Cuộc họp báo hy hữu của giám đốc MI-5

Thứ Ba, 24/02/2009, 14:35
Trong suốt một thế kỷ tồn tại (1909-2009), lần đầu tiên một quan chức lãnh đạo Cơ quan Phản gián Hoàng gia Anh đã tiếp xúc với các đại diện của giới truyền thông, công khai trả lời mọi vấn đề được nêu...

Nhằm mục đích minh bạch hóa công việc của cái cơ quan vốn được coi là "chuyên bưng bít thông tin", Giám đốc Tổng cục An ninh Anh (MI-5) Jonathan Evans đã quyết định tổ chức một cuộc họp báo ngay tại nhiệm sở của mình, địa danh lâu nay luôn là chốn cấm kị với giới ký giả nói chung.

Ông J.Evans, một nhân viên an ninh kỳ cựu 50 tuổi, người được đề bạt thay thế bà Eliza Mannigham-Buller trong cương vị lãnh đạo MI-5 gần 2 năm trước, đã khuyến cáo các phóng viên được mời là không nên đưa ra những câu hỏi dạng "nhạy cảm", dễ gây tổn thất tới các hoạt động của MI-5. Ví như về các chiến dịch hiện hữu, hoặc những phương thức chi tiết hòng theo dõi các đối tượng tình nghi... Đồng thời nhấn mạnh rằng, buổi họp báo này là hiện tượng chưa từng xảy ra trong suốt 100 năm tồn tại của MI-5.

Trước hết về biên chế tổ chức, Giám đốc J.Evans cho biết là MI-5 hiện có hơn 3.000 nhân viên, với độ tuổi trung bình dưới 40. Gần một nửa trong số họ là phụ nữ - chiếm 47%; còn 8% là người thuộc các sắc dân thiểu số. MI-5 ưu tiên tuyển nữ nhân viên trong các cơ sở cao học dạng Cheltnham Ladies College, cũng như từ nhiều trường đại học chuyên ngành khác nhau. Theo yêu cầu nhiệm vụ tới năm 2011 quân số của

MI-5 sẽ lên tới 4.100 người, nghĩa là gấp đôi số biên chế từng có khi xảy ra "vụ 11/9" ở Mỹ. Đòi hỏi tăng thêm đội ngũ nhân lực được chính phủ phê duyệt chóng vánh trước nguy cơ có thể xảy ra những cuộc tấn công khủng bố mới. Thông thường giới nhân viên MI-5 luôn cập nhật mọi nguồn thông tin hàng ngày giúp đưa ra các quyết định cần thiết, nhằm tăng cường những biện pháp an ninh hữu hiệu.

Sau khi đề cập tới phạm trù "không hề có sự giới hạn" trong thế giới phản gián hiện nay, ông J.Evans cũng thừa nhận rằng đôi khi các kết quả điều tra chưa thật chính xác, khiến MI-5 từng bị chỉ trích gay gắt, nhất là sau "vụ 7/7" năm 2005 tại thủ đô London. Điển hình là trường hợp của Mohammed Siddique Khan, tên chỉ huy trực tiếp các nhóm khủng bố.

Thực ra hắn đã lọt vào diện tình nghi của phản gián đối nội Anh trong một chiến dịch khác, nhưng trên cơ sở những dữ kiện thiếu chính xác nên M.Khan đã không bị truy bắt dẫn đến hệ quả khôn lường... "Những mưu mô khủng bố trong tương lai hoàn toàn có thể được thực hiện từ những kẻ chưa có tên trong "sổ đen". Đây là một thực tế đáng lo ngại. Tư tưởng quá khích luôn song hành với hình thức bạo lực", Giám đốc MI-5 nhận định.

Ngoài ra ông cũng cho biết thêm, tuy các lực lượng phản gián Anh đã đạt được nhiều kỳ tích trong cuộc chiến với Al-Qaeda ngay tại lãnh địa của chúng, nhưng vẫn chưa có khả năng theo dõi từng tên thủ lĩnh riêng rẽ vào bất cứ thời điểm nào. Điều cần lưu ý là trong suốt cả thập niên qua, một lượng lớn công dân Anh gốc Hồi giáo đã "hành hương" thường kỳ tới các trại huấn luyện khủng bố quốc tế ở Iraq, Afghanistan, Pakistan và Somali. Những kẻ trực tiếp gây ra vụ khủng bố kinh hoàng dạo cuối năm 2008 tại Mumbai (Ấn Độ) có mối liên quan mật thiết với đồng bọn trên đất Anh.

Phù hiệu của MI-5.

Với việc Chính phủ Anh cho phép tạm giữ những kẻ tình nghi khủng bố trong thời hạn 42 ngày mà không cần sự phê chuẩn về mặt tư pháp, một vấn đề "nhạy cảm" mà người tiền nhiệm Mannigham-Buller từng công khai phản bác trên diễn đàn Quốc hội, ông J.Evans nói: "Khác với các cơ quan cảnh sát thuần túy, do đặc thù nghiệp vụ MI-5 không nên bày tỏ ý kiến của mình trong các vấn đề gây tranh luận".

Về sự khẳng định đã có những thỏa thuận ngầm giữa MI-5 với Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA, cũng như với các tổ chức đặc vụ nước ngoài khác nhằm luân chuyển các nghi can khủng bố tới những cơ sở giam giữ bí mật - bất chấp kẻ đó có thể là người mang quốc tịch Anh, khiến giới tư pháp trong nước đặc biệt lưu tâm. Riêng với sự kiện này Giám đốc J.Evans xin miễn bình luận.

Đồng thời ông nêu quan điểm ủng hộ các phiên họp kín của Ủy ban An ninh và Phản gián thuộc Nghị viện Anh: "Thực chất của các hoạt động phản gián buộc không thể công khai hóa hết mọi chuyện được", rồi thêm: "Cá nhân tôi không phản đối việc lập ra các hội đồng chuyên biệt, bao gồm các đại diện do Hạ nghị viện chọn lựa hòng tổ chức các cuộc điều trần công khai. Nhưng dù sao các vấn đề liên quan đến công tác phản gián cũng cần hết sức cân nhắc trước khi loan báo rộng rãi".

Nhân dịp này người lãnh đạo tình báo quốc nội cũng lên tiếng cảnh báo, rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời dễ tạo ra mối bất ổn bao trùm đi kèm những hệ lụy phức tạp đe dọa an ninh quốc gia. Đây là vấn đề trọng yếu mang tính chiến lược dài hạn, trong bối cảnh vị thế kinh tế của phương Tây đang dần mai một...

Cuối cùng Giám đốc J.Evans tái khẳng định: "Sự hợp tác giữa MI-5 với Tổng cục Tình báo Anh (MI-6), cũng như với Trung tâm Theo dõi điện tử là hữu hiệu hơn bao giờ hết".

Trước khi chào tạm biệt ra về, các đại diện của giới truyền thông được khuyến cáo không nên tiết lộ cụ thể địa điểm cuộc họp báo hy hữu này. Chẳng hạn như tọa lạc ở tầng nào, hay lối bài trí đồ vật trong phòng lãnh đạo MI-5... Đó là yêu cầu phòng ngừa khủng bố, còn trụ sở Cơ quan Tình báo Đối nội Hoàng gia Anh sừng sững bên dòng sông Thames giữa thủ đô London thì ai chẳng biết

Trần Quang Long (tổng hợp)
.
.