"Cuộc chiến" trong làng báo Anh năm 1923

Thứ Năm, 17/01/2008, 08:30
Gần đây, Cơ quan Văn hóa Ai Cập lần đầu tiên đã cho trưng bày xác ướp của vị Pharaon (vua) nổi tiếng nhất trong lịch sử nước này - Tutankhamun. Tuy nhiên, một điều ít ai biết là vào những năm 20 thế kỷ XX, chính các nhà khảo cổ học người Anh là người đã phát hiện ra lăng mộ của Pharaon Tutankhamun tại "Thung lũng đế vương" (Valley of the Kings), miền Nam Ai Cập.

Phát hiện này đến nay vẫn là một trong những phát hiện giá trị nhất trong lịch sử khảo cổ học thế giới. Khi đó, để có thể nắm được "các thông tin độc quyền" liên quan đến phát hiện này, báo chí Anh đã tiến hành một "cuộc chiến thông tin" vô tiền khoáng hậu, với hàng loạt thủ đoạn như mua chuộc, mỹ nhân kế, để đạt mục đích của mình.

Gần đây, tờ Time, đã quyết định tiết lộ nội tình "cuộc chiến" thông tin có một không hai này.

Lăng mộ bí ẩn của vị Pharaon nổi tiếng nhất Ai Cập

Ngày 30/11/1922, tờ Time của Anh đã cho đăng tải thông tin cực kỳ gây sốc: Nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter cùng nhà tài trợ của ông là Huân tước Carnarvon đã phát hiện được một lăng mộ Ai Cập cổ tại khu vực Rucksu, miền Nam nước này. Lăng mộ là một vương cung của Ai Cập cổ, hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay và chưa có dấu hiệu của việc bị những kẻ trộm viếng thăm.

Khi đó, cơn sốt đi tìm các ngôi mộ cổ, bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX ở châu Âu đã lên đến đỉnh điểm. Tất cả mọi tầng lớp, không kể người giàu, kẻ nghèo, quan chức hay thường dân đều tỏ ra vô cùng hứng thú đối với công việc khảo cổ các nền văn minh cổ của các quốc gia phương Đông như Ai Cập và Trung Quốc. Do đó, thông tin về việc Carter tìm được lăng mộ cổ Ai Cập chẳng khác nào một quả bom nổ.

Chủ nhân của lăng mộ này là Pharaon Tutan - khamun thuộc Vương triều thứ 18 của Ai Cập. Ông sinh vào năm 1341 trước Công nguyên, lên kế vị từ lúc 8 tuổi, nhưng thời gian trị vì của ông không kéo dài. Năm 19 tuổi, ông chết một cách bí ẩn, vì vậy việc khai quật lăng mộ này càng có sức hút.

Tuy nhiên, điều cuốn hút nhất đối với công chúng Anh, thậm chí cả Carter và Huân tước Carnarvon, chính là số kho báu còn nguyên vẹn trong lăng mộ. Họ mong rằng, báo chí có thể đưa được thông tin này đến với công chúng một cách kịp thời và đầy đủ.

Xác ướp tutankhamun khi được tìm thấy.

Dĩ nhiên các báo ở Anh đều sốt sắng đưa tin, nhưng giữa các tờ báo lại âm ỉ một “cuộc chiến thông tin”, với mục đích nhân cơ hội ngàn vàng này để tăng lượng phát hành của báo mình.

Thông tin độc quyền của tờ Time

Đi đầu các tờ báo của nước Anh khi đó trong việc đưa tin về lăng mộ Tutankhamun là tờ Time. Tháng 1/1923, tờ Time tuyên bố: họ đã có được thông tin độc quyền xung quanh việc khai quật lăng mộ Tutankhamun từ Huân tước Carnarvon.

Theo thỏa thuận của hai bên, tờ Time đã trả cho Huân tước Carnarvon 5.000 bảng Anh (tương đương 200.000 bảng so với giá trị hiện nay), đồng thời ông sẽ được hưởng chung khoản 75% tiền thu được từ những thông tin này khi báo chí đăng tải. Tờ Time cũng tuyên bố, các tờ báo khác muốn có được những thông tin này, nhất thiết phải trả cho họ một khoản tiền bản quyền.

Việc làm này của tờ Time ngay lập tức đã gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ tại phố Fleet (Fleet Street, cụm từ này được dùng để chỉ giới báo chí London, Anh). Đối với báo chí Anh, “độc quyền đưa tin” khi đó vẫn còn là một chuyện khá mới mẻ, nên việc làm này của tờ Time được coi là không thể chấp nhận được.

Do đó, ngoài một số tờ báo miễn cưỡng đồng ý trả cho tờ Time một khoản tiền nhất định để được đưa tin lại về vụ khai quật, còn hầu hết các báo đều tỏ thái độ bất bình và không hợp tác. Họ lập tức chỉ trích hành động “lũng đoạn” của Time, và gọi Huân tước Carnarvon là "đồ con buôn” chỉ biết đến tiền.

Trước vụ việc này, Huân tước Carnarvon đã giải thích rằng, việc bán thông tin độc quyền cho các báo là việc làm cần thiết, nếu không "tất cả các phóng viên trên thế giới" sẽ đổ xô đến lăng mộ Tutankhamun, như vậy các nhà khảo cổ sẽ không thể làm việc được; hơn nữa, số tiền bán thông tin độc quyền này, một phần sẽ được dùng vào công việc khai quật.--PageBreak--

"Vũ khí bí mật" của các đối thủ

Các tờ báo không muốn mua lại thông tin từ tờ Time đã quyết định hợp tác với nhau, thành lập một nhóm đưa tin đi đến Ai Cập, quyết tâm phá vỡ sự “lũng đoạn” của tờ Time.

Trong đoàn đưa tin tới Ai Cập, có đầy đủ các phóng viên nổi tiếng và dày dạn kinh nghiệm trong làng báo London, bao gồm phóng viên H.V. Morton của tờ Daily Express, Athur Vigor của tờ Daily Mail và H.A. Bradscuit của tờ Morning Post, dẫn đầu đoàn đưa tin này là phóng viên Valentin Williams của Hãng Reuters, một phóng viên chuyên viết truyện trinh thám, đã từng tham gia đưa tin về Đại chiến thế giới thứ I.

Trong lần đến Ai Cập này, Williams có đem theo một “vũ khí bí mật” - đó chính là người vợ của anh ta với sắc đẹp mê hồn.

Đầu tháng 2/1923, phóng viên của Hãng Reuters đặt chân đến Luxor và trọ tại một khách sạn nhỏ trong vùng. Phóng viên thường trú hàng đầu của Time tại Ai Cập, Athur Merton đã gọi đoàn đưa tin chung kia là “Những kẻ chọc gậy bánh xe”. Mới đầu, hai bên vẫn giữ được tác phong lịch thiệp của người Anh, nhưng ngay sau đó, quan hệ nhanh chóng trở nên tồi tệ.

Nhóm phóng viên của Williams suốt ngày đảo qua, đảo lại khu vực quanh lăng mộ, để tìm cách thu thập thông tin liên quan; còn những người trong đoàn của Merton, do đã có độc quyền đưa tin nên họ liên tiếp gửi bài cho tòa soạn ở London về tình hình khai quật khu lăng mộ. Nhờ vậy, mà công chúng nước Anh luôn được cung cấp những thông tin kịp thời về cuộc khai quật này.

Nhóm của William quyết định áp dụng cách thức “tấn công” bằng cách đưa vào sử dụng thứ "vũ khí bí mật" của mình. Dưới sự xếp đặt của nhóm phóng viên, người vợ xinh đẹp của Williams đã đứng ra tổ chức một bữa tiệc và mời các quan chức trong ngành văn hóa Ai Cập tới dự, với hy vọng có thể thu được một số thông tin liên quan từ họ.

Do tất cả những bản thảo tin tức đều phải được phát qua Bộ Văn hóa Ai Cập, nên nhóm của Williams có ý định dùng tiền để mua chuộc các nhân viên bưu chính Ai Cập nhằm đánh cắp bản thảo của các phóng viên tờ Time.

Thắng lợi cuối cùng của Time

Ngày 17/2/1923, Huân tước Carnarvon và Carter quyết định cho mở phòng chứa quan tài của lăng mộ. Nhóm phóng viên của Williams cũng đã nghe phong thanh được thông tin này và khoảng 8h 45 phút ngày hôm đó, họ bắt đầu chiếm lĩnh địa thế có lợi quanh khu mộ. Trong 8 tiếng đồng hồ sau, họ phải gánh chịu cái nóng dữ dội của Ai Cập mà vẫn không thu được bất cứ thông tin gì.

Cùng với đó, Morton còn chỉ đạo cho công nhân tung tin giả nhóm phóng viên Williams rằng, họ đã phát hiện được 8 xác ướp, trong khi đó một công nhân khác thì lại nói chỉ có 3 xác được tìm thấy... Tất cả thông tin này đã khiến cho nhóm phóng viên kia không biết phải xử lý thế nào.

Đến giữa trưa, Williams cũng có được một số thông tin, khi anh ta cố gắng hỏi một công nhân đã quen trước đó, và biết được rằng lăng mộ đã được mở. Thế nhưng, bản thân Williams cũng không nói cho những cộng sự trong nhóm của mình. Thay vào đó, anh ta vội vã chuyển thông tin này về trụ sở của Reuters.

Lúc này, Morton và những phóng viên khác của tờ Time cũng vừa hoàn thành bản thảo của mình, trong đó họ miêu tả đến từng chi tiết các món đồ trang sức, vàng bạc châu báu và đồ tùy táng trong quan tài của Pharaon Tutankhamun.

Sau khi trở lại khách sạn, các phóng viên trong nhóm Williams tỏ ra khá bận rộn đến tận 22 giờ. Họ muốn tìm một người có thể biết về tình hình việc khai quật để nắm các thông tin liên quan.

Đến lúc này, vợ của Williams lại quyết định ra tay thêm lần nữa. Cô cứ bám rịt người đại diện báo chí của phía Ai Cập, có thể lấy được thông tin miễn phí từ các phóng viên tờ Time, sau đó dùng kế để moi thông tin từ người này. Cuối cùng, họ cũng có được một số thông tin rời rạc, chắp vá, vội vã viết bài rồi nhanh chóng gửi về báo của mình.

Hai ngày sau, các báo đua nhau đưa tin về vụ khai quật thế kỷ, đồng thời tất cả số báo này đều được vận chuyển đến Rucksu, thế nhưng các phóng viên của tờ Time lại không thể tìm thấy những bài viết đặc sắc của mình ở đâu. Kẻ phá hoại chính là phóng viên Bradscuit của tờ Morning Post, đã đánh cắp tất cả các tờ Time trong khách sạn và đem tiêu hủy chúng một cách bí mật.

Tuy nhiên, hành động này chỉ mang tính bộc phát do sự đố kị của Bradscuit và không ảnh hưởng gì tới nội dung của tờ Time hôm đó, bởi tất cả những thông tin đặc sắc đều đã được đăng tải

Vũ Anh (theo Hoàn cầu thời báo)
.
.