"Cuộc chiến" giành quyền lực trong nội bộ Mossad

Thứ Ba, 21/07/2009, 15:35
Ngày 25/6 vừa qua, nhật báo Haretz của Israel đưa tin về sự kiện từ chức của Aaron Dichter, Phó giám đốc Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel (Mossad), đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là giới tình báo. Các phương tiện truyền thông ở Israel đều cho đây là dấu hiệu bất ổn trong nội bộ của Mossad dưới thời Meir Dagan làm giám đốc từ năm 2002 cho đến nay.

Dichter không phải là quan chức cao cấp Mossad đầu tiên từ chức mà là vị phó giám đốc thứ tư phải từ chức trong nhiệm kỳ của Dagan.

Tháng 4/2004, Yakov Ergo trở thành Phó giám đốc Mossad đầu tiên trong nhiệm kỳ của Dagan bị buộc phải từ chức do phản đối tệ bè phái trong nội bộ Mossad. Đến tháng 5/2005, Hagar Hadas, một phó giám đốc khác cũng bị buộc phải từ chức vì đã để lộ thông tin về việc Mossad triển khai các điệp vụ trừ khử một số lãnh đạo của phong trào Hamas ở Gaza. Đến tháng 6/2007, Naftali Granot, Phó giám đốc phụ trách các hoạt động đặc biệt của Mossad tại Trung Đông bất ngờ tuyên bố từ chức để phản đối một số biện pháp hành động không hiệu quả của Dagan.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nguyên nhân sự ra đi của Granot là hậu quả của việc tranh giành chiếc ghế giám đốc Mossad với Dagan. Granot là bạn thân của Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak, vốn không ưa gì  Dagan nên đốc thúc Phó thủ tướng Tippi Lizni phế truất Dagan để Granot trở thành người đứng đầu Mossad. Tuy nhiên, do được Thủ tướng Ehud Olmert hậu thuẫn nên Dagan đã tìm cách tống khứ Granot đi. Và nạn nhân mới nhất của cuộc tranh giành quyền lực tuy thầm lặng nhưng rất quyết liệt trong nội bộ Mossad là Aaron Dichter.

Meir Dagan.
“Cuộc chiến”  giành chiếc ghế giám đốc đầy quyền lực của Mossad không chỉ diễn ra trong nội bộ của cơ quan tình báo nổi tiếng này mà cả từ bên ngoài, nhất là khi Dagan bất ngờ tuyên bố là không muốn thấy bất cứ quan chức Mossad nào trở thành người kế nhiệm mình. Theo nhận định của giới tình báo, Dagan muốn ám chỉ đến các nhân vật ngoài Mossad có khả năng sẽ thay thế ông ta trên cương vị giám đốc mới của Mossad là Yuval Diskin, đương nhiệm Chỉ huy Cơ quan An ninh nội địa (Shin Beth), tướng Eliezer Shkedy, Chỉ huy Không quân Israel và Amos Yadlin, Chỉ huy Cơ quan Tình báo quốc phòng Israel. Tại sao Dagan lại có đặc quyền như vậy?

Meir Dagan sinh năm 1945 tại Liên Xô trong một gia đình người Nga gốc Do Thái. Năm 1950, cả gia đình Dagan rời Liên Xô đến định cư tại  Bat Yem, một thành phố cảng ở phía nam thủ đô Tel-Aviv. Năm 1963, Dagan gia nhập quân đội, từng tham gia Cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967 tại bán đảo Sinai và cao nguyên Golan. Là tay chân thân tín của tướng Ariel Sharon, Dagan từng tham gia cuộc xâm lăng Liban do Sharon chỉ huy vào năm 1982. Đến thập niên 90, khi Sharon trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, Dagan được cất nhắc thành tướng của Bộ tổng Tham mưu quân đội Israel. Năm 2002, khi Sharon trở thành Thủ tướng, Dagan được bổ nhiệm làm Giám đốc Mossad mặc cho phản đối của một số quan chức cao cấp của chính phủ.

Trở thành chỉ huy Mossad, Dagan tìm cách loại bỏ dần những tay chân thân tín của vị giám đốc tiền nhiệm là Ephrem Halevy và cách chức những quan chức Mossad cao cấp không cùng quan điểm với mình.

Tình trạng này khiến người ta nhớ lại nạn tranh chấp quyền lực từng làm suy yếu Mossad trong thập niên 50 và được cho là nguyên nhân gây nên cái chết bí ẩn của một chỉ huy Mossad.

Reuven Shiloah (phải).

Vào ngày 4/11/1959, Reuven Shiloah, cố vấn về an ninh tình báo của Thủ tướng David Ben Gurion, được phát hiện chết trong phòng làm việc của căn hộ gia đình ở thủ đô Tel-Aviv. Điều tra của cảnh sát cho biết nạn nhân đã tử vong vì mắc chứng suy tim cấp. Tuy nhiên, những người thân trong gia đình và một số đồng nghiệp đều cho rằng, Shiloah đã bị giết chết mà nguyên nhân có thể từ việc tranh giành chiếc ghế Giám đốc Mossad với Isser Harel, chỉ huy đương nhiệm của Mossad.

Shiloah là người đề xướng việc thành lập một cơ quan tình báo độc lập trực thuộc thủ tướng có tên gọi “Viện tình báo và các nhiệm vụ đặc biệt” (Mossad) và được bổ nhiệm làm chỉ huy đầu tiên của tổ chức tình báo này vào năm 1949.

Tuy nhiên, đến năm 1953, Shiloah bị buộc phải từ chức khi Mossad hoạt động không hiệu quả trong những cuộc săn lùng các tên tội phạm phát xít đào thoát. Một nguyên nhân khác khiến Shiloah phải từ chức là do Ben Gurion thôi làm thủ tướng. Isser Harel, một ngôi sao đang lên của ngành an ninh tình báo Israel, được sự bảo trợ của tân Thủ tướng Moshe Sharett, trở thành chỉ huy Mossad.

Chiến công quan trọng nhất của Mossad dưới thời Harel là truy bắt được tên đồ tể phát xít đào thoát Adolf Eichmann. Tuy nhiên, chiến công này không che lấp được lỗi lầm của Harel là sử dụng ngân sách của Mossad một cách lãng phí và bị nghi vấn tư túi. Lúc đó, cái tên của cựu Giám đốc Shiloah lại xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để trở thành người kế nhiệm của Harel.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đã xảy ra cái chết bí ẩn của Shiloah mà nhiều người cho rằng đã bị giết chết bởi Harel do lo ngại Shiloah sẽ chiếm chiếc ghế giám đốc của mình. Đến năm 1962, Harel mới buộc phải từ chức giám đốc Mossad và được thay thế bằng tướng Meir Amit.

Nếu “cuộc chiến” giành quyền lực trong nội bộ Mossad hiện nay không được giải quyết ổn thỏa, có thể sẽ xảy ra một hay nhiều cái chết bí ẩn như kiểu của cựu Giám đốc Reuven Shiloah và Mossad chắc chắn sẽ suy yếu nghiêm trọng

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.