Công viên nước SeaWorld bị cáo buộc giám sát các nhà hoạt động quyền động vật

Thứ Ba, 08/03/2016, 17:40
Các nhà bảo vệ quyền động vật cáo buộc công viên đại dương SeaWorld của Mỹ sử dụng nhân viên giả làm người biểu tình phản đối để giám sát họ, đồng thời cũng nhấn mạnh đây chỉ là một trong nhiều mánh khóe bẩn thỉu nhằm bịt miệng những người chỉ trích.

Thêm vào đó, hình ảnh SeaWorld còn bị ảnh hưởng xấu sau khi bộ phim tài liệu Blackfish được công chiếu năm 2013, trong đó chỉ trích điều kiện nuôi nhốt con cá voi Tilikum đã biến nó trở nên hung dữ và gây ra cái chết cho 3 người.

Cá voi Tilikum tại SeaWorld Orlando, năm 2009.

SeaWorld là tổ hợp các công viên chủ đề động vật đại dương thuộc sở hữu của Công ty SeaWorld Entertainmant, đặt trụ sở tại Orlando bang Florida. Các công viên SeaWorld được xây dựng tại nhiều địa phương trên đất Mỹ - hạt Orange bang Florida, San Dirgo bang California, San Antonio bang Texas và Aurora bang Ohio. Bộ sưu tập động vật biển của SeaWorld – bao gồm cá voi, sư tử biển và cá heo cùng với nhiều loài khác – luôn là đề tài tranh cãi gay gắt trong những năm qua về quyền động vật.

Bộ phim tài liệu Blackfish của đạo diễn Gabriela Cowperthwaite.

Bộ phim tài liệu Blackfish của đạo diễn Gabriela Cowperthwaite được sản xuất (với sự hợp tác của CNN Films) sau khi nữ huấn luyện viên Dawn Therese Brancheau ở SeaWorld Orlando bị một con cá voi sát thủ tên là Tilikum giết chết hồi tháng 2-2010, từ đó càng khiến công chúng “soi” kỹ hoạt động của cụm công viên này, dẫn đến sự sụt giảm thê thảm về lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu của công ty.

Trong tháng 2-2016, con cá heo 12 tuổi tên Dart bất ngờ lăn ra chết mà không rõ nguyên do tại công viên SeaWorld San Antonio. Tháng 6-2015, tờ Orlando Sentinel đưa tin Bộ Nông nghiệp Mỹ điều tra vụ 2 con cá heo chết tại SeaWorld, sau khi một con 7 tuổi bị nghi ngờ chết do viêm phổi. Một bài báo nghiên cứu khoa học cũng ám chỉ SeaWorld đối xử những con cá voi nuôi nhốt của công ty một cách tàn tệ.

Nghiên cứu về SeaWorld - đăng tải trên tờ Journal of Mammalogy Science số tháng 4-2015 - báo cáo giữa những con cá voi sát thủ chào đời ở SeaWorld và những con sống trong tự nhiên đều có tuổi thọ giống nhau, song lại nhấn mạnh rằng những con cá voi trong tình trạng nuôi nhốt phải đối mặt với nguy cơ tử vong khá cao trong 2 giai đoạn: giữa 2 đến 6 tuổi và 11 đến 12 tuổi.

Nhà hoạt động PETA biểu tình chống SeaWorld.

Mới đây, Joel Manby, Giám đốc điều hành SeaWorld – phải lên tiếng thừa nhận công viên đại dương đã và đang sử dụng nhân viên để gián điệp các nhóm bảo vệ quyền động vật như là PETA.

Cũng theo Joel Manby, ban giám đốc SeaWorld đã trực tiếp chỉ đạo “chấm dứt việc sử dụng một số nhân viên giả làm nhà hoạt động bảo vệ động vật”. Tuy nhiên, Joel Manby nhấn mạnh: “Hoạt động này nằm trong những nỗ lực nhằm giữ gìn sự an toàn và an ninh cho các nhân viên, du khách và động vật biển trước những mối đe dọa có thể xảy ra”. SeaWorld khẳng định Paul T. McComb, thành viên bộ phận phụ trách nhân sự tại công viên đại dương ở San Diego,  chính là một trong những “điệp viên” của công ty. Sau khi McComb bị PETA lật tẩy hồi năm 2015, SeaWorld cho biết người này đã được bố trí  làm việc ở bộ phận khác.

Trong vụ McComb, các nhà hoạt động quyền động vật cho biết người này có cuộc sống khác với tên gọi là “Thomas Jones” ít nhất là từ năm 2012. Ban đầu, “Thomas Jones” tìm kiếm thông tin trên Facebook về kế hoạch phát hành bộ phim Blackfish. Sau đó, anh ta tiếp tục moi thông tin từ các nhân viên PETA cũng như những nhà hoạt động quyền động vật. Theo cáo buộc từ PETA, McComb thường xuyên tung những thông điệp mang tính kích động lên mạng xã hội, cố gắng xúi giục những người phản đối “thiêu hủy SeaWorld” và ban đêm quấy rối bên ngoài nhà riêng của các giám đốc điều hành SeaWorld.

Đầu năm 2014, McComb bị bắt giữ cùng với 16 người phản đối khác đã có hành vi ngăn chặn xe hoa của SeaWorld trong lễ hội thường niên Diễu hành Hoa hồng (Rose Parade) đón chào năm mới ở thành phố Pasadena bang California. Nhưng trong khi những người khác bị giam giữ và sau đó phải đóng tiền bảo lãnh tại ngoại thì McComb đã biến mất một cách khó hiểu.

Các nhà hoạt động cho rằng, McComb được bí mật thả ra, không hề bị buộc tội và không hề có tên trong biên bản bắt giữ của cảnh sát Pasadena. Đó là lý do buộc PETA sau đó làm đơn kiện cảnh sát Pasadena. Trong một thông báo, PETA tuyên bố muốn biết rõ có phải SeaWorld “thông đồng” với Sở cảnh sát Pasadena để buộc những người bảo vệ quyền động vật phải im lặng.

Tuy nhiên, cảnh sát Pasadena phủ nhận việc bắt giữ McComb bất chấp sự thật có một bức ảnh chụp cho thấy McComb có mặt trong chiếc xe cảnh sát chở anh ta cùng với một số nhà hoạt động khác.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.