Cựu Bộ trưởng Israel bị buộc tội làm gián điệp cho Iran

Thứ Ba, 03/07/2018, 14:17
Ngày 18-6, một tòa án Israel đã tuyên buộc tội ông Gonen Segev, cựu Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Israel vì phạm tội làm gián điệp cho Iran. Đây là vụ việc mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Irsael và Iran trong khu vực Trung Đông.

Tại phiên tòa hôm 18-6, Gonen Segev bị cáo buộc tội “chuyển giao thông tin cho kẻ thù”. Thông báo của cảnh sát và Cơ quan An ninh Israel hôm 18-6 khẳng định ông Segev “đã được tình báo Iran tuyển mộ và hành động như một điệp viên cho tình báo Iran”.

Năm nay 62 tuổi, Gonen Segev có một lịch sử bản thân khá đa dạng: từng là bác sĩ quân y mang hàm đại úy quân đội Israel, một chuyên gia về nông nghiệp, và vào đầu thập niên 1990, khi còn khá trẻ, ông đã tham gia chính trị, là nghị sĩ thành viên đảng Tzomet. Tháng 2-1994, Segev cùng 3 người nữa tách ra khỏi đảng Tzomet và hình thành đảng Yiud. 

Cựu bộ trưởng Gonen Segev.

Ngày 9-1-1995, Segev trở thành Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng sau khi đảng Yiud của ông tham gia liên minh cầm quyền của Thủ tướng Yitzhak Rabin. Segev tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng này từ tháng 11-1995 đến tháng 6-1996 trong chính phủ của ông Shimon Peres, hình thành không lâu sau khi ông Rabin bị ám sát. 

Segev thường thể hiện quan điểm chính trị ôn hòa, theo đường lối đối thoại và xây dựng hòa bình. Trên quan điểm, đường lối này, trong vai trò Bộ trưởng và nghị sĩ Knesset, Segev đã tham gia bỏ phiếu thông qua Hiệp ước hòa bình Oslo, và lá phiếu ủng hộ của ông đã quyết định hiệp ước được thông qua.

Tuy nhiên, một bước ngoặt chính trị đã xảy ra vào năm 1996, với việc ông Benjamin Netanyahu được bầu lên làm Thủ tướng Israel lần thứ nhất. Kể từ đó, sự nghiệp chính trị của Segev bắt đầu đi xuống một cách khó hiểu. Sự tụt dốc càng thảm hại với việc Segev trở thành tội phạm. 

Năm 2004, khi chuẩn bị lên máy bay đi từ sân bay quốc tế Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan, để về Israel, ông bị an ninh sân bay kiểm tra hành lý và phát hiện mang 32.000 viên thuốc lắc đựng trong những chiếc hộp kẹo M&M. Segev không thừa nhận mình vận chuyển ma túy, khai rằng tưởng nhầm đó là kẹo M&M. Tuy nhiên, Segev không thể chối tội vì ngay sau đó an ninh sân bay lại phát hiện ông sử dụng hộ chiếu nước ngoài “giả mạo” để buôn lậu ma túy. 

Rốt cuộc, Segev buộc phải thỏa thuận nhận tội với cơ quan điều tra. Ông bị dẫn độ về Israel và năm 2005 bị tuyên án tù 5 năm đồng thời bị phạt tiền 27.500 USD. Theo tờ báo Hahadashot News của Israel, hộ chiếu nước ngoài của Segev không phải là giả, mà là hộ chiếu thật, vì trong thời gian sinh sống tại Nigeria, ông đã kết hôn với một nhân viên ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Đức, nhờ đó ông có được hộ chiếu nước ngoài.

Năm 2007, Segev được trả tự do sớm 3 năm nhờ Hội đồng ân xá Israel xét thấy ông có thái độ cải tạo tốt. Tuy nhiên, do chính quyền Israel đã thu hồi giấy phép hành nghề y của ông trong thời gian ông ngồi tù nên ngay sau khi ra tù, ông đã rời Israel để ra nước ngoài sinh sống. Ông đến Nigeria định cư và hành nghề bác sĩ. Tại đây, Segev có cơ hội chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên ngoại giao Israel tại Abuja (thủ đô Nigeria) và cộng đồng người Do Thái tại đây. 

Nhờ có công cứu sống một cận vệ ngoại giao Israel, Segev được Bộ Ngoại giao Israel viết thư khen. Dựa vào thành tích đó, năm 2016 Segev làm đơn đề nghị Bộ Y tế Israel phục hồi giấy phép hành nghề y cho ông để ông có thể quay trở về Israel sinh sống và hành nghề bác sĩ, nhưng đơn đã bị từ chối. Segev tuyên bố ông sẽ không bao giờ quay trở về Israel chừng nào chưa được chính thức công nhận là “bác sĩ Gonen Segev”.

Thế rồi tháng 5-2017, Segev lại bị cảnh sát biên giới Equatorial Guinea bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế của Israel khi ông định nhập cảnh vào Equatorial Guinea. Segev bị cáo buộc “phạm tội trợ giúp kẻ thù trong chiến tranh và làm gián điệp chống lại nhà nước Israel”. Sau đó, Segev lại bị dẫn độ về Israel với tư cách… kẻ phạm tội như lần trước. Ngày 15-6-2018, Segev bị tòa án tại Jerusalem buộc tội “chuyển giao thông tin cho kẻ thù”.

Theo cáo trạng do cơ quan an ninh Shin Bet nộp tại tòa án, Segev lần đầu tiếp xúc với các quan chức Iran tại Đại sứ Iran tại Nigeria vào năm 2012, sau đó ông đã hai lần tiếp xúc với các điệp viên ngầm của Iran mặc dù biết rõ họ là điệp viên Iran. 

Segev đã sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đi gặp gỡ các điệp viên Iran tại nhiều địa điểm ở khắp nơi trên thế giới, khi thì tại một nhà hàng, khi tại khách sạn ở nhiều quốc gia khác nhau, kể cả nhiều địa điểm bên trong Israel và từng 2 lần sử dụng hộ chiếu Đức để đi đến Iran gặp gỡ các điệp viên Iran. 

Cáo trạng cho rằng Segev đã chuyển giao cho tình báo Iran nhiều thông tin quan trọng về các địa điểm an ninh của Israel, thông tin về các quan chức chính trị và các tổ chức an ninh Israel cũng như thông tin bí mật về ngành năng lượng của Israel.

Lý giải việc bằng cách nào Segev tiếp cận và thu thập được các thông tin để chuyển cho Iran, cáo trạng của Shin Bet cho rằng Segev đã tìm cách móc nối với nhiều công dân Israel làm việc trong các cơ quan ngoại giao Israel ở nước ngoài và cả các cơ quan an ninh trong nước. 

Segev duy trì mối quan hệ với những người này và nhờ họ mà thu thập thông tin. Không những thế, ông còn giới thiệu cho những người này gặp gỡ trực tiếp với các điệp viên Iran để hợp tác với họ nhưng nói dối họ đó là những “doanh nhân Iran chân chính”. 

Hiện phiên tòa xét xử Segev vẫn đang tiếp tục, chưa đưa ra án quyết. Mức độ thiệt hại mà Segev được cho là đã gây ra cho đất nước Israel vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng chắc chắn rằng mức án tù dành cho ông lần này sẽ cao hơn nhiều so với năm 2005.

An Tôn (tổng hợp)
.
.