Cuộc săn đuổi điệp viên Jésus

Chủ Nhật, 31/05/2009, 20:40
Mùa thu năm 2007, tại miền Nam châu Âu đã diễn ra một cuộc săn đuổi quyết liệt giữa các "thợ săn" điệp viên nằm vùng của Cơ quan Tình báo hải ngoại Đức (BND), Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6), Cơ quan Tình báo hải ngoại Pháp (DGSE) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với một điệp viên nằm vùng có tên gọi Jésus.

Theo một số thông tin mà tình báo phương Tây thu thập được, điệp viên nằm vùng Jésus là một doanh nhân người Bồ Đào Nha làm việc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ai cũng biết đó chỉ là vỏ bọc vì thực ra Jésus là một sĩ quan tình báo Nga hoạt động tại Tây Âu dưới một nhân thân giả và một giấy thông hành giả. Jésus được xem là một gã định cư bất hợp pháp tại Tây Âu nhưng dưới một vỏ bọc hợp pháp để hoạt động tình báo, nhất là trong việc móc nối và tuyển dụng điệp viên nội gián.

Khi hoạt động, điệp viên Jésus không bao giờ mắc phải sai lầm cho dù có nhỏ  nhất, nếu không sẽ phải trả giá rất đắt. Không phải là nhân viên ngoại giao được miễn trừ việc bị bắt giữ và truy tố nên khi chẳng may bị bắt giữ, điệp viên Jésus phải lãnh án tù giam trên đất khách quê người. Và thế là công lao xây dựng vỏ bọc nằm vùng sau bao nhiêu năm đành phải bỏ đi.

Jésus cũng không liên lạc với Sứ quán Nga tại thủ đô Madrid vì được cho là quá nguy hiểm mà chỉ nhận chỉ thị từ trụ sở của Cơ quan Tình báo Nga (SVR) ở thủ đô Moskva, mà trực tiếp là Cục S chuyên thực hiện các điệp vụ mật bên ngoài lãnh thổ Nga.

Thực ra, Jésus là tên gọi của những điệp viên bí mật của Cục S hoạt động hải ngoại. Do chấp hành nghiêm ngặt các quy định về bảo mật nên từ trước đến nay chưa có điệp viên Jésus nào rơi vào tay tình báo phương Tây, chỉ trừ một trường hợp duy nhất xảy ra tại Canada vào tháng 11/2006.

Khi bị phản gián Canada bắt giữ tại sân bay thành phố Montreal, điệp viên Jésus này khai tên là Paul William Hampel, một doanh nhân đang điều hành một công ty du lịch tại thành phố Montreal. Dưới vỏ bọc hợp pháp này, Hampel có thể di chuyển thoải mái từ Canada đến Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu mà không bị nghi vấn bởi các cơ quan phản gián. Khi bắt giữ Hampel, phản gián Canada đã thu giữ được 5 giấy thông hành của nhiều quốc gia khác nhau.

Trở lại với cuộc săn đuổi điệp viên Jésus đội lốt doanh nhân người Bồ Đào Nha tại Nam Âu. Vào một ngày đầu tháng 12/2007, một thợ săn điệp viên nằm vùng của DGSE đã ghi hình được cảnh điệp viên Jésus đang to nhỏ với một người đàn ông to cao trạc tuổi 60 tại một bến du thuyền ở thành phố Genève của Thụy Sĩ. Điều tra sau đó cho biết người đàn ông này là một công dân người Estonia đang cùng vợ có chuyến du lịch đến thành phố Genève. Vậy tại sao ông ta lại có cuộc trao đổi bí mật với điệp viên Jésus?

Điệp viên nội gián Herman Simm.
Chỉ sau một thời gian ngắn xác minh, các thợ săn điệp viên nằm vùng đã giật mình khi biết rằng đó chính là Herman Simm, người đứng đầu tình báo quân đội Estonia từ năm 1996 đến  2006 và hiện là phái viên tình báo của Estonia bên cạnh Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thực ra, Simm là một điệp viên nội gián được tuyển dụng và "chăn dắt" bởi điệp viên Jésus đội lốt doanh nhân người Bồ Đào Nha.

Lập tức, Cơ quan Phản gián Estonia (KAPO) liền bí mật theo dõi hành tung của Simm và sau khi thu thập đầy đủ chứng cớ đã tiến hành bắt giữ vào ngày 21/9/2008 về tội phản bội tổ quốc. Thông tin về việc bắt giữ Simm đã gây chấn động dư luận Estonia. Ainaar Russarr, Tổng biên tập Hãng thông tấn Baltic News đã thốt lên: "Tôi tưởng như trời đổ ập xuống đầu mình. Nhờ điệp viên nội gián Simm mà Nga đã có trong tay vô số thông tin tình báo và quốc phòng thuộc loại bí mật quốc gia. Quả thật đây là điều đáng xấu hổ với cả dân tộc Estonia".

Theo điều tra của KAPO, có thể Simm đã được tình báo Nga tuyển dụng làm điệp viên nội gián vào năm 1996 là năm đầu tiên mà Simm được bổ nhiệm vào chức vụ Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Estonia. Cho đến năm 2006, tất cả những bí mật về an ninh và quốc phòng của Estonia đều qua tay Simm rồi từ Simm đến tay điệp viên Jésus. Simm trở nên quan trọng đối với tình báo Nga từ năm 2004 khi được bổ nhiệm làm phái viên liên lạc giữa tình báo Estonia và NATO. Trên cương vị này, Simm được toàn quyền tiếp cận với những tài liệu thuộc loại tối mật ngay tại trụ sở NATO ở thủ đô Bruxelles của Bỉ.

Đương nhiên, sau đó nội dung của những tài liệu tuyệt mật đều đến tay điệp viên Jésus, rồi từ Jésus đến thủ đô Moskva. Điểm đặc biệt là Simm không chuyển giao tài liệu cho điệp viên Jésus tại Estonia mà tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Monaco, Saint Tropez, Canary hay Genève là những nơi mà điệp viên nội gián đến nghỉ ngơi cùng vợ.

Các câu hỏi đặt ra là tại sao Simm lại phản bội tổ quốc? Tại sao điệp viên Jésus lại tuyển dụng được một nhân vật có cỡ như Simm? Có hai giả thuyết đã được KAPO đưa ra. Một là Simm đã được tình báo Liên Xô tuyển dụng vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, khi ông ta được đào tạo thành sĩ quan an ninh tại Học Viện An ninh liên bang tại thủ đô Moskva. Để có tiền tiêu, Simm đã tham gia buôn bán hàng cấm tại chợ đen và sau đó bị cảnh sát bắt giữ.

Tình báo Liên Xô đã can thiệp để Simm không bị truy tố nhưng đổi lại Simm phải cộng tác với tình báo Liên Xô vô điều kiện. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, Simm không còn quan hệ với tình báo Liên Xô. Nhưng đến năm 1992, tình báo Nga đã tìm cách móc nối với Simm với yêu cầu phải làm điệp viên nội gián nếu không sự nghiệp của Simm sẽ tan thành mây khói một khi tình báo Nga cho công bố quá khứ từng buôn bán hàng cấm và nhất là từng làm việc cho tình báo Liên Xô trước đây. Không còn  lối thoát, Simm đành chấp nhận làm việc với tình báo Nga.

Giả thuyết thứ hai cho rằng Simm chấp thuận hoạt động nội gián cho tình báo Nga là vì tiền. Biết được thói quen tiêu xài hoang phí của vợ Simm nên điệp viên Jésus được lệnh tiếp cận, móc nối Simm với đề nghị chấp thuận làm điệp viên nội gián, đổi lại sẽ được chi tiền, rất nhiều tiền là đằng khác. Việc dùng tiền bạc để tuyển dụng điệp viên nội gián đã được điệp viên Jésus thực hiện một cách thuần thục và hoàn hảo đối với Simm suốt một thời gian dài cho đến khi bị phát hiện từ một sai lầm chết người giữa Simm và điệp viên Jésus vào cuối năm 2007 tại Genève.

Khi bị bắt giữ vào tháng 9/2008, vợ chồng Simm đang sở hữu nhiều bất động sản trị giá hàng triệu euro không chỉ tại Estonia mà còn tại Genève. Các nhân viên điều tra cũng đã thu giữ một lượng lớn nữ trang đắt tiền cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị tại nhà của Simm ở  thủ đô Tallinn. Cho đến cuối tháng 2/2009, các nhân viên điều tra còn lần ra được dấu vết của nhiều tài khoản bí mật mà Simm cùng vợ mở tại nhiều ngân hàng ở Estonia, Thụy Sĩ, Luxembourg, Monaco. Các nhân viên điều tra đã yêu cầu các ngân hàng này đóng băng nhiều món tiền lên đến 5 triệu euro gửi tại các tài khoản này.

Cho đến khi Simm bị bắt giữ thì điệp viên Jésus cũng biến mất tăm mặc cho sự truy đuổi vô vọng của các thợ săn điệp viên nằm vùng. Phải chăng điệp viên bí mật này đã quay về lại Moskva để được tuyên dương công trạng hay lại ẩn mình đâu đó tại châu Âu để thực hiện một điệp vụ tuyển dụng điệp viên nội gián mới mà nhân vật này còn có giá trị hơn cả Simm

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.