Cuộc không kích Berlin năm 1941

Thứ Sáu, 20/10/2006, 08:45

Một trong nhiều thành công của những tháng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô vào năm 1941 sau này mới được nhiều người biết đến đó là những cuộc ném bom Berlin của Không quân Liên Xô.

Những phi vụ không thể nào quên

Tháng thứ hai của cuộc chiến tranh, quân đội Hitler lao về Leningrad, Moskva và Rostov. Chúng tưởng rằng đã gần đạt tới mục đích. Vào cuối tháng 7, các phi đội Không quân Đức đã thực hiện cuộc không kích đầu tiên xuống Moskva. Và từ đó máy bay Đức hầu như xuất hiện hàng đêm trên bầu trời thủ đô Liên bang Xôviết. Chiến thuật của chúng rất đơn giản. Lúc đầu vài chiếc máy bay ném bom bay đơn lẻ để các đơn vị phòng không Xôviết phân tán chú ý. Sau đó từng đoàn máy bay khác ào vào ném bom các mục tiêu ở trung tâm thành phố - chủ yếu là điện Kremlin. Song, các đơn vị pháo phòng không của thủ đô đã chiến đấu khá tốt.

Hầu như chưa ai nghĩ tới việc không kích trả miếng vào Berlin. Moskva chỉ cách các sân bay dã chiến của Đức đặt tại Belarus và Pribaltik vài trăm cây số. Còn đến Berlin phải xa tới gần nghìn cây số. Lực lượng không quân của Hạm đội Baltik phần lớn chỉ chuẩn bị cho những phi vụ kéo dài từ vòng cung Leningrad tới Pillau (thuộc tỉnh Kaliningrad bấy giờ), lúc đó là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Đức. Với loại máy bay DB-3F của Liên Xô thì chỉ có thể bay tới Lyubav. Còn các mục tiêu khác trong tỉnh Kaliningrad và xa hơn chút nữa thì chỉ có thể bay từ căn cứ chính của Hạm đội Baltik ở Tallin. Nhưng ở đó lại đang có những trận đánh lớn.

Mặc dù vậy, tại Bộ Tổng chỉ huy Hồng quân Liên Xô vẫn có những cuộc họp xem xét, tính toán trong nhiều ngày xem có cách nào bay tới được thủ đô của kẻ thù không. Cuối cùng họ cũng tìm ra được một sân bay bằng đất nện nho nhỏ trên đảo Ezel trong vịnh Tallin xa nhất ở phía tây lãnh thổ Liên Xô  chưa bị Đức chiếm đóng. Khả năng có thể bay là là trên mặt biển thẳng từ đó đến Berlin. Nhưng phải mang theo nhiên liệu dự trữ treo dưới cánh.

Sau nhiều lần kiểm tra đi kiểm tra lại các số liệu, nhiệm vụ được trao cho Trung đoàn Không quân ném bom số 1 do Đại tá E. Preobrazenski chỉ huy. Theo tính toán, nếu các máy bay mang đủ nhiên liệu dự trữ và không quá 750kg bom (một quả loại 500 hoặc 3 quả loại 250 kg), thì sau một hành trình bay 900km đến Berlin ném bom rồi quay trở lại sân bay, sẽ chỉ còn 10 - 15% nhiên liệu dự trữ.

Điều đó có nghĩa là nếu các phi công để mất thời gian quá 20 - 30 phút khi ném bom thì sẽ không thể kịp trở về.

Thủy sư Đô đốc Uznhetsov biết rằng các phi công của ông đã được chuẩn bị kỹ càng. Khác với tất cả các tướng lĩnh, ngay từ nhiều tháng trước chiến tranh, ông đã chuẩn bị cho hạm đội của mình sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến đấu. Các phi công của hạm đội đều được học cách đột kích trên biển ở cự ly xa và đều có trên 2.000 giờ bay tập trên các máy bay chiến đấu. Bởi vậy ông hoàn toàn thoải mái khi nhận lệnh của Bộ Chỉ huy tối cao.

Và thế là trận không kích đầu tiên của Không quân Xôviết vào thủ đô nước Đức phát xít đã được thực hiện vào ngày 8/8/1941. Berlin đã bị mất điện một thời gian dài. Toàn phi đội bay về căn cứ, không bị một tổn thất gì nhưng máy bay không còn một giọt nhiên liệu, rơi phịch xuống đường băng. Nhiều phi công bị bắn ra khỏi máy bay nằm lăn trên cỏ, mệt nhoài, sau 7 tiếng đồng hồ chiến đấu căng thẳng quá sức.

Thành tích của chuyến không kích đầu tiên đã làm cho Stalin vô cùng phấn khởi. Bộ Chỉ huy tối cao ra tuyên bố: Bọn Đức đã nhận được một cú tạt tai xứng đáng sau những đòn tấn công của chúng vào Moskva. Toàn thế giới đã biết lực lượng không quân của chúng ta không những vẫn còn tồn tại, mà còn có khả năng bay sâu vào hậu phương của kẻ địch.

Lúc này cần nhanh chóng tăng cường sức mạnh của các cuộc tấn công tiếp sau đó. Bởi vậy những phi công xuất sắc nhất, trong đó có cả Đại tá E. Preobrazenski, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tất cả các phi công còn lại, bao gồm cả hai nhóm phi hành đoàn tách ra từ Sư đoàn Không quân số 40 đều thuộc quyền chỉ huy của đại tá. Từ 11/8, tất cả những phi công này cùng các phi công của Hạm đội Baltik liên tục làm nhiệm vụ ném bom Berlin.

Nhưng từ sau chuyến không kích thứ nhất, kẻ thù đã rút ra được những bài học cần thiết. Các máy bay Xôviết đã gặp hỏa lực phòng không rất mạnh mỗi khi bay vượt qua bờ biển. Trên bầu trời Berlin cũng vậy. Sự tổn thất bên phía Xôviết đã tăng lên khá nhanh. Để giảm tổn thất các phi đội vạch ra những chiến thuật riêng đặc biệt cho từng trận đánh và bay thật cao. Ở độ cao trên 7.000 mét hỏa lực phòng không của Đức sẽ không còn tác dụng. Máy bay tiêm kích bay đêm của quân Đức cùng với hệ thống đèn pha đặc biệt mạnh của chúng cũng làm giảm hiệu quả của các đợt không kích. Nhằm thực hiện tốt mệnh lệnh của Stalin là đẩy mạnh chiến dịch, cần phải có nhiều phi đội được đào tạo mới. Nhưng thời gian để huấn luyện không còn vì quân Đức đã nhanh chóng phát hiện được vị trí xuất phát của các phi đội Xôviết nên đã tập trung đánh phá đường băng trên đảo Ezel. Các phi công Xôviết đã phải rời bỏ Tallin.

Người Anh hùng số 6

Không hài lòng khi biết rằng mỗi phi công chỉ thả xuống Berlin được 3 trái bom loại 250 kg, Stalin yêu cầu phải tăng tải trọng của mỗi chuyến bay lên. Các quy tắc vật lý không làm Stalin quan tâm. Để thuyết phục mọi người tin vào những điều không thể tin được, Stalin đã cử Vladimir Kokkinaki  đến Ezel với một nhiệm vụ đặc biệt. Được biết năm 1937, người phi công lái thử nghiệm máy bay nổi tiếng này đã mang được một tải trọng là 2 tấn lên độ cao 10 km cũng bằng loại máy bay DB-3. Nhưng kỷ lục này chỉ được thực hiện trong chế độ làm việc ngắn và trong điều kiện hoàn toàn không phải là dã chiến.--PageBreak--

Để thực hiện huấn thị của Stalin, Trung đoàn Không quân của Preobrazenski cũng đã nhiều lần thử mang tải trọng 1 tấn trên đường băng bằng đất và đã không thể cất cánh được.

Nhưng ai dám bạo gan tranh luận với Stalin đây? Kể cả phi công ưu tú Kokkinaki. Dù cho anh đã phải dùng mẹo để đưa máy bay cất cánh lên được khỏi đường băng, nhưng chỉ bay được một vòng trên sân bay đã phải hạ cánh, may mà máy bay không bị vỡ tan. Chuyến bay tiếp theo, cả phi hành đoàn đều bị thiêu cháy. Tuy hiểu rõ là mình không chủ tâm gây ra cái chết cho đồng đội nhưng Kokkinaki vẫn hết sức buồn bã quay về Moskva.

Tất nhiên là Stalin không thể cho phép hủy bỏ quyết định của mình nên đã thay thế Kokkinaki bằng một phi công ở vùng Cực Bắc, Anh hùng Liên Xô Mikhail Vodopianov.

Vodopianov là một phi công dũng cảm và có kỹ  thuật  bay tài ba. Anh là người thứ 6 được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào năm 1934 trong khi tham gia cứu những người bị nạn trên chiếc tàu Cheliuskin bị những tảng băng Bắc Cực đè bẹp. Những chuyến bay và hạ cánh xuống băng tuyết Bắc Cực  của anh được thực hiện bằng chiếc máy bay ọp ẹp làm bằng vải bạt và gỗ dán, trong điều kiện thông tin liên lạc rất tồi và trong bóng đêm tối của vùng Bắc Cực,  được coi là vô tiền khoáng hậu. Hiện tượng Vodopianov còn nói lên một cách hùng hồn rằng, không một vinh quang nào, không một tấm huân chương nào, cũng như chức vụ đại biểu Quốc hội Xôviết tối cao Liên Xô làm cho anh choáng váng ngây ngất và làm cho anh rời bỏ nghề nghiệp. Tháng 5/1937, Mikhail Vodopianov là người chở đến Bắc Cực  đội thám hiểm đầu tiên của Ivan Papanhin.

Trong những ngày đầu chiến tranh Vodopianov đã từng chỉ huy Sư đoàn Không quân ở Leningrad, nhận mệnh lệnh của Stalin ném bom Berlin như một việc dĩ nhiên. Mặc dù ai cũng đoán rằng, chứng nhân của những chuyến bay này còn sống trở về sẽ chẳng có bao nhiêu. Bởi những chiếc máy bay TB-7 hiện có trong sư đoàn phải thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu phức tạp lại do những phi công còn rất trẻ lái. Những máy bay này được sản xuất từ máy sản xuất máy bay Kazan được đưa thẳng ra chiến đấu không qua thời gian bay thử cũng là những thử thách với phi công.

Việc hy vọng Nguyên soái Voroshilov lãnh đạo phương diện quân tây bắc sẽ chú ý đến các yếu tố trên là hoàn toàn không có cơ sở. Voroshilov chỉ chú ý đến một tình huống duy nhất: lệnh của đồng chí Stalin. Bởi vậy khi Voroshilov cam đoan với lãnh tụ rằng Sư đoàn Không quân đã ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, thì vị Sư đoàn trưởng Vodopianov chỉ còn có mỗi một việc là nói: Rõ! Còn sau này ra sao thì phải vắt óc ra mà nghĩ cách thực hiện.

Huân chương đi cùng với hình phạt

"Chúng tôi bay về đất mẹ. Bình xăng thủng, đuôi bốc cháy. Máy bay vẫn bay bằng một cánh và bằng lời thề danh dự" - Đấy là những lời ca nổi tiếng trong một bài hát rất phổ biến trong những năm cuối chiến tranh. Lời bài hát này cũng hoàn toàn ứng với chuyến bay phiêu lưu tới Berlin của Mikhail Vodopianov. Mặc dù trên thực tế chẳng có gì là thơ mộng mà khủng khiếp vô cùng.

Sau khi nhận nhiệm vụ ném bom Berlin, Vodopianov chọn phương án nhảy cóc tới sân bay Pushkin ở Leningrad. Nhưng một số máy bay trong phi đội do trục trặc kỹ thuật nên không đến nơi được. Tất cả lại phải quay về căn cứ. Đêm 10-8 lại tổ chức bay tới Berlin, song chưa bay tới chiến tuyến thì đã bị lực lượng phòng không của Hồng quân bắn nhầm. (Sau mới rõ là ban chỉ huy của các đội pháo cao xạ và trung đoàn máy bay tiêm kích của Hạm đội Baltik đã không nhận được thông báo về cuộc không kích này). Kết quả là trong toàn bộ sư đoàn chỉ còn có 5 chiếc bay được tới đích, trong đó Vodopianov lái chiếc đi đầu. Nhưng gần đến Berlin thì máy bay của anh bị hỏng một động cơ. Mặc dầu vậy Vodopianov vẫn tiếp tục dẫn dắt đồng đội cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Khi quay về do lỗi của người hoa tiêu, máy bay của Vodopianov bay lạc tới vùng trời Kenigsberg nên bị pháo cao xạ của Đức bắn thủng nhiều chỗ. Do nhiên liệu bị chảy hết nên anh buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một khu rừng nhỏ trên lãnh thổ Estonia bị Đức chiếm đóng.

Sau chiến dịch, thông thường phải tìm ra người có lỗi. Nhưng ai có lỗi, chẳng lẽ lại là điện cấp trên? 10 chiếc bay đi, chỉ có 5 chiếc đến đích, quay về chỉ còn 2. Trong đó 2 chiếc bị chính lực lượng phòng không của Hồng quân bắn hạ. Số phận của 2 chiếc này cho đến cuối chiến tranh vẫn không ai biết rõ. Những chiếc còn lại đều bị bắn cháy tan tành. 2 chiếc quay về đều gặp thảm họa, mất tích, trong đó 1 chiếc là của chính Sư đoàn trưởng Vodopianov.

Thế là người ta đã quyết định rằng phần lớn sai lầm là thuộc về Vodopianov. Tuy vậy người phạm lỗi chính bỗng tìm được đường về và thật oái oăm - vẫn còn sống và mạnh khỏe. May sao Vodopianov rơi xuống vùng đất bị chiếm đóng của Estonia, gặp được người địa phương.

Vodopianov bị cách chức chỉ huy sư đoàn, nhưng vẫn được giữ chức vụ Tư lệnh Lữ đoàn (hàm trung tướng), phi công giỏi vùng Cực Bắc, và vẫn được giữ Huân chương Sao vàng (Anh hùng Liên Xô). Dầu sao thì anh vẫn còn gặp may. Người ta nói rằng, chính Stalin đã cứu anh: ông bỗng nhớ ra anh là một trong những người đầu tiên được ông tặng danh hiệu Anh hùng.

Lúc này ở Kremlin người ta mới cho những con "chim ưng" của Stalin trong Trung đoàn Không quân Preobrazenski bay tới Berlin như cũ. Nhiệm vụ bay được tiến hành ngay trong ngày hôm sau. Nhiều người bạn chiến đấu giỏi hy sinh. Tuy vậy họ vẫn liên tục chọc thủng bầu trời Berlin. Trong suốt một tháng trời, họ đã tạo nên những đêm mất ngủ cho bọn phát xít Đức. Mãi đến ngày 5/9, những cuộc không kích mới ngừng

Nguyên Thiều (theo Tuyệt mật)
.
.