Cuộc sống riêng của nữ du hành vũ trụ đầu tiên
Theo Thông tấn xã Nga đưa tin, mới đây nữ du hành vũ trụ đầu tiên của thế giới, vị nữ tướng duy nhất của Liên Xô, của nước Nga đã được Duma quốc gia Nga quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng dân tộc", "Người phụ nữ của thế kỷ".
Người phụ nữ đã giành được giải thưởng Vàng của Liên Hiệp Quốc, Huân chương Lênin, cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác của Nhà nước Liên Xô cũng như nước Nga. Ủy ban Khoa học thế giới đã quyết định lấy tên của bà để đặt tên cho một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất của mặt trăng. Tuy nổi tiếng và nhiều công trạng như vậy nhưng có những câu chuyện riêng tư của bà cho đến giờ người ta mới biết hoặc đến giờ bà mới kể. Những câu chuyện đó trước kia là những bí mật của quốc gia.
Sự nghiệp chung
Đầu năm 1961, Nhà nước Liên bang Xôviết tổ chức cuộc thi tuyển nhằm tìm kiếm một nữ du hành vũ trụ khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ có người điều khiển lên quỹ đạo. Đó là một cuộc thi vô cùng khắc nghiệt, chặt chẽ và bí mật. Thành phần dự tuyển chủ yếu là những cô gái đến từ các câu lạc bộ hàng không, các câu lạc bộ nhảy dù, các nữ vận động viên, những người yêu thích bầu trời từ khắp các nơi trên đất nước Liên Xô.
Ban đầu có tới vài trăm người tham gia dự tuyển thế nhưng qua được vòng sơ tuyển chỉ còn lại 60 người, tiếp tục qua những cửa ải khắc nghiệt dành cho phi công, cuối cùng chỉ còn lại 5 người xuất sắc nhất. Các cô gái trúng tuyển này được đưa đến căn cứ huấn luyện hàng không vũ trụ tại ngoại ô Moskva.
Đầu năm 1962, chương trình huấn luyện kéo dài 15 tháng ở thành phố Ngôi Sao. Tại đây, nhóm nữ phi công vũ trụ phải tập các bài về thể lực, điều khiển tàu vũ trụ, về tâm lý, nhảy dù và lái máy bay phản lực. Tháng 4-1963, các nữ phi công vũ trụ Xôviết đã tốt nghiệp khóa huấn luyện, được phong quân hàm Thượng úy Không quân và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Những ngày tháng huấn luyện căng thẳng và mệt mỏi rồi cũng qua đi. Bây giờ ai sẽ là người đầu tiên được bay đây? Đó không chỉ là vấn đề khó của Ủy ban Khoa học vũ trụ mà ngay cả bản thân các huấn luyện viên, những người trực tiếp đào tạo các nữ du hành này cũng rất khó chọn lựa. Đánh giá tổng hợp các yếu tố, cuối cùng Valentina Tereshkova đã là người mạnh nhất trong số 5 người. Nhưng cô lại có một điểm yếu đó là trong hồ sơ lý lịch của cô có một phần không được “rõ ràng”: Ông nội của cô mất tích không rõ nguyên nhân từ năm 1939 đến lúc đó người ta vẫn chưa phát hiện ra ông hiện đang ở đâu.
Valentina Tereshkova rất buồn vì rất có thể đây là rào cản không cho cô đến với bầu trời. Nhưng có một thực tế là trong suốt quá trình huấn luyện và kể cả trước kia Valentina luôn tỏ ra là người có bản lĩnh chính trị vững vàng nhất, hành động cử chỉ chuẩn mực nhất, xét trên tất cả mọi khía cạnh, cuối cùng các lãnh đạo trong Ủy ban Khoa học vũ trụ Liên Xô đã chọn cô nhưng chỉ là người dự bị cho người bay chính là Irina Solovyova.
Thế nhưng, trước ngày bay một thời gian ngắn đã có một “sự cố” ngoài ý muốn, cô gái bay chính Irina Solovyova đã có thai, việc này khiến lãnh đạo trong Ủy ban vô cùng kinh ngạc và lo lắng, bởi vì thời gian bay đã rất gấp rồi. Không còn cách nào khác, Ủy ban đã chọn Valentina Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên được bay vào vũ trụ. Ngày 16/6/1963, tàu Đông Phương 6 đã mang theo phi hành đoàn bay vào khoảng không. Valentina Tereshkova đã vượt lên tất cả để trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bay cao nhất, xa nhất.
Ngày 19/6/1963, Tereshkova hoàn thành nhiệm vụ điều khiển tàu Đông Phương 6 trở về trái đất an toàn tại khu vực Karaganda, nước Cộng hòa Kazakhstan thuộc Liên Xô. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên tàu Đông Phương 6, Tereshkova đã bay quanh trái đất 48 vòng, với tổng thời gian là 70 giờ 50 phút. Những bức ảnh mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy Valentina tươi như hoa bước từ trên tàu vũ trụ xuống, nhưng thực tế không phải như vậy.
Cuộc sống trong không gian là muôn vàn khó khăn gian khổ và sự nguy hiểm. Trong môi trường không trọng lượng, cô luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng với ý chí nghị lực kiên cường, cô luôn tươi cười và lúc nào cũng chỉ nói một câu trong các bản tin gửi về trái đất: “Mọi thứ đều rất tốt”.
Vào thời điểm tàu chuẩn bị hạ cánh, đầu óc cô vô cùng căng thẳng, chiếc mũ đội đầu dường như ép chặt vào hai bên thái dương khiến cô tưởng như không sao chịu được. Cho đến khi khoang bay tiếp đất, mọi người mới phát hiện hai vệt tím xanh nơi thái dương của Valentina, cô đã ngất đi, dường như toàn thân không có cảm giác. Đoàn bay đã phải nhanh chóng sơ cứu tại khoang vũ trụ, sau đó bí mật chuyển cô tới bệnh viện đặc biệt tại Moskva. Thoát khỏi tình trạng nguy hiểm trở lại trạng thái bình thường, rất nhanh chóng những hình ảnh của cô được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Phụ nữ nước Nga đã chiến thắng trong cuộc đua lên vũ trụ.
Và cuộc sống riêng
Sau khi trở về trái đất 5 tháng, cô đã yêu Nicolaiev. Hôn lễ của cô được tổ chức long trọng. Đích thân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khruschev tới tham dự hôn lễ. Điều này cho tới nay vẫn là một dấu hỏi với mọi người. Bởi vì, vào thời kỳ đó, mọi người vẫn thường cho rằng, vì Valentina là nữ du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô cũng như của thế giới cho nên trong cuộc hôn nhân của cô rất có thể đó là một cuộc “hôn nhân chính trị”, người sắp xếp không phải ai khác mà chính là do Khruschev.
Một năm sau, họ sinh được cô con gái Elena. Thế nhưng chỉ vài năm sau người nữ anh hùng hạnh phúc nhất đó đã muốn chia tay. Không ai có thể khuyên ngăn được cô. Tại thời điểm đó không một cơ quan công quyền nào dám phê chuẩn các văn bản giấy tờ cho họ chia tay chỉ vì “cuộc hôn nhân được Khruschev biết đến”. Sau này sự việc đã được báo cáo lên Trung ương. Cả hai người đều rất muốn ly hôn, đặc biệt là Valentina đã rất dũng cảm nói ra những điều không hợp với chồng mà vào thời điểm đó không phải ai cũng dám nói.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Valentina quen một nhà nghiên cứu có tên Saboniscov, vì ngưỡng mộ nhà du hành mà ông đã rời bỏ hết mọi thứ để kết hôn với chị. Hai người đã có cuộc sống thực sự hạnh phúc