Cuộc chiến gián điệp mới giữa Nga và phương Tây

Chủ Nhật, 22/02/2015, 14:15
Điệp viên Nga đang có mặt khắp châu Âu và triển khai những chiến dịch, kỹ thuật nội gián đã từng được áp dụng hồi Chiến tranh lạnh cách đây mấy chục năm. Phương Tây dường như đã chậm chân hơn một bước và đang đối phó với Nga một cách thụ động.

Cuộc chơi của những điệp viên gây ảnh hưởng dư luận xã hội

Tatjana Zdanoka, Chủ tịch Liên minh Những người nói tiếng Nga ở EU (EURSA), nghị sĩ châu Âu của Latvia, tiết lộ tại một hội nghị về “Chiến tranh lạnh mới” diễn ra tại thủ đô Riga hồi tháng 10/2014 rằng, chính bà đã bị cáo buộc làm gián điệp cho nước Nga.

Đương nhiên, đó chỉ là trò bẩn thỉu của những kẻ gây chia rẽ, thù địch nước Nga ở Latvia. Cơ quan Tình báo Latvia DP đã thông báo đình chỉ điều tra bà Zdanoka vì không có cơ sở.

Những cáo buộc gián điệp như thế đang ngày càng nhiều ở châu Âu, cho thấy một cuộc chiến gián điệp mới đang dần hiện rõ trong tình hình quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rất xấu. Các cơ quan tình báo khắp châu lục đang tăng cường các hoạt động gián điệp, mà chủ yếu là thu thập dữ liệu, nghe lén, đọc trộm.

Trên mặt trận này, người Nga đã triển khai chiến dịch với quy mô  rầm rộ. Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp của Đức báo cáo rằng “đang có sự gia tăng các vụ việc gián điệp từ Nga”, còn Cơ quan Tình báo SAPO của Thụy Điển thì phát đi cảnh báo: Nga đang tăng cường hoạt động của các cơ quan tình báo kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina mở màn.

Điều khiến phương Tây quan tâm hơn cả là việc Nga đã thành công khi áp dụng lại chiến thuật tình báo đã từng sử dụng thời Liên Xô là hoạt động gây ảnh hưởng dư luận xã hội, tức là dùng nội gián tạo nên những tác động đến dư luận, văn hóa, tư tưởng ở các nước phương Tây theo chiều hướng có lợi cho nước Nga. Và đó mới chỉ là một phần trong cả một chiến lược to lớn hơn – thuyết phục phương Tây công nhận quyền thiết lập ảnh hưởng của nước Nga ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Theo các chuyên gia phương Tây, thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã đầu tư hoạt động gián điệp nhắm vào các tờ báo, cơ quan thông tấn và các học giả hàn lâm, và Anh, Mỹ cũng đáp trả bằng giải pháp tương tự. Đến thập niên 70 thế kỷ XX, chiến thuật đó đã không còn sử dụng nữa, nhưng từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nó đã được mang ra áp dụng trở lại.

Tỉ phú Boris Spiegel.

Không chỉ Nga mà các nước phương Tây cũng đã và đang áp dụng chiến thuật tuyên truyền, tác động “gây ảnh hưởng dư luận xã hội”. Thời Chiến tranh lạnh, Đài châu Âu tự do (RFE) do CIA tài trợ trở thành công cụ tâm lý chiến cực kỳ lợi hại, góp phần dẫn đến sự sụp đổ của khối Đông Âu cũ. Còn ngày nay, phương tiện thông tin đa dạng, tình báo tâm lý chiến của phương Tây được tiến hành thông qua các cơ quan báo chí, thông tấn và cả các tổ chức phi chính phủ.

Việc Nga đóng cửa cơ quan đại diện văn hóa, giáo dục của nước Anh tại Moskva và cấm một số tổ chức phi chính phủ phương Tây hoạt động trên đất Nga thời gian qua là bằng chứng cho thấy gián điệp phương Tây núp bóng văn hóa, từ thiện xã hội để tác động đến dư luận xã hội ở Nga, gây ra những vụ biểu tình phản đối mang màu sắc “Mùa xuân Arập” trên đất Nga (cách đây 2 - 3 năm).

Thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã triển khai chiến thuật “gây ảnh hưởng” bằng cách tuyển mộ nội gián là những người phương Tây theo chủ nghĩa cộng sản. Thời đó, những điệp viên “gây ảnh hưởng” đồng ý làm việc cho Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) chủ yếu là vì lý tưởng cộng sản. Còn ngày nay, việc triển khai điệp viên nội gián dễ dàng hơn.

Các chuyên gia tình báo ở một số quốc gia như Thụy Điển, Lithuania,… đồng loạt cho rằng trong 5 năm qua, tình báo Nga đã tăng cường đáng kể các hoạt động gây ảnh hưởng dư luận xã hội, và những hoạt động đó đang ngày càng hiện rõ hơn. Chẳng hạn, Rasa Jukneviciene, một chuyên gia tình báo Lithuania kể rằng, khi nước ông chuẩn bị kế hoạch xây dựng một nhà máy điện vào năm 2012, lập tức các điệp viên “gây ảnh hưởng” của Nga ra tay tác động dư luận chống lại dự án.

Hiện tại, chuyện tương tự cũng đang lặp lại khi Lithuania chuẩn bị xây dựng trạm đầu mối tiếp nhận khí hóa lỏng của EU trong kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Đâu là điệp viên đích thực?

Vấn đề gay go cho các nước châu Âu là: Khi nào thì một người được xem là điệp viên gây ảnh hưởng dư luận xã hội – tức là một người hiểu biết có chủ ý phối hợp các ý kiến của mình với một cơ quan tình báo nước ngoài – và khi nào thì anh ta chỉ đơn giản là một người có cảm tình với nước Nga?

Một trường hợp điển hình là Edgar Savisaar, Thủ tướng Estonia. Ông Savisaar vừa đâm đơn kiện một tờ báo Estonia vì đã gọi ông là một nội gián gây ảnh hưởng dư luận xã hội cho Nga, nhưng tòa án đã bác đơn kiện của ông, vì tin rằng tờ báo kia nói đúng.

Hay như Johan Backman, một nhà xã hội học người Phần Lan, hiện đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội vì rất hăng say ủng hộ, bênh vực nước Nga và còn ghi vào hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội Facebook công việc hiện tại là “Dân biểu tại nước Cộng hòa Nhân dân Donesk” (Đông Ukraina, nơi quân ly khai đang chiến đấu chống quân đội Chính phủ Ukraina thân phương Tây).

Một điệp viên Nga bị bắt và trục xuất khỏi Ba Lan vào tháng 10/2014.

Trường hợp khác, các lãnh đạo của Impressum, một câu lạc bộ thảo luận các vấn đề xã hội được thành lập ở Estonia vào năm 2008 và hiện có chi nhánh tại Latvia, Lithuania, Moldova và Ukraina. Câu lạc bộ này thu hút nhiều thành phần ủng hộ nước Nga tham gia, trong đó có cựu Bộ trưởng Nga, từng bị cấm vào Estonia vì nghi là gián điệp.

Ngay cả một tổ chức chống tân phát xít, bảo vệ quyền công dân là World Without Nazism (WWN) cũng đang bị các cơ quan tình báo vùng Baltic cáo buộc là bình phong cho tình báo Nga, mặc dù không có bằng chứng xác thực nào. Lý do là, WWN được sáng lập cách đây 4 năm bởi một tỉ phú (oligarch) tên là Boris Spiegel, lúc ấy là một thành viên Duma Quốc gia Nga, còn Phó Chủ tịch hiện tại của WWN là một người Do Thái gốc Nga sinh sống ở Latvia, Valery Engel.

Ông Engel cho rằng cáo buộc đó có chủ đích là nhằm làm mất uy tín của tổ chức WWN, bởi vì hoạt động của tổ chức này đã khiến cho người dân các nước vùng Baltic hồi tưởng lại thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó chính quyền các quốc gia này đã tiếp tay hỗ trợ cho phát xít Đức. Nga thuộc về phe chống phát xít, và hiện nay Nga đang đối đầu với NATO, trong khi các quốc gia Baltic này lại là thành viên NATO.

Việc xác định quá nhiều người là điệp viên Nga chỉ vì người đó có quan điểm đồng cảm với Moskva là một việc nguy hiểm. Theo các chuyên gia, việc lạm dụng quá nhiều ngôn từ tuyên truyền nói về các “điệp viên gây ảnh hưởng dư luận xã hội” tự bản thân nó sẽ biến thành thứ vũ khí lợi hại cho tình báo Nga, khiến cho dư luận có cảm giác rằng tác động từ “ảnh hưởng mềm” của nước Nga đang trở thành một thực tế khó tránh khỏi.

Trên thực tế, bất kỳ cơ quan tình báo nào cũng đều sẽ nỗ lực gây tác động tại những quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng. Đối với tình báo Nga, các quốc gia thuộc Liên Xô và khối Đông Âu cũ lại càng phải quan tâm nhiều hơn.

Lẽ đương nhiên là nước Nga cần phải gây ảnh hưởng dư luận xã hội tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, vì đó là những quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia Nga, là nơi có các lợi ích của Nga, có đông cộng đồng người Nga sinh sống.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.