Cuộc chiến tình báo Nga - Ukraine chưa bao giờ hạ nhiệt
- Thực hư cái chết của ông trùm tình báo Nga
- Tình báo Nga làm thất bại hàng chục âm mưu khủng bố trong năm nay
- Tình báo Nga đang điều khiển cựu nhân viên CIA Edward Snowden?
Hơn 2 năm qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã làm 10.000 người thiệt mạng và đi cùng cuộc xung đột này là cuộc chiến trên mặt trận tình báo chưa bao giờ hạ nhiệt.
Ngày 2-10-2016, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ nhà báo người Ukraine tên là Roman Sushchenko. FSB tuyên bố ông Roman Sushchenko là một sĩ quan tình báo quân đội Ukraine, bị nghi ngờ đang thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang Nga.
Leonid Parkhomenko, một đại úy từng phục vụ ở quân cảng Sevastopol bị bắt hôm 22-11. |
Tờ Ukrinform, cơ quan chủ quản của Sushchenko, cùng ngày cho biết nhà báo này đã làm cho họ từ năm 2002 và từng làm ở Paris vài năm. Tờ báo này nói rằng, Sushchenko đã đến Moscow trong một chuyến đi cá nhân và “mất tích” vào ngày 30-9 trước khi xuất hiện trong một nhà giam ở Moscow. Một kênh truyền hình nhà nước Nga đã chiếu các hình ảnh Sushchenko bị những người đeo mặt nạ dẫn tới phòng thẩm vấn.
Đến ngày 16-11, lực lượng an ninh ở thành phố Simferopol (Crimea) cũng tuyên bố bắt giữ “một gián điệp Ukraine có vũ khí”. Người này bị cáo buộc làm việc cho Bộ Quốc phòng Ukraine.
Tiếp theo các diễn biến gần đây nhất như vào hôm 21-11, Nga cáo buộc Cơ quan An ninh Ukraine bắt giữ 2 binh sĩ Nga gần biên giới với Crimea. Moscow yêu cầu Ukraine phóng thích ngay 2 người này.
“Chúng tôi xem đây là một hành động khiêu khích trái pháp luật, do lực lượng an ninh Ukraina tiến hành trên lãnh thổ Nga”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố. Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng, đây là 2 lính đào ngũ từ quân đội Ukraine, họ bị bắt giữ trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát sau khi vượt biên giới từ Crimea.
Từ khi Crimea sáp nhập vào Nga, Ukraine xem tất cả những binh sĩ Ukraine còn ở lại lãnh thổ này là lính đào ngũ. Đến ngày 23-11, Hãng Thông tấn Interfax của Nga đưa tin: FSB đã bắt giữ một cựu sĩ quan hải quân của nước này tại bán đảo Crimea với cáo buộc thu thập thông tin tình báo cho quân đội Ukraine. Người bị bắt là Leonid Parkhomenko, một đại úy từng phục vụ ở quân cảng Sevastopol.
Vụ bắt giữ diễn ra hôm 22-11, sau khi sĩ quan này gửi các thông tin tình báo về Hạm đội Biển Đen của Nga cho phía Ukraine. Như vậy, gần như các vụ bắt giữ điệp viên của cả hai bên xảy ra chỉ cách nhau vài tuần và thậm chí vài ngày.
Diễn biến này khiến người ta không thể không liên tưởng đến chuỗi sự kiện tương tự xảy ra trong tháng 8 năm nay. Ngày 8-8, giới chức an ninh Nga thông báo đã “chặn đứng hai cuộc xâm nhập từ lãnh thổ Ukraine”. FSB cho biết các nhóm xâm nhập được xe bọc thép của quân đội Ukraine yểm trợ hỏa lực và kế hoạch của các nhóm này do Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine làm “chủ xị”.
Đã xảy ra đấu súng trong quá trình bắt giữ những người này, một sĩ quan FSB thiệt mạng. Sau đó, Nga bắt giữ một số người có liên quan tại Crimea, lật tẩy “âm mưu” thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng ở Crimea bằng bom tự tạo. Kiev phủ nhận mọi cáo buộc từ Nga và cho rằng Moscow đang bịa ra cái cớ để leo thang chiến tranh.
Hôm 11-8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong cuộc họp với các cố vấn an ninh đã ra lệnh điều động quân đội dọc biên giới với Crimea và đưa các đơn vị ở miền đông vào tư thế “sẵn sàng chiến đấu”. Ngày 12-8, quân đội Nga điều động thêm hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumph cho trung đoàn đóng tại bán đảo Crimea.
Hạm đội Biển Đen sau đó tiến hành diễn tập chống khủng bố trong ba ngày với kịch bản “cản phá một cuộc tấn công dưới nước nhắm vào căn cứ chính”. Đây là một phần của chiến dịch tập trận lớn Kavkaz 2016. Hơn 10 chiến hạm, trực thăng MI-8 và Ka-27PS tham gia cuộc tập trận. Hải quân Nga tiến hành các hoạt động chống khủng bố, rà phá bom mìn, cứu hộ trên biển...
Các chuyên gia tình báo Mỹ tại Công ty Điều tra - phân tích tình báo tư nhân Stratfor đánh giá “khả năng đi xa tới đâu trong cuộc chiến chống Ukraine của Putin” sau khi gia tăng căng thẳng tại bán đảo Crimea. Các chuyên gia hãng này cho rằng, ở Ukraine, người ta lo ngại Nga có thể sử dụng “âm mưu” ở Crimea để bào chữa cho những hành động xâm nhập tiếp theo vào Ukraine.
Và bởi vì Liên minh châu Âu chấp thuận gia tăng các hình thức bao vây cấm vận, chế tài chống Nga tới ngày 1-1-2017 cho nên nước Nga “có thể có lợi khi gia tăng hành động chiến sự”, bởi vì nó làm yếu Ukraine và thu hút sự chú ý của Phương Tây (!). Tuy nhiên một cuộc xung đột vũ trang toàn diện sẽ là một sự liều lĩnh đối với nước Nga.
Những nhân viên FSB. Ảnh: Wikimedia. |
Chuyên viên Đức Jochen Scholz cho rằng, châu Âu đang bị Mỹ lợi dụng trong cuộc đấu với Nga, nhằm phục vụ cho mưu đồ độc bá thế giới của mình. Từ đó, một cơ số các căn cứ quân sự mới của Mỹ bắt đầu được thành lập từ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Không hề có cuộc thảo luận nào về việc cắt giảm các căn cứ quân sự Mỹ mà trái lại, những căn cứ mới tiếp tục được thiết lập. Một số các căn cứ quân sự của Mỹ đã được dựng lên sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cái gọi là “hội chứng Nga xâm lược Baltic”.
Vậy trường hợp Nga tấn công châu Âu, thì liệu các căn cứ Mỹ có bảo vệ châu Âu? Câu hỏi này hoàn toàn mang tính giả thiết và nó không bao giờ xảy ra, bởi Nga chẳng có lý do gì để tấn công sang các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Vậy Mỹ duy trì các căn cứ này để làm gì?
Những căn cứ này được người Mỹ cố gắng duy trì bằng mọi cách để nhằm mục đích tìm cách gây ra và can thiệp vào mọi cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Á, kiềm chế châu Âu trong sự ràng buộc của mình và siết chặt vòng vây xung quanh Nga. Còn Liên minh châu Âu không phải là không hứng chịu những thiệt hại đáng kể từ việc đáp trả trừng phạt của Nga và những cấm vận trói buộc của chính mình.
Riêng trên mặt trận tình báo, các đối thủ khi chọn cách đương đầu với Nga cũng là lúc họ chấp nhận mạo hiểm và nhìn thấy được hậu quả nhãn tiền. Giáo sư Mark Galeotti thuộc Trường Nghiên cứu chuyên ngành thuộc Đại học New York, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh Nga, đã phân tích 4 yếu tố giúp Nga thắng thế trong cuộc chiến tình báo tại Ukraine.
Thứ nhất, Nga đã chuẩn bị cho dạng xung đột đang xảy ra tại Ukraine từ lực lượng điệp viên, vũ trang, kinh tế, thông tin và vận động chính trị. Đây là một kỹ năng mà họ thừa hưởng từ Liên Xô cũ và được tôi luyện trong tình hình thế giới hiện nay. Thượng tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, từng nhận định rằng, “cách thức phi quân sự” đã trở nên tối cần thiết đối với Nga và đôi khi nó còn vượt lên trên cả sức mạnh vũ trang truyền thống.
Thứ hai, tình báo Nga đã có nhiều thập niên duy trì chỗ đứng vững chắc tại Ukraine. Sự hiện diện của lực lượng được thừa hưởng từ thời Liên Xô - giai đoạn hệ thống an ninh Ukraine chỉ là một nhánh địa phương của KGB (Cục An ninh Liên bang Nga). Tương tự, Cơ quan tình báo nước ngoài và Bộ Nội vụ Nga cũng đã xây dựng các mạng lưới rộng lớn tại Ukraine.
Thứ ba, lực lượng tình báo Nga duy trì sự hiện diện lớn trên vùng đất gần biên giới với Ukraine, cả công khai và bí mật. Họ tận dụng triệt để việc tự do di chuyển giữa hai nước để tìm kiếm thông tin. Và cuối cùng là yếu tố cự ly. Nga có lợi thế ở gần khu vực xung đột. Năng lực tình báo ưu việt giúp Nga có nhiều sự lựa chọn hơn, và có thể linh hoạt, chủ động thay đổi chiến lược và các mục tiêu hàng tuần.
Trước khi xung đột nổ ra vào mùa xuân năm 2014, phương Tây không mấy để ý tới hoạt động tình báo tại Ukraine, thay vào đó, họ tập trung các nguồn lực vào châu Á, Trung Đông và Nga. Do vậy, khi “hữu sự”, phương Tây thiếu điệp viên tại thực địa và cũng khó có thể cài người. Ngoài ra, phe ly khai tại Ukraine thực sự khó lường, bởi vậy hoạt động tình báo tại Ukraine không giống với tại các quốc gia có chính sách và hệ thống chính quyền thống nhất.