Công ty Viễn thông BT Group hỗ trợ chiến dịch drone của Mỹ

Thứ Tư, 12/11/2014, 06:45

Chính quyền Anh đang tiến hành điều tra về cáo buộc Công ty Viễn thông BT Group nước này bí mật hỗ trợ chiến dịch máy bay vũ trang tấn công không người lái (drone) thông qua tuyến cáp quang quân sự kết nối khu căn cứ không quân Mỹ RAF Croughton ở hạt Northamptonshire nằm về phía đông Midlands với căn cứ drone Trại Lemonnier ở Djibouti, nước cộng hòa nhỏ bé nằm trên vùng Sừng châu Phi.

Trại Lemonnier là nơi mà Lầu Năm Góc thành lập căn cứ quan trọng bậc nhất cho các chiến dịch drone gây tranh cãi bên ngoài Afghanistan.

Theo tố cáo của Tổ chức Nhân quyền Reprieve (trụ sở tại Anh), có bằng chứng cho thấy vào năm 2012, BT Group xây dựng tuyến cáp quang trị giá 23 triệu USD để hỗ trợ của Mỹ tiến hành các vụ không kích bằng máy bay không người lái tại Yemen và Somalia.

RAF Croughton được coi là trung tâm chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và hỗ trợ máy tính cho các chiến dịch toàn cầu của quân đội Mỹ. Tuyến cáp quang do BT Group xây dựng có khả năng truyền tải những hình ảnh video thời gian thực và truyền dữ liệu số với tốc độ 2,5 gigabite/giây - tức khoảng 30 lần nhanh hơn tốc độ băng thông rộng nội địa.

Công ty BT Group.

Theo Hãng thông tấn BBC của Anh và tờ Washington Post, Trại Lemonnier ở Djibouti là căn cứ không quân Mỹ được sử dụng để tiến hành các chiến dịch tấn công quân khủng bố ở Yemen và Somalia bằng drone - những chiến dịch bị tố cáo đã giết chết nhiều dân thường. Ngoài ra, Trại Lemonnier cũng tiến hành một số chiến dịch quân sự khác hỗ trợ các quốc gia trong khu vực - bao gồm các sứ mạng nhân đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các tòa nhà chính quyền.

Những cuộc điều tra về ngân sách quốc phòng Mỹ cũng như các tài liệu chiến lược trong 15 năm qua cho thấy Mạng Hệ thống Thông tin Quốc phòng Mỹ (DISN) giúp tạo dựng một học thuyết chiến tranh tập trung vào mạng Internet của Lầu Năm Góc. DISN cũng là xương sống của  Mạng Thông tin Toàn cầu (GIG) - mạng Internet quân sự chuyên dụng được mở rộng đến hơn 3.500 căn cứ Mỹ tại ít nhất 88 quốc gia.

Chiến lược của Mỹ kết nối mọi cuộc giao tiếp, các lực lượng, bộ phận chỉ huy, phương tiện vận tải, vũ khí, hệ thống cảm biến do thám, vệ tinh, radio, mạng máy tính, các cơ quan tình báo và quốc gia đồng minh vào cùng một mạng liên tục. Reaper và Global Hawk đặc biệt sử dụng DISN - nền tảng của các hệ thống quân sự Mỹ như là Hệ thống thu thập thông tin chung trên mặt đất (DCGS) lưu trữ dữ liệu ISR (tình báo, giám sát và do thám) và cơ sở chiến lược gọi là "hợp nhất dữ liệu", tức kết hợp thông tin tình báo từ nhiều nguồn khác nhau nhằm tấn công các mục tiêu chính xác hơn.

Theo các tài liệu mật của Lầu Năm Góc, trong thập niên qua DISN chuyển tải thông tin tình báo cho mọi chiến dịch quân sự trên không, mặt đất và trên biển cũng như các chiến dịch mạng và chia sẻ thông tin mật giữa quân đội, cơ quan tình báo và đồng minh.

Phản đối chiến dịch drone của Mỹ ở Yemen.

Theo hợp đồng xây dựng tuyến cáp quang siêu tốc giữa Lầu Năm Góc và BT Group, hệ thống truyền tải tín hiệu bắt đầu hoạt động từ ngày 12/10/2012 cho đến ngày 14/10/2017. Tuyến cáp không chỉ kết nối Djibouti đến Anh mà còn đến Capodichino, thành phố Naples của Italia - nơi Hải quân Mỹ có các trung tâm chỉ huy châu Âu và châu Phi. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng ở Yemen, có đến 8 cuộc tấn công drone giết chết 71 dân trong đó có cả trẻ em - theo dữ liệu thu thập của Cơ quan Báo chí điều tra Anh (BIJ).

BIJ cho biết đến nay, Mỹ đã thực hiện 60 vụ tấn công bằng Drone từ năm 2012, giết chết 385 người trong đó 47 dân thường và 5 trẻ em. Còn tạp chí Computer Weekly cho biết những cuộc giao tiếp điện tử diễn ra hàng  ngày ở Trại Lemonnier cũng sử dụng dịch vụ của Công ty viễn thông Djibouti Teleco.

Theo hợp đồng của BT Group, dữ liệu liên lạc truyền tải qua tuyến cáp quang được bảo vệ bởi các thiết bị gọi là KG-340 sử dụng thuật toán đặc biệt do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thiết kế nhằm mã hóa thông tin được phân loại tuyệt mật.

Trại Lemonnier, Djibout.

Tổ chức nhân quyền Reprieve cho rằng tuyến cáp quang của BT Group hỗ trợ các chiến dịch drone suốt ngày đêm ở Yemen và Somalia do Không quân Mỹ phối hợp với CIA chỉ huy được coi là một phần trong chương trình "ám sát có mục tiêu" của Washington.

Theo Tổ chức nhân quyền Reprieve thì “những chiến dịch drone này diễn ra bí mật và mập mờ, không có sự giám sát hay giải trình, rõ ràng là đã vi phạm luật pháp quốc tế". Trong khi đó, Anh là một nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế nên phải tuân thủ các quy định về bảo vệ nhân quyền, môi trường cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Reprieve buộc tội BT Group "cố tình không biết" về mục đích sử dụng tuyến cáp quang kết nối căn cứ không quân RAF Croughton đến Cơ quan Tình báo Tín hiệu Anh (GCHQ).

Hiện Reprieve kêu gọi BT Group ngưng cung cấp dịch vụ trong hợp đồng kéo dài 5 năm với chính quyền Mỹ, hoặc sửa đổi hợp đồng để tuyến cáp quang không được sử dụng cho các chiến dịch drone gây tranh cãi cũng như hoạt động do thám hàng loạt bất hợp pháp. Tổ chức này cũng kêu gọi BT Group hành động như nhà cung cấp dịch vụ di động Anh Vodafone, tức là thường xuyên công bố báo cáo minh bạch chi tiết về mức độ hợp tác với các cơ quan tình báo trên thế giới.

Theo luật pháp Anh, căn cứ quân sự Mỹ đặt trên lãnh thổ Anh phải có sự giám sát của đại diện quân đội nước này. Bà Lindis Percy, điều phối viên Tổ chức Chiến dịch giải trình về các căn cứ không quân Mỹ (CAAB) của Anh, cho rằng Quốc hội Anh cần bàn luận về vấn đề căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ nước này

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.