Cuộc chiến tình báo giữa Liban, Hezbollah và Israel

Thứ Hai, 16/08/2010, 23:35
Trong tháng 10/2009, Moshe Yaalon - Phó thủ tướng Israel và cựu lãnh đạo tình báo quân đội - gần như đã khẳng định Israel tăng cường gián điệp ở Liban vì sự tồn tại của Hezbollah và sẽ ngưng hoạt động này khi nào tổ chức chiến binh Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn giải giáp và biên giới của Israel với Liban được bình yên.

Hiện nay chính quyền Liban đang giúp đỡ Hezbollah - một tổ chức chính trị và quân sự Hồi giáo dòng Shiite hùng mạnh - tìm kiếm và bắt giữ những phần tử được coi là gián điệp cho Israel với những công cụ hữu hiệu có được từ Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Achraf Rifi, lãnh đạo Lực lượng An ninh (ISF) của Liban, cảnh báo với Hezbollah: "Các anh đang bị xâm nhập". Achraf Rifi đưa ra bằng chứng cho thấy 2 chỉ huy cấp giữa được tin cậy của Hezbollah đang làm nội ứng cho tình báo quân đội Israel.

Theo các chuyên gia an ninh phương Tây, cuộc chiến tranh  tình báo ngầm giữa Nhà nước Do Thái và tổ chức chiến binh Hồi giáo vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng lại. Sau hiệp ước san sẻ quyền lực năm 2008, Hezbollah có chân trong liên minh cầm quyền ở Liban và lực lượng an ninh nước này đang cố gắng xây dựng để trở thành đối trọng của tổ chức chiến binh Hồi giáo.

Mara Karlin, cựu chuyên gia về Liban ở Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện là nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins, nói: "Người Israel đang hết sức lo lắng trước việc bất cứ thứ gì mà phương Tây chuyển giao cho các lực lượng vũ trang của Liban và ISF đều có thể được sử dụng để chống lại họ".

Từ năm 2006, khi trợ giúp quân sự gần 500 triệu USD cho ISF và hứa hẹn sẽ tiếp tục chi thêm 100 triệu USD vào năm 2011, Washington đã biến Liban thành quốc gia nhận được hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ lớn hàng thứ hai sau Israel.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Alexander Vershbow nhấn mạnh với Liban rằng, Mỹ cam kết tiếp tục tài trợ và huấn luyện quân đội Liban để "ngăn chặn các lực lượng dân quân và các tổ chức phi chính phủ khác" có ý đồ ngấm ngầm phá hoại chính quyền nước này.

Việc sử dụng trang thiết bị điện tử tinh vi vào mục đích chống lại những người được cho là điệp viên của Israel có lẽ là minh họa cụ thể đầu tiên về tình thế khó xử của Washington.

Theo các quan chức Liban, các nhà phân tích Israel và một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên, Liban đã sử dụng thiết bị dò tín hiệu do Pháp trao tặng để chống lại Israel và các chiến binh Hồi giáo. Quân đội Mỹ cũng góp phần củng cố khả năng giao tiếp điện tử của ISF.

Ronen Bergman - nhà phân tích Israel, tác giả cuốn "Cuộc chiến bí mật với Iran" và đang viết một cuốn sách về lịch sử những nỗ lực tình báo của nước này - nói Mỹ đã chuyển giao cho quân đội Liban trang thiết bị điện tử tinh vi cho phép xác định và theo dõi ngay cả những giao tiếp đã mã hóa.

Nhưng, theo một đồng minh thân tín của Mỹ, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy thiết bị được sử dụng để chống lại các chiến dịch tình báo của Israel. Israel và Liban từ lâu đã tuyên bố tiến hành những chiến dịch phản gián và phát hiện những kẻ được cho là phản bội.

Theo tờ Jerusalem Post, năm 2008 Israel buộc tội Thượng sĩ Lovai Balut của Đơn vị tình báo quân đội 504 chuyển giao thông tin mật cho Hezbollah. Và trong tháng 6 vừa qua, quân đội Israel đã bắt giữ 1 binh sĩ và vài thường dân vì tội làm gián điệp cho Hezbollah và buôn lậu ma túy vào Nhà nước Do Thái. Nhưng trong 2 năm qua, có lẽ  ISF cũng đã tiến hành một trong những chiến dịch phản gián ngoạn mục nhất lịch sử gián điệp thế giới.

Hàng chục người đã bị bắt giữ ở Liban vì nghi ngờ số người này đang chuyển giao thông tin cho Israel về vị trí đóng quân và mọi chuyển động của Hezbollah cũng như các kẻ thù khác của Nhà nước Do Thái. Số lượng đông đảo những nghi phạm này đã cho thấy tầm quy mô của nỗ lực xâm nhập Hezbollah của Israel - một tổ chức Hồi giáo mà người Israel cho là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước họ.

Số nghi phạm bị bắt ở Liban bao gồm 1 viên chức hội đồng thành phố Bekaa Valley, thành trì của Hezbollah. Ziad Homsy, có lẽ được Israel tuyển mộ trong một hội nghị ở Viễn Đông, đang mang án tù khổ sai tạm thời trong khi chờ bản án cuối cùng. Một sĩ quan quân đội Liban giấu tên nói: "Homsy đã chiến đấu chống sự chiếm đóng của Israel. Không dễ chiêu mộ ông ta. Nhưng ông ta cần tiền".

Trong một vụ án khác, Chuẩn tướng Adib Alam bị bắt giữ năm 2009 cũng vì tội làm gián điệp cho Israel.

Một gián điệp khác nữa bị buộc tội là Marwan Faqih, một nhà buôn xe hơi được cho là đã bán cho những nhân vật quan trọng của Hezbollah những chiếc SUV được bí mật lắp những thiết bị định vị cho phép người Israel theo dõi mọi sự di chuyển của họ. Nhưng Hezbollah phủ nhận việc thành viên cao cấp của họ mua những chiếc xe này từ Marwan Faqih.

Hè vừa qua, ISF bắt giữ 2 người làm việc trong Công ty điện thoại di động quốc doanh Alfa đã giúp Israel phá hoại mạng điện thoại - một vấn đề khiến cho nội các Liban nổi giận và thúc giục chính quyền nước này tìm kiếm tiền bồi thường từ phía Israel và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 3 người quốc tịch Liban - trong đó 1 người bị buộc tội cung cấp cho Israel những thông tin nhạy cảm trong chiến tranh năm 2006 với Hezbollah - lãnh mức án tử hình vì các hoạt động gián điệp của họ.

Theo các sĩ quan an ninh Liban, động cơ phạm tội của số người này rất khác nhau. Một quan chức an ninh cao cấp nói: "Có một số vì lý do chính trị, một số vì lý do tâm lý. Nhưng phần lớn là do tiền và tình dục". Theo các sĩ quan an ninh và chuyên gia tình báo Liban, số gián điệp này sử dụng những thiết bị điện tử tinh vi để liên lạc với những người Israel quản lý họ thông qua những thông điệp mã hóa.

Tháng 5/2009, một nhánh tình báo của ISF đã trưng bày một số thiết bị dùng làm gián điệp trước sự hăm hở của báo giới - chúng bao gồm những chiếc laptop, điện thoại di động, một thiết bị định vị giấu trong nắp một máy làm lạnh nước uống và một tủ gỗ được lắp thiết bị để truyền và nhận thông điệp.

Một vụ án gián điệp được xét xử gần đây nhất liên quan đến Mahmoud Rafef, sĩ quan cảnh sát Liban về hưu, người bị buộc tội làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Mossad của Israel và giúp thực hiện một vụ đánh bom giết chết Mahmoud Majzoub, một chiến binh Hồi giáo cao cấp và em trai người này bên ngoài căn nhà của họ ở thành phố cảng Sidon miền Tây Nam Liban. Trong phiên tòa xét xử ngày 18/2/2010 ở Beirut, Rafeh bị tuyên án tử hình.

Trong vài năm qua, Liban đã tăng gấp đôi số sĩ quan làm việc trong lĩnh vực phản gián chống Israel. Các sĩ quan an ninh tin rằng những nỗ lực của họ sẽ thành công mỹ mãn bằng việc gỡ bỏ cơ sở hạ tầng gián điệp của Israel hiện diện ở Liban trong suốt nhiều thập niên qua.

Một sĩ quan an ninh Liban nói: "Người Israel tưởng rằng công nghệ tiên tiến có thể giúp họ tiến xa hơn người Arập 30 năm. Nhưng chúng tôi đã cho họ thấy chúng tôi đã theo kịp họ như thế nào".

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, lực lượng an ninh Liban đã quá tự khen mình, bởi vì Hezbollah, Iran và Syria cũng có phần đóng góp vào những thành công trong phản gián của họ. Aram Nerguizian, chuyên gia ở Trung tâm các chiến lược và nghiên cứu quốc tế, nói: "Có nguồn tin cho rằng Hezbollah đang cung cấp thông tin tình báo cho ISF".

Một số thành công cũng một phần do may mắn. Ví dụ, các hoạt động được cho là gián điệp của Faqih, nhà buôn xe SUV, bị lộ khi một thành viên của Hezbollah mang xe đi sửa vì gặp trục trặc nhỏ về hệ thống điện tử. Một sĩ quan quân đội Liban nói: "Người thợ điện kiểm tra chỗ này chỗ nọ và bất ngờ phát hiện sợi dây dẫn đến một thiết bị lạ. Anh ta liền báo với chủ nhân chiếc xe". Chẳng bao lâu sau Hezbollah bắt giam Faqih

Thục Miên (tổng hợp)
.
.