Cuộc khủng hoảng gián điệp giữa Belarus và Mỹ

Thứ Bảy, 05/04/2008, 10:00
Tại Minsk vừa nổ ra một vụ bê bối gián điệp lớn, sau khi các cơ quan mật vụ Belarus chính thức khẳng định đã phá vỡ một mạng lưới gián điệp gồm một số công dân nước này đã cộng tác với Cơ quan Tình báo Mỹ.

Dù tên tuổi của các đối tượng cũng như hậu quả cụ thể của vụ việc này chưa được tiết lộ, nhưng theo các nhà quan sát, vụ bê bối trên sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ ngoại giao Mỹ - Belarus, vốn đã chẳng lấy gì làm tốt đẹp trong thời gian vừa qua...

Người dân Belarus được biết về chiến dịch thành công mới nhất của cơ quan mật vụ ngay từ một chương trình truyền hình hôm 23/3 vừa qua. Theo thông báo của truyền hình Belarus, các nhân viên an ninh địa phương đã khám phá ra một mạng lưới gián điệp do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngay tại Minsk.

Nhóm gián điệp này đã tập hợp được một nhóm công dân Belarus, hoạt động với danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố. Cụ thể từ những nguồn tin giấu tên cho biết, các nhà ngoại giao Mỹ đã chiêu mộ một “nhóm phát hiện và làm rõ” bao gồm 10 công dân Belarus. Những thành viên này được giao nhiệm vụ thu thập và chuyển giao cho phía Mỹ nhiều thông tin, sau đó được sử dụng để gây tổn hại cho an ninh và quyền lợi của Belarus.  

Cũng từ thông tin của truyền hình Belarus, nhóm gián điệp trên được tổ chức rất tinh vi, đồng thời được trang bị nhiều phương tiện đặc biệt như máy ảnh, ống nhòm, camera và điện thoại v.v... Tất cả những thông tin mật thu thập được đều được nhóm chuyển giao cho liên lạc viên của mình, vốn là một nhân viên kỳ cựu của FBI làm việc tại Đại sứ quán Mỹ dưới vỏ bọc ngoại giao.

Các thành viên của nhóm phải hoạt động theo những nguyên tắc rất chặt chẽ như không được tới gần Đại sứ quán Mỹ và tiếp xúc với các nhân viên tại đây, ngoại trừ liên lạc viên trực tiếp của mình. Những cuộc gặp với nhân vật này cũng được tổ chức tại một căn hộ bí mật nằm cách đại sứ quán khoảng nửa cây số. Toàn bộ nhóm gián điệp trên đã bị bắt giữ ngay từ ngày 13/3. 

Truyền hình Belarus cho phát hình cảnh bắt giữ những công dân Belarus hoạt động gián điệp cho Mỹ.

 

Chỉ một thời gian ngắn ngay sau những công bố ban đầu, một vài nguồn tin tiếp tục hé lộ về nhân vật điều hành mạng lưới gián điệp này là tùy viên Sứ quán Mỹ Kurt Finli. Là một nhân viên FBI tới Minsk dưới vỏ bọc ngoại giao, Finli đã thừa nhận về vai trò nhân viên mật vụ của mình, sau khi bản thân những đối tượng bị bắt giữ cũng khai anh ta chính là người trực tiếp điều hành và liên lạc với họ.

Mạng lưới gián điệp của Finli, theo một số tờ báo khẳng định, đã được phát hiện nhờ có vai trò rất lớn của người dân. Việc một nhóm đàn ông thường xuyên có mặt và tụ tập tại một căn hộ với vẻ lén lút đã khiến người dân nghi ngờ đó là một băng nhóm ma túy và báo cho cảnh sát.

Nếu xét trong quá khứ, đây không phải là vụ bê bối gián điệp đầu tiên từng gây căng thẳng giữa Belarus và phương Tây. Vào mùa hè năm ngoái, đúng giai đoạn căng thẳng trong quan hệ giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan KGB của nước này cũng công bố về việc đã khám phá ra một mạng lưới gián điệp của Ba Lan hoạt động trên lãnh thổ Belarus.

Theo các điều khoản buộc tội làm gián điệp, đã có tổng cộng 5 người bị bắt giữ – 4 trong số này là các cựu quân nhân Belarus và một người Nga. Tất cả bị cáo buộc đã thu thập thông tin về hệ thống phòng không liên kết giữa Nga và Belarus để chuyển giao cho Cơ quan Mật vụ Ba Lan. 

Vụ bê bối lần này – nổ ra đúng vào giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Minsk - Washington – theo đánh giá sẽ làm quan hệ giữa hai quốc gia này trở nên tồi tệ hơn nữa. Mới đầu tháng 3 này, Bộ Tài chính Mỹ vừa quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn quốc gia “Belneftekhim” của Belarus (được bắt đầu triển khai ngay từ mùa thu năm 2007).

Các biện pháp trừng phạt mới này được áp dụng với tất cả những xí nghiệp trong lĩnh vực hóa dầu của Belarus có tỉ lệ vốn nhà nước từ 50% trở lên (trong khi các biện pháp trước đó chỉ liên quan tới các cơ quan đại diện và các công ty con của tập đoàn này ở nước ngoài). Để trả đũa, Minsk đã cho triệu hồi Đại sứ Mikhail Khvostov của mình tại Mỹ, đồng thời ra lệnh trục xuất đại sứ Karen Steward của Mỹ tại Belarus. Dù sao, quyết định trừng phạt của Mỹ sau những phản ứng này vẫn không được xem xét lại. 

Nhân sự kiện của vụ bê bối gián điệp này, Belarus đã yêu cầu phía Mỹ phải giảm số lượng nhân viên của mình tại đại sứ quán xuống còn một nửa. Từ trước đó, Minsk đã vài lần yêu cầu Washington triệu hồi bớt số nhân viên của đại sứ quán tại đây để có thể ngang bằng với số nhân viên Đại sứ quán Belarus tại Mỹ (Sứ quán Belarus tại Washington có tổng cộng 18 người, trong khi số nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Minsk là 38 người).

Theo tiết lộ mới nhất của quan chức đại diện Mỹ Jonathan Moore, phía Mỹ bước đầu đã nhượng bộ với việc chấp nhận đề xuất giảm bớt số nhân viên ngoại giao của mình tại Minsk. Kurt Finli cũng nằm trong danh sách những nhân viên Đại sứ quán Mỹ sẽ phải rời khỏi Belarus trong ngày 27/3

Thái Quân (tổng hợp)
.
.