"Cuộc chiến trong bóng tối" của CIA tái diễn tại Afghanistan

Thứ Sáu, 11/12/2015, 20:00
Dư luận Afghanistan đang sôi sục vì sự trở lại của những cuộc bố ráp ban đêm từng một thời gây căm phẫn trong người dân Afghanistan. Chiến dịch bố ráp mới này lại được thực hiện bởi các lực lượng địa phương do Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đào tạo và gầy dựng từ những năm theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan.

“Cánh tay đắc lực” KPF

Người ta gọi các cuộc bố ráp ban đêm đó là “cuộc chiến trong bóng tối” của CIA tại Afghanistan. Thời cao điểm chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan, “cuộc chiến trong bóng tối” diễn ra thường xuyên, với lực lượng bao gồm cả người Mỹ và người địa phương được CIA tuyển chọn và huấn luyện. Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt các hoạt động chiến đấu tại Afghanistan, quân đội Mỹ và NATO đã rút gần hết. Một số lực lượng được ở lại Afghanistan, trong đó có CIA.

Tuy nhiên, sau gần một năm rút quân, trước tình hình an ninh Afghanistan luôn bất ổn, xảy ra nhiều vụ tấn công của Taliban, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định trì hoãn việc rút quân. Ngày 15-10 vừa qua, ông Obama đã tuyên bố khoảng 5.500 binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan thêm một năm để thực hiện hai nhiệm vụ: huấn luyện cho các lực lượng Afghanistan và chống Al-Qaeda. Trên thực tế, các lực lượng Mỹ duy trì tại Afghanistan đã luôn chiến đấu quyết liệt để ngăn chặn đà tiến công của Taliban.

Lực lượng KPF.

“Cuộc chiến trong bóng tối” của CIA diễn ra chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Afghanistan, nơi lâu nay vẫn được xem là địa bàn nhạy cảm về an ninh, bởi đây là vùng tiếp giáp với tỉnh Bắc Waziristan, ở vùng rừng núi các bộ lạc Tây Bắc Pakistan được Mỹ xem là “thiên đường khủng bố”. Đây là nơi đặt trung tâm đầu não của Taliban để tung ra các hoạt động chống phá chính quyền Afghanistan. Ngoài Taliban, Bắc Waziristan còn là nơi đặt tổng hành dinh của mạng lưới khủng bố Haqqani và Al-Qaeda.

Khác với lực lượng quân sự, CIA không bị ràng buộc bởi Thỏa thuận An ninh Song phương (BSA) đã ký giữa Mỹ và Afghanistan hồi năm 2014. Người của cơ quan này được phép xâm nhập vào nhà dân ở Afghanistan trong những cuộc bố ráp ban đêm nhằm phục vụ cuộc chiến chống khủng bố. Trong những năm đỉnh cao của cuộc chiến, CIA đã tổ chức huấn luyện cho nhiều đội đặc nhiệm địa phương người Afghanistan ở những địa bàn xung yếu, với hàng ngàn lính biệt kích. Các đơn vị đặc nhiệm này được CIA lập ra từ những ngày đầu sau khi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự đánh bật lực lượng Taliban ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2001.

Lực lượng Bảo vệ Khost (KPF) là một trong các lực lượng đặc nhiệm do CIA tuyển chọn và huấn luyện nhằm thực hiện “cuộc chiến trong bóng tối”. Để xây dựng lực lượng này, CIA chủ yếu tuyển chọn người từ các bộ lạc địa phương tỉnh Khost với lời hứa hẹn về lương bổng hấp dẫn, kèm theo các trang thiết bị và các điều kiện chiến đấu tốt hơn của quân đội Afghanistan. KPF hiện có quân số vào khoảng 3.500 người. KPF hoạt động chủ yếu dọc biên giới giáp với tỉnh Bắc Waziristan của Pakistan.

Hoạt động chính của đơn vị này là bảo vệ an ninh cho tỉnh Khost, bằng hình thức tổ chức các cuộc bố ráp ban đêm. Các biệt kích KPF sau khi được tuyển chọn và huấn luyện chiến đấu được nhận mức lương vào khoảng 400 USD/tháng, gấp đôi mức lương của binh sĩ trong các đơn vị an ninh Afghanistan. Các chỉ huy được hưởng mức lương cao hơn, khoảng, 1.000 USD/tháng hoặc hơn, tùy cấp hàm.

Hoạt động của KPF nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương, vì mặc dù về nguyên tắc KPF chịu sự giám sát của Ban Giám đốc An ninh Quốc gia (NDS), tức Cơ quan Tình báo Quốc gia của Afghanistan, nhưng nhiều người nói rằng KPF là tổ chức “ủy nhiệm” của CIA, vẫn đang tiếp tục chịu sự điều khiển từ CIA. Trên thực tế, CIA vẫn tiếp tục điều khiển các hoạt động của KPF, vẫn tiếp tục trả lương, cung cấp thiết bị và huấn luyện các binh sĩ KPF. Một cựu chỉ huy KPF nói rằng kế hoạch hoạt động của KPF đều do các sĩ quan của CIA vạch sẵn.

Ở tỉnh Khost, KPF có ảnh hưởng mạnh hơn quân đội và cảnh sát Afghanistan. Một quan chức CIA nói rằng, KPF là đơn vị hiệu quả nhất mà CIA từng huấn luyện tại Afghanistan, và rằng nếu không có KPF, tỉnh Khost khó mà giữ được an ninh. Bản chất hoạt động của KPF có nhiều điểm tương đồng với CIA khi triển khai chiến dịch bố ráp ban đêm cách đây mấy năm, đó là giữ bí mật gần như tuyệt đối trong hoạt động, bất ngờ tấn công vào ban đêm với chiến thuật chuyên nghiệp khiến đối tượng không kịp trở tay.

Những nhân chứng của các cuộc bố ráp ban đêm còn cho biết họ nghe các thành viên KPF nói tiếng Anh và có phiên dịch địa phương đi kèm. Thực ra, trong các thành viên KPF tham gia những cuộc bố ráp có sự hiện diện của các đặc nhiệm, hay nói chính xác hơn, đó là các cố vấn người Mỹ của KPF đóng tại Căn cứ Hoạt động tiền phương Chapman. Họ thường tháp tùng đi theo các đơn vị an ninh kiểu KPF ở Afghanistan để trực tiếp hướng dẫn, đưa ra những lời khuyên về chuyên môn để các binh sĩ KPF thực hiện đúng bài bản chiến thuật trong cuộc bố ráp. Đồng thời, các sĩ quan CIA sẽ gọi máy bay có người lái hoặc không người lái đến phóng tên lửa vào các mục tiêu chỉ điểm sẵn. Khi các nghi can bị đưa về Căn cứ Chapman, các cố vấn CIA luôn thực hiện phần việc quét sinh trắc mống mắt các nghi can khủng bố, phần thẩm vấn để cho người Afghanistan thực hiện.

Tuy nhiên, cũng như thời kỳ CIA trực tiếp triển khai chiến dịch, các cuộc bố ráp ban đêm của KPF tiếp tục gây ra những vụ “bắt lầm”, “giết lầm” thường dân vô tội. Năm 2013, Tổng thống Afghanistan khi đó là Hamid Karzai đã ra lệnh cấm các hoạt động bố ráp ban đêm để chấm dứt tình trạng dân thường vô tội bị chết oan. Tuy nhiên, báo chí quốc tế và Afghanistan đã đưa tin về những vụ bắt, giết lầm như thế để nhắc nhở mọi người về một thực tế là CIA chưa bao giờ chấm dứt các cuộc bố ráp đó.

Bắt nhầm, giết nhầm tái diễn

Có thể đơn cử một vụ việc gần đây, lực lượng KPF và các cố vấn của CIA đến làng Tor Ghar thuộc vùng rừng núi kẻo lánh của tỉnh Khost giáp biên giới Pakistan vào một đêm tháng 9-2015. Các nhân chứng kể lại, khoảng quá nửa đêm, các biệt kích KPF và CIA mang mặt nạ đen, mặc đồng phục ngụy trang đột nhập vào làng để truy tìm các phiến quân có liên hệ với Taliban. Darwar Khan, một thanh niên trong làng Tor Ghar kể, chỉ trong vài phút, những người có vũ trang đến nhà của anh ta, và khi cha anh ta vừa mở cửa “tiếp khách” thì bị bắn chết ngay tại chỗ.

Máy bay không người lái là công cụ sát thương thường được CIA sử dụng trong các cuộc bố ráp trước đây.

“Rồi sau đó họ ném một quả lựu đạn vào trong nhà và giết chết luôn mẹ tôi” – Khan kể trong ấm ức. Khan cho biết, cha anh là một nông dân, còn mẹ ở nhà làm nội trợ. Khi sự việc xảy ra, Khan và em trai nấp trốn ở trong nhà. Sau khi giết chết xong bố mẹ Khan, lực lượng KPF và CIA đã bắt anh em Khan đưa về doanh trại ở Căn cứ Chapman. Lực lượng KPF người Afghanistan thẩm vấn Khan, còn các nhân viên CIA thì lấy dấu vân tay và quét mống mắt anh. Những người khác bị bắt trước Khan đều trải qua thủ tục tương tự. Theo các bô lão trong làng, vụ giết lầm ở nhà Khan không phải là vụ đầu tiên, và những vụ giết lầm như thế cũng sẽ không dừng lại.

Riêng trong tháng 11-2015 đã xảy ra hàng loạt vụ bắt lầm, giết lầm do KPF và CIA gây ra. Ngày 7-11, một vụ bố ráp ban đêm ở khu Dery thuộc thành phố Khost City. Các tay súng KPF hợp cùng các cố vấn CIA tấn công một ngôi nhà, giết chết một người đàn ông 45 tuổi và đứa cháu trai 17 tuổi của ông ta. Abdul Wahed Patan, Phó tỉnh trưởng tỉnh Khost xác nhận, cả 2 nạn nhân đều là thường dân vô tội.

Trong một vụ việc khác xảy ra ở thành phố Khost, tỉnh Khost hôm 11-11-2015, một người đàn ông 50 tuổi cùng con trai 26 tuổi bị giết nhầm. Tiếp đến, ngày 20-11, KPF cùng 2 cố vấn CIA đi trực thăng đến bố ráp ba ngôi nhà ở quận Zazi Maidan, vào lúc 1 giờ 30 phút sáng. Một trong ba ngôi nhà đó là của ông Ibrahim Jan, là quân nhân giải ngũ của Chính phủ Afghanistan. Nghe tiếng ồn ào, ông Jan cầm súng chạy ra ngoài để lo bảo vệ gia đình mình. Các tay súng KPF và CIA đã leo lên nóc nhà ông Jan và khi thấy ông ôm súng chạy ra, đã xả súng bắn chết ông. Vợ ông nghe tiếng súng nổ, vội chạy ra ôm xác chồng cũng bị bắn chết luôn. Còn những người nhà láng giềng kế cận ông Jan sau đó bị bắt đưa về Căn cứ Chapman thẩm vấn.

Các vụ bắt nhầm, giết nhầm gây ra nhiều cái chết oan khiến cho người dân ở tỉnh Khost phẫn nộ.

Dean Boyd, phát ngôn viên của KPF đã thừa nhận qua e-mail: “Chúng tôi đã cố gắng làm một số việc quan trọng để giúp NDS đối phó những vấn đề khó khăn khi thực hiện chiến dịch bố ráp”. Cái khó lớn nhất của KPF và CIA trong hoạt động bố ráp kiểu này là làm thế nào phân biệt được ai là dân thường vô tội, ai là Taliban, Al-Qaeda hay mạng lưới Haqqani, vì tất cả họ nhìn bề ngoài đều giống nhau, chẳng có dấu hiệu cụ thể nào để phân biệt cả.

Vấn đề nghiêm trọng hơn, các cuộc bố ráp ban đêm đó đã không còn phân biệt độ tuổi, thành phần đối tượng. Và đã có lần KPF phải trả giá cho hành động của mình. Báo chí còn nhắc lại vụ việc xảy ra vào tháng 12-2014, 14 tay súng KPF ập vào khu nhà của một người đàn ông tên là Meerajudin và bắn chết cậu con trai 14 tuổi của ông khi cậu bé chạy trốn vì hoảng sợ. Thực tế, khu nhà của ông Meerajudin không phải là cơ sở của Taliban như KPF quả quyết, và bản thân ông này cũng chỉ là một mujahedeen trước đây. Sau khi vụ việc xảy ra, vì quá ấm ức, ông Meerajudin đã đâm đơn kiện KPF, yêu cầu cơ quan chức năng mở cuộc điều tra. Trước tòa án, một thành viên KPF thừa nhận đã ngụy tạo hiện trường giả theo lệnh của chỉ huy, đặt một khẩu AK bên cạnh xác chết của cậu thiếu niên xấu số để che giấu tội ác. Kết quả phiên tòa, 2 thành viên KPF đã bị tuyên án 10 năm tù vì tội giết người.

Tháng 11-2015, bức xúc trước tình trạng KPF và CIA gây ra nhiều vụ bắt lầm, giết lầm dânthường vô tội, hàng trăm dân làng đã kéo về thành phố Khost City để biểu tình, phản đối sau khi KPF tiếp tục gây ra thêm 2 cái chết oan trong một vụ bố ráp ban đêm. Sau đó, người dân chở thi thể của người bị chết oan đến Căn cứ Chapman biểu tình. Ngoài ra, Hội đồng tỉnh Khost cũng đã nhận được hàng ngàn đơn khiếu nại của người dân liên quan đến hoạt động của KPF không chỉ do việc bắt, giết lầm mà còn do hoạt động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt đời sống thường ngày của dân chúng.

Những vụ biểu tình, khiếu nại, thưa kiện như thế đang tạo nên nguy cơ KPF có thể bị giải tán, và CIA sẽ phải mất đi cánh tay đắc lực trong “cuộc chiến trong bóng tối” chống khủng bố ở Afghanistan.

An Tôn (tổng hợp)
.
.