Cuộc chiến gián điệp trên không của Mỹ chống Liên Xô

Thứ Hai, 16/04/2007, 15:00

Nửa sau những năm 50 của thế kỷ trước, hai loại máy bay phản lực do Mỹ chế tạo luôn chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tình báo trên không với Liên Xô. Đấy chính là máy bay oanh tạc chiến lược B-52 do Công ty Boeing nghiên cứu và chế tạo, và máy bay trinh sát trên không U-2 do Công ty Lockheed chế tạo.

Từ tháng 7/1956 đến tháng 5/1960, máy bay trinh sát U-2 đã 24 lần xâm nhập không phận Liên Xô, và chụp ảnh trên diện tích 3,37 km2. Cuốn phim dài 390,2 nghìn mét này đến nay vẫn còn được lưu giữ trong hồ sơ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Giai đoạn hai của cuộc chiến gián điệp trên không với Liên Xô bắt đầu từ tháng 8/1960 đến tháng 5/1972, thời gian này, Lầu Năm Góc đã sử dụng vệ tinh trinh sát để do thám tình báo đối phương.

Tập san "Tuyệt mật" tháng 1 của Liên Xô đã đưa với tiêu đề "Gián điệp trên không", từ đó giúp chúng ta có thể hiểu chi tiết về vấn đề này.

Trinh sát thời kỳ đầu tổn thất rất nghiêm trọng

Ngày 4/7/1956 được xem là ngày mở màn cho chiến dịch tình báo do thám trên không của Mỹ. Máy bay U-2 cất cánh từ căn cứ không quân Wiesbaden của Tây Đức, bay qua Đông Đức, Ba Lan rồi vào Belarus, và sau đó quay trở lại vịnh Phần Lan, thực hiện lần bay đầu tiên xuyên qua toàn bộ không phận Liên Xô, chụp ảnh sân bay quân sự và xưởng đóng tàu tại Leningrad. Ký hiệu của kế hoạch lần này được gọi là “sứ mệnh - 2013”.

Khi đó không quân Liên Xô không có máy bay tiêm kích nào có thể bay được ở độ cao 20.000m, hệ thống phòng không cũng không có tên lửa nào có thể bắn trúng được U-2. Ngày thứ 2, một phi công của CIA, đã lái máy bay U-2 bay qua bầu trời Moskva, nhưng do trời đầy mây nên không thể thu được nhiều tin tức tình báo. Nhưng điều này chí ít đã chứng minh được rằng, máy bay U-2 có thể xâm nhập được vào thủ đô của Liên Xô, nơi mà hệ thống phòng không rất nghiêm ngặt.

Thật ra, kế hoạch trinh sát điện tử và chụp ảnh lãnh thổ Liên Xô của Mỹ bắt đầu từ cuối năm 1946. Khi đó CIA vẫn chưa thành lập nên đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trinh sát đều do máy bay không quân. Những máy bay đã qua cải tiến này được lắp các thiết bị cảm ứng điện từ và máy quay góc độ rộng để có thể tìm kiếm các trạm radar của Liên Xô và phân tích công suất của nó.

Lúc đầu, những máy bay này cất cánh từ Alaska, bay men theo biên giới trên đất liền và trên biển, không xâm nhập sâu vào không phận Liên Xô. Moskva đã phản đối kịch liệt hành động này nhưng không đưa ra bất kỳ hành động chống trả nào.

Cùng với tình hình đối đầu ngày càng gay gắt giữa Liên Xô và Mỹ, người đứng đầu Lầu Năm Góc hạ lệnh, phải tiến hành đi sâu trinh sát lãnh thổ Liên Xô và các nước đồng minh của họ.

Mùa xuân đầu năm 1950, máy bay Mỹ bắt đầu xâm nhập không phận Liên Xô để do thám tình báo nhưng đã gặp tổn  thất rất nặng nề. Đại đa số máy bay trinh sát đã bị Liên Xô hoặc các nước XHCN khác bắn rơi.

Theo thống kê những người thực hiện nhiệm vụ này khoảng 252 người nhưng những người gặp may mắn lại không vượt quá con số 90. Số còn lại hoặc là được cứu thoát hoặc bị bắt làm tù binh, đến nay 138 người vẫn chưa rõ tung tích.

Sự ra đời của máy bay U-2

Tháng 5/1954, Austan lái máy bay oanh tạc RB-47E xuất phát từ Anh, thực hiện trinh sát MurmanskArkhangelsk, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Bắc của Liên Xô. Máy bay này là loại cải tiến của B-47E, tốc độ mỗi giờ đạt 980km, độ cao 1.020m.

Phía Mỹ cho rằng, phần thắng đã nắm chắc trong tay bởi vì tốc độ của MiG-15, máy bay chiến đấu chủ lực của bộ đội phòng không Liên Xô lúc đó còn kém xa so với máy bay chiến đấu của Mỹ, duy chỉ có MiG-17 là có thể đua tốc độ được với B-47E, nhưng MiG-17 năm 1953 mới lần đầu tiên ra mắt.

Lầu Năm Góc đoán rằng việc bay thử của nó vẫn chưa hoàn thành. Người Mỹ không hề biết rằng, 10 ngày trước đó một máy bay Anh do xâm nhập không phận Liên Xô đã đặt không quân Liên Xô vào tình thế báo động đỏ.

Một điểm nữa mà Lầu Năm Góc cũng không thể ngờ đến là lúc đó MiG-17 đã sẵn sàng chờ lệnh tại sân bay Arkhangelsk. MiG-17 đã cất cánh đánh chặn máy bay của Austan và anh ta buộc phải tháo chạy với thân máy bay bị bắn thủng nhiều chỗ. Austan đã phải lái thẳng vào không phận của Phần Lan, vượt qua biên giới Thụy Điển rồi sau đó quay trở lại Anh.

Vụ tai tiếng này đã làm xôn xao dư luận quốc tế. Nhà Trắng đã một phen mất mặt, họ cho rằng cho máy bay gián điệp xâm nhập vào lãnh thổ Liên Xô là quá nguy hiểm và quyết định đình chỉ hoạt động này.

Năm 1954, Lầu Năm Góc hạ lệnh cho không quân triển khai nghiên cứu lĩnh vực vệ tinh trinh sát. Nhưng cố vấn khoa học của Tổng thống Eisenhower, Killian lại rất ủng hộ việc nghiên cứu chế tạo máy bay trinh sát kiểu mới ở tầm cao hơn.

Nhờ lời khuyên của ông, tổng thống  Mỹ đã hạ lệnh cho CIA chứ không phải Lầu Năm Góc phụ trách vấn đề này, và Công ty Lockheed đã tiếp nhận đơn đặt hàng.

Ngày 15/7/1953, Công ty Lockheed đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên. Quá trình bay thử của nó được tiến hành bí mật và khẩn trương. Tháng 3 năm sau, độ cao của nó đã đạt đến 20.200m.

Ngày 1/5, nó được lắp đặt hoàn thiện và vận chuyển tới căn cứ không quân ở Anh. Trước khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát các nước thuộc khối Warsaw, các quan chức Mỹ tuyên bố, Công ty Lockheed bắt đầu đi vào sản xuất một loại máy bay tầm cao để nghiên cứu tia chiếu vũ trụ, tầng khí quyển và dòng khí tầng bình lưu. Nó sẽ phục vụ cho ngành khí tượng Anh.

Ngày 11/6/1956, máy bay U-2 đã bay qua Đông Đức, Tiệp Khắc và Ba Lan để thu thập tình báo và đã đạt được thành công. Tổng thống Eisenhower đã thông qua kế hoạch hành động.

Máy bay U-2 lần cuối cùng xâm nhập vào Liên Xô là ngày 1/5/1960, và bị bắn rơi tại khu vực gần Sverdlovsk; phi công đã kịp nhảy dù, bị bắt làm tù binh. Chuyện này được Liên Xô thông tin với toàn thế giới.

Kế hoạch vệ tinh trinh sát

Máy bay U-2 dần chìm vào lãng quên, các quan chức quân sự Mỹ lại quân tâm việc truyền các tin tức tình báo sau khi vệ tinh đã thu thập truyền về trái đất. Ý tưởng ban đầu là lắp máy quay phim trên vệ tinh, thông qua sóng vô tuyến điện để truyền về các hình ảnh.

Những hình ảnh đó sẽ được đưa vào khoang cách nhiệt. Sau khi khoang cách nhiệt này bay vào tầng khí quyển, nó sẽ tự động bật dù, và kế tiếp máy bay sẽ thu nhận chiếc dù trên độ cao hàng nghìn mét, chính vì vậy cần phải nghiên cứu chế tạo máy quay và phim chuyên dụng trên không.

Tên lửa chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là tên lửa hành trình “Thần sấm”. Lần phóng đầu tiên được thực hiện vào ngày 21/1/1959 nhưng tên lửa vừa bay vào không trung đã nổ tung. Lần phóng thứ hai sau đó một tháng, và kết quả cũng tương tự.

Lần phóng thứ ba mặc dù thành công nhưng do sự cố của thiết bị định giờ nên khoang cách nhiệt không hạ đúng địa điểm đã định mà mất tích trên bầu trời hòn đảo Aspitsbergen Archipelago của Nauy.

Quân đội hai nước Mỹ và Nauy đã triển khai một lực lượng lớn tìm kiếm chiếc khoang cách nhiệt bị mất tích, kết quả là đã bị giới truyền thông phát giác.

Sau này, vệ tinh giải tỏa sự bế tắc của Lầu Năm Góc chính là vệ tinh trinh sát “Kẻ khám phá 13”, nó đã truyền về trái đất những tư liệu và hình ảnh thu được khá chính xác. Từ đó về sau hệ thống vệ tinh trinh sát của Mỹ mới bắt đầu đi vào quỹ đạo.

Trong vòng 12 năm tổng cộng có 144 vệ tinh trinh sát có máy quay phim các loại đã được phóng vào không trung, trong đó có 102 cái hoạt động bình thường. Vệ tinh cuối cùng mọi người có thể biết đến là vệ tinh “Kẻ khám phá 38” được phóng vào tháng 2/1962, các vệ tinh trinh sát sau này đều được coi là bí mật quốc gia.

Triệu Anh Ba (Theo báo nước ngoài)

 

.
.