Con gái duy nhất của lãnh đạo Xôviết Stalin qua đời tại Mỹ

Thứ Năm, 08/12/2011, 20:40

Svetlana Allilueva (tên tại Mỹ là Lana Peters) ngoài vai trò là con gái duy nhất của lãnh tụ Xôviết Joseph Stalin còn được biết đến với tư cách một nhân vật lịch sử có nhiều mâu thuẫn phức tạp trong cuộc sống. Và đó có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều bi kịch trong cuộc đời đầy thăng trầm và trôi nổi của bà. Bà vừa qua đời lặng lẽ ở tuổi 86 vì căn bệnh ung thư đại tràng.

Trong những ngày tháng cuối đời, bà Svetlana đã sống trong hoàn cảnh cô độc tại một nơi xa xôi của nước Mỹ, thị trấn Richland. Svetlana Stalina sinh ngày 28/2/1926. Năm 1932, cô đã phải đón nhận bất hạnh đầu tiên, khi bà mẹ Nadezda Allilueva (là người vợ thứ hai của Stalin) đã tự sát trong một bối cảnh cho tới giờ vẫn còn nhiều bí ẩn.

Sau khi cha qua đời vào năm 1953, Svetlana đổi sang họ của mẹ. Cô con gái duy nhất của Stalin là một người có tính cách phóng khoáng, thậm chí có phần nổi loạn, nên cuộc sống đằng sau những bức tường cao của Điện Kremli, cũng như những nhà nghỉ quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt đối với cô chẳng khác gì một nhà tù. Hơn nữa, người cha lãnh tụ đối xử với cô con gái cưng duy nhất của mình một cách khá nghiêm khắc, không chấp nhận chuyện tự chọn lựa chồng của cô.

Sự lận đận trong cuộc đời của Svetlana thể hiện rất rõ trong chuyện chồng con. Svetlana lên xe hoa lần đầu tiên vào năm 1944 với Grigori Morozov, một người bạn học cùng lớp với anh trai Vasilia Stalin của cô. Trước khi ly hôn vào năm 1947, cả hai đã kịp có cậu con trai Iosif.

Năm 1949, Svetlana lấy người chồng thứ hai là Yuri Zdanov, con trai của một quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Cô sinh được một cô con gái có tên Ekaterina từ cuộc hôn nhân này. Người chồng thứ ba (dù không chính thức) của cô là một đảng viên Cộng sản Ấn Độ có tên Brajesh Singh.

Svetlana từng tốt nghiệp Khoa Sử, Đại học tổng hợp Moskva (MGU) và làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội. Công việc sau đó của cô chủ yếu là làm phiên dịch tiếng Anh, đảm nhận vai trò một biên tập viên văn học.

Trong thời gian này, Svetlana đã bắt tay vào việc sáng tác. Cuốn hồi ký nhan đề "20 lá thư gửi bạn" của bà, với nhiều nội dung thể hiện cái nhìn bi quan  về xã hội Xôviết,  sau khi được bí mật gửi đi xuất bản tại phương Tây vào năm 1967 đã gây sự chú ý đặc biệt của công luận (Svetlana được người Mỹ trả khoản nhuận bút hậu hĩnh 2,5 triệu USD nhờ cuốn sách trên).

Đúng vào dịp này, Svetlana đã bỏ lại hai đứa con, rời khỏi Liên Xô để tới Ấn Độ với lý do mang tro cốt của chồng thứ ba về quê. Sau đó, bà bất ngờ xuất hiện tại Đại sứ quán Mỹ ở Delhi để xin được cư trú chính trị. Hành động đào thoát của một người có thân phận đặc biệt như Svetlana tất nhiên đã gây ra một làn sóng chỉ trích gay gắt tại Liên Xô.

Stalin đã rất yêu quý cô con gái duy nhất của mình.

Cô con gái Stalin đã tìm cách thanh minh rằng, bản thân có những nguyên nhân chính đáng cho hành động được coi là phản bội này. "Tôi tới Mỹ là vì cơ hội tự thể hiện, một điều không thể có được tại Liên Xô - Svetlana phản ứng trước những chỉ trích - Tôi nghi ngờ rằng, chuyện phân chia giữa những người tư bản và cộng sản là điều không cần thiết. Đối với tôi, đó chỉ là sự tồn tại của hai loại người tốt và xấu". 

Được chính quyền Mỹ cho phép tới định cư tại Princeton (bang New Jersey), Svetlana đã "trả ơn" bằng hành động công khai đốt hộ chiếu Xôviết, tuyên bố sẽ không bao giờ quay trở lại Liên Xô. Ngoài việc quay sang chỉ trích chế độ Xôviết, Svetlana cũng chẳng ngại nói xấu chính cha đẻ của mình.

Năm 1970, Svetlana lấy người chồng thứ tư, một kiến trúc sư người Mỹ có tên William Peters, và đổi tên thành Lana Peters. Cuộc hôn nhân này cũng kết thúc chẳng tốt đẹp gì, khi cả hai quyết định chia tay. Cô con gái chung Olga quyết định ở lại sống với mẹ.

Năm 1984, Svetlana sau một thời gian sống cô đơn đã bất ngờ quay trở lại Liên Xô, mang theo cô con gái không biết nói một câu tiếng Nga nào của mình. Tại Moskva, bà tiếp tục gây chấn động với việc tham gia một cuộc họp báo, trong đó tuyên bố tại phương Tây bà "chưa có một ngày nào được tự do", rằng bà từng chỉ là một món đồ chơi trong tay CIA. Svetlana được các nhà lãnh đạo Xôviết thời đó đón tiếp và ngay lập tức cho phục hồi lại quốc tịch Liên Xô.

Tuy nhiên, Svetlana đã nhanh chóng cảm thấy thất vọng do không tìm được tiếng nói chung với hai người con đã từng bị bà bỏ lại Liên Xô từ năm 1967.  Bà về thăm quê cha (Gruzia) một thời gian rồi nộp đơn lên chính quyền Xôviết xin quay trở lại nước ngoài sống sau gần 2 năm hồi hương. Với sự can thiệp của cá nhân Mikhail Gorbachev, Svetlana được phép rời khỏi Liên Xô. Bà lại tiếp tục cuộc đời lang bạt của mình, sống một thời gian tại một trung tâm dành cho người cao tuổi tại Anh, sau đó tới một tu viện ở Thụy Sĩ.

Một thời gian ngắn sau, Svetlana quay trở lại Mỹ, chấp nhận cuộc sống cô độc tại một nơi gần thành phố Madison (bang Wisconsin), đồng thời luôn từ chối mọi cuộc tiếp xúc với báo chí. Mãi đến mùa hè năm 2007, nhà quay phim trẻ người Mỹ gốc Nga đã may mắn được bà chấp nhận cho gặp. Đoạn băng hình ghi lại cuộc phỏng vấn này đã trở thành cơ sở để nữ phóng viên trên xây dựng một bộ phim tài liệu có tên "Svetlana nói về Svetlana".

Trong suốt cuộc đời mình, Svetlana đã sẵn sàng thay đổi mọi thứ - chồng con, Tổ quốc, quan điểm chính trị và cả tôn giáo - nhưng cuối cùng bà nhận được chủ yếu là sự thất vọng. Phải chăng đó là cái giá phải trả cho một người chẳng ngại phủ nhận cả Tổ quốc cũng như cha đẻ của mình?

Thái Quân (tổng hợp)
.
.