Cuộc chiến tình báo bên trong chiến dịch điều tra vũ khí hóa học Syria

Thứ Ba, 20/06/2017, 21:58
Chiến dịch mang mật danh "Ratafia" do Cơ quan tình báo Mossad của Israel khởi xướng từ năm 2008 với sự tham gia của đối tác Pháp bên cạnh Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Tình báo đối ngoại Đức (BND) cùng tham gia chiến dịch kéo dài trong nhiều năm nay với mục đích điều tra chương trình vũ khí hóa học của chế độ tổng thống Bashar al-Asad ở Syria.

Có một điều mà không ai ngờ là Mossad lại lợi dụng chiến dịch này để sàng lọc và tuyển mộ điệp viên hai mang từ đối tác Pháp.

Theo thông tin mà tình báo phương Tây thu thập được, chính quyền Syria đã cho xây dựng 2 địa điểm sản xuất vũ khí hóa học; thứ nhất là căn cứ gần một pháo đài cổ từ thế kỷ VIII trong thành phố Masyaf miền bắc Syria và thứ hai là Al-Safir - nơi sản xuất khí độc sarin và VX.

Bernard Squarcini, Giám đốc Cục Tình báo đối nội Pháp giai đoạn 2007 – 2012.

Điều mà Mossad lo ngại nhất là Syria cung cấp vũ khí hóa học cho 2 tổ chức Hamas và Hezbollah đe dọa an ninh Nhà nước Do Thái. Năm 2007, do lo ngại về vũ khí hóa học cực kỳ nguy hiểm VX (khí độc tác động đến hệ thần kinh trung ương con người) do Syria bí mật sản xuất mà Mossad nảy sinh ý tưởng thành lập chiến dịch Ratafia.

Được Mossad xem là mối quan tâm hàng đầu nên chiến dịch Ratafia có quy mô rất lớn, có đến 10.000 nhân viên tham gia. Bắt đầu  chiến dịch, Mossad chọn ra một đối tượng ở vị trí cao trong chương trình vũ khí hóa học của Syria hoặc có quan hệ với nhiều quan chức cấp cao của Syria để tiếp cận.

Tuy nhiên, mục tiêu của chiến dịch Ratafia không chỉ là các quan chức liên quan đến chương trình vũ khí hóa học Syria mà nhằm chiêu dụ một nguồn thông tin đáng tin cậy từ nước này để có thể tìm hiểu quốc gia nào cung cấp nguyên liệu cho chính phủ Syria sản xuất vũ khí hóa học: Iran, Nga hay CHDCND Triều Tiên?

Trong vòng 2 năm, nhờ một trung gian tại thủ đô Damascus của Syria, Mossad đã liên lạc được với đối tượng mục tiêu - một kỹ sư cấp cao làm việc trong chương trình phát triển, sản xuất và dự trữ vũ khí hóa học của Tổng thống Bashar al-Assad, đương nhiên người này có quan hệ thân thiết với nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Syria - và từng bước giăng bẫy.

Bước đầu tiên là cố gắng thuyết phục người này rời khỏi Syria đến sống ở thủ đô Paris nước Pháp, nơi hội đủ điều kiện để tình báo Israel khai thác thông tin về nguồn cung cấp hóa chất cho chính quyền Syria. Mossad nghiên cứu rất kỹ về đối tượng nên biết viên kỹ sư này có điểm yếu tâm lý là hay mơ mộng, ảo tưởng về cuộc sống ở phương Tây.

Bước đầu, người trung gian của Mossad ở Syria đã vẽ ra tương lai xán lạn với viên kỹ sư rồi khuyến khích anh ta tìm đường ra nước ngoài kinh doanh làm giàu nhưng vẫn có thể tiếp tục phục vụ chính quyền Damascus. Khi được gợi ý nước Pháp, viên kỹ sư không hề nghi ngờ vì thời điểm đó, giữa Syria và Pháp vẫn giữ mối quan hệ khá nồng ấm, nên viên kỹ sư không cảm thấy nguy hiểm cho bản thân khi "hạ cánh" ở đây. 

Năm 2010, Mossad đề nghị 2 cơ quan tình báo lớn của Pháp - Tổng cục Tình báo Nội địa (DCRI, đổi tên thành DGSI năm 2014) và Tổng cục Tình báo Đối ngoại (DGSE) - tham gia chiến dịch "Ratafia". Viên kỹ sư đồng ý rời khỏi Damascus để mở một công ty xuất nhập khẩu ở Pháp. Vì lý do an ninh, hộ chiếu của viên kỹ sư phải được chính quyền Syria cấp và cho phép đến Pháp.

Chiến dịch Ratafia và âm mưu tuyển mộ điệp viên Pháp của Mossad.

Đây là lúc DCRI và DGSI bắt đầu hành động, tạo điều kiện dễ dàng cho việc cấp thị thực. Khi đến Paris, viên kỹ sư Syria được sắp xếp để gặp một "doanh nhân người Italia" sẽ cố vấn và giới thiệu cho anh ta những cơ hội làm ăn. Doanh nhân giả mạo này tiếp đãi đối tượng một cách trọng thị, mời lui tới, ăn uống ở những nơi sang trọng bậc nhất thủ đô Pháp để "giới thiệu" với những doanh nhân khác.

Trên thực tế, phần lớn những người mà viên kỹ sư Syria tiếp xúc tại Paris đều là điệp viên của Mossad. DGSI chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh và cung cấp trang thiết bị để theo dõi, nghe lén trong xe hơi, phòng khách sạn, điện thoại... Nơi gặp gỡ đầu tiên giữa viên kỹ sư Syria và doanh nhân Italia là khách sạn sang trọng George-V ở Paris.

Ngay từ đầu, "doanh nhân người Italia" đã nhanh chóng thu phục được lòng tin, thậm chí được viên kỹ sư Syria xem là "quân sư". Đối tượng này cũng ngày càng lún sâu vào cái bẫy "làm giàu ở Paris". Trong số các nhân viên của Mossad tham gia Ratafia, có rất nhiều chuyên gia tâm lý.

Các chuyên gia này liên tục phân tích phản ứng của đối tượng để lựa chọn cách tiếp đãi khiến anh ta cứ ngỡ giấc mộng của mình sắp thành hiện thực mà dẫn dắt anh ta vào bẫy. Cái bẫy bắt đầu sập xuống khi "những người bạn trong giới" của "doanh nhân người Italia" đề nghị bán thiết bị hoặc hỏi han viên kỹ sư Syria về nhà cung cấp.

Từ những hàng hóa mà đối tượng muốn nhập khẩu hoặc được các "bạn hàng" đề xuất, Mossad, DGSI và DGSE đã xâu chuỗi lại để phác họa chương trình vũ khí hóa học của Damascus và truy ra những đầu mối tham gia cung cấp nguyên liệu. Họ khám phá được một số nhà thầu và công ty ở Pháp cũng như châu Âu dính líu đến chương trình vũ khí hóa học của Damascus.

Choáng ngợp trước sự đối đãi quá nồng hậu ở Paris, viên kỹ sư dần dần tiết lộ thêm nhiều thông tin trong khi cứ nghĩ rằng mình vẫn trung thành với Damascus. Những thông tin mà viên kỹ sư cung cấp bao gồm kho vũ khí hóa học khổng lồ của Syria với hàng tấn hơi ngạt yperite và tác nhân thần kinh VX. Đến lúc này, Mossad tiếp tục mở rộng phạm vi đối tác cùng tham gia chiến dịch là CIA và BND. 

Một chuyên gia Liên Hiệp Quốc lấy mẫu điều tra vũ khí hóa học tại Syria.

Năm 2011, viên kỹ sư bắt đầu thấy nghi ngờ "những người bạn quá tốt" của mình song lúc này đã quá muộn và không thể thoái lui vì đã nhận quá nhiều tiền cũng như mọi sự ưu đãi khác. Trong khi đó, Mossad đã thu thập được đầy đủ thông tin cần thiết để lập kế hoạch tố cáo về chương trình vũ khí hóa học nguy hiểm của Syria.

Những dữ liệu mà Israel chuyển đến cho Pháp và Đức mở đường cho Liên minh châu Âu (EU) ra quyết định đóng băng tài sản của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria (CERS) - trụ cột của chương trình vũ khí hóa học Syria - vào năm 2011. Tiếp đến, EU đề ra một số biện pháp trừng phạt một số công ty hay tổ chức công nghiệp được CERS sử dụng để mua "nguyên liệu nhạy cảm" ở nước ngoài.

Thật ra, từ năm 2005, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa CERS vào danh sách các tổ chức phát triển vũ khí hóa học nguy hiểm. Năm 2012 đến lượt Tổng thống Barack Obama ra tuyên bố chế độ Bashar al-Assad đã vượt qua "lằn ranh đỏ" khi phát triển và sử dụng vũ khí hóa học. Sau đó, chính quyền Obama còn chính thức công bố đoạn video quay tại vùng ngoại ô của Damscus hôm 21-8-2013 cho thấy chính quyền Bashar al-Assad đã sử dụng khí độc sarin giết chết 1.429 người trong đó có 426 trẻ em.

Những cuộc tấn công bằng hóa học vào mùa xuân và mùa hè năm 2013 xảy ra ở Syria được tiết lộ công khai buộc cộng đồng quốc tế phải hành động.

Tuy nhiên đó chưa phải là toàn bộ mục đích của chiến dịch "Ratafia". Mossad đã lợi dụng tiến trình diễn ra chiến dịch để thuyết phục một số sĩ quan tình báo Pháp làm điệp viên hai mang cho họ. DCRI đã bí mật điều tra và phát hiện các điệp viên Mossad sau thời gian tiếp xúc với các nhân viên tình báo Pháp đã có những "mối quan hệ đáng ngờ".

Chẳng hạn, DCRI phát hiện có nhiều đợt chuyển khoản hoặc tặng quà cáp đi ngược với nội quy. Ngoài ra, một điệp viên Pháp- được xác định với tên tắt là D.K- bị phát hiện có mặt trong bữa tiệc tối mừng ngày Shabbat (ngày thứ bảy được coi là thánh lễ của người Do Thái) tại nhà riêng của chỉ huy nhóm nhân viên Mossad trong chiến dịch Ratafia ở Paris.

Trụ sở DCRI, nay là DGSI, ở Levallois-Perret thuộc tỉnh Hauts-de-Seine, năm 2015.

Điều đáng nói là sĩ quan tình báo Pháp này đã không báo cáo với cấp trên về việc trong một chuyến đi đến Dubai, ông ta đã "tranh thủ" ghé qua Israel để gặp gỡ một số điệp viên Mossad ở đây. Sau khi tố cáo hành động chiêu dụ các đồng nghiệp "vượt qua lằn ranh biến họ trở thành điệp viên hai mang", DCRI ra lệnh hủy giấy phép sử dụng thông tin mật của vài điệp viên Pháp tham gia chiến dịch Ratafia, phần lớn những nhân viên của DCRI và DGSE đều bị điều chuyển sang những công việc không liên quan đến những hồ sơ "nhạy cảm" của Pháp.

Cuối năm 2016, Tổng cục Thanh tra của Cảnh sát quốc gia Pháp (IGPN) đã tiếp nhận 2 hồ sơ điều tra về vụ Ratafia: quan hệ giữa Mossad với một số nhân viên DGSI; cuộc gặp giữa Giám đốc Cục Tình báo đối nội Pháp (tiền thân của DGSI) giai đoạn 2007 - 2012 Bernard Squarcini với 2 nhân viên Mossad. Báo cáo nội bộ của giới chức Pháp đã khuyến nghị mở rộng điều tra nhằm tìm hiểu những tổn thất đã xảy ra đối với cộng đồng tình báo nước này.

Trả lời báo "The Jerusalem Post", một cựu quan chức quốc phòng Israel đã bác bỏ: "Chúng tôi không bao giờ lôi kéo nhân viên tình báo của đồng minh. Kiểu chiêu dụ đó chỉ có ý nghĩa khi thực hiện với các quốc gia thù địch".

Đương nhiên đó là một lời chống chế vì Mossad nổi tiếng lẫy lừng trong thế giới tình báo với nghệ thuật chiêu dụ. Cũng vào năm 2010, một doanh nhân người Ai Cập 37 tuổi tên là Tareq Abdel Razzak, chủ sở hữu của một công ty xuất nhập khẩu đã bị tòa án nước này xét xử vì tội làm gián điệp cho Israel.

Doanh nhân Razzak nằm trong đường dây tình báo do hai điệp viên Israel hoạt động tại Ai Cập điều phối. Chính hai người này đã tuyển dụng Razzak để ngoài việc cung cấp thông tin mật cho Israel, còn có nhiệm vụ lôi kéo các đối tượng khác là những người làm việc trong ngành viễn thông ở Ai Cập, Liban và Syria tham gia.

Theo Tòa án An ninh Tối cao Ai Cập, Razzak bị tình báo Israel chiêu dụ qua tin nhắn email và lần đầu tiên có cuộc tiếp xúc với một điệp viên của Mossad vào năm 2007. Hai bên sau đó hẹn gặp nhau tại Thái Lan và Razzak được yêu cầu thành lập một công ty xuất nhập khẩu làm bình phong che đậy các hoạt động tình báo. Trong vai trò này, Razzak đã nhiều lần đến Syria để tìm kiếm người, đồng thời thiết lập một trang mạng thông báo tuyển lao động ngành viễn thông làm việc ở các nước có liên quan.

Kể từ ngày làm điệp viên cho Israel tới ngày bị bắt giữ, Razzak đã nhận được số tiền thù lao khoảng 37.000 USD cho việc tuyển chọn những người làm việc trong ngành viễn thông vào đường dây điệp báo của Israel ở Ai Cập, Liban và Syria. Mục tiêu của Mossad là thông qua công việc của các đối tượng này để theo dõi các cuộc điện đàm của quan chức chính phủ cấp cao của các nước kể trên và chuyển đến các trạm nghe lén của Israel.

Các trạm thám thính mà Mossad thiết lập ở Cairo đã thu âm được hàng chục cuộc đàm thoại của các quan chức chính phủ do các "cộng tác viên" mới cung cấp.

Duy Minh - Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.