Cuộc chiến tranh tình báo bí mật của Anh và Mỹ ở Yemen

Thứ Tư, 04/05/2016, 16:45
Cuộc tấn công tiêu diệt Fahd al-Quso ngày 6-5-2012 của chiếc máy bay không người lái (drone) vũ trang tên lửa Hellfire được đánh giá là một trong những chiến dịch chống khủng bố thành công nhất của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Yemen.

Al Quso là thủ lĩnh chiến trường của nhóm Al-Qaeda ở Bán đảo Ảrập (AQAP) và từng dính líu đến vụ đánh bom tàu chiến Mỹ USS Cole năm 2000 cũng như đe dọa tấn công các Đại sứ quán Mỹ. Chiến dịch tiêu diệt Al-Quso cũng là minh chứng cho thấy sự hợp tác thành công giữa các cơ quan tình báo Anh và Mỹ.

Ali al-Ahmadi, Giám đốc NSB và Fahd al-Quso.

Stephen Seche, Đại sứ Mỹ ở Yemen giữa các năm 2007 và 2010, thừa nhận hoạt động trên chiến trường gặp nguy cơ rất cao, song mạng lưới tình báo con người vẫn là vô giá trong sứ mạng định vị mục tiêu. Không chỉ có Mỹ mà Anh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng ở Yemen.

Đội sĩ quan tình báo MI-6 của Anh được đánh giá là rất có hiệu quả. Một cựu quan chức CIA chịu trách nhiệm về các chiến dịch tình báo ở Yemen nhận xét: "Người Anh có mặt ở các quốc gia vùng Vịnh trong nhiều thập niên. Kho kiến thức, các mối tiếp xúc và sự thông thạo khu vực của người Anh là các yếu tố vô cùng quan trọng". Người Mỹ đánh giá cao sự hợp tác của người Anh, song tình báo Anh cũng muốn dính líu vào các chiến dịch của Mỹ để nắm rõ những mối đe dọa tiềm tàng cho nước Anh.

Bí mật từ tình báo Mỹ mà người Anh muốn biết và cùng tham gia là những mục tiêu tấn công của drone. Sau khi xác định được mục tiêu, MI-6 và CIA bắt đầu chuẩn bị cuộc tấn công và CIA có nhiệm vụ xin phép Ammar Saleh - Phó giám đốc Cục An ninh Quốc gia Yemen (NSB), tức cơ quan tình báo nước này. Sau đó, giới chức NSB sẽ tiếp xúc với mạng lưới tình báo trên mặt đất của họ để thẩm tra báo cáo từ CIA trước khi cấp phép cho những cuộc tấn công drone.

Xác một chiếc ôtô bị drone Mỹ tấn công hồi tháng 8-2012.

Theo nguồn từ Mỹ, Anh và quân đội Yemen, đội ngũ sĩ quan MI-6 làm việc trong Phòng Chiến dịch Phối hợp (JOR) tại trụ sở NSB để hỗ trợ hoạt động thu thập thông tin tình báo. Ali al-Ahmadi, Giám đốc NSB giữa các năm 2012 - 2015, khẳng định: "Sự hợp tác của MI-6 giúp chúng tôi chuẩn bị những cuộc đột kích, bắt giữ và quan sát các mục tiêu. Đó thật sự là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của NSB".

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh (MOD) tuyên bố với tổ chức nhân quyền nước này Reprieve hồi năm 2014: "Anh không cung cấp sự hỗ trợ quân sự nào cho chiến dịch không kích từ xa [RPAS] của Mỹ ở Yemen".

Ngoài sự hợp tác với NSB, sĩ quan MI-6 cũng giúp huấn luyện Tổ chức An ninh Chính trị Yemen (PSO) - cơ quan cảnh sát mật nước này có nhiệm vụ giám sát hệ thống viễn thông và thu thập thông tin tình báo. MI-6 và PSO cũng giúp Mỹ xác định chính xác mục tiêu trước khi tiến hành tấn công bằng drone.

Với hoạt động của mình, PSO bị thế giới chỉ trích gay gắt về hành động vi phạm nhân quyền có hệ thống. Song song với MI 6, quân đội Anh cũng chịu trách nhiệm huấn luyện cho Đơn vị Chống khủng bố Yemen (CTU), bao gồm việc thành lập đội do thám của đơn vị này; và Trung tâm Phối hợp Tình báo (IFC) - cơ quan quản lý các nguồn thông tin và phân tích tình báo về AQAP. Hằng tuần, quan chức CIA đều có mặt ở IFC để lấy thông tin.

Nguồn tình báo con người của Anh (bao gồm điệp viên chuyển giao thông tin dẫn đến cuộc tấn công drone tiêu diệt al-Quso) đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực săn lùng nhà chế tạo bom Ibrahim al-Asiri của AQAP. Trên thực tế, MI-6 đã giúp Mỹ tiến hành bao nhiêu chiến dịch drone vẫn còn nằm trong bí mật.

Theo Mustafa Alani (Giám đốc Viện Nghiên cứu vùng Vịnh có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Nội vụ Ảrập Xêút), điệp viên MI-6 giúp Mỹ tiêu diệt al Quso cũng dính líu đến 8 sứ mạng drone khác của CIA. Mustafa Alani nhận định CIA sẽ không thành công nếu không có sự giúp đỡ từ điệp viên này.

Cụ thể là nhờ điệp viên MI-6 này mà chiếc drone của CIA tiêu diệt được "bác sĩ" Khalid Usama, kẻ thân tín của Ibrahim al-Asiri, ngày 30-3-2012. Chiếc drone Reaper bắn 3 tên lửa vào một chiếc ô tô giết chết Khalis Usam và một tên khủng bố. Khalid Usama được tin là phần tử quan trọng giúp AQAP trong nỗ lực chế tạo chất nổ đặc biệt có thể cấy vào trong cơ thể kẻ đánh bom liều chết mà nhân viên an ninh sân bay không tài nào phát hiện ra.

Song, cuộc tấn công drone cũng giết chết một người dân 60 tuổi tên là Saleh Muhammed Saleh al-Sunna và làm bị thương 6 trẻ em. Nabeel Khoury, phó lãnh đạo sứ mạng Mỹ ở thủ đô Sanaa của Yemen giữa các năm 2004 và 2013, chỉ trích: "Những cuộc tấn công drone chắc chắn tiêu diệt được vài tên xấu xa, song cũng sát hại một số lớn những người dân vô tội".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.