Cuộc chiến quanh báo cáo tra tấn của CIA:

CIA đối đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện

Thứ Sáu, 30/09/2016, 12:25
Cuộc chiến xung quanh việc công bố báo cáo điều tra về chương trình tra tấn của CIA có lẽ đã bắt đầu ngay từ khi nó chưa được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Nếu tất cả những gì ông Daniel Jones phát hiện đã được ghi chép đầy đủ trong bản báo cáo mà được tung hê ra trước Quốc hội, trước Chính phủ và công chúng Mỹ, thì nước Mỹ điêu đứng và CIA sẽ tiêu tan.

Vì thế, CIA đã phát động một chiến dịch chặn việc Ủy ban Tình báo Thượng viện cho công bố bản báo cáo điều tra của Jones. CIA đã không ngại sử dụng thủ đoạn nào, kể cả việc "gián điệp" ngay chính cơ quan giám sát mình là Ủy ban Tình báo Quốc hội. 

Báo cáo Panetta - bài tẩy của CIA

Tháng 2-2013, người tâm phúc của ông Obama, John Brennan, được ông đề cử giữ chức Giám đốc CIA thay thế ông David Petraeus đã từ nhiệm do dính bê bối tình ái. Ngày 7-2-2013, Quốc hội tổ chức phiên họp phê chuẩn Brennan. Cho đến thời điểm này, CIA không còn phải lo sợ chuyện bị truy cứu trách nhiệm gì nữa.

Thượng nghị sĩ Harry Reid đã yêu cầu John Brennan xin lỗi.

Vụ điều tra của Durham đã chấm dứt từ mùa hè năm 2012 mà không có ai bị truy tố cả, còn vấn đề tra tấn thì chẳng bao giờ có chuyện truy cứu hình sự và chuyện còn lại là công chúng có cần được đọc bản báo cáo của Jones hay không.

Tại cuộc điều trần phê chuẩn chức danh Giám đốc CIA, Ủy ban Tình báo Thượng viện muốn ông Brennan thể hiện thái độ của mình đối với cuộc điều tra. Suốt cuộc điều trần, ông Brennan cứ tìm cách lập lờ về chuyện tra tấn. Mặc dù là Phó Giám đốc điều hành của CIA khi chương trình bắt đầu được triển khai, nhưng ông đã cố gắng thể hiện mình biết "càng ít càng tốt" về chương trình này.

Brennan thừa nhận hình thức "ván nước" (trói nghi can nằm ngửa lên tấm ván rồi đổ nước vào mặt liên tục) thật đáng sợ, nhưng lại không chịu gọi nó là tra tấn. Ông chỉ hứa với Ủy ban Tình báo sẽ thể hiện "quan điểm đầy đủ và trung thực" sau khi đã đọc xong báo cáo tra tấn, nhưng từ chối giải mật báo cáo ngay.

Yêu cầu giải mật của Ủy ban Tình báo đã không được đáp ứng. Tuy nhiên, ngày 27-6-2013, CIA lại gửi phản hồi dài 100 trang giấy đưa ra hàng loạt lý lẽ phản bác các kết luận của Thượng viện về chương trình tra tấn, trong đó có kết luận cho rằng "tra tấn không giúp thu được thông tin tình báo độc nhất có thể giúp ngăn chặn được các âm mưu khủng bố, bắt giữ nghi can khủng bố hoặc cứu được nhiều mạng người".

CIA ngụy biện rằng, kết luận như thế sẽ khiến cơ quan này "chống lại sự giám sát nội bộ lẫn bên ngoài và sẽ cố ý nói dối Quốc hội, Chính phủ, giới truyền thông và nhân dân Mỹ" về chương trình tra tấn. CIA cũng phản bác kết luận cho rằng cơ quan này đã nói dối về chương trình tra tấn, cho rằng các dữ liệu chứng cứ không thể chứng minh điều đó. Lý lẽ của CIA khiến ông Jones sửng sốt.

Để chống lại bản báo cáo điều tra của SSCI, CIA đã tự mình thực hiện một bản báo cáo riêng. Bản báo cáo này được gọi là Báo cáo Panetta (Panetta Review) bởi vì nó được thực hiện theo yêu cầu của ông Panetta ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc CIA vào thời điểm Tổng thống Obama ra lệnh dẹp chương trình tra tấn. Bản báo cáo tóm lược thông tin về hoạt động luân chuyển tù nhân, giam giữ và tra tấn hỏi cung để phục vụ cho Giám đốc Panetta.

Dự thảo báo cáo được soạn thành hai phiên bản, một bằng văn bản Microsoft Word, cho phép người đọc chỉnh sửa và người xem sau có thể thấy được những chỉnh sửa đó, và một thể hiện bằng văn bản PDF.

Phiên bản cuối cùng của Báo cáo Panetta dài hơn 1.000 trang. CIA đã trình bày báo cáo của mình làm "tài liệu tóm lược cung cấp cho Ủy ban Tình báo…", trong đó nêu bật những thông tin có giá trị chứa đựng trong hàng triệu trang tư liệu mật trong kho lưu trữ. Tuy nhiên, ông Jones cho rằng cách diễn tả đó của CIA là thiếu chính xác, nói chung là ngụy tạo. Toàn bộ thông tin trong Báo cáo Panetta hầu như chỉ là những mô tả giản đơn theo kiểu "Đây là cuộc hỏi cung Abu Zubaydah", "Đây là Khalid Sheikh Mohammed",…

Đây là một sự cung cấp thông tin thiếu chính xác cho Tổng thống Obama như CIA đã từng làm dưới thời Tổng thống George W. Bush. CIA từng có lịch sử bưng bít thông tin, hủy chứng cứ, như vụ đốt 2 cuộn băng video hồi năm 2005. Đó cũng là lý do Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ lập ra SSCI và giao cho Daniel Jones chủ trì điều tra gần 6 năm trời. Và CIA cũng từng thủ tiêu hơn 900 trang tài liệu đã cung cấp cho nhóm của Jones nghiên cứu trong quá trình điều tra.

Từ tháng 8 đến tháng 9-2013, Jones đã có hàng chục cuộc gặp kéo dài hàng giờ với các quan chức CIA nhằm xoa dịu sự chống đối của họ đối với những điều ông phát hiện được trong quá trình điều tra và đưa vào bản báo cáo đóng dấu mật dày 6.700 trang gửi cho Ủy ban Tình báo. Tháng 9-2013, Jones báo với bà Feinstein rằng, nếu cứ tiếp tục các cuộc thảo luận "chay" (không có tư liệu trong tay) sẽ không mang lại kết quả gì.

Bà Feinstein lúc này lại lo là ông Jones quá quan tâm bản báo cáo nên có thể thiếu khách quan nhưng bà ủng hộ quyết định của ông ấy. Do bản báo cáo hiện tại đang bị "kẹt", bà Feinstein trao cho Jones một thử thách mới: làm lại báo cáo, đưa thêm những nội dung mới về phản ứng của CIA, đồng thời chú thích dưới chân trang những chỗ được cho là lập luận sai của CIA. Kết quả là báo cáo đội thêm… hàng trăm trang.

Ngay trước lễ Tạ ơn, tháng 11-2013, bà Feinstein chính thức yêu cầu Giám đốc CIA John Brennan cung cấp toàn bộ bản Báo cáo Panetta dài 1.000 trang. CIA không đáp ứng. Đến lượt các đồng minh của bà Feinstein trong Ủy ban Tình báo lên tiếng gây áp lực mạnh hơn. Vào ngày 17-12-2013, CIA đề cử luật sư trưởng mới, Caroline Krass và đưa sang cho Ủy ban Tình báo phê chuẩn. Tại cuộc điều trần, Thượng nghị sĩ Mark Udall là người đầu tiên đề cập sự tồn tại của Báo cáo Panetta và yêu cầu công bố công khai.

CIA do thám người của Thượng viện

Có một việc mà cả Jones, bà Feinstein và ông Udall đều không hay biết. Đó là việc CIA đã bí mật theo dõi mọi hoạt động của Ủy ban Tình báo và nhóm điều tra của Jones. Từ năm 2009, CIA đã tạo một mạng vi tính nội bộ bảo mật an ninh dành cho việc nghiên cứu tài liệu của Ủy ban Điều tra SSCI. Mạng vi tính này có tên gọi là RDINet.

Chánh Văn phòng Nhà Trắng Denis MacDonough.

Theo thỏa thuận, CIA không được truy cập vào khu vực mạng của SSCI dù vì bất cứ lý do gì, nếu không có sự hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật viên công nghệ thông tin do CIA thuê phục vụ cuộc điều tra.

Nhưng có ít nhất 5 quan chức CIA đã tự ý vượt tường lửa vào xem công việc của nhóm điều tra và chỉnh sửa lại các thư điện tử của Jones. Mục đích của việc theo dõi này được lý giải là để bảo đảm nhóm điều tra có tìm cách thu thập thông tin từ Báo cáo Panetta hay không. Đó là một hành động cực đoan và nó đã gây ra phản ứng giận dữ ở Thượng viện.

Bắt đầu từ ngày 9-1-2014, các quan chức CIA đã tạo ra một "tài khoản ma" (tài khoản Internet giả, hư cấu) để giám sát mạng máy tính, một việc vi phạm thỏa thuận năm 2009 giữa SSCI và CIA. Từ tài khoản này, các quan chức CIA lục tìm trong mạng máy tính phần sử dụng của SSCI và tìm thấy Báo cáo Panetta. Ngày hôm sau, họ lại lục tìm trong mạng máy tính phần của họ sử dụng thì không tìm thấy Báo cáo Panetta. Nghi ngờ bị bẻ khóa đột nhập, họ thực hiện các bước sàng lọc lịch sử truy cập mà không thông báo cho nhóm điều tra biết.

Giám đốc CIA Brennan đã được báo cáo ngay lập tức về vụ vượt tường lửa theo dõi nhóm điều tra. Vì thế các nhà điều tra nghi ngờ có sự chỉ đạo của Brennan đối với hành động lục soát mạng máy tính của nhóm quan chức CIA nói trên, nhưng ông Brennan chối bỏ việc này. Ngày 11-1-2014, một quan chức CIA được xác định là Darrin Hostetler nói với phóng viên báo Vice News rằng Brennan đã thảo luận vấn đề vượt tường lửa với Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, một đồng minh của Brennan.

Hostetler khẳng định Brennan từng ra lệnh cho ông làm việc tương tự. Ngày 13-1, Meroe Park, nhân vật số 3 trong CIA đã triệu tập một cuộc họp để thảo luận vấn đề Thượng viện đã lấy được Báo cáo Panetta, vì ông Brennan cần biết rõ việc này. Ngay ngày hôm sau, ông Brennan đã biết được nội dung cuộc họp và quan trọng hơn là có sự tham gia của Trung tâm Phản gián trong hoạt động theo dõi Thượng viện, vì thế ông ra lệnh dừng hoạt động của "tài khoản ma" ngay.

Ngày 15-1, Brennan triệu tập cuộc họp thảo luận khẩn cấp với bà Feinstein và ủy viên Ủy ban Tình báo Saxby Chambliss. Cuộc họp diễn ra trong một căn phòng kín ở Thượng viện. Brennan đi cùng luật sư trưởng của CIA Robert Eatinger.

Brennan đọc một tuyên bố trong đó tiết lộ CIA đã tổ chức "lục soát" mạng máy tính an ninh dành cho hoạt động điều tra của SSCI và phát hiện rằng các nhà điều tra của Thượng viện đã truy cập vào Báo cáo Panetta. Brennan yêu cầu "kỷ luật" các nhân sự điều tra của SSCI, tức nhóm của Jones. Jones hiểu ngầm ý câu nói của Brennan có ý yêu cầu Ủy ban Tình báo Thượng viện sa thải ông, vì ông chủ trì nhóm điều tra.

Hành động của CIA chống lại Thượng viện đã mau chóng phản tác dụng. Vào cuối tháng 1-2014, David Buckley, Tổng thanh tra nội bộ CIA đã tranh luận với ông Brennan về việc CIA lục soát mạng máy tính của các nhà điều tra Thượng viện. Buckley tuyên bố thẳng với Brennan là cần mở cuộc điều tra nội bộ. Brennan đành chấp nhận.

Nhưng Buckley lại làm nhiều hơn những gì Brennan toan tính, và đưa vấn đề ra Bộ Tư pháp Mỹ. Đột nhiên, CIA quay trở lại tình trạng có nguy cơ bị truy tố như trước đây. Đáp trả lại, ngày 7-2-2014, luật sư của CIA Eatinger đưa vụ việc hình sự ra Bộ Tư pháp, đối tượng là ông Jones, với cáo buộc "truy cập vào mạng máy tính một cách không thích hợp".

Cuộc đối đầu đã leo thang đến mức không thể "quay đầu" được nữa. Jones đã cơ bản hoàn thành việc biên tập và viết lại bản báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Tình báo và chỉ còn chờ Thượng viện bỏ phiếu đồng ý giải mật nó để công bố công khai. Nhưng việc đó giờ đang bị ách lại do cuộc đấu với CIA vẫn đang bước sang giai đoạn tố cáo, buộc tội lẫn nhau. Mọi nỗ lực nhằm giảm leo thang đối đầu đều thất bại.

Từ giữa tháng 1-2014, khi đang tiến hành lục soát mạng máy tính, Brennan đã báo cáo với Thượng nghị sĩ Harry Reid. Ông Reid là một người thân cận với bà Feinstein. Reid bảo Brennan rằng, để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng thật sự thì Brennan phải xin lỗi. Brennan từ chối thẳng, bảo mình chẳng có gì phải xin lỗi cả.

Đến nước này, Nhà Trắng tìm cách cứu vớt, giảm thiểu thiệt hại do cuộc đối đầu gây ra. Luật sư Nhà Trắng Kathryn Ruemmler, đến Quốc hội và có một loạt cuộc họp với Ủy ban Tình báo nhằm hạ nhiệt cuộc đối đầu giữa CIA và Thượng viện. Ông Reid nói chuyện với McDonough, bảo rằng nếu Brennan không chịu nhượng bộ, ông sẽ không bảo vệ Brennan một khi vụ việc đổ bể ra trước dư luận. Một tuần sau, ông Reid nhận được cuộc gọi điện thoại của Tổng thống Obama. 

Cuộc đối đầu bắt đầu được công khai hóa trước công chúng khi CIA đi nước cờ mạo hiểm, tiếp xúc với phóng viên báo chí và cung cấp những thông tin về vụ việc theo hướng thuận lợi cho mình, và các nhà quan sát đã ra tay mổ xẻ vấn đề nhằm phân biệt đâu là "lục tìm mạng máy tính" và đâu là "bẻ khóa đột nhập". Lời cáo buộc "CIA nói dối" của bà Feinstein rất thâm sâu. Nếu CIA đã nói dối về tra tấn, vậy thì cơ quan này sẽ còn nói dối về chuyện gì nữa? Và nếu CIA đã do thám ngay cả những người giám sát mình, vậy thì còn ai mà CIA không do thám nữa.

Vài giờ trước khi Brennan xuất hiện trước công chúng để công khai vụ việc theo "phiên bản" của mình, bà Feinstein đã có một bài phát biểu tại Ủy ban Nhà thờ - một tổ chức mà các nghị sĩ Mỹ gọi là gián điệp trá hình chuyên do thám dân Mỹ cũng như người nước ngoài. Đặc biệt, lời cáo buộc của bà Feinstein còn có một tác dụng quan trọng khác: Vào ngày 3-4-2014, Ủy ban Tình báo Thượng viện bỏ phiếu với tỉ lệ 11-3 cho phép giải mật, cho công bố công khai một phần báo cáo về chương trình tra tấn của CIA.

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.