Cựu Chủ tịch IOC Juan Antonio Samaranch từng làm việc cho tình báo Liên Xô

Thứ Ba, 01/12/2009, 09:15
Trong những ngày gần đây, giới thể thao quốc tế đang bàn luận sôi nổi về những thông tin liên quan đến việc cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Juan Antonio Samaranch từng làm việc cho tình báo Liên Xô từ tiết lộ của cựu Đại tá tình báo Liên Xô Vladimir Popov trong một cuốn sách có tựa đề "Những ván cờ của KGB" có sự hợp tác với sử gia người Nga Yuri Felshtinsky vừa được phát hành tại châu Âu vào giữa tháng 11 vừa qua.

Tác giả cuốn sách cho biết, ông Samaranch được tình báo Liên Xô tiếp cận và tuyển dụng vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước khi đang làm Đại sứ Tây Ban Nha tại Liên Xô và đang giữ chức vụ Phó chủ tịch IOC. Nhờ tác động và hậu thuẫn tích cực của ông Samaranch trên cương vị Chủ tịch IOC và sau này là Chủ tịch danh dự suốt đời của IOC mà Nga đã giành được quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 2014 tại thành phố nghỉ mát nổi tiếng Sotchi.

Juan Antonio Samaranch Torello, còn gọi là Bá tước Samaranch, sinh ngày 17/7/1920 tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha trong một gia đình thượng lưu, từng tốt nghiệp Trường kinh doanh IESE nổi tiếng của Tây Ban Nha. Ông từng nhiều lần làm người đứng đầu các đoàn thể thao quốc gia Tây Ban Nha tham dự các cuộc tranh tài thể thao quốc tế trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thể thao dưới thời kỳ nhà độc tài Francisco Franco vào cuối thập niên 60.

Năm 1967, với sự hậu thuẫn của tướng Franco, ông Samaranch được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Tây Ban Nha và sau đó được bầu làm Phó chủ tịch CIO từ năm 1974 đến 1978. Từ năm 1977 đến 1980, ông Samaranch được bổ nhiệm làm Đại sứ Tây Ban Nha tại Liên Xô và được bầu làm Chủ tịch IOC vào năm 1980 tại kỳ họp lần thứ 83 của IOC tổ chức tại thủ đô Moksva, chức vụ mà ông đảm nhiệm đến năm 2001. Năm 1991, nhờ công lao đóng góp cho phong trào Olympic quốc gia và quốc tế, ông Samaranch được nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos phong tặng danh hiệu Bá tước.

Cuốn sách "Những ván cờ của KGB"
Ông Samaranch là  người rất quan tâm đến lịch sử và văn hóa Nga. Vì vậy, trong thời gian làm Đại sứ Tây Ban Nha tại Liên Xô vào cuối thập niên 70, ông đã cất công nghiên cứu và sưu tầm những sách, tư liệu cổ và cả những cổ vật và sau đó tìm cách đưa về Tây Ban Nha để lưu giữ. Vào thời kỳ đó, tình báo Liên Xô được giao nhiệm vụ bảo vệ các nguồn tư liệu quý, các cổ vật nhằm tránh trường hợp tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài. Ngoài ra, luật pháp Liên Xô còn quy định những mức độ trừng phạt rất nặng đối với những người bị buộc tội tuồn tư liệu quý và cổ vật ra nước ngoài không miễn trừ trường hợp đưa ra nước ngoài bằng con đường ngoại giao.

Sự cố xảy ra đối với ông Samaranch vào tháng 6/1978 khi sau một thời gian theo dõi, tình báo Liên Xô phát hiện ông Samaranch từng nhiều lần tuồn tư liệu quý và cổ vật của Liên Xô về Tây Ban Nha bằng con đường thư tín ngoại giao. Vào ngày 21/6/1978, đích thân Viktor Chebiakov, một sĩ quan tình báo Liên Xô cao cấp đã đến Sứ quán Tây Ban Nha gặp Đại sứ Samaranch và cho biết tình báo Liên Xô đã thu thập được chứng cứ về các hành vi vi phạm đến luật pháp Liên Xô của ông Samaranch.

Chebiakov đã đưa ra hai điều kiện để ông Samaranch chọn lựa: Hoặc chấp thuận làm việc cho tình báo Liên Xô hoặc phải chứng kiến sự nghiệp ngoại giao và thể thao của mình chấm dứt một khi hành vi bất hợp pháp của ông được tung lên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ ở Liên Xô mà cả ở nước ngoài. Sau một thời gian đắn đo, ông Samaranch chấp thuận làm việc cho tình báo Liên Xô.

Tình báo Liên Xô đã cam kết với ông Samaranch sẽ tìm mọi cách tác động để ông trở thành Chủ tịch IOC. Và quả thật với tác động của Liên Xô, các quốc gia XHCN trên thế giới cùng các quốc gia có quan hệ thân thiết với Liên Xô, ông Samaranch đã được bầu làm Chủ tịch IOC vào năm 1980.  Ông Samaranch đã chuyển giao cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động ngoại giao, an ninh, quốc phòng của Tây Ban Nha và nhiều quốc gia Tây Âu khi còn đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Tây Ban Nha tại Liên Xô từ năm 1977 đến 1980.

Sau khi trở thành Chủ tịch IOC, ông Samaranch đã tìm mọi cách giúp nền thể thao Liên Xô phát triển với việc ưu tiên nhận sự hỗ trợ của IOC về tài chính, công tác đào tạo, xây dựng các cơ sở thể thao và tập huấn thi đấu quốc tế. Chính sự tác động không ngừng và có hiệu quả trong hậu trường của ông Samaranch cả trên cương vị Chủ tịch từ năm 1980 đến năm 2001 và Chủ tịch danh dự suốt đời của IOC từ năm 2001 đến nay đã giúp Nga giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông tổ chức tại thành phố Sochi vào 2014, mặc cho phản ứng của nhiều quốc gia phương Tây.

Cũng chính từ những hành động được cho là thân thiện đặc biệt với Liên Xô trước đây và nước Nga sau này mà ông Samaranch đã gặp vô số rắc rối để sau đó trở thành tai tiếng, không chỉ cho ông Samaranch mà cả IOC.

Theo tiết lộ của cuốn sách "Những ván bài của KGB", các quốc gia phương Tây đã đứng đằng sau hàng loạt các sự kiện, khi các phương tiện truyền thông trên thế giới tố cáo ông Samaranch đã chi tiêu hoang phí công quỹ của IOC qua việc sử dụng công quỹ của IOC để trang trải cho sinh hoạt cá nhân như ăn, ở (IOC đã phải chi 1,5 triệu USD hàng năm để trả tiền thuê một biệt thự tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ cho ông Samaranch trú ngụ vì là nơi đặt trụ sở của IOC), việc ông Samaranch dung túng cho tệ tham nhũng và bè phái trong nội bộ IOC... Đây chính là lý do khiến ông Samaranch buộc phải từ chức Chủ tịch IOC vào năm 2001 và được thay thế bởi một quan chức thể thao Pháp là ông Jacques Rogge

Văn Hoà (theo CiCentre)
.
.