Cuộc chiến tranh lạnh trên mạng Internet
- Sóng ngầm của cuộc chiến tranh lạnh trên không gian mạng
- Nguy cơ chiến tranh lạnh giữa Nga và EU từ những scandal gián điệp
- "Châm ngòi" một cuộc chiến tranh lạnh mới?
Tại một khách sạn ở thủ đô Tallinn của Estonia, 400 binh sĩ và nhân viên dân sự đang tham gia một cuộc tập trận lớn nhất trên mạng Internet của NATO mang tên Locked Shields. Bên các dãy máy tính đặt trong phòng, các kỹ thuật viên trẻ trong trang phục ngụy trang ngồi xen kẽ với các hacker mặc quần áo thun sọc màu xanh lục xen vàng. Trong căn phòng hội nghị khác, một đội hacker mặc áo đỏ ngồi biệt lập. Do đã nghiên cứu được những vũ khí mạng mới nhất đang lưu hành trên mạng Internet đen, họ đang mang chúng ra để đấu với các đội ở cùng khách sạn hoặc những nơi khác và ở các căn cứ của NATO cùng tham gia cuộc tập trận.
Ông Ian West tại phòng tác chiến Cơ quan Thông tin và Truyền thông của NATO do ông phụ trách. |
Đại tá Artur Suzik, sĩ quan quân đội Estonia, cho biết mục tiêu của Estonia khi đăng cai tổ chức cuộc tập trận này chính là nhằm tập cho đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư của Estonia quen với áp lực chiến tranh mạng đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là để đối phó với láng giềng Nga.
Estonia có lý do để tham gia cuộc tập trận Locked Shields, bởi nước này từng trải nghiệm một cuộc tấn công mạng thật sự. Vào năm 2007, Estonia đã là mục tiêu tấn công mạng ở quy mô cấp quốc gia. Cuộc tấn công diễn ra từng bước từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2007. Các máy chủ hệ thống của ngân hàng nước này đã bị bẻ khóa và buộc phải đóng hết, chỉ chừa một phần nhỏ cho các hoạt động rất cần thiết và chuyển sang sử dụng máy chủ đặt ở Lithuania.
Cùng thời gian đó, một ma trận tin nhắn cũng được triển khai rầm rộ từ một nguồn vô danh gửi cho cộng đồng người nói tiếng Nga ở Estonia, khuyến cáo họ cần lái xe thật chậm khi đi vào trung tâm thành phố vào những thời gian nhất định. Việc này không vi phạm pháp luật, nhưng nó làm cho hoạt động của Tallinn gần như…bất động. Rồi điện thoại của các cơ quan trọng yếu của chính phủ đều đồng loạt đổ chuông, liên tục không ngừng, cuộc gọi đến được cho là từ rất nhiều robot tự động gọi.
Kể từ sau vụ tấn công năm 2007, Estonia đều đặn đón nhận những cú tấn công nhỏ, tuy không gây chú ý nhưng đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày ở nước này. NATO cáo buộc Nga là thủ phạm các cuộc tấn công đó nhằm duy trì tầm ảnh hưởng lên Estonia cho dù nước này đã gia nhập NATO.
Dù ai là thủ phạm cuộc tấn công nêu trên thì việc đó cũng phơi bày ra cho thế giới thấy một nguy cơ chiến tranh mới trong xã hội hiện đại: không cần tốn một viên đạn hay quả tên lửa, mà chỉ cần một cú nhấp chuột thì cả một quốc gia, thậm chí nhiều quốc gia cùng lúc, có thể bị đánh sập, mọi hoạt động ngưng trệ, cả một hệ thống thông tin liên lạc phải "lưu vong" ra nước ngoài, thậm chí bị đánh cắp dữ liệu sạch sẽ.
Để dự phòng một cuộc tấn công quy mô lớn tiếp theo đối với Estonia, NATO đã cho thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Quốc phòng trên mạng (CCDCE) tại Tallinn và thiết lập các kết nối giữa hệ thống mạng quân đội với hệ thống mạng dân dụng. Và cuộc tập trận tại Tallinn đã được thiết kế để dự phòng tình huống tấn công mới: đó là một kịch bản giả định phức tạp trong đó Estonia có thể bị tấn công bất ngờ, phối hợp đồng loạt giữa nổ bom và tấn công mạng vào những ngành trọng yếu nhất của nước này. Tất cả những kỹ sư và hacker phục vụ Chính phủ Estonia tham gia cuộc tập sẽ được triệu tập một khi có cuộc tấn công mạng mới như thế.
Các hacker áo xanh lục tham gia tập trận tại Tallinn. |
Trong một căn phòng tác chiến nằm trong khu phức hợp Bộ chỉ huy NATO ở Mons, Bỉ, là hàng trăm màn hình máy tính có nhiệm vụ dự đoán các vụ tấn công có thể xảy ra hàng ngày. Ian West, Giám đốc Cơ quan Thông tin và truyền thông (CAIA) của NATO cho biết, cơ quan của ông ghi nhận khoảng 200 triệu sự kiện khả nghi mỗi tuần. Trong đó có nhiều cái đã tự động bị tường lửa ngăn chặn hiệu quả, nhưng vẫn còn khoảng 250-350 trường hợp nghiêm trọng mỗi tuần nhắm vào tổng hành dinh và các căn cứ của NATO trên toàn thế giới, mỗi trường hợp tấn công như thế đều cần sự can thiệp của đội quân an ninh mạng 200 người.
Ngoài ra, còn nhiều vụ tấn công nhắm vào hệ thống hạ tầng mạng của các quốc gia thành viên. "Đây là một cuộc chiến tranh vô hình đang diễn ra hàng ngày mà không ai nghe, không ai thấy gì cả cho đến khi một sự kiện lớn xảy ra" - ông West nói.
Cái khó lớn nhất của NATO trong phòng thủ mạng là sự khan hiếm các chuyên gia về an ninh mạng tầm cỡ, mặc dù khối này có đến 27 nước thành viên, trong đó có nhiều nước có nền công nghệ cao tiên tiến nhất thế giới. Nga và Trung Quốc được xem là có lợi thế hơn về lực lượng chuyên gia an ninh mạng.
Ở Trung Quốc, đơn vị bí mật khét tiếng 61398 thuộc Quân đội Trung Quốc, đặt tại một tòa nhà 12 tầng ở Thượng Hải, bị báo chí phanh phui năm 2013 là đã tấn công mạng một loạt quốc gia và doanh nghiệp phương Tây trong suốt 7 năm. Tham gia cuộc tấn công có hàng ngàn hacker nói tiếng Anh thành thạo tham gia. Một cuộc tấn công khác vào hệ thống hạ tầng mạng của NATO cách đây 2 năm bị nghi là cũng do đơn vị này làm; và gần đây hơn, một loạt tấn công mạng nhằm vào NATO xuất phát từ nhóm hacker CyberBerkut ở Đông Ukraine (được cho là ủng hộ Nga).
Để tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công như trên, NATO và các quốc gia thành viên đã phải tích cực tuyển bất kỳ hacker nào, kể cả các hacker từ thành phần "mũ đen".
Từ kinh nghiệm vụ tấn công mạng ở Estonia năm 2007, nước Anh đã thành lập đơn vị Dự bị Liên quân phòng thủ mạng (JCR) vào năm 2013. Mục đích của JCR là tuyển mộ hàng trăm hacker làm quân dự bị để khi có tấn công mạng thì sử dụng. Mục tiêu là tăng cường sự sắc bén của quân đội Anh trong việc phòng thủ, xác định các "bẫy an ninh mạng" tiềm ẩn. JCR cũng có thể sẽ tham gia vào các hoạt động tấn công mạng khi Chính phủ Anh quyết định sẽ phản công các lực lượng tấn công mạng vào Anh, hoặc có thể sẽ chủ động tấn công phủ đầu nhằm phá hủy các hệ thống mạng được IS và các nhóm khủng bố khác sử dụng.
Năm 2015, nước Anh thành lập thêm một đơn vị tâm lý chiến mang tên Lữ đoàn 77, mô phỏng theo Chindits, đơn vị biệt kích nổi tiếng thời Chiến tranh lạnh. Nhiệm vụ của Lữ đoàn 77 là tham gia mạng Internet để dụ dỗ, thuyết phục các đối tượng "kẻ thù" bằng thủ thuật tâm lý chiến, chủ yếu sử dụng mạng xã hội Facebook, vì vậy còn có biệt danh là Lữ đoàn Facebook.
Tháng 11-2015, Bộ trưởng Tài chính George Osborne tuyên bố Chính phủ Anh sẽ chi khoảng 2 tỉ bảng để đầu tư cho các hoạt động phòng thủ mạng, trong đó có hoạt động của các đơn vị nêu trên.