Cuộc vượt ngục li kỳ của điệp viên George Blake

Thứ Ba, 23/05/2006, 08:00

Vào năm 1966, chuyến vượt ngục thành công khỏi nhà tù Wormwood Scrubs ở London, Anh của điệp viên người Anh làm việc cho tình báo Liên Xô George Blake đã gây chấn động dư luận. George Blake còn đào thoát an toàn đến Liên Xô không phải nhờ sự giúp đỡ của tình báo Liên Xô mà là của 3 bạn tù bị giam giữ với ông.

George Blake sinh năm 1922 tại thành phố Rotterdam của Hà Lan trong một gia đình doanh nhân có cha là người Ai Cập mang quốc tịch Anh và mẹ là người Hà Lan. Năm 1940, khi Đức Quốc xã xâm chiếm Hà Lan, Blake tham gia chiến đấu trong một tổ chức kháng chiến mật. Năm 1942, khi phong trào kháng chiến ở Hà Lan bị đàn áp dữ dội, Blake tìm cách đến Anh rồi chẳng bao lâu sau được Cục Các hành động đặc biệt (SOE) tuyển mộ. Sau khi được huấn luyện, ông được tung về hoạt động trong lãnh thổ Hà Lan bị chiếm đóng để móc nối, xây dựng các tổ chức du kích và cả tổ chức phá hoại nhắm vào các căn cứ quân sự của Đức Quốc xã.

Cũng giống nhiều điệp viên SOE khác, khi chiến tranh thế giới kết thúc, theo nguyện vọng và khả năng, George Blake được nhận vào làm việc cho MI-6, Tổng cục Tình báo của Anh và trở thành một điệp viên Anh nằm vùng tại các khu vực ở Đức do Hồng quân Liên Xô chiếm đóng. Năm 1951, khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ông được điều động đến làm việc tại chi nhánh của MI-6 ở thành phố Seoul. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông bị một toán đặc vụ của Bắc Triều Tiên bắt cóc đưa về Bình Nhưỡng giam giữ.

Sau 3 năm bị giam giữ, nhận thức của Blake hoàn toàn thay đổi  và đã biến ông thành một người theo chủ nghĩa Mácxít. Thế nhưng tình báo Anh lại không hề nghi ngờ về sự thay đổi này của Blake nên khi ông được phóng thích vào năm 1953, MI-6 lại điều động ông đến làm việc tại Berlin, Đức dưới vỏ bọc của một điệp viên hai mang và cả ba mang.

Trở thành điệp viên nội ứng làm việc cho tình báo Liên Xô từ năm 1954, George Blake đã trao cho KGB danh sách hàng trăm điệp viên phương Tây hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, trong đó có danh tính của 42 điệp viên MI-6. Tất cả những điệp viên này sau đó đều bị bắt giữ và bị hành hình.

Một trong những chiến công lớn của điệp viên nội ứng George Blake là kịp thời mật báo cho tình báo Liên Xô về việc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và MI-6 triển khai một điệp vụ có mật danh "Ánh trăng" đào một đường hầm vào tận khu vực Đông Berlin để cài đặt thiết bị nghe lén các cuộc điện đàm, truyền và nhận các thông tin mật của Bộ chỉ huy Hồng quân Liên Xô ở Đông Đức và các cơ quan của Chính phủ Đông Đức. Để bảo toàn bí mật cho Blake, KGB làm như việc khám phá là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Thất bại của điệp vụ này đã khiến cho CIA và MI-6 phải ngậm đắng nuốt cay và hoàn toàn không nghi ngờ về hoạt động nội gián của Blake.

Cuối cùng rồi số phận đã không mỉm cười với George Blake khi một điệp viên phản bội của tình báo Ba Lan tên Michael Goleniewski đào thoát sang phương Tây vào tháng 8/1959 và khai ra Blake. Bị bắt giữ về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô, vào tháng 3/1961, ông bị tuyên án 42 năm tù giam. Đây là bản án cao nhất trong lịch sử ngành tòa án Anh được phán quyết cho một điệp viên bội phản.

Thụ án tại nhà tù Wormwood Scrubs ở ngoại ô London, nơi chuyên giam giữ tù chính trị, George Blake nhận được sự ái mộ của nhiều tù nhân trong đó phải kể đến Michael Randle, Pat Pottle và Sean Bourke là thành viên của Ủy ban 100 phi hạt nhân, một tổ chức phản chiến chống sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ có chứa vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Anh.

Được sự chấp thuận của Blake, cả 3 lên kế hoạch giúp ông đào thoát khỏi nhà tù Wormwood. Theo kế hoạch thì Michael Randle và Pat Pottle có nhiệm vụ liên hệ với các thành viên tổ chức của mình ở bên ngoài để mua điện đàm, thuê nhà (để Blake cư ngụ), làm giấy thông hành giả và cả chuẩn bị để làm thay đổi màu da của Blake nhằm biến ông thành một người Arập.

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn thành, cả nhóm quyết định sẽ tổ chức cuộc đào thoát cho Blake vào tối thứ bảy ngày 12/8/1966. Vào thời điểm đó, lợi dụng lúc các nhân viên quản giáo hay tập trung xem truyền hình, George Blake thoát ra ngoài. Trước khi đi Blake còn để một hình người của ông làm bằng ván ép tại cửa sổ để đánh lừa sự quan sát của các nhân viên quản giáo. Ông nhảy xuống một mái hiên nhỏ, vượt qua một hàng rào rồi lại nhảy xuống một hành lang.--PageBreak--

Sau đó ông lại phải leo lên một bức tường cao chừng 1,5m trước khi nhảy xuống một đường mòn nhỏ bên ngoài trại giam. Tại đây một chiếc xe hơi Austin đang đợi sẵn để đưa về nơi ẩn nấp. Tại nơi trú ngụ mới, Blake được bôi một loại hóa chất có tên gọi meladin để da có màu sẫm. Cứ từ 5 - 7 ngày, Blake lại được đổi chỗ ở một lần để tránh sự theo dõi của cảnh sát.

Trong lúc đó thông tin về vụ vượt ngục thành công của George Blake đã gây chấn động dư luận. Nhiều câu chuyện thêu dệt chung quanh vụ vượt ngục đã khiến Chính phủ Anh phải cách chức  Giám đốc nhà tù Wormwood Scrubs. Trong khi đó do nghi vấn vụ vượt ngục thành công của George Blake có sự tiếp tay và đạo diễn của Sứ quán Liên Xô tại Anh nên cảnh sát và phản gián Anh tập trung theo dõi mọi động tĩnh của tất cả các nhân viên sứ quán mà không hề nghi ngờ về vai trò của 3 người bạn tù.

Đến tháng 11/1966, Michael Randle, Pat Pottle và Sean Bourke mãn hạn tù và liền lên kế hoạch đưa George Blake trốn khỏi nước Anh để đến một quốc gia XHCN Đông Âu. Cả 3 tiến hành thiết kế một chiếc gầm đặc biệt bên dưới một chiếc xe nhà kéo, là loại xe mà người dân Anh thường sử dụng để đưa cả gia đình đi du lịch mà không cần phải lưu trú trong khách sạn. Đó là nơi sẽ chứa George Blake trong suốt cuộc hành trình đào thoát khỏi nước Anh. Vào ngày 17/12/1966, Michael Randle đưa cả gia đình gồm vợ và 3 con đi du lịch đến Pháp và Đức bằng xe nhà kéo. Và chuyến du lịch đặc biệt đã đưa Blake đào thoát an toàn đến Đông Berlin và sau đó được đưa ngay về Moskva, nơi ông sống suốt quãng đời còn lại của mình.

Mãi đến năm 1998, để làm sáng tỏ dư luận chung quanh vụ vượt ngục của George Blake, Michael Randle đã cho xuất bản một cuốn sách có tiêu đề "Chúng tôi đã giúp cho George Blake vượt ngục như thế nào?". Cuốn sách này khi được phát hành đã khiến cho chính phủ và nhất là tình báo Anh phải bối rối vì lâu nay họ vẫn cho rằng chính tình báo Liên Xô đã tổ chức vụ vượt ngục trên mà không hề nghi ngờ đó là hành động của 3 bạn tù người Anh là Michael Randle, Pat Pottle và Sean Bourke

Văn Hòa (theo BBC History Magazine)
.
.