Cuộc đối đầu gay cấn với cộng đồng tình báo Mỹ

Thứ Ba, 14/03/2017, 15:25
Giới tình báo Mỹ dường như đang "gặp hạn" khi liên tiếp chịu "đòn" kể từ ngày ông Donald Trump ra tranh cử cho tới khi ông chính thức trở thành Tổng thống.

Mới đây nhất, giới tình báo lại trở thành "quả bóng" khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại của ông trong thời gian tranh cử năm 2016. Chưa rõ ý đồ của ông Trump là gì, nhưng giới tình báo Mỹ thì dường như đã quá mệt với một nhiệm kỳ đầy sóng gió trước mặt.

Watergate tình báo Mỹ?

"Tôi cược rằng một luật sư giỏi có thể tạo ra vụ kiện hay về việc ông Obama nghe lén điện thoại của tôi hồi tháng 10, trước ngày bầu cử", Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter cá nhân hôm nay, nhắc đến người tiền nhiệm Barack Obama, AFP đưa tin. Tổng thống Trump sau đó so sánh trường hợp của ông với Watergate, bê bối hồi đầu những năm 1970 khiến tổng thống khi đó là Richard Nixon, đảng Cộng hòa, mất chức. Nixon đã ra lệnh đột nhập vào trụ sở đảng Dân chủ ở Washington để cài thiết bị nghe lén và đánh cắp tài liệu.

Tổng thống Trump và cựu Tổng thống Obama.

Một ngày sau khi đăng thông tin lên Twitter cá nhân, ngày 5-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các tiểu ban giám sát tình báo quốc hội điều tra xem chính quyền Obama có lạm dụng quyền lực, can thiệp vào chiến dịch tranh cử của ông Trump trước khi cuộc bầu cử kết thúc hay không. Thư ký Nhà Trắng Sean Spicer ra thông báo nói: "Các báo cáo liên quan đến những cuộc điều tra nhiều khả năng có động cơ chính trị ngay trước cuộc bầu cử năm 2016 là rất đáng lo ngại".

Giới thạo tin ở Mỹ cho rằng, cáo buộc nghe lén của ông Trump được cho là dựa trên thông tin của một người dẫn chương trình radio thuộc phái bảo thủ tên là Mark Levin.

Ông Levin cho rằng ông B.Obama đã dùng thủ đoạn của "Nhà nước cảnh sát" để phá hoại chiến dịch tranh cử của ông Trump trong những tháng cuối cùng. Trang Breitbart News, một trong số trang tin ít ỏi của Mỹ công khai ủng hộ Tổng thống Trump, đã tóm tắt cáo buộc của Levin như sau: "Chính quyền Obama đã tìm cách và cuối cùng là có được thẩm quyền để nghe trộm chiến dịch tranh cử của ông Trump; họ vẫn giám sát đội ngũ của Trump khi mà chẳng tìm được bằng chứng sai phạm nào cả; thậm chí sau đó họ còn nới lỏng các quy định của NSA (Cơ quan Tình báo Quốc gia) để cho phép các cơ quan chính phủ được phép chia sẻ bằng chứng một cách rộng rãi". Ông Levin nói rằng Quốc hội cần tiến hành một cuộc điều tra về các hành vi này của ông Obama".

Lên tiếng bảo vệ ông Obama, Ben Rhodes, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Obama, cũng đề cập đến cáo buộc của ông Trump trên Twitter: "Không có tổng thống Hoa Kỳ nào có thể ra lệnh nghe lén điện thoại. Những giới hạn đó hiện hữu để bảo vệ cho công dân khỏi những người như ông đấy".

Giám đốc tình báo quốc gia tại thời điểm cuộc bầu cử Mỹ phủ nhận không có bất kỳ việc nghe lén nào với ông Donald Trump hay chiến dịch của ông. James Clapper cũng nói với NBC rằng ông biết không có lệnh của tòa án cho phép giám sát Tòa tháp Trump ở New York. Không có hoạt động đặt thiết bị nghe lén nào chống lại tổng thống đắc cử vào thời điểm đó, với tư cách một ứng cử viên, hoặc chống lại chiến dịch tranh cử của người đó,  ông James Clapper nói.

Đáp lại thông tin trên, Kevin Lewis, người phát ngôn cho ông Obama, nói rằng cáo buộc của Trump là sai. "Một nguyên tắc cốt yếu trong chính quyền Obama là không quan chức Nhà Trắng nào can thiệp vào các cuộc điều tra độc lập của Bộ Tư pháp Mỹ", Lewis cho biết trong một thông báo. "Do đó, ông Obama, cũng như các quan chức Nhà Trắng khác, chưa từng ra lệnh theo dõi một công dân Mỹ nào cả".

Để chứng minh lời nói trên của Tổng thống Donald Trump là đúng, ông Trump đã được yêu cầu đưa bằng chứng cho cáo buộc người tiền nhiệm. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse nói cáo buộc của ông Trump là 'nghiêm trọng' và ông ta cần phải giải thích làm cách nào ông ấy biết được về vụ nghe lén. Hiện tại, Tổng thống Hoa Kỳ không cung cấp được gì khác cho cáo buộc của mình.

Mớ bòng bong tình báo-chính trị-truyền thông

Liên quan tới thông tin của giới truyền thông Mỹ về vấn đề này, một số hãng truyền thông khác đưa tin, trước đó họ có thông tin FBI đã xin được trát từ tòa án giám sát tình báo nước ngoài (Fisa) nhằm mục đích theo dõi những thành viên của đội ngũ tranh cử của ông Trump, là những người bị nghi ngờ thường xuyên có liên hệ với các quan chức Nga.

Thông tin nói tòa Fisa ban đầu từ chối, nhưng sau đó chấp thuận với yêu cầu vào hồi tháng 10/2016, dù không có xác nhận chính thức về điều này. Theo qui định của tòa Fisa, nghe lén chỉ được chấp thuận khi có lý do xác đáng tối thiểu để xác định đối tượng bị theo dõi là một điệp viên làm việc cho nước ngoài.

Cũng liên quan tới những bê bối có sự dính dáng của tình báo, ABC News dẫn nguồn tin cấp cao của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã "nổi cơn thịnh nộ" trong cuộc họp ở phòng Bầu dục hôm 3/3, nhất là về việc Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions quyết định tự loại ông ta khỏi cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter cá nhân về vụ nghe lén.

Tổng thống Donald Trump đã thúc giục Quốc hội điều tra xem liệu ông Barack Obama có lạm dụng quyền lực trong chiến dịch tranh cử hay không, một ngày sau khi ông Trump cáo buộc người tiền nhiệm đã nghe trộm điện thoại của mình. Chính Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói cuộc điều tra về cáo buộc can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử cũng nên kiểm tra và cho rằng khả năng động cơ chính trị ngay trước cuộc bầu cử năm 2016 là rất đáng lo ngại. Một chuyên gia nhận định, trong mớ bòng bong chính trị-tình báo-truyền thông, có thể đây là một chiến thuật của ông Donald Trump, vừa qua có thể thấy là ông bị gây sức ép quá nhiều, nhất là sau vụ đối xử với báo chí và giới tình báo Mỹ.

Tuy nhiên rất khó để phân biệt thật giả và chiến thuật mà Tổng thống Trump sẽ dùng. Phía Nhà Trắng đã tiếp tục thúc đẩy câu chuyện ngay trong ngày 5-3.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer phát tuyên bố: "Tổng thống Donald Trump yêu cầu trong khuôn khổ cuộc điều tra mà Quốc hội đang tiến hành nhằm vào ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các ủy ban Tình báo của Quốc hội cần thực thi quyền giám sát của mình để xác định xem quyền điều tra của nhánh hành pháp có bị lạm quyền trong năm 2016 hay không". Theo ông Spicer, Tổng thống Donald Trump và giới chức chính quyền sẽ không có thêm bình luận gì về vấn đề này cho đến khi Quốc hội hoàn tất điều tra.

Trước đó, do tính chất nhạy cảm các thông tin liên quan tới tình báo Nga có thể có can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, Nhà Trắng đã yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) chấm dứt sự rò rỉ cho các phương tiện truyền thông về những mối quan hệ với Nga của giới thân cận Tổng thống Mỹ Donald Trump.

CNN cho biết, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đã đưa ra đề nghị với Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe. Tuy nhiên, FBI đã từ chối. Giải thích về điều này, một luật sư Mỹ giấu tên cho biết, các cuộc trao đổi trực tiếp về chủ đề này giữa Nhà Trắng và FBI sẽ là vi phạm các quy tắc có từ lâu không cho phép chính quyền hành pháp ảnh hưởng đến quá trình điều tra. "Nhà Trắng đã vi phạm các nguyên tắc vốn có", cựu đặc vụ FBI Ali Soufan cho biết.

"Là một thành viên của FBI, chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không được để sự can thiệp chính trị từ bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình điều tra". Một đặc vụ FBI đã nghỉ hưu khác là ông Michael German cho biết, các quan chức FBI cấp cao có thể đang khiến cuộc điều tra bị phá hoại.

Đối đầu với tình báo

Chính trường Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn vì những lời chỉ trích, đấu đá giữa các bên, gồm chính phủ, truyền thông và cộng đồng tình báo. Căng thẳng giữa tân Tổng thống  và cộng đồng tình báo Mỹ được "châm ngòi" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bực dọc chê FBI rằng cơ quan này đã "hoàn toàn bất lực" trong việc xác định nguồn gây rò rỉ thông tin cho giới truyền thông. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump khẳng định rằng "những kẻ tuồn thông tin mật, thông tin an ninh quốc gia cho truyền thông nằm trong chính nội bộ chính phủ Mỹ và trong tổ chức FBI.

Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên chiến với các quan chức tình báo Mỹ khi công khai buộc tội các cơ quan tình báo để rò rỉ bản báo cáo dài 35 trang nói về những nỗ lực của Nga trong việc nuôi dưỡng tình cảm, ủng hộ và giúp đỡ ông Trump trong nhiều năm qua, và việc ông Trump có những thỏa hiệp với Nga. Ông Trump nói rằng đó là những thông tin bịa đặt và vô căn cứ, và ông cảm thấy như đang sống dưới thời phát xít Đức.

Phản ứng trước lời cáo buộc của ông Trump, cựu quan chức tình báo Mỹ Cortney Weinbaum đã thẳng thừng nói rằng đây là lần đầu tiên ông thấy một tổng thống lại buộc tội cơ quan tình báo là "có động cơ chính trị với tổng thống", điều này thực sự gây khó khăn cho cơ quan tình báo Mỹ vốn luôn làm việc theo phương châm trung lập, không đảng phái.  

Theo tờ "Telegraph" (Anh), bản báo cáo dài 35 trang nói trên do cựu nhân viên tình báo Anh MI6 Christopher Steele, 52 tuổi, soạn thảo. Ông Steele là người đồng sáng lập công ty thông tin kinh tế tình báo có trụ sở tại London có tên là Orbis Business Intelligence Ltd. Ngay sau khi công bố bản báo cáo, ông Christopher Steele đã dời khỏi nơi ở của mình  tại Surrey (Anh) do sợ bị trả thù.

Báo cáo đã đưa ra những lời cáo buộc (không có kiểm chứng) rằng phe của ông Trump đã thông đồng với Điện Kremlin để đưa ra chiến dịch xuyên tạc thông tin nhằm vào đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton, đồng thời  nhất trí là sẽ lái cuộc tranh luận tranh cử không đề cập đến hành vi của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, phe của ông Trump đã bác những cáo buộc này và cho rằng bản báo cáo kia là sai sự thật.

Ông Trump nói rằng nếu các quan chức tình báo là người để lộ những chi tiết của bản báo cáo đó cho báo chí thì đó là một "vết nhơ kinh khủng trong hồ sơ của họ". Lời nhận xét trên của ông Turmp đã đẩy căng thẳng giữa Tổng thống đắc cử và cộng đồng tình báo lên mức cao hơn. Quan hệ giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ vốn đã có "vấn đề" trong vài tháng trở lại đây liên quan đến việc cơ quan tình báo Mỹ buộc tội Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua.

Khi những lùm xùm giữa ông Trump - Nhà Trắng - tình báo và truyền thông chưa lắng xuống thì phe Dân chủ lại tiếp tục "thêm dầu vào lửa" với những bình luận từ các nghị sĩ và nhà lãnh đạo. Họ lên tiếng công kích những hành động từ phía Nhà Trắng, cho rằng đội ngũ làm việc của ông Trump đã cố ý can thiệp vào quá trình điều tra của FBI và gây áp lực với cơ quan này.

Nhà lãnh đạo thiểu số Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi gọi hành vi của ông Priebus là "sự vi phạm quá mức với sự độc lập của FBI".

"Nhà Trắng đã bị bắt gặp cố ý gây áp lực cho FBI nhằm phá hoại cuộc điều tra quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, đó là mối liên hệ giữa các quan chức chính quyền Donald Trump với tình báo Nga. Hành động của Nhà Trắng đã vi phạm những bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp và cũng có thể là bất hợp pháp", bà Pelosi nói.

Các điệp viên đã nghỉ hưu cho rằng các quan hệ về tình báo được xây dựng giữa các nhà lãnh đạo chính trị trong những giai đoạn khó khăn. Nhiều cựu điệp viên nhận định, đã bắt đầu xuất hiện hệ lụy từ căng thẳng giữa Donald Trump và giới tình báo. Theo các cựu điệp viên đương nhiệm và về hưu của Mỹ, mối hiềm khích chưa từng xảy ra giữa ông Donald Trump và các cơ quan tình báo dưới thời của ông có thể sẽ làm tổn hại đến an ninh nước Mỹ nếu tình trạng căng thẳng này không sớm được xoa dịu.

Các cựu quan chức tình báo cho rằng, tinh thần làm việc của các nhân viên tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan tình báo khác đã giảm sút. Các quan chức này cho rằng nếu không được giải quyết, những bất đồng này sẽ dẫn đến việc một số nhân vật sẽ phải ra đi và khiến những người ở lại đứng trước nhiều rủi ro để đối phó với các mối đe dọa an ninh.

Một quan chức tình báo cấp cao giấu tên tại một cơ quan tình báo cho biết, ngày càng nhiều nhân viên tình báo trên 50 tuổi và có ít nhất 20 năm cống hiến cho ngành, bao gồm ít nhất 5 năm làm việc ở nước ngoài, đã soạn thảo và nhiều trường hợp đã ký vào đơn từ chức nhưng chưa ghi rõ ngày cụ thể.

Một quan chức tại một cơ quan khác nói: "Mối quan ngại lớn hiện nay đó là Tổng thống đắc cử xem thường những công việc chúng tôi làm và những mối nguy hiểm mà chúng tôi đối mặt".

Hoa Huyền
.
.