Cuộc thương lượng bí mật Đức – Nga

Thứ Sáu, 15/08/2014, 15:30

Theo tiết lộ (ngày 31/7) của tờ The Independent của Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến hành các cuộc thương lượng bí mật để hoàn chỉnh một kế hoạch hòa bình trọn gói, chấm dứt những căng thẳng quốc tế xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina. Tiến trình thương thảo đó đang bị ách lại do thảm họa máy bay MH17.

Theo The Independent, tiến trình thương thảo bí mật là cuộc làm việc nghiêm túc giữa lãnh đạo 2 nước Đức và Nga để hoàn chỉnh một kế hoạch hòa bình do Đức đề xuất trong nỗ lực làm trung gian hòa giải của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa Tổng thống Nga Putin với Tổng thống Ukraina Petro Proshenko để đi đến thống nhất, ký kết thỏa thuận hòa bình và hợp tác lâu dài.

Các nguồn tin am hiểu về các cuộc thương thảo bí mật tiết lộ rằng, phần đầu tiên của kế hoạch trọn gói là Nga phải rút hoàn toàn sự hỗ trợ cả về mặt tài chính lẫn quân sự cho các nhóm ly khai ở miền Đông Ukraina. Khu vực này cần phải được trao một số quyền tự quyết theo mô hình liên bang.

Bên cạnh đó, cộng đồng thế giới cần phải công nhận nền độc lập của Crimea và việc bán đảo này trưng cầu dân ý đồng ý sáp nhập vào Nga. Tổng thống Ukraina cũng cần phải đồng ý không nộp đơn xin gia nhập NATO để đổi lại việc Tổng thống Nga Putin sẽ không can thiệp hay cản trở việc Ukraina có quan hệ thương mại mới với EU theo một hiệp ước đã ký cách đây vài tuần.

Việc siết chặt quan hệ với EU là tham vọng lớn nhất của Tổng thống Ukraina Poroshenko - một người không đảng phái nhưng là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho xu hướng thân châu Âu ở Ukraina.

Phần thứ hai là Ukraina sẽ được đề nghị một thỏa thuận mới, lâu dài về nguồn cung cấp và giá cả với Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga. Hiện tại, giữa Ukraina với Gazprom không hề có bất cứ thỏa thuận khí đốt nào, nguồn cung khí đốt cho Ukraina đang cạn dần và có thể cạn kiệt trước mùa đông năm nay, đe dọa sự ổn định về kinh tế và xã hội Ukraina.

Theo kế hoạch, Nga sẽ bồi thường cho Ukraina một khoản tiền trọn gói trị giá 1 tỉ USD cho việc Ukraina bị mất quyền cho thuê quân cảng Sevastopol nằm trong biển Đen thuộc Crimea cho đến khi Crimea biểu quyết sáp nhập vào Nga vào tháng 3/2014.

Cho đến nay, kế hoạch hòa bình do Thủ tướng Đức Merkel đưa ra là đề xuất duy nhất trong nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraina. Tuy nhiên, tiến trình thương thảo kế hoạch này hiện đang gặp một số khó khăn, trước mắt bị đình hoãn do vụ máy bay chở khách MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraina.

Những người tham gia đàm phán cho biết, cuộc thương lượng sẽ được nối lại một khi cuộc điều tra về vụ MH17 có kết quả khả quan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có các cuộc làm việc bí mật về một kế hoạch hòa bình cho Ukraina.

Việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina là yêu cầu bức thiết của người Đức vì nhiều lý do, cả về chính trị lẫn kinh tế. Dưới thời bà Thủ tướng Merkel, quan hệ Đức-Nga được củng cố, tăng cường nhiều mặt. Và trong cuộc khủng hoảng Ukraina, cho đến trước khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay MH17, nước Đức vẫn luôn kiên quyết chống lại các biện pháp trừng phạt không chỉ về kinh tế mà cả về ngoại giao đối với Nga.

Về mặt kinh tế, một số công ty lớn của Đức đang có hoạt động mạnh ở Nga, trong khi nhiều công ty nhỏ và vừa cũng đang mở rộng làm ăn vào nước này.

Nga cũng là một trong những thị trường xe hơi lớn nhất của châu Âu, vì thế bất kỳ sự trừng phạt nặng nề về kinh tế hay ngoại giao đối với Nga đều gây phản ứng bất lợi cho các công ty Đức, và xa hơn là cả châu Âu. Mặt khác, Nga hiện đang cung cấp đến 30% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu; trong đó, bên cạnh các tuyến ống đi qua Ukraina, nước Đức cũng có tuyến ống dẫn khí riêng trực tiếp từ Nga, do đó Đức sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn các quốc gia châu Âu khác nếu xảy ra căng thẳng.

Hơn nữa, Nga hiện cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, với mậu dịch xuyên biên giới đạt giá trị 460 tỉ USD vào năm 2013, do đó việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với các cá nhân và ngân hàng Nga sẽ gây tổn thất cho các quốc gia châu Âu nhiều nhất, đặc biệt là Đức, và cả Anh.

Như vậy, việc Thủ tướng Đức bí mật xúc tiến thương lượng với Tổng thống Nga Putin về kế hoạch hòa bình cho Ukraina là hoàn toàn vì lợi ích của châu Âu hơn là vì lợi ích nước Nga hay Ukraina. Trong đó, để kế hoạch thành công thì việc đàm phán thỏa thuận khí đốt giữa Ukraina với Tập đoàn Gazprom phải thành công. Đóng vai trò trung tâm trong cuộc đàm phán này là tỉ phú giàu có nhất Ukraina - nhà môi giới khí đốt Dmitry Firtash.

Firtash hiện đang sống tại Vienna (Áo), có mối quan hệ tốt với cả Moskva và Kiev, ủng hộ Tổng thống Ukraina Poroshenko, là một chuyên gia "đi đêm" trong hậu trường ở cấp cao nhất, và là từng làm trung gian hòa giải thành công hợp đồng khí đốt giữa Ukraina và Nga trong những năm 2006-2009. Tuy nhiên, chính các mối quan hệ cao cấp và các hoạt động hậu trường đó khiến Firtash bị chính quyền Mỹ đòi dẫn độ để "xử tội"

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.