Cuộc điều tra gián điệp trong Quốc hội Mỹ: Lỗ hổng khoét từ bên trong

Thứ Ba, 29/08/2017, 22:53
Một cuộc điều tra gián điệp công nghệ thông tin hầu như ít được nhắc đến đang âm thầm diễn ra trong Quốc hội Mỹ, với sự tham gia của Cục Điều tra liên bang (FBI) nhằm xác định mức độ thiệt hại do một số chuyên viên kỹ thuật phục vụ các nghị sĩ bị nghi lấy trộm dữ liệu thông tin nhạy cảm bán cho tình báo Palestine hoặc Nga.

Vụ việc bắt đầu khởi phát từ cách đây 16 tháng nhưng không được dư luận chú ý, công chúng không được thông tin đầy đủ. Từ một vụ bê bối lấy trộm thiết bị máy tính trong Quốc hội đã biến thành vụ vi phạm an ninh quốc gia và FBI đã vào cuộc điều tra.

Đến nay, các nhà điều tra nghi ngờ rằng, các dữ liệu nhạy cảm của Quốc hội - có thể bao gồm cả thông tin mật - có thể đã bị lấy trộm và bán cho các chính phủ, thực thể nước ngoài "thù địch" với nước Mỹ, và thông tin, dữ liệu này có thể được sử dụng để thao túng ngược lại Quốc hội Mỹ.

Imran Awan.

Vụ bê bối bắt đầu xảy ra vào tháng 4-2016, khi các quan chức an ninh mạng máy tính trong Hạ viện phát hiện và báo cáo có những "bất thường" xảy ra trong việc mua sắm trang thiết bị máy tính. Điều tra sơ bộ trong nội bộ đã phát hiện một vụ trộm cắp tài sản công trị giá hàng trăm ngàn USD.

Lần theo chứng cứ, các nhà điều tra phát hiện ra 5 chuyên viên kỹ thuật công nghệ thông tin làm việc tại các văn phòng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ. Sau đó, các chứng cứ được chuyển cho tổng thanh tra Hạ viện xem xét. Bà Tổng thanh tra phát hiện có quá nhiều chứng cứ phạm tội nghiêm trọng đến mức đã yêu cầu điều tra hình sự.

Tháng 10-2016, vụ việc được chuyển cho Cảnh sát Đồi Capitol. Đầu tháng 2-2017, 5 chuyên viên kỹ thuật bị thuyên chuyển, không cho làm việc trên mạng máy tính nữa. Trong quá trình điều tra, các nhà điều tra đã phát hiện các dữ liệu có giá trị của chính phủ Mỹ bị lấy trộm từ mạng máy tính nội bộ và lưu trữ vào các máy tính không nối mạng, và điều này càng khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng. Có khoảng 80 văn phòng nghị sĩ có thể đã bị lấy trộm dữ liệu.

Đến đây, Quốc hội Mỹ và cơ quan điều tra đã xác định được kẻ chủ mưu đứng đầu đường dây lấy trộm dữ liệu này là Imran Awan, 37 tuổi, một chuyên viên công nghệ thông tin kỳ cựu làm việc lâu năm trong Hạ viện Mỹ. Awan đã bị sa thải từ tháng 2-2017, nhưng không hiểu sao Nghị sĩ Debbie Wasserman Schultz, đảng Dân chủ bang Florida, lại tiếp tục giữ chân Awan, tiếp tục trả lương cho anh này cho đến khi anh ta bị bắt vào tháng 7-2017 vì tội phạm khác không liên quan gì đến vụ việc này.

Awan cùng vợ, Hina Alvi (31 tuổi), 2 em trai Abid và Jamal và một người bạn, Rao Abbas (tổng cộng 5 người) đã làm việc cho 30 văn phòng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ ở Hạ viện, trong đó có cả một số nghị sĩ là thành viên Ủy ban Tình báo và Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Hạ viện. Awan đến Mỹ sinh sống từ khi còn niên thiếu và trở thành công dân Mỹ vào năm 2004.

Nữ nghị sĩ Debbie Wasserman Shultz.

Cũng trong năm này, anh ta bắt đầu vào làm việc trong Quốc hội Mỹ. Sau một thời gian, dựa vào các mối quan hệ trong công việc, Awan sắp xếp để đưa vợ, hai em trai và bạn thân vào làm việc cho các nghị sĩ. Cơ quan điều tra đánh giá, các nghị sĩ tuyển dụng 5 chuyên viên CNTT này đã không làm đúng quy trình, không tiến hành sàng lọc kỹ trước khi tuyển dụng. Awan có thân nhân gia đình không tốt, em trai có nhiều tiền án tiền sự, phạm tội hình sự bị kết án trước khi được tuyển dụng. Điều quan trọng là hầu hết những chuyên viên CNTT này lại có… ít kinh nghiệm về CNTT và được trả lương cao, tương đương với một chánh văn phòng.

Ngày 17-8, Đại bồi thẩm liên bang đã tuyên buộc tội Imran Awan 4 tội danh không liên quan nhau, bao gồm gian lận ngân hàng, chủ mưu đường dây trộm cắp và khai gian dối. Vợ anh ta cũng bị buộc tội. Bà Alvi đã bị Nghị sĩ Gregory Meeks (bang New York) sa thải hồi tháng 2-2017 vì cho rằng việc Alvi bị điều tra đang làm ảnh hưởng đến hoạt động của văn phòng nghị sĩ của ông. Trong quá trình điều tra, FBI đã tịch thu ổ đĩa cứng và các chứng cứ khác tại nhà riêng của Awan và Alvi ở bang Virginia.

Theo FBI, Awan đã dùng mánh khóe gian lận để bòn rút của Liên minh Tín dụng Quốc hội Mỹ số tiền 165.000 USD. Tháng 12-2016, cặp vợ chồng Awan và Alvi đã khai gian dối để vay số tiền trên. Vợ chồng Awan có một căn nhà cho thuê và định mang thế chấp để vay tiền. Nhưng do Liên minh Tín dụng Quốc hội Mỹ không cho vay đối với tài sản thế chấp là nhà cho thuê nên cặp vợ chồng mới khai rằng đó là nhà ở.

Sau khi có được khoản vay 165.000 USD, vợ chồng Awan gộp thêm tiền sẵn có để gửi gần 300.000 USD về quê nhà ở Faisalabad, Pakistan vào tháng 1-2017. Lúc này, cuộc điều tra gián điệp CNTT ở Đồi Capitol đang hồi cao điểm. Awan bị FBI bắt tại Sân bay Quốc tế Dulles khi anh ta định chạy trốn về Pakistan.

Người vợ Alvi cũng bị FBI chặn lại ở Sân bay Quốc tế Dulles vào tháng 3-2017, khi chị này định bay về Pakistan, sau đó FBI đã để cho Alvi tiếp tục lên máy bay về Pakistan cùng 3 con nhỏ, cho đến nay không thấy quay trở lại Mỹ. Tại cơ quan FBI, Awan khai rằng số tiền gần 300.000 USD gửi về Pakistan là nhằm mục đích giải quyết tranh chấp đất đai với người mẹ kế phát sinh sau khi bố anh ta qua đời cách đây không lâu.

Bây giờ, các nhà điều tra FBI tạm gác lại các cáo buộc gian lận để chuyển sang điều tra sâu hơn về cáo buộc gián điệp vì nghi ngờ Awan liên quan trong cuộc điều tra gián điệp mạng lớn hơn mà FBI đang tiến hành (về những email bị lấy cắp của trợ lý bà Hillary Clinton và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ). Có thể sẽ có thêm nhiều vụ bắt bớ liên quan cuộc điều tra này trong thời gian tới. Cuộc điều tra đang chạm đến các lãnh đạo đảng Dân chủ, bao gồm Wasserman Schultz hiện đang bị cáo buộc đã bao che cho Awan.

Hina Alvi.

Bà Wasserman Schultz đã không chịu xử lý người phụ tá của mình mặc dù đã được các nhà quản lý Văn phòng Hạ viện và giới chức an ninh báo cáo về các hành vi đáng ngờ của Awan. Bà Wasserman Schultz không xem những hành vi tuồn dữ liệu ra bên ngoài của Awan vi phạm nghiêm trọng quy tắc an ninh, bảo mật thông tin trong Quốc hội Mỹ. Văn phòng Công tố Washington đã tịch thu chiếc máy tính xách tay mà văn phòng của bà Wasserman Schultz đã cấp cho Awan để điều tra, và bà Wasserman Schultz đã quyết liệt đòi lại vào đầu năm nay.

Cho đến nay, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ liên quan đến Awan và thân nhân gia đình anh ta. Giữa sự nghi ngờ và chứng cứ thực tế còn khoảng cách lớn khiến cho cuộc điều tra trở nên phức tạp. Các nhà điều tra phát hiện Awan đã được phép truy cập vào email của bà Wasserman Schultz tại cả hai nơi làm việc của bà là Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (thời bà còn làm Chủ tịch Ủy ban này) và Văn phòng Nghị sĩ trong Hạ viện do bà Wasserman Schultz trao cho ông mật khẩu của chiếc iPad bà sử dụng.

Sau khi các email và các tài liệu điều tra, nghiên cứu đối phương của DNC bị lấy trộm và tung lên mạng Internet trong đợt bầu cử năm ngoái, Wasserman Schultz đã từ chối giao máy chủ cho FBI để phục vụ điều tra. Thay vì thế, bà Wasserman Schultz đã mời một công ty tư nhân tiến hành điều tra để truy tìm tin tặc thủ phạm. Công ty này quả nhiên đã đưa ra cáo buộc chính phủ Nga có liên quan, nhưng lại thừa nhận rằng "chúng tôi không có bằng chứng vững chắc".

Imran Awan và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Cho đến nay, máy chủ hòm thư bị xâm nhập của DNC vẫn nằm trong kho lưu trữ của đảng này và FBI vẫn chưa thể tiếp cận để xem xét, điều tra. Liệu Awan có liên quan đến các sai sót trong việc quản lý, truy cập email trong mạng máy tính của DNC dẫn đến bị tin tặc lấy trộm email hay không là một câu hỏi lớn mà các nhà điều tra vẫn đang tìm câu trả lời. Các quan chức điều tra cho biết, một dung lượng lớn dữ liệu đã được Awan và 4 người cộng sự chuyển ra khỏi mạng máy tính an ninh của Quốc hội Mỹ. Hiện các nhà điều tra đang xem xét để xác định có thông tin mật bị rò rỉ trong khối lượng dữ liệu này hay không.

Một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đang yêu cầu tổ chức các phiên điều trần để xác định mức độ nghiêm trọng của vụ bê bối CNTT trong Hạ viện và làm sáng tỏ những nghi vấn còn chưa được chứng minh.

Thượng tuần tháng 8-2017, Nghị sĩ Ron De Santis (đảng Cộng hòa bang Florida), thành viên Ủy ban Giám sát Chính phủ cho rằng việc Awan chuyển tiền về Pakistan là một "sự kiện đáng báo động vì Pakistan là quê hương của nhiều tổ chức khủng bố", và ông De Santis đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions phải xác định rõ chính phủ Mỹ sẽ hành động như thế nào để ngăn chặn nguy cơ từ vụ việc này.

Ngoài ra, một số tổ chức giám sát hoạt động của các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu điều tra về đạo đức công vụ đối với bà Wasserman Schultz vì đã bao che cho Awan trong thời gian dài làm ảnh hưởng đáng kể đến việc điều tra về những nghi vấn gián điệp liên quan đến Awan. Trong vài tuần qua, báo chí Mỹ cũng liên tục có những bài chỉ trích bà Wasserman Schultz đã tạo ra một mối nguy cơ lớn cho an ninh nước Mỹ.

Hiện các nhà điều tra FBI đang tiếp tục làm rõ những nghi vấn gián điệp mạng đối với Awan. Anh ta đang được tại ngoại nhưng buộc phải mang bên mình thiết bị theo dõi có định vị GPS. Việc xác định Awan có thật sự mang dữ liệu thông tin nội bộ bán cho các cơ quan tình báo nước ngoài hay không cần phải có thời gian điều tra thêm ở những ổ cứng máy tính đã bị tẩu tán và ổ máy tính tịch thu ở nhà riêng của Awan.

Theo các nhà điều tra, một trong những chiếc ổ đĩa cứng máy tính đã bị đập nát chưa xác định được lý do. Vì vậy, việc xác định dữ liệu thông tin trong ổ đĩa cứng đó có chứa thông tin mật hay không, có bằng chứng cho việc Awan lấy trộm dữ liệu thông tin nhạy cảm hay không là cả vấn đề khó khăn về mặt kỹ thuật khi phải khôi phục lại dữ liệu trong ổ đĩa.

Có một chi tiết mà các nghị sĩ từng thuê dụng Awan làm việc xác nhận, đó là Awan thực chất chỉ là một chuyên viên CNTT bình thường, không có tư cách an ninh, vì thế anh ta hoàn toàn không có khả năng tiếp cận những dữ liệu thông tin nhạy cảm trong mạng thông tin an ninh của Quốc hội hay các cơ quan khác của chính phủ Mỹ.

Nhưng việc anh ta được bà Wasserman Shultz - và không chỉ riêng bà này mà còn một số nghị sĩ khác mà Awan và 4 người thân từng phục vụ - trao mật khẩu và cho phép truy cập vào mạng máy tính an ninh của Quốc hội là một lỗ hổng an ninh lớn, có thể tạo cơ hội cho hoạt động gián điệp mạng xâm nhập. Đây chính là điều các nhà điều tra đang muốn làm rõ.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.