Công dân Liên Xô cuối cùng trên vũ trụ

Thứ Sáu, 28/06/2019, 07:46
Ngày 25-12-1991, Liên bang Xôviết sụp đổ, dẫn đến hệ quả là ngành công nghiệp vũ trụ Nga không còn tiền để đưa Krikalev trở về trái đất. Mãi đến ngày 25-3-1992, sau 311 ngày ở Trạm MIR, Krikalev mới đặt chân xuống nước Nga. Ông được gọi là “công dân Liên Xô cuối cùng trong vũ trụ”…

Ngày 19-5-1991, tàu Soyuz TM12 rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur, Liên bang Xôviết, mang theo 3 phi hành gia gồm Sergei Krikalev, Anatoly Atsebarsky (cả hai là người Nga) và Helen Sharman, người Anh.

Sau 1 tuần ở Trạm vũ trụ Hòa Bình (MIR), Sharman trở lại trái đất. Đến tháng 10-1991, tàu Soyuz TM13 tiếp tục được phóng lên với 3 phi hành gia Toktar Aubarikov, Franz Viehbok và Alexander Volkov. Khi Soyuz TM13 quay về, chỉ còn một mình Sergei Krikalev ở lại.

Ngày 25-12-1991, Liên bang Xôviết sụp đổ, dẫn đến hệ quả là ngành công nghiệp vũ trụ Nga không còn tiền để đưa Krikalev trở về trái đất. Mãi đến ngày 25-3-1992, sau 311 ngày ở Trạm MIR, Krikalev mới đặt chân xuống nước Nga. Ông được gọi là “công dân Liên Xô cuối cùng trong vũ trụ”…

Ở lại trên trời bẩt đắc dĩ

Được chọn để trở thành phi hành gia năm 1985, sau 12 tháng đào tạo, Sergei Krikalev cùng Alexander Volkov, người Nga và Jean Loup Chretien, người Pháp, bay lên Trạm MIR ngày 26-11-1988 bằng tàu Soyuz TM7 với nhiệm vụ lắp đặt 1 mô đun mới, thử nghiệm xe tự hành có người lái. Đến ngày 27-4-1989, họ quay lại trái đất

Tháng 4-1990, Krikalev là phi hành gia dự bị cho tàu Soyuz TM9. Tháng 12-1990, Krikalev được chọn tham gia chuyến bay lên Trạm MIR với tàu Soyuz TM12, khởi hành ngày 19-5-1991.

Lúc ấy, Krikalev không ngờ mình sẽ phải ở lại Trạm MIR 311 ngày trong khi bình thường, các phi hành gia chỉ được huấn luyện để sống trong điều kiện không trọng lực tối đa 180 ngày nhằm tránh bị teo cơ, suy giảm hệ miễn dịch, đột biến tế bào gây nên bệnh ung thư, nhiễm phóng xạ…

Đến tháng 10, tàu Soyuz TM13 tiếp tục được phóng lên. Sau khi kết nối với Trạm MIR rồi tiến hành những nghiên cứu khoa học, 3 phi hành gia Toktar Aubarikov, Franz Viehbok và Alexander Volkov trở về, chỉ còn một mình Krikalev.

Krikalev trên trạm MIR, hai chân ông đã có dấu hiệu teo cơ.

Theo dự kiến, giữa tháng 11, tàu Soyuz TM14 sẽ xuất phát, đón Krikalev quay lại nước Nga. Thay thế ông là 3 phi hành gia khác. Krikalev kể: “Lúc ấy tôi hoàn toàn không có cảm giác cô độc. Với tôi, ở Trạm MIR giống như ở nhà. Tôi đã 6 lần đi bộ ra ngoài không gian để nâng cấp và sửa chữa một số bộ phận. Tôi rất thích hiện tượng không trọng lực và tôi đã học được cách lướt đi mà không đụng chạm vào bất kỳ thứ gì…”.

Thời điểm này, Liên bang Xôviết bắt đầu xuất hiện những bất ổn chính trị qua việc một số nước cộng hòa trong liên bang tuyên bố ly khai. Ngày 25-12-1991, Gorbachev từ chức Chủ tịch Liên Xô. Người thay thế là Boris Yeltsin. Lá cờ Liên bang Xôviết được kéo xuống rồi thay bằng cờ Nga. 1 tuần trước đó, 11 trong 12 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết cùng ký Nghị định thư Alma Ata, tuyên bố độc lập.

Trước những sự kiện ấy, cũng như phần lớn các cơ quan khác, hoạt động của Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Xôviết hầu như tê liệt. Do không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên việc phóng tàu Soyuz TM14 phải dừng lại bởi lẽ sân bay vũ trụ Baikonur lúc này đã thuộc về nước Cộng hòa Kazhakhstan, muốn phóng thì phải trả tiền.

Phi hành gia Krikalev kể: “Từ Trạm MIR, tôi theo dõi các diễn biến trong nước bằng cách kết nối liên lạc với những người chơi radio nghiệp dư ở dưới đất, trong đó đáng kể nhất là Margarit Iaquinto, người Mỹ, đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nga ở Đại học Boston, bang Massachussett, Mỹ. Iaquinto là người điều hành Đài phát thanh AKA Ham Radio. Mỗi ngày một lần, Iaquinto cung cấp cho tôi những thông tin về sự sụp đổ của Liên xô. Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra nhưng tôi biết nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành công nghiệp vũ trụ…”.

Và những nỗ lực bất thành

Một tháng sau ngày Liên Xô sụp đổ, Krikalev yêu cầu Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga đưa ông trở về nhưng nơi đây trả lời rằng không có tiền! Krikalev nói: “Một tháng nữa lại trôi qua nhưng câu trả lời vẫn như thế. Họ biết rằng việc ở lại trạm Mir quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe của tôi nhưng giờ đây đất nước đang gặp khó khăn, tiết kiệm tiền bạc là ưu tiên hàng đầu”. 

Nhiều tờ báo ở Nga cũng lên tiếng về trường hợp của Krikalev, trong đó có tờ Komsomolskaya Pravada: “Một người con của chúng ta đã được đưa lên các vì sao với mục đích phục vụ khoa học, và chưa trở về bởi những lý do hoàn toàn trần tục…”.

Để có tiền thanh toán cho Kazakhstan trong việc bảo trì cơ sở vật chất tại sân bay vũ trụ Baikonur, cũng như để có thể đưa Krikalev trở về, Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga đã “bán chỗ ngồi” trên các chuyến bay lên trạm MIR cho một số nước, trong đó nước Áo trả 7 triệu USD. Riêng Đài Truyền hình Nhật Bản trả 12 triệu USD để một phóng viên của họ được lên Trạm MIR.

Bên cạnh đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga còn tiến hành đàm phán với Kazakhstan, đưa một phi hành gia đầu tiên của Kazakhstan bay vào không gian. Đổi lại, Nga sẽ được phép phóng tàu vũ trụ từ sân bay Baikonur miễn phí.

Bữa ăn đầu tiên của Krikalev trên trái đất.

Tuy nhiên, 2 phi hành gia gồm 1 người Áo và 1 người Kazakhstan lại không đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật để có thể thay thế Krikalev trong việc điều hành hoạt động của Trạm MIR nên Krikalev vẫn phải ở lại. Thậm chí có lúc phía Nga đã đề nghị bán Trạm MIR cho Mỹ nhưng Cơ quan Hàng không Không gian Mỹ NASA do đang có kế hoạch xây dựng Trạm không gian quốc tế ISS nên họ không mặn mà.

Điều may mắn nhất của Krikalev là thông qua những chuyến bay của tàu con thoi Discovery, Mỹ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga đã gửi cho ông đồ tiếp liệu cần thiết để ông duy trì cuộc sống và hoạt động của Trạm MIR. 

Krikalev nói: “Trên Trạm MIR có một mô đun thoát khẩn cấp, gọi là Raduga. Tôi hoàn toàn có thể sử dụng nó để quay về trái đất nhưng nếu tôi làm vậy, Trạm MIR sẽ bị bỏ hoang, sứ mệnh nghiên cứu của nó sẽ chấm dứt. Vì thế, tôi ở lại dù không biết đến khi nào mới có người lên thay thế tôi…”.

Vẫn theo Krikalev, trong những lần nói chuyện với Elena Terekhina, vợ ông, là kỹ sư thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga, Krikalev biết những bất ổn chính trị đã khiến đồng ruble (đơn vị tiền tệ Nga) mất giá. Trước khi Liên Xô sụp đổ, với mức lương 500 ruble mỗi tháng, gia đình ông có thể sống dư giả nhưng sau ngày 25-12-1991, một tài xế xe bus cũng có thể kiếm gấp đôi số tiền này.

Theo bà Elena, bà và cô con gái 2 tuổi đã phải sống rất chật vật nhưng bà chẳng hề hé môi với chồng: “Tôi cố gắng không đề cập với Krikalev về những khó khăn tài chính để tránh cho anh ấy khỏi dằn vặt. Nếu bạn ở địa vị tôi, bạn cũng sẽ làm như vậy…”.

Cuộc sống trên Trạm MIR hoàn toàn không dễ chịu. Do không gian hẹp, lại thêm vô số thiết bị lắp đặt chằng chịt nên các phi hành gia di chuyển rất hạn chế.

Về chuyện ăn uống, ngoài nước, họ có pho mai, súp, thịt nghiền, thịt xông khói, cá, nước sốt, rau, trái cây, kẹo sôcôla, bánh ngọt và loại bánh mì không bị vụn nát khi bẻ ra. Tất cả đều được đóng gói chân không để các vitamin không bị phân hủy. 

Krikalev cho biết trên Trạm MIR còn có cả tủ lạnh lẫn lò vi sóng nên việc chế biến bữa ăn khá dễ dàng: “Cũng như tất cả các phi hành gia khác, mỗi ngày tôi ăn 4 bữa, tổng cộng khoảng 3.200 calo. Ngoài ta, tôi còn có kẹo cao su, người bạn thân thiết vì trong môi trường không trọng lực, nước bọt tiết ra ít, cao răng sẽ phát triển nhiều hơn bình thường. Kẹo cao su giúp tôi hạn chế tình trạng ấy. Bên cạnh đó, tôi còn tập thể dục nhằm làm giảm hiện tượng teo cơ. Có lần tôi đề nghị họ gửi cho tôi ít mật ong nhưng họ bảo mật ong bây giờ là sản phẩm của nước Cộng hòa Latvia, muốn có thì phải mua. Thay vào đó, tôi nhận được chanh và cây cải ngựa…”.

Về nhà và tiếp tục bay

Ngày 25-3-1992, Krikalev trở về trái đất sau khi Cộng hòa Liên bang Đức trả 24 triệu USD để đưa phi hành gia Klaus Dietrich Flade lên Trạm MIR. Theo các nhà báo, lúc được đưa ra khỏi tàu Soyuz TM13, Krikalev trông giống như “một tảng bột ướt nhão” với 4 chữ CCCP và lá cờ đỏ Liên Xô trên cánh tay áo của bộ đồ phi hành. 

Ông được 3 người dìu vì bị chóng mặt rồi sau khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, ông lên máy bay, bay đến Moscow. Trên máy bay, một bác sĩ dọn cho Krikalev bữa ăn gồm 1 ly súp, bánh mì, thịt nguội, trái cây và nước ngọt.  

Trong suốt 311 ngày ở trên Trạm MIR rồi khi đáp xuống vùng ngoại ô Arkalykh, Krikalev mới biết Arkalykh không còn thuộc về Liên bang Xôviết mà thay vào đó, nó nằm trong lãnh thổ nước Cộng hòa Kazakhstan. Krikalev nói một cách hài hước: “May mắn là tôi không bị đòi hỏi thủ tục nhập cảnh”. Thành phố Leningrad nơi ông từng sống, nay là St. Petersburg.

Trước khi lên vũ trụ, Krikalev và phi hành gia Volkov là công dân của cùng một quốc gia nhưng khi trở về, ông là người Nga còn Volkov là người thuộc nước Cộng hòa Ukraine. 

Krikalev nói: “Tôi đã sống ở Nga khi các nước cộng hòa khác còn nằm trong Liên bang Xôviết nhưng hiện tại, Nga là một phần trong Cộng đồng các quốc gia độc lập. Ngày tôi đi, 1 đôla Mỹ đổi được 30 ruble còn lúc tôi về, nó là 120 ruble. Trên vũ trụ, tôi đã cùng Trạm MIR bay 5.000 lần vòng quanh trái đất nhưng giờ đây, lãnh thổ Liên bang Xôviết giảm hơn 5 triệu km2…”.

Tháng 10-1992, Cơ quan Hàng không, không gian Mỹ NASA thông báo tuyển chọn các phi hành gia có kinh nghiệm để thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ trên tàu con thoi, và Krikalev được Cơ quan Vũ trụ Nga đề cử. Ngày 3-2-1994, ông cùng một phi hành gia Mỹ bay 130 vòng quanh trái đất để thực hiện các nghiên cứu khoa học về vật liệu làm lá chắn cho các trạm vũ trụ trong tương lai.

Krikalev (giữa) và các phi hành gia Mỹ trên trạm ISS.

8 ngày sau, Krikalev hạ cánh xuống sân bay vũ trụ Kennedy, bang Florida, Mỹ. Những năm sau đó, ông làm việc tại Trung tâm Không gian Houston, bang Texas, Mỹ, với nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất cho các chuyến bay của tàu con thoi, hợp tác giữa Nga và Mỹ.

Ngày 4-12-1998, Krikalev và Robert Babana (người Mỹ) rời bãi phóng Kennedy trên tàu vũ trụ STS88 Endeavour. Đến ngày 5-12, họ là 2 phi hành gia đầu tiên trên thế giới bước vào Trạm vũ trụ ISS khi họ thực hiện việc ráp nối mô đun Unity của Mỹ với mô đun Zarya của Nga rồi bật đèn chiếu sáng 2 mô đun này.

Ngày 18-3-2000, Krikalev lại cùng 2 phi hành gia Mỹ cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan trong một sứ mệnh được gọi là Expedition 1. Đến ngày 14-4-2005, Krikalev lên Trạm ISS lần thứ 3. Ông làm việc ở trạm suốt 6 tháng rồi trở về trái đất ngày 10-10-2005.

Ngày 15-2-2007, Krikalev được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Tập đoàn tên lửa và không gian Energia, đồng thời là quản trị Trung tâm đào tạo phi hành gia mang tên Yuri Gagarin. Ông nói: “Dù ở đâu, mãi mãi tôi vẫn là phi hành gia cuối cùng của Liên bang Xôviết trên vũ trụ…”.

Vũ Cao (theo Aviation Weekly)
.
.