Cuộc chiến thừa nhận Nhà nước Palestine

Thứ Hai, 15/12/2014, 17:30
Để mở đường cho sự thừa nhận này, ngày 8/11 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định: Một dự thảo nghị quyết yêu cầu Liên Hiệp Quốc ấn định lộ trình 2 năm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel từ năm 1967 sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an trong tháng 11.

Giải pháp Jerusalem là thủ đô của 2 Nhà nước Israel và Palestine

Tiến trình công nhận Nhà nước Palestine đã có bước ngoặt quan trọng với quyết định của Thụy Điển ngày 30/10 là tiến hành một sự thừa nhận hoàn toàn. Bên cạnh đó, Quốc hội Tây Ban Nha cũng chuẩn bị thảo luận vấn đề này và có thể hưởng ứng theo phong trào quốc tế. Nhưng tác động mạnh nhất là khi Quốc hội Anh phê chuẩn một văn bản đề nghị chính phủ của Thủ tướng David Cameron công nhận Nhà nước Palestine. Tại Pháp, cuộc tranh luận về sự thừa nhận Nhà nước Palestine được xem là một cơ hội chính trị. Bộ Ngoại giao Pháp mới đây đã nhắc lại cách giải quyết của Pháp: Nếu những cuộc thương thuyết hòa bình không đạt kết quả, Paris sẽ nhận trách nhiệm. "Một lúc nào đấy sẽ có sự thừa nhận Nhà nước Palestine. Câu hỏi là khi nào và thế nào? Bởi vì sự thừa nhận đó phải có ích cho những nỗ lực thoát ra khỏi ngõ cụt và góp phần giải quyết dứt điểm cuộc xung đột. Mục tiêu rất rõ ràng: một Nhà nước Palestine độc lập, dân chủ, có chủ quyền, sống trong hòa bình và an ninh bên cạnh Israel trên cơ sở những tuyến giới vạch ra năm 1967, với Jerusalem như là thủ đô của 2 nhà nước" - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố.

Trong khuôn khổ Liên minh châu Âu hiện cũng đang có những hoạt động theo chiều hướng này. Nữ Ngoại trưởng châu Âu Federica Mogherini cũng hô hào thừa nhận Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, và mới đây khi đến Dải Gaza, bà hứa sẽ thảo luận với các thành viên EU về khả năng này. Nhiều khả năng sự thừa nhận Nhà nước Palestine sẽ được một số thành viên sử dụng như vũ khí gây áp lực trong mối căng thẳng chính trị giữa Israel và EU.
Người dân Pháp biểu tình ủng hộ Palestine ở Lyon.

Trong mọi trường hợp, người Palestine sẽ hoan nghênh làn sóng thừa nhận này vì nó sẽ củng cố thêm các quyền lịch sử của họ. Phía Israel cố hạn chế ảnh hưởng, không muốn người ta khóa tay mình. Cuộc chiến thừa nhận đã bắt đầu… và mỗi bên sẽ lượng định sức mạnh cũng như đồng minh của mình. Israel tin vào quyền phủ quyết của Mỹ để chặn đứng các sáng kiến có thể áp đặt cho Israel. Còn phía Palestine có thể dựa vào sự cảm thông ngày càng lớn của châu Âu khi nhận ra rằng sự thừa nhận đó là một cơ hội gây ảnh hưởng đến dòng chảy của các sự kiện và thúc đẩy tháo gỡ tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán. Thực tế sẽ buộc các đồng minh trung thành nhất của Israel phải xét lại những chiến lược và nền tảng của sự ủng hộ Israel. Đứng trước sự bế tắc trong đàm phán hòa bình, bà Mogherini đã tuyên bố tại Jerusalem nên gấp rút mở lại đàm phán, nếu không "chúng ta lại có nguy cơ rơi vào tình trạng bạo lực". Bà Mogherini cũng cho rằng "Jerusalem phải là thủ đô của 2 nhà nước Israel và Palesine. Thách thức là phải chứng tỏ rằng Jerusalem có thể chia làm 2 trong hòa bình và sự tôn trọng".

Tiếng nói lạc lõng trong lòng nước Mỹ

Nếu như ở châu Âu, việc công nhận Nhà nước Palestine ngày càng trở thành một khuynh hướng ngoại giao được dư luận ủng hộ thì ở Mỹ - đồng minh số 1 của Israel - không phải ai cũng dám lên tiếng nếu không muốn sự nghiệp chính trị của mình… sớm kết thúc. Điển hình nhất là câu chuyện của nữ phóng viên kỳ cựu Helen Thomas. Trong làng báo Mỹ, tên của Helen Thomas luôn được đề cập đến trong các giáo trình đào tạo các phóng viên. Một bà lão có khuôn mặt như một bà phù thủy, nhưng chính người đàn bà có vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt đen sẫm và giọng nói khàn khàn đó đã tạo nên nhiều huyền thoại trong lịch sử làng báo Mỹ. Bà là phóng viên duy nhất có chỗ ngồi riêng biệt trên hàng ghế dành cho phóng viên trong phòng họp báo của Nhà Trắng. Thế nhưng trong cuộc đời lừng lẫy của mình, Helen Thomas cũng có "vết nhơ" không xóa nhòa được, và nó đã buộc bà phải nghỉ hưu ở tuổi 89, chấm dứt cuộc đời làm báo của mình.

Ngày 27/5/2010, bên lề buổi lễ kỷ niệm Ngày di sản Do Thái (Jewish Hritage Celebration Day) được tổ chức trên sân cỏ Nhà Trắng, Giáo trưởng (Do Thái) kiêm nhà sản xuất phim độc lập David Nesenoff đề nghị Helen Thomas cho một lời bình luận về Israel. Bà cười rồi nói: "Hãy bảo họ cút khỏi Palestine!". Nesenoff liền hỏi vặn lại: "Đây có phải là một lời bình luận đặc sắc về Israel không?". Bà Helen tiếp luôn: "Chúng ta nên nhớ rằng, những người Palestine này bị xâm lược, và đó là đất của họ". Khi được hỏi, người Do Thái phải làm gì và phải đi đâu, thì bà không ngần ngại nói: "Về quê quán của mình". Nesenoff hỏi tiếp: "Quê của họ ở đâu?", bà trả lời: "Ở Ba Lan, ở Đức". Nesenoff: "Nghĩa là bà bảo người Do Thái phải trở về Ba Lan, trở về Đức?", Helen trả lời tiếp: "Cả ở Hoa Kỳ và ở bất cứ nơi nào. Tại sao lại tống cổ những người Palestine đã sống ở đó từ thế kỷ này sang thế kỷ khác lại phải bỏ quê hương của họ?".

Ý kiến trả lời của Helen Thomas đã gây chấn động lớn cả trong báo giới lẫn trong chính giới thời đó với kết quả: không những phát ngôn của bà bị chỉ trích từ nhiều phía, mà còn gây nên một cuộc tranh luận rộng khắp kéo dài suốt năm. Rất nhiều người Do Thái cảm thấy bị xúc phạm, bởi vì chính những người Do Thái sống sót sau cuộc tàn sát đẫm máu của Hitler đối với người Do Thái sống ở Đức và các quốc gia lân cận đã lập nên Nhà nước Israel từ năm 1948.
Bà Helen Thomas ở hàng ghế đầu dành cho phóng viên.

Là con gái của một gia đình nhập cư gốc Liban, bà Helen Thomas luôn nghi ngờ chính sách của Mỹ đối với Israel và Trung Đông, cũng chính vì vậy mà bà phải nhận những lời chỉ trích về lập trường "ủng hộ nồng nhiệt người Palestine" của mình. Phát ngôn viên Nhà Trắng thời Tổng thống George W.Bush là Tony Snow đã từng có một câu trả lời nổi tiếng đối với câu hỏi của Helen: "Cám ơn quan điểm Hezbollah của bà". Mọi người đều hiểu rõ, việc nghỉ hưu của Helen tuyệt nhiên không phải là một cuộc cáo lui trong vinh dự. Vốn là một tín đồ tôn sùng tự do ngôn luận, Helen Thomas đã không để ý đến quan niệm của người Mỹ, một khi lời phát biểu có dính líu đến việc xách động thù hằn dân tộc hay chia rẽ quan hệ chủng tộc, thì sự tự do đó sẽ không được bảo hộ vì không cẩn thận, bà đã phạm phải điều cấm kị đó.

Chính vì luận điệu "quá khích và lạc lõng" của mình mà cuối cùng, Helen Thomas phải trả giá đắt: Ngày 7/6/2010, Công ty truyền thông Hearst (Hearst Corporation) thông báo bà nghỉ hưu từ ngày đó, chấm dứt cuộc đời phóng viên của bà. Trong thông báo nghỉ hưu của bà, Helen ngỏ ý xin lỗi về lời bình luận của mình. Công ty đại diện của Helen Thomas tuyên bố chấm dứt quan hệ với bà, đồng tác giả cuốn sách mới của bà tuyên bố không còn hợp tác với bà nữa, trường phổ thông trước đây đã mời bà đến dự lễ tốt nghiệp và phát biểu đã hủy bỏ lời mời, phát ngôn viên Nhà trắng Robert Gibbs cũng nhanh chóng đứng ra vạch rõ ranh giới với bà và cho rằng quan điểm của bà không đại diện cho đa số người Mỹ, càng không đại diện cho chính phủ, đồng thời công khai chỉ trích lời bình luận của bà là mang tính công kích, đáng bị khiển trách và không thể bào chữa… Kể từ đó, Helen Thomas chỉ còn có thể viết chuyên mục cho các tờ báo miễn phí, không còn cơ hội ngồi chỗ dành riêng cho bà ngay hàng ghế đầu trong phòng họp báo Nhà Trắng.

Minh Luân - Minh Thu (tổng hợp)
.
.