tăng cường sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và các nước láng giềng của Ấn Độ.
Theo cách nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế ở Đại Lục, sự hồi sinh của "con đường tơ lụa trên biển" sẽ mang lại cho Bắc Kinh cơ hội gây dựng và củng cố vai trò của cộng đồng người Hoa tại khu vực Đông Nam Á. Trong số 50 triệu người Hoa đang sinh sống ở nước ngoài, có tới 32 triệu người đang sống tại Đông Nam Á, chiếm phần lớn số người giàu có tại một số nước ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới sản xuất.
Cộng đồng người Hoa này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho đầu tư của Trung Quốc tại Đông Nam Á như: hỗ trợ phát triển những hải cảng lớn, tìm nguồn ngoài sản xuất công nghiệp, mở rộng kênh phân phối và gây ảnh hưởng đến chính sách đầu tư tài chính của các ngân hàng mà giới doanh nhân Hoa kiều là những cổ đông lớn.
Tuy vậy, đi liền với "những củ cà rốt" sẽ là "các cây gậy". Chưa vội đón nhận món quà hậu hĩnh, các nước láng giềng của Trung Quốc không che giấu sự nghi ngại đối với ý đồ sâu xa của Bắc Kinh rằng, liệu dự án này có đi liền với các ràng buộc chính trị hay không trong bối cảnh Trung Quốc luôn luôn thiếu thiện chí và ngày càng hung hăng trong các hành vi tranh chấp lãnh thổ.
Xung đột lợi ích là nguyên nhân chính khiến các quốc gia ASEAN ngần ngại sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN. Vì vậy, đã gần 3 năm sau khi được thiết lập, ASEAN vẫn chỉ biết rất ít thông tin về quỹ hợp tác hàng hải này. Ngoài thông báo được phổ biến trong các cơ quan chính phủ, cho tới nay Trung Quốc mới chỉ công bố một danh sách các lĩnh vực có thể hợp tác, và danh sách này cũng chỉ được thông báo trên một trang web khiêm tốn của Trung Quốc. Gợi nhớ tuyến hàng hải lịch sử vốn kết nối Trung Quốc với thế giới trong thế kỷ XV, việc đề xuất một con đường tơ lụa mới trên biển cho thấy cách tiếp cận có hệ thống của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng an ninh, chính trị và kinh tế trong khu vực.
Đây được xem là một phần của chiến dịch ve vãn của Trung Quốc đối với các nước ASEAN nhằm khẳng định vị trí của họ và xóa mờ hình ảnh một Trung Quốc luôn ôm mộng bá quyền đối với các quốc gia trong khu vực và nhằm đối phó với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
...đến lượm lặt “di chỉ chủ quyền” trên xác những con tàu đắm
Có lẽ vì quá nóng nảy với quá trình giang tay ôm trọn Biển Đông bằng con đường hợp tác kinh tế và thương mại đòi hỏi những ràng buộc pháp lý rõ ràng cùng những khoản đầu tư khổng lồ, nhà cầm quyền Bắc Kinh xoay sang giới nghiên cứu khoa học, hy vọng những thành quả thuần chất nghiên cứu của họ sẽ là những cơ sở khoa học vững chắc cho "thành ý" vẽ lại "con đường tơ lụa trên biển". Và để được quốc tế công nhận việc làm của mình, Bắc Kinh vừa đề nghị UNESCO Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc công nhận "con đường tơ lụa trên biển".
Trung Quốc thu nhặt các mảnh tàu vỡ dưới Biển Đông để khẳng định sự thống trị của họ đối với “con đường tơ lụa trên biển”. |
Wang Yiping, Giám đốc Cơ quan Di sản văn hóa tỉnh Hải Nam, thông báo: Trong 2 năm tới, Trung Quốc sẽ tiến hành khai quật những xác tàu đắm tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thật ra, việc làm của họ còn đi trước cả lời nói, vì từ đầu năm nay, Trung Quốc đã thường xuyên thực hiện những chuyến khảo sát khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch về một chương trình khảo cổ dưới nước cấp quốc gia, xây dựng một trụ sở làm việc và một bảo tàng về Biển Đông để bảo vệ “Con đường tơ lụa trên biển”, từ đó đưa công trình này vào danh sách di sản thế giới của UNESCO", ông Wang nói.
Từ năm 1990, giới chức Trung Quốc đã xác định vị trí của 136 địa điểm khảo cổ dưới nước ở Biển Đông và ngang nhiên liệt nhiều khu vực trong số này vào "danh sách địa điểm được bảo vệ tầm quốc gia của riêng Trung Quốc". Đến năm 2013, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh củng cố cái gọi là quyền sở hữu hàng ngàn xác tàu nằm trong khu vực Biển Đông, theo tờ The Wall Street Journal. Bắc Kinh đã đào tạo hơn 100 chuyên gia, xây dựng ít nhất 3 viện bảo tàng khảo cổ dưới nước và đầu tư hàng triệu USD cho các chương trình thăm dò để chuẩn bị tiến hành "công tác khảo cổ" ở các vùng tranh chấp trên biển Đông trong năm nay.
The Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát chỉ rõ ý đồ chính trị của Trung Quốc trong các kế hoạch khảo cổ dưới nước này rằng, bấy lâu nay, Bắc Kinh chỉ dựa vào những "bằng chứng lịch sử" vô cùng mơ hồ để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Do đó, họ muốn tìm thêm bằng chứng có thể chứng minh người Trung Quốc đã đến và sống ở khu vực này, từ đó cung cấp cho các cơ quan quốc tế chứng cứ lịch sử chứng minh Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)".
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc mở rộng hoạt động khảo cổ này nhằm… lượm lặt thêm dưới đáy biển những bằng chứng khả dĩ cho tuyên bố chủ quyền phi pháp và phi lý của họ.
Không chỉ tăng cường các hoạt động khảo cổ phi pháp, Trung Quốc còn hung hăng cho tàu công vụ cản trở các bên khác thực hiện dự án khảo cổ trong những khu vực này. Như hồi tháng 4/2012, tàu hải giám và máy bay Trung Quốc đã tiến sát một tàu khảo cổ của Philippines đang hoạt động gần bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham). Lúc đó, nhóm các nhà khảo cổ Philippines đang thăm dò xác một tàu Trung Quốc chìm ngoài khơi Philippines hồi thế kỷ XIII. Sau đó, có thêm 3 tàu Trung Quốc theo sát tàu khảo cổ trong khoảng một tuần và buộc tàu này phải rời khỏi.
Giới chuyên gia cho rằng chính sách chồng chéo giữa chính trị và khảo cổ học của Trung Quốc đã dẫn đến việc lần đầu tiên một quốc gia trong khu vực dùng vũ lực để ngăn chặn dự án khảo cổ dưới nước của một nước khác. Đây cũng là cách hành xử "lấy thịt đè người" để độc chiếm công việc khảo cổ cũng như độc chiếm mọi hình thức khai thác sản vật, tài nguyên trên cả vùng đáy đại dương nằm trong "đường lưỡi bò" vốn là sản phẩm của chứng ảo tưởng ngông cuồng.
“Con đường tơ lụa” là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã hình thành từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu (cách thường gọi là tuyến đường nối giữa Đông và Tây), bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. với tổng chiều dài khoảng 7.000 km. Năm 1972, UNESCO thông qua hiệp ước nhằm mục đích bảo vệ những di tích lịch sử trên thế giới nên ra đề nghị cho 146 quốc gia bỏ phiếu chấp nhận “Con đường tơ lụa” như một di sản của văn minh nhân loại. Để được công nhận như một “di sản quốc tế” thì người ta phải loại bỏ những trở ngại về chính trị, địa lý cũng như nguồn gốc dân tộc. Cũng theo hiệp ước này thì cộng đồng quốc tế phải bảo tồn giá trị những di tích được gọi là có ý nghĩa nhân loại. Trong danh sách di tích lịch sử hiện nay có trên 721 địa danh của trên 100 quốc gia đang được xếp hạng trong đó có “Con đường tơ lụa”. |