Cuộc hạ sát tướng Solemani được lên kế hoạch như thế nào?

Thứ Hai, 03/02/2020, 20:42
Vào 0 giờ 30 ngày 3-1, máy bay chở tướng Solemani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đáp xuống sân bay Baghdad, Iraq. Đón ông Soleimani là Abu Mahdi al-Muhandis, Chỉ huy phó Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) - một tổ chức vũ trang ở Iraq được Iran hậu thuẫn.

25 phút sau đó - 0 giờ 55 - tên lửa phóng đi từ máy bay không người lái, Mỹ, đánh trúng chiếc xe bọc thép chở tướng Soleimania và ông Abu Mahdi al-Muhandis khiến cả hai cùng thiệt mạng. Đây là kết quả của một vụ tấn công đã được Lầu Năm Góc hoạch định từ 18 tháng trước…

Kế hoạch từ 18 tháng trước

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, Lầu Năm Góc đã lập danh sách các mục tiêu ở Iran mà Mỹ sẽ tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Danh sách các mục tiêu này có tướng Soleimani, tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ngày 17-12-2019, khi căn cứ K1 tại Kirkuk, Iraq, bị tấn công bằng tên lửa, giết chết nhà thầu quân sự Mỹ Nawres Waleed Hamid và nhất là ngày 31-12, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq bị những người biểu tình thân Iran bao vây, Lầu Năm Góc quyết định hành động. Ngay trong ngày này,  Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert C. OBrien ký bản ghi nhớ tuyệt mật, chỉ phổ biến cho các các quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tướng Soleimani.

Trong bản ghi nhớ, có một phương án là giết chết tướng Soleimani và ông Abdul Reza Shahlai - chỉ huy của Iran ở Yemen, người hỗ trợ tài chính cho các nhóm vũ trang trong khu vực. Những biện pháp khác bao gồm tấn công một cơ sở năng lượng và một tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Trước đó 18 tháng - tháng 5-2018 - Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ DIA và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, Mỹ, đã theo dõi từng chi tiết về những hoạt động của tướng Soleimani, Đến tháng 9-2019, Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) và Bộ chỉ huy đặc nhiệm liên quân (JSOC) Mỹ, chính thức lên kế hoạch ám sát tướng Soleimani.

Mấu chốt của vấn đề là giết Soleimani ở Syria hay Iraq bởi họ không thể ra tay trong lãnh thổ Iran vì điều này sẽ làm dấy lên làn sóng chống Mỹ của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu, chưa kể phản ứng của các quốc gia thân Iran hoặc ngấm ngầm ủng hộ Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Khi tướng Soleimani đã bị giết chết, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với tờ New York Times rằng DIA và CIA đã cài cắm nhiều đặc vụ ở 7 tổ chức khác nhau, bao gồm quân đội Syria, lực lượng Quds, nhóm Hezbollah ở Damascus, bộ phận an ninh sân bay Damascus, sân bay Baghdad, nhóm Kataib Hezbollah và lực lượng Huy động Nhân dân PMF ở Iraq.

Báo cáo của các đặc vụ này cho thấy mỗi khi di chuyển, tướng Soleimani không bao giờ đi bằng chuyên cơ, mà đi bằng máy bay thương mại của nhiều hãng hàng không khác nhau. Có những chuyến đi, ông Soleimani mua 6 vé của 6 hãng nhưng chỉ bay với 1 hãng.

Mục đích của ông là đánh lạc hướng những kẻ đang theo dõi ông. Khi lên máy bay, ông là người lên cuối cùng và luôn ngồi ở hàng ghế đầu, hạng thương gia với các cận vệ để lúc xuống, ông sẽ là người xuống trước nhất.

Trong quá khứ, tướng Soleimani được cho là đã tử vong trong một tai nạn máy bay cùng với nhiều quan chức quân sự khác, xảy ra ở tây bắc Iran năm 2006 nhưng chỉ một thời gian ngắn, người ta lại thấy ông Soleimani xuất hiện trong một buổi lễ duyệt binh. Sau vụ đánh bom năm 2012 ở Damascus, Syria, giết chết các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, lại có tin đồn rằng tướng Soleimani cũng nằm trong số những người thiệt mạng.

Đến tháng 11-2015, nhiều hãng thông tấn loan tin Soleimani đã bị giết hoặc bị thương nghiêm trọng khi chỉ huy một lực lượng tinh nhuệ trung thành với Tổng thống Assad, chiến đấu ở Aleppo, Syria. Tuy nhiên, tất cả đều là tin vịt!

Tháng 8-2018, Israel liên tiếp tung ra những cuộc không kích nhắm vào các căn cứ của lực lượng Quds ở Syria với cáo buộc Soleimani lên kế hoạch tấn công Israel bằng thiết bị bay không người lái.

Ông Katz, Bộ trưởng Ngoại giao Israel cho biết vào thời điểm đó, Israel đã tìm cách để diệt trừ Soleimani. Gần đây nhất, tháng 10-2019, Iran cho biết họ đã phá vỡ âm mưu của Cơ quan Tình báo Israel và Cơ quan Tình báo Arab nhằm giết tướng Soleimani.

Ngày 1-1-2020, tướng Soleimani bay tới Damascus - Syria rồi đi xe tới Beirut, Liban để gặp Nasrallah, thủ lĩnh lực lượng Hezbollah. Trong buổi gặp ấy, Nasrallah cảnh báo Soleimani rằng “truyền thông Mỹ đang chú ý nhiều đến tướng quân. Đó là sự chuẩn bị về mặt chính trị cho một vụ ám sát”.

MQ-9 Reaper phóng tên lửa AGM-114 Hellfire R9X, được cho là đã giết tướng Soleimani.

Theo lời Nasrallah, tướng Soleimani chỉ cười và nói rằng ông hy vọng được tử vì đạo. Và nếu điều đó xảy ra, Nasrallah nhớ cầu nguyện cho ông.

Cùng trong ngày này, tại trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, Mỹ, các quan chức sau khi chắp nối những thông tin tình báo, đã kết luận tướng Soleimani đang tiến hành kế hoạch huy động và tổ chức các lực lượng ủy nhiệm ở Liban, Yemen, Iraq để tấn công các đại sứ quán và căn cứ quân sự Mỹ.

Bên cạnh đó, họ còn xác định rằng “hậu quả của việc không hạ sát Soleimani sẽ còn lớn hơn việc chờ đợi mà chẳng làm gì”.

Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông tán thành phương án giết chết tướng  Soleimani. Tuy nhiên, một số quan chức Lầu Năm Góc vẫn bất ngờ  khi biết ông Trump chọn giải pháp cực đoan nhất.

Phút cuối cùng của tướng Solemani

Đến sân bay Damascus, Syria, trên một chiếc xe mà tất cả cửa kính đều dán màng nhựa màu xám đậm, tướng Soleimani cùng 4 cận vệ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ghé sát cầu thang máy bay Airbus A320 của Hãng Hàng không tư nhân Cham Wings.

Theo lịch thì chiếc máy bay này sẽ bay đến Baghdad, Iraq. Cả ông Soleimani và 4 cận vệ đều không có tên trong danh sách hành khách. Điều đó chứng tỏ chuyến đi của Soleimani được giữ bí mật tối đa.

0 giờ 30 phút ngày 3-1, chiếc Airbus 320 đáp xuống sân bay Baghdad. Tướng Soleimani cùng 4 cận vệ ra khỏi máy bay bằng một cầu thang trực tiếp dẫn đến sảnh VIP mà không cần làm thủ tục nhập cảnh. Ngay trước cửa sảnh, ông Muhandis - Phó chỉ huy PMF đón ông Soleimani lên một xe bọc thép đã chờ sẵn. 4 cận vệ đi xe thứ 2 cùng với 2 cận vệ của Muhandis.

Xe chở tướng Soleimani và ông Muhandis lúc trúng tên lửa.

0 giờ 55 phút, khi xe chở tướng Soleimani và ông Muhandis chỉ còn cách cổng chính dẫn vào trụ sở của PMF khoảng 1,2km thì bất ngờ một tiếng nổ khủng khiếp vang lên. Vài giây sau, xe thứ 2 chở 4 cận vệ của Soleimani cũng chịu chung số phận.

Tác giả của 2 tiếng nổ ấy là 2 quả tên lửa AGM-114 Hellfire R9X, do một máy bay không người lái MQ-9 Reaper, Mỹ, bắn xuống. Chiếc MQ-9 Reaper và 2 quả tên lửa được điều khiển bởi các phi công ngồi tại căn cứ không quân Creech, bang Nevada, Mỹ.

AGM-114 Hellfire R9X là loại tên lửa dùng để tấn công mục tiêu mặt đất, bay với vận tốc 1.600 km/giờ, tầm bắn 8 km, nặng 50 kg, đầu đạn chứa 9 kg chất nổ nhiệt áp, dẫn đường bằng laser.

Nhằm tránh gây thiệt hại cho dân thường, 2 hãng chế tạo là Lokheed Martin và Boeing đã thiết kế 6 cánh bằng thép ở đầu tên lửa. Khi bắn vào các phương tiện di động, là một chiếc xe hơi chẳng hạn, 6 cánh thép sẽ xé nát mui xe rồi khi quả tên lửa chui lọt vào trong xe, nó mới nổ. Hậu quả là tướng Soleimani, ông Muhandis cùng các cận vệ đều thiệt mạng.

Có hay không mạng lưới gián điệp Mỹ tại Syria, Baghdad?

Vài giờ sau cuộc tấn công, Cơ quan An ninh Iraq mở cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của ông Falih al-Fayadh, cố vấn An ninh quốc gia Iraq và đồng thời cũng là người đứng đầu PMF. Việc đầu tiên của các điều tra viên là nghe lại tất cả mọi cuộc điện thoại cùng mọi tin nhắn của tất cả các nhân viên làm việc ca đêm tại sân bay Baghdad nhằm tìm hiểu xem liệu có ai biết được hành trình của tướng Soleimani.

Ngay cả tổ lái, tiếp viên cùng một số hành khách trên chuyến bay của hãng Cham Wing cũng bị thẩm vấn. Theo ông Falih al-Fayadh, nhiều chỉ dấu cho thấy có một mạng lưới gián điệp hoạt động ở sân bay Baghdad. Mạng lưới này đã thu thập những thông tin về chuyến đi của tướng Soleimani rồi chuyển cho người Mỹ.

Một căn cứ lính Mỹ ở Iraq sau khi bị tên lửa Iran tấn công.

Một nhân viên an ninh giấu tên ở sân bay Baghdad cho hãng tin Reuters biết ông bị thẩm vấn suốt 24 giờ: “Họ liên tục hỏi tôi trước lúc chiếc Airbus 320 chở tướng Soleimani đáp xuống, tôi có gọi hoặc nhắn tin cho ai không? Sau đó, họ tịch thu điện thoại của tôi”.

Một hành khách trên chuyến bay cũng cho biết điều tra viên yêu cầu bà phải mở khóa điện thoại: “Đọc thấy tin nhắn có 2 chữ “cà rốt” do tôi gửi đi lúc chuẩn bị cất cánh khỏi sân bay Damacus, Syria, họ truy vấn tôi rất dữ dội. Khi tôi trả lời rằng lúc máy bay lăn ra đường băng thì con gái tôi gọi. Nó đang nấu món sườn cừu và hỏi tôi có cần thêm rau củ gì không. Do tôn trọng quy tắc an toàn bay nên tôi chỉ nhắn cho nó hai chữ “cà rốt” nhưng họ vẫn không tin. Họ cho rằng “cà rốt” là ám danh để chỉ một người nào đó”.

Theo các nhà điều tra của Cơ quan An ninh quốc gia Iraq, có 4 nghi phạm đã cung cấp thông tin cho người Mỹ về chuyến đi của tướng Soleimani, trong đó 2 người làm việc tại Hãng Hàng không Cham Wings và 2 người là nhân viên an ninh sân bay Baghdad.

Một quan chức trong nhóm điều tra cho biết những manh mối ban đầu đã chứng tỏ thông tin đầu tiên về chuyến đi của tướng Soleimani đến từ sân bay Damacus, Syria. Sau đó, 2 nghi phạm ở sân bay Baghdad xác nhận thời gian hạ cánh của chiếc Airbus 320 và chi tiết chiếc xe chở ông Soleimani cùng 4 cận vệ.

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này. Một quan chức cao cấp của Tình báo Trung ương Mỹ CIA chỉ nói rằng phía Mỹ đã theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của tướng Soleimani vài ngày trước cuộc tấn công.

Tuy nhiên, quan chức này không đề cập gì đến việc làm thế nào người Mỹ xác định được vị trí của ông Soleimani để phóng tên lửa. Riêng với cái chết của ông Muhandis, chỉ huy phó PMF - là lực lượng đang yêu cầu người Mỹ rút khỏi Iraq - thì không thấy đề cập đến.

Tại Iran, vụ giết tướng Soleimani đã làm dấy lên sự tức giận trong cả nước, và Tehran tuyên bố sẽ báo thù. Ngày 8-1, Iran phóng hơn chục tên lửa vào 2 căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq rồi những ngày tiếp theo, lại có thêm nhiều tên lửa nhắm vào lính Mỹ tại quốc gia này.

Phía Iran cho rằng đã có hàng trăm lính Mỹ thương vong nhưng phía Mỹ nói họ chẳng thiệt hại. Một số quan sát viên quốc tế cho rằng động thái “trả thù” của Tehran chỉ nhằm xoa dịu làn sóng phẫn nộ trong dân chúng chứ không nhằm mục đích tiêu diệt lính Mỹ vì họ hiểu mồi lửa chiến tranh đang nằm trong tay họ...

Trong một diễn biến khác có liên quan, nhà lập pháp Iran Ahmad Hamzeh tuyên bố tỉnh Kerman, quê hương của tướng Soleimani đã treo thưởng 3 triệu USD cho “bất kỳ ai giết chết ông Trump”!

Vũ Cao (Theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.