Cuộc chiến pháp lý dằng dai của một cựu nhân viên NSA
Hôm 10/6, các trang web của Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đều đăng tải thông tin cho biết, cựu nhân viên cao cấp Thomas Drake của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã chính thức thừa nhận tội danh lạm dụng vị trí công tác của mình để lấy thông tin mật từ cơ sở dữ liệu của cơ quan này trao cho báo chí.
Như vậy, cuộc chiến pháp lý dằng dai của một cựu nhân viên NSA với các cơ quan chính quyền Mỹ từ vài năm qua có thể nói đã kết thúc với một thỏa hiệp chấp nhận được của cả hai phía.
Phản bội hay không?
Theo lời của chính Drake, những vấn đề khiến anh ta phải bị cáo buộc một loạt các tội danh đã có lịch sử từ rất lâu, bắt đầu từ mốc lịch sử 11/9/2001. Vào ngày đó, Drake vẫn như mọi khi bắt đầu công việc của mình trên cương vị một nhân viên thuê mướn của NSA, một trong những cơ quan tình báo lớn nhất và được trang bị công nghệ hiện đại nhất của Mỹ.
Drake - một nhà ngôn ngữ học, đồng thời là một chuyên gia lập trình - đã có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mật mã quân sự, làm việc với tư cách nhà thầu của NSA trong một chương trình có mật danh “Jackpot”, chuyên về bảo mật thông tin và làm rõ những điểm yếu trong các phần mềm của cơ quan tình báo này.
Cho đến tận bây giờ, khi mức độ máy tính hóa gần như bao trùm tất cả mọi lĩnh vực, NSA vẫn là thủ lĩnh hàng đầu so với tất cả những người anh em tình báo khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo các chuyên gia, cứ mỗi 6 tiếng đồng hồ, cơ quan gián điệp điện tử hàng đầu nước Mỹ lại thu thập một lượng dữ liệu điện tử tương đương với tất cả các thông tin đang được lưu trữ trong Thư viện Quốc hội Mỹ.
Tính về biên chế, NSA có quân số đông gấp 3 lần Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đồng thời ngốn tới 1/3 “chiếc bánh” ngân sách dành cho toàn thể cộng đồng tình báo. Chỉ riêng việc chi trả hóa đơn tiêu thụ điện, NSA mỗi năm phải bỏ ra hơn 70 triệu USD.
Vào thời điểm Drake vào làm việc tại NSA, cơ quan này đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, chưa thể xác định những xu hướng hoạt động rõ ràng của mình kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. NSA còn không theo kịp với sự xuất hiện và phát triển của điện thoại di động, các thiết bị liên lạc quang học và Internet.
Khi đánh giá về khả năng hoạt động của NSA theo lệnh của tướng Michael Hayden vào năm 1999, các chuyên gia đã đưa ra hai kết luận khá bi quan: cơ quan này đang ngụp lặn "trong vũng bùn của những xung đột quan liêu", trong khi giới lãnh đạo không thể điều khiển có hiệu quả hoạt động của các nhân viên mình.
Drake nhờ vị trí công tác của mình đã được biết về chương trình ThinThread, có mục đích xây dựng một công cụ giám sát liên lạc của những tên khủng bố trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của chúng, phân tích các dữ liệu nhận được để làm rõ những thông tin mới về hoạt động của bọn khủng bố, xác định vị trí ẩn náu của chúng.
Tuy nhiên đến năm 2000, chương trình này - dù đã ngốn tới hàng triệu USD và đã cho một số kết quả hứa hẹn ban đầu - vẫn bị quyết định cho đóng lại. Điều này có liên quan tới việc thay đổi các xu hướng hoạt động ưu tiên của NSA, việc củng cố các nỗ lực chung của cộng đồng tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhưng đáng chú ý nhất phải kể tới đối tượng của cơ quan tình báo điện tử hàng đầu tại Mỹ giờ đây không chỉ còn những tên khủng bố, các điệp viên nước ngoài mà còn cả một số lượng lớn các công dân Mỹ. Các chuyên gia NSA giờ đây phải tiếp nhận và phân tích một số lượng lớn dữ liệu về cuộc sống riêng tư của họ, một hành động rõ ràng đã vi phạm quyền lợi của công dân Mỹ do hiến pháp quy định, cũng như đi ngược lại với luật pháp liên bang.
Để thay thế cho ThinThread, NSA triển khai một chương trình tốn kém hơn có tên Trailblazer nhằm giải quyết những nhiệm vụ tương tự, nhưng ở mức độ công nghệ cao hơn (có chi phí tới hàng trăm triệu USD). Nhưng rồi chương trình này rốt cuộc cũng bị từ bỏ. Nói tóm lại, dù đã tốn hàng trăm triệu USD, nhưng chẳng có một chương trình nào đem lại hiệu quả mong muốn cho NSA.
Cách đây không lâu, một trong những người tham gia soạn thảo chương trình ThinThread là Bill Binney đã kể với báo chí rằng, chương trình được triển khai dưới sự điều hành trực tiếp của ông là nhằm giúp cho các chuyên gia NSA có khả năng theo dõi các kẻ thù của nước Mỹ ở ngoài lãnh thổ nước này, cũng như để theo dõi các cơ quan tình báo nước ngoài, thậm chí cả những công dân Mỹ.
Binney, khi hiểu đó là hành động vi phạm quyền công dân Mỹ, đã phản ứng lại giới lãnh đạo NSA. Thomas Drake cũng là người đứng về phía ông trong cuộc chiến không cân sức này. Hậu quả là Binney đã trở thành mục tiêu của hàng loạt những âm mưu của giới lãnh đạo NSA, khiến ông cuối cùng phải ngồi vào ghế bị cáo.
Còn Drake trong thời gian còn đang làm việc cho NSA đã bí mật cung cấp cho các nghị sĩ Mỹ thông tin về hoạt động của cơ quan mình. Kết quả là anh ta trở thành nguồn nặc danh cung cấp thông tin mật cho hàng loạt các thành viên thuộc nhiều ủy ban khác nhau của Quốc hội, tham gia điều tra sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan tình báo liên quan đến sự kiện 11/9.
Cụ thể, Drake đã trao cho các nghị sĩ những tài liệu tuyệt mật về nhược điểm trong hoạt động của NSA. Drake cho rằng, NSA đã không cung cấp cho các cơ quan tình báo khác thông tin về âm mưu khủng bố quy mô mà cơ quan này đã thu nhận được trước thời điểm 11/9/2001.
Tại NSA khi đó đã tồn tại những luật lệ nghiêm ngặt được giới chức lãnh đạo định ra về quan hệ của các nhân viên với các nhà lập pháp. Năm 2002, chỉ huy của Drake là Maureen Baginski (người đứng đầu bộ phận tình báo điện tử) đã cảnh báo anh ta rằng, bộ phận an ninh nội bộ đang tìm kiếm những nguồn rò rỉ thông tin và đề xuất phải thay thế vị trí làm việc. Chẳng bao lâu, Drake được chuyển sang một vị trí công tác khác tại NSA.
Cuối năm 2005, NSA trở thành đối tượng của một vụ bê bối liên quan đến hoạt động thu thập thông tin cá nhân của người dân Mỹ. Vụ này được khởi xướng sau khi báo chí đăng tải thông tin về việc các nhân viên NSA tham gia hoạt động theo dõi người dân Mỹ. Tổng thống George Bush khi đó đã gọi vụ rò rỉ thông tin này là "một hành động nhục nhã", đồng thời chỉ thị bằng mọi cách phải tìm ra nguồn rò rỉ trên.
Mặt khác, Tổng thống Bush và các quan chức cao cấp của chính quyền đã ra sức cam kết với công luận Mỹ rằng, chương trình giám sát do NSA thực hiện hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Dù vậy, họ vẫn "lỡ lời" khi nói thêm rằng, vẫn cần phải bổ sung thêm một số điều khoản mới vào các đạo luật hiện hành, do các điều khoản về giám sát truyền thông điện tử không cho phép các cơ quan mật vụ có thể phản ứng nhanh chóng trước những mối đe dọa từ phía chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Washington còn bào chữa rằng, việc giám sát điện tử của NSA trên lãnh thổ Mỹ chỉ tiến hành trong trường hợp một trong các thuê bao có liên quan đang ở nước ngoài.
Trên cơ sở vụ bê bối trên, Drake khẳng định rằng, các chính trị gia đã lừa dối nhân dân Mỹ một cách trắng trợn. Ông cũng cho rằng, việc cung cấp cho báo chí thông tin chính xác về những sai lầm trong hoạt động của NSA sẽ không vi phạm pháp luật, cùng lắm chỉ dẫn tới nguy cơ mất việc làm. Người cha của 4 đứa con (một đứa trong số này mắc bệnh nan y) đã xác định rõ ràng về mặt tinh thần cho hành động của mình. Thế là Drake tìm cách liên hệ cung cấp tài liệu mật cho phóng viên Siobhan Gorman của tờ Baltimor Sun và sau đó đến Diane Roark, thành viên Ủy ban Tình báo của Hạ viện, chuyên chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của NSA.
Những cáo buộc và thoả hiệp
Sau khi mọi chuyện bị vỡ lở, Drake dưới áp lực của giới lãnh đạo NSA đã bị sa thải, chuyển sang làm việc tại một trong các trung tâm thương mại của Tập đoàn Apple. Bản cáo trạng đầu tiên chống lại Thoma Drake được òa án Baltomor đưa ra vào ngày 10/4 năm ngoái có tổng cộng 10 tội danh - 5 trong số này liên quan đến vi phạm đạo luật về hoạt động gián điệp, 4 tội danh cung cấp lời khai giả, còn lại là do cố tình không hợp tác cũng như ngăn cản điều tra.
Trong suốt quá trình điều tra, chuyên gia máy tính này khẳng định không giao cho phóng viên bất cứ thông tin mật nào, đồng thời kiên quyết khước từ việc thừa nhận tội danh cung cấp thông tin mật về hoạt động của NSA. Theo những cáo buộc ban đầu về các hành vi của mình, Drake có khả năng phải nhận bản án 35 năm tù cùng với khoản tiền nộp phạt 250.000USD.
Trụ sở của NSA. |
Theo kế hoạch, những phiên xử tiếp theo đã được ấn định vào ngày 13/6 năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì đã được tiến hành sớm hơn 4 ngày. Dưới áp lực của các điều tra viên, công tố viên cũng như các luật sư bào chữa, Drake đã đồng ý thừa nhận duy nhất một tội danh nhất định: sử dụng trái phép mạng máy tính của NSA, vi phạm các nguyên tắc bảo mật, lưu giữ thông tin mật đã lấy ở cơ quan tại nhà.
Nhờ kết quả của thỏa thuận này, tòa án đã gỡ bỏ những cáo buộc đối với Drake về 9 tội danh còn lại. Còn theo như báo chí Mỹ, tòa còn có thể không yêu cầu bỏ tù Drake. Nói tóm lại, Drake sẽ không bị buộc tội hoạt động gián điệp hay gây tổn hại đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ. Trong khi các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ về phần mình lại khẳng định rằng, hành động của cựu chuyên gia NSA (thông báo cho các chính trị gia và công luận Mỹ về những sai sót và nhược điểm trong cơ quan mình) chỉ có tác dụng củng cố thêm an ninh cho nước Mỹ.
Dù sao theo luật pháp hiện hành, cựu nhân viên 54 tuổi của NSA với những vi phạm đã thừa nhận trên vẫn có khả năng phải nhận bản án 1 năm tù cùng khoản tiền nộp phạt 100.000USD. Dự kiến, bản án cuối cùng đối với Drake sẽ chính thức được tuyên vào ngày 15/7 tới.
Theo khẳng định của các điều tra viên, Drake bằng hành vi phạm tội của mình đã gây nguy hiểm tính mạng cho nhiều quân nhân Mỹ. Còn các quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho rằng, tất cả những trường hợp tiết lộ thông tin mật tương tự như trên dù thế nào cũng phải bị truy tố hình sự. Như theo tuyên bố của trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Lanny Breuer: "Không ai có quyền vi phạm luật pháp và phổ biến thông tin mật chỉ vì anh ta muốn như vậy". Ông này cũng nhận xét thêm, trong những trường hợp như vậy "chính trị không nên có bất cứ một vai trò gì".
Từ trước đó, cuộc chiến của chính quyền chống lại việc phổ biến thông tin mật thật ra đã lên tới mức đỉnh điểm từ thời của George Bush. Bản thân ông Bush khi đó đã đặc biệt chú ý tới vấn đề này. Vào thời đó, ngay cả trợ lý thân cận nhất của ông Bush - Phó tổng thống Dick Cheney - cũng từng bị triệu ra tòa vì vấn đề trên. Tuy nhiên báo chí Mỹ khi đó đã khẳng định, Phó tổng thống để tiết lộ thông tin vì những mục đích chính trị, và cơ bản là ông ta đã làm điều này với sự cho phép của Nhà Trắng.
Ngay khi mới lên nắm quyền, chính quyền của đảng Dân chủ đứng đầu là Tổng thống Barack Obama đã công khai tuyên bố về xu hướng "cởi mở tối đa" trong hoạt động của chính phủ. Bản thân Tổng thống Obama đã không ít lần khẳng định, việc phanh phui trên báo chí thông tin về những hành động bất hợp pháp của các cơ quan tình báo cũng như chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh quốc gia chỉ giúp cho chính phủ củng cố nền dân chủ trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống đất nước và đấu tranh chống nạn quan liêu và tham nhũng.
Ông này cũng nói rằng, hành động của "những người huýt gió" - cách gọi tại Mỹ đối với những người tiết lộ trước công luận thông tin về hoạt động của cơ quan mình - là hành động của "lòng dũng cảm và yêu nước". Cũng theo lời ông Obama, những con người này "cần phải được cổ vũ chứ không nên trấn áp".
Tuy nhiên với những động thái mới này từ phiên tòa xét xử Thomas Drake, chính quyền Obama dường như đã đi ngược lại những tuyên bố trước đó, tiếp tục đi theo "lối mòn" của Bush để ngăn chặn mọi khả năng rò rỉ thông tin bằng mọi biện pháp, kể cả bằng truy tố hình sự. Cụ thể là chính quyền đương nhiệm vẫn không ngại ngần trừng phạt những công dân đã dám phơi bày mặt trái của các cơ quan chính quyền từ thời Bush như Thomas Drake.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phiên tòa chống lại Drake xét theo nhiều nguyên nhân chính trị chủ yếu sẽ có bản án được giảm nhẹ đáng kể. Trước đó, theo khẳng định của báo chí Mỹ, việc Thomas Darke bị xét xử nghiêm khắc chắc chắn sẽ châm ngòi cho một làn sóng căng thẳng mới trong quan hệ của các phương tiện truyền thông đại chúng với chính quyền Mỹ. Đó là lý do khiến Washington rất có thể sẽ không dám mạnh tay với cựu nhân viên tình báo từ NSA