Cống hiến thầm lặng cho công cuộc chinh phục vũ trụ

Thứ Năm, 15/09/2005, 08:31

Là những người thử nghiệm vũ trụ, họ đã cống hiến cả đời mình cho các thành tựu khai phá vũ trụ của Liên Xô.

Trong biên chế các nhà thử nghiệm tại Trung tâm Huấn luyện các nhà du hành vũ trụ của Liên Xô trước đây và nay là của Nga chỉ có 8 người. Mikhail Novikov và Viktor Ren là 2 trong số 8 nhà thử nghiệm của Trung tâm Huấn luyện các nhà du hành vũ trụ. Sau hơn 30 năm làm việc tại trung tâm, họ đã tham gia vào hơn 200 cuộc thử nghiệm. Trong số đó có hơn 1.000 chuyến bay như trong tình trạng không trọng lượng. Họ đã thử thực hiện trên trái đất những điều kiện mà con người phải chịu đựng trong vũ trụ, trải qua tình trạng không trọng lượng trên máy bay - phòng thí nghiệm, khi nó bay theo quỹ đạo hình parabol.

Người ta cũng kiểm tra trên các nhà thử nghiệm sức bền của cơ thể dưới ảnh hưởng của nhiệt độ cao. Quá trình được tiến hành trong buồng nhiệt. Các nhà thử nghiệm được đưa vào buồng có nhiệt độ 800C, độ ẩm 40%. Cuộc thử nghiệm kết thúc khi nhiệt độ cơ thể của người thử nghiệm đạt đến 390C, còn nhịp tim đạt tới 200 nhịp/phút.

Bản thân các nhà du hành không bao giờ phải chịu đựng những tình trạng tương tự. Có một khái niệm: tải trọng vượt quá giới hạn - đó là những gì các nhà thử nghiệm đã trải qua.

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX, các nhà y học Liên Xô đã phát minh ra cách mô phỏng chuyến bay 8 ngày đêm trên vũ trụ. Mikhail Novikov và Viktor Ren đã được chọn cho cuộc thử nghiệm. Không một nhà du hành nào trên thế giới phải chịu đựng những thử nghiệm tương tự.

Họ mặc bộ quần áo bơm “Forel” dùng để cứu hộ trên biển và lặn xuống nước. Trong vòng một ngày đêm họ nằm không cử động trên mặt nước, chân và vai nhô hơi cao lên, vùng hông hạ thấp. Thân người bị gấp lại và vì thế phổi bị ép mạnh. Thêm vào đó, nước lắc lư làm bộ phận tiền đình bị rối loạn. Sau cuộc thử nghiệm một ngày, họ phải trải qua xét nghiệm y khoa, với mục đích xác định xem con người có thể đứng được bao lâu sau 8 ngày đêm ở trong tình trạng không trọng lượng.

Họ chỉ đứng tối đa được nửa giờ. Cứ 2 phút họ lại được đo huyết áp một lần. Huyết áp bình thường của họ là 120/70. Trong quá trình đứng, huyết áp trên và dưới dần cân bằng nhau. Khi đó các con số đạt mức 100/100, con người rơi vào tình trạng rất hưng phấn, họ bắt đầu cười nói như người điên, và cuối cùng là ngất đi. Không phải tất cả đều chịu được cuộc thử nghiệm trong nửa giờ như vậy. Nhiều người bị ngất ngay lập tức. Chính sau việc thử nghiệm này, các nhà y học đã đi đến kết luận khi các nhà du hành vũ trụ trở về từ quỹ đạo, không bao giờ được để họ đứng lâu trên mặt đất.

Viktor Ren là người phải trải qua thử nghiệm khó chịu nhất vào mùa hè năm 1984. Ông phải thử nghiệm thiết bị mới để đáp xuống dành cho 3 người, diễn ra trong vùng Biển Đen. Ông và cộng sự được đưa xuống bể bơi nằm trên một tàu cứu hộ. Những đợt sóng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt ngày đêm đập vào thân tàu. Con tàu lắc lư đến mức nước từ bể bơi thường xuyên bị trào ra.

Người ta đã phải cấp thêm nước vào tới 5 lần. Họ bị hất tung lên hơn 3m. Sau vài giờ, họ được đưa vào một thiết bị đáp xuống chật hẹp và thả xuống đáy Biển Đen. Trong suốt 3 ngày họ phải ở trong “bình” này. Bên trong đó không thể đứng, ngồi hay đi lại, chỉ có thể nằm trong tư thế như bào thai. Nhiệt độ trong thiết bị đạt tới 380C, độ ẩm là 100%. Nhưng đáng sợ nhất là tiếng va đập của biển, không theo bất cứ quy luật nào.

Sở dĩ cần phải tiến hành những thử nghiệm này vì thiết bị đáp xuống có thể thường xuyên xảy ra những tình huống ngoài dự tính. Trước kia người ta cho rằng, con người trong thiết bị đáp xuống ở dưới đáy biển động mạnh không thể chịu đựng quá 2 ngày đêm còn những người thử nghiệm đã chứng minh được điều ngược lại.

Cho đến giờ các chuyên gia ở nước khác vẫn sử dụng những phương pháp của họ. Trung tâm huấn luyện các nhà du hành vũ trụ Nga là nơi duy nhất trên thế giới có những người phi thường, họ không sợ thực hiện những thử nghiệm mạo hiểm nhất

Hoàng Thương (theo Thanh niên Moskva, Nga)
.
.