Cuộc gặp bất thường giữa cựu Tổng thống Mỹ với anh trai Bin Laden

Thứ Tư, 01/04/2015, 12:15
Theo đạo luật chống khủng bố được các nước phương Tây thông qua, một người có thể bị bắt vì tiếp xúc với một "phần tử chống Mỹ" hoặc ghé thăm các trang web Hồi giáo trên Internet. Ở Mỹ, cảnh sát có thể bắt một công dân chỉ vì nghi ngờ người này "hoạt động khủng bố" mà không cần lệnh.

Thật trớ trêu, đạo luật chống khủng bố này không áp dụng cho các chính trị gia cấp cao tài trợ cho "chủ nghĩa khủng bố", hoặc áp dụng cho các quan chức ngoại giao, tình báo, những người thường xuyên "liên hệ" với các tổ chức khủng bố ở Trung Đông.

Một ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cựu Tổng thống George Herbert Walker Bush (Bush-cha) từng có cuộc tiếp xúc với Shafig bin Laden, anh ruột Osama bin Laden người đứng đầu tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Đó là một cuộc gặp mặt "bất thường". Được xác nhận bởi tờ The Washington Post, Shafig bin Laden từng gặp cựu Tổng thống Mỹ George H.W Bush ở phòng khách sang trọng của khách sạn Ritz-Carlton vào các ngày 10 và 11/9/2001.

Cùng tham dự cuộc gặp ở Ritz Carlton còn có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Frank Carlucci, cựu Ngoại trưởng James Baker và các thành viên của gia tộc Bin Laden. Cuộc gặp gỡ của họ đã bị gián đoạn bởi các vụ tấn công 11-9.

Đạo luật chống khủng bố của Mỹ có tiêu chuẩn kép? Tiêu chuẩn kép thuộc về cơ quan cảnh sát và thực thi pháp luật? Thông thường, theo luật cảnh sát liên bang, thì cả Shafig bin Laden và cựu Tổng thống Mỹ H.W Bush có thể bị cảnh sát bắt tạm giam để thẩm vấn và mọi khả năng có thể xảy ra, Shafig bin Laden có thể bị bắt như một nghi phạm tiềm năng. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Sự hiện diện của các thành viên gia tộc Bin Laden trong cuộc gặp gỡ Bush-cha bị bưng bít và gia đình Shafig đã rời khỏi Mỹ vào ngày 19/11/2001 trên một chiếc máy bay do Nhà Trắng cung cấp. Ngay sau khi gia đình Shafig rời Mỹ, Tổng thống W. Bush (Bush-con) đã có bài phát biểu tại một phiên họp chung gồm Hạ viện và Thượng viện, trong bài phát biểu đó, ông tuyên bố mục đích rõ ràng: "Sẽ khởi kiện các quốc gia viện trợ hoặc cung cấp nơi trú ẩn cho khủng bố",  không có ngoại lệ, kể cả đối với đồng minh như Arập Xêút và Pakistan.

Shafig bin Laden, anh trai Osama bin Laden trong cuộc gặp "bất thường" với ông George H.W Bush.

"Chúng ta làm cạn kiệt nguồn cung tài chính của bọn khủng bố, đày đọa chúng đi khắp nơi này đến nơi khác, cho đến khi không còn nơi lẩn trốn hoặc dung thân. Và chúng ta sẽ trừng phạt những nước hỗ trợ hoặc cung cấp nơi lẩn trốn cho bọn khủng bố... Ở từng quốc gia, từng khu vực bây giờ có một quyết định để thực hiện” - Goerge W. Bush tuyên bố cứng rắn, tiếng vỗ tay vang lên tại Quốc hội Mỹ. W. Bush tiếp tục phát biểu: "Từ ngày này trở đi, bất kỳ quốc gia nào tiếp tục hỗ trợ hoặc chứa chấp bọn khủng bố, thì sẽ bị Mỹ xem như là một chế độ thù địch”.

Theo Giám đốc CIA George Tenet trong tuyên bố cuối cùng vào sáng ngày 11/9/2001, tổ chức cực đoan Al-Qaeda của Osama bin Laden đứng "đằng sau những hành động ma quỷ”. Cáo buộc Osama bin Laden chịu trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công 11-9  bấy giờ được Thủ tướng Anh Tony Blair xác nhận trong một tuyên bố tại Hạ viện vào ngày 4/10/2001. Tuy nhiên, tuyên bố này không thể lấp đi sự thật người đứng đầu Chính phủ Anh có quan hệ với Thái tử Bandar bin Sultan của Arập Xêút, người mà trước ngày 11/9/2001 bị chính nước Mỹ tố cáo tài trợ hàng triệu USD cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

Theo Hãng Thông tấn Mint, trong bản khẩu cung, Moussawi - một nghi phạm bị tố cáo là không tặc khai rằng ông ta đã tạo ra cơ sở dữ liệu dành cho các nhà tài trợ Al-Qaeda, bao gồm thành viên hoàng tộc Arập Xêút như cựu Chủ tịch Cơ quan tình báo: Thái tử Turki al Faisa; và Thái tử Bandar bin Sultan, người từng làm đại sứ Arập Xêút tại Mỹ 22 năm cho đến năm 2005. Cũng theo Mint, Thái tử Bandar bin Sultan bị tố cáo hỗ trợ trực tiếp Al-Qaeda trước ngày 11/9. Nhiều tư liệu mật của Mỹ và đồng minh phương Tây cho biết, Arập Xêút, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan "chứa chấp" các phần tử xấu trong hơn 20 năm.

Theo phát biểu mà Tổng thống W. Bush tuyên đọc tại Hạ viện và Thượng viện, đồng minh trung thành của Mỹ từng giúp đỡ những kẻ cực đoan bị liệt vào danh sách "chế độ thù địch”. Tuy nhiên, trên thực tế, Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa Canada bình luận, những quốc gia đó hành động đại diện cho nước Mỹ. Cũng theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa Canada, chính quyền Washington là "nhà tài trợ chính cho chủ nghĩa khủng bố" đã giao phó cho các đồng minh, chẳng hạn Arập Xêút nhiệm vụ tuyển dụng và huấn luyện những tên khủng bố.

Theo nguồn tin tình báo Israel, NATO và Bộ tư lệnh Hiến binh Thổ Nhĩ Kỳ từng tham gia vào việc tuyển dụng các phần tử IS và Al Nusra kể từ cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu từ tháng 3/2011.

Trong bài viết đăng trên trang web riêng, Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa Canada tố cáo: Lực lượng Đặc biệt và Tình báo Anh (MI-6) đang tham gia huấn luyện các phần tử cực đoan ở Syria. Còn các quan chức ngoại giao Mỹ và Canada thường xuyên liên lạc với các tổ chức khủng bố mà họ gọi là phe đối lập "thân thiện" đang giao chiến đòi lật đổ chính quyền Syria, gây bất ổn cho nhiều quốc gia khác. Như vậy, Mỹ cùng đồng minh phương Tây đã đùa với lửa khi mạo hiểm dùng khủng bố chống khủng bố.

Anh Trúc (tổng hợp)
.
.