Cựu Tổng thống Bush gặp rắc rối vì hồi ký

Thứ Tư, 01/12/2010, 10:35
Với việc quay về "ở ẩn" sau khi hết nhiệm kỳ, những lời chỉ trích hay mỉa mai nhằm vào ông Bush cũng dần không còn thu hút được sự quan tâm. Tuy nhiên ngay sau khi cho công bố cuốn hồi ký nhan đề "Những thời khắc quyết định" (Decision Points) mới đây, ông Bush lại nhanh chóng trở thành đối tượng của những chỉ trích thậm chí tố cáo mới còn gay gắt hơn. Lần này, cựu Tổng thống Mỹ bị cáo buộc đã dối trá và đạo văn…

Còn nhớ cuốn hồi ký "Decision Points" của ông Bush chính thức ra mắt công chúng vào ngày 9/11 vừa qua. Ngay từ khi chưa chính thức được xuất bản, cuốn hồi ký của ông Bush đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng, có mặt trong tốp 3 cuốn sách bán chạy nhất (best-seller) của Amazon.com.

Tuy nhiên cũng chỉ 3 ngày sau khi cuốn sách chính thức xuất hiện trên thị trường, tờ báo The Huffington Post đã cho công bố một bài báo gây xôn xao dư luận, trong đó vạch trần việc ông Bush đã sử dụng trái phép những đoạn hồi ký của người khác và cố tình xuyên tạc nhiều sự kiện.

Tác giả của bài báo trên là Ryan Grim, một phóng viên trẻ nhưng đã khá nổi tiếng với vai trò tác giả của cuốn sách "This is your country on Drugs: The secret history of getting high in America" điều tra về quá trình sử dụng các loại chất ma túy khác nhau tại Mỹ. 

Theo nội dung bài báo trên, Grim đã phát hiện trong hồi ký của ông Bush có đoạn kể về cuộc gặp của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai với một trong các chỉ huy chiến trường. Người này đã hỏi thẳng Karzai: "Người của ngài ở đâu?" và nhận được câu trả lời: "Các anh chính là người của tôi. Tất cả người dân Afghanistan và các anh là người của tôi". Câu đối thoại này có thể nói là rất có ý nghĩa, đặc biệt là khi nó xảy ra vào đúng lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Karzai.

Hồi ký "Decision Points" đang là một chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Chỉ có điều ông Bush khi đó đã không hề tham dự buổi lễ này, thậm chí còn thừa nhận chuyện này trong hồi ký. Grim đã đặt câu hỏi: Do đâu mà cựu Tổng thống Bush lại biết được nội dung của cuộc trò chuyện trên? Câu trả lời đã có được sau một thời gian ngắn tìm kiếm: trên một bài báo của Ahmed Rashid đăng trên New York review of books có nội dung đối thoại giống hệt với những mô tả của ông Bush như một người trong cuộc từng chứng kiến.

Chưa hết, trong một chương khác của hồi ký, Bush có dẫn lời của chính trị gia John McCain từ đảng Cộng hòa về việc tăng cường binh sĩ Mỹ tại Iraq: "Tôi không thể đảm bảo rằng, điều này sẽ dẫn tới thành công. Nhưng tôi có thể đảm bảo về một thất bại, nếu như chúng ta không áp dụng chiến lược mới này". Trong hồi ký, câu nói trên được thuật lại dưới dạng một câu được McCain nói với chính ông Bush. Trong khi trên thực tế, ông McCain đã phát biểu câu này trong một cuộc nói chuyện với các phóng viên tờ Washington Post.

Nói chung sau khi đọc xong toàn bộ cuốn hồi ký của ông George Bush, Ryan Grim đã có nhiều cơ sở để nghi ngờ rằng, những ý tưởng thực sự của cựu Tổng thống trong đó gần như không có, hay có thể nói rằng quá ít. Chẳng hạn như đánh giá của ông Bush về các bài học của chiến dịch Afghanistan trùng hợp một cách đáng ngạc nhiên với những suy nghĩ của vị tướng 4 sao Tommy Franks cũng về đề tài trên.

Còn một vài ý tưởng khác trong cuốn hồi ký, theo như nhận xét của Grim, được "vay mượn" từ những cuốn sách trước đó của Bob Woodward và Robert Draper, những người trước đó cũng từng chỉ trích Nhà Trắng dưới thời Bush về nhiều sai lầm khác nhau. 

Những phân tích của Ryan Grim ngay lập tức thu hút nhiều chú ý và phản ứng khác nhau. Như trang web News Busters của tổ chức có quan điểm bảo thủ Media Research Center đã vội vàng đứng ra tìm cách bảo vệ ông Bush.

Thực ra, News Busters được thành lập trước đó là để lôi kéo sự chú ý của công luận đối với những sai lầm hay nhận định được coi là một chiều của những phương tiện truyền thông đại chúng theo quan điểm tự do như Huffington Post. Nhưng do khó có thể bác bỏ được những giả thuyết được tác giả bài báo trên đưa ra, nên chủ nhân của một blog trên News Busters chỉ có thể trả đũa bằng cách chỉ trích chính tờ Huffington Post và người sáng lập ra nó là Arianna Huffington bằng cách bới móc ra một vài sai lầm trong quá khứ.

Nhưng cuốn hồi ký của ông Bush không phải chỉ hứng chịu những chỉ trích từ những người có quan điểm tự do. Chẳng hạn như khi nội dung của nó còn gây ra một vụ bê bối quốc tế nhỏ tại Đức, do những người dính líu tới những tranh cãi trên đều đã trở thành những cựu nguyên thủ quốc gia. George Bush trong hồi ký của mình đã trách móc cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder phản bội lại lời hứa.

Theo cựu Tổng thống Mỹ, Schroeder trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng vào tháng 1/2002 đã hứa hẹn sẽ ủng hộ hoàn toàn cho chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq. Nhưng Schroeder sau đó đã hy sinh lời hứa này để đổi lấy sự tín nhiệm của những cử tri Đức có quan điểm phản đối cuộc chiến. Thế là những chiến hữu của Schroeder khi đó đã đưa ra một loạt những chỉ trích gay gắt nhằm vào Bush.

Theo lời những thành viên trong phái đoàn của Đức từng tham gia vào cuộc gặp tại Nhà Trắng khi đó, George Bush đã cố tình xuyên tạc những lời nói của Schroeder. Cựu phát ngôn viên Uwe-Karsten Heye của Gerhard Schroeder đã đánh giá Bush là con người "có chỉ số tín nhiệm cực kỳ thấp".

Những rắc rối xung quanh cuốn hồi ký của ông Bush trên một khía cạnh khác lại càng có tác dụng thu hút sự chú ý của độc giả. Ít nhất, cuốn sách đã được đánh giá là thành công về mặt văn học (Bush dù sao cũng thể hiện được một phong cách trần thuật hấp dẫn) kèm theo đó tất nhiên là cả thành công về mặt thương mại

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.