Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong gọng kìm tư pháp

Thứ Hai, 26/03/2018, 14:52
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 20-3 bị cảnh sát bắt giữ để điều tra cáo buộc quỹ tranh cử của ông nhận số tiền hiến tặng 60 triệu USD trái phép từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào năm 2007.


Mối quan hệ phức tạp

Cựu Tổng thống Pháp bị triệu tập để thẩm vấn từ sáng 20-3 trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi vấn nhận tiền tài trợ của Chính phủ Libya cho Chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 mà ông đã giành thắng lợi. Thời hạn tạm giữ kéo dài 48 giờ, sau đó ông có thể phải ra trước tòa để được thông báo lệnh khởi tố. Sau 5 năm điều tra, đây là lần đầu tiên ông Sarkozy bị cơ quan điều tra thẩm vấn về hồ sơ này.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ở gần nhà vào sáng ngày 21-3. (Ảnh: AP).

Vụ việc bị phanh phui vào năm 2012 sau khi trang Mediapart công bố một bản ghi chép được cho là của Moussa Koussa, cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo nước ngoài của Libya, theo đó chính quyền Kadhafi dường như đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp của ông Sarkozy. Theo Mediapart, trong vụ scandal Libya bị phát giác từ năm 2011 này, cuộc điều tra, dưới sự chỉ đạo của một thẩm phán chuyên về vấn đề tài chính của Paris, giờ nhằm trực tiếp vào Nicolas Sarkozy và những người thân cận nhất của ông.

Trong khi đó, tờ Le Monde, nhật báo hàng đầu nước Pháp, đã có bài viết chi tiết về cuộc điều tra kéo dài nhiều năm qua của cảnh sát Pháp, trong đó tiết lộ mối quan hệ phức tạp giữa cựu Tổng thống Sarkozy và nhà lãnh đạo Gaddafi.

Theo đó, trước năm 2004, do bị cáo buộc tài trợ cho các hành động khủng bố, cụ thể là hai vụ đánh bom ở sân bay Rome (Italy) và Vienna (Áo) ngày 27-12-1985, vụ Lockerbie (chuyến bay 103 của hãng Pan Am bị đánh bom ngày 21-12-1988), vụ đánh bom chuyến bay 772 của Hãng UTA ngày 19-9-1989, nên chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi đã bị Mỹ, sau đó là Liên Hiệp Quốc cấm vận.

Đầu những năm 2000, Lybia đã có những động thái mang tính hòa giải như dỡ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, bồi thường các nạn nhân, hợp tác với quốc tế sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Do vậy, đến cuối năm 2004, các lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, Libya vẫn bị phương Tây chỉ trích vì bắt giữ và tra tấn các nữ y tá người Bulgaria bị giam giữ tại Libya từ năm 1999. Do vậy, nhà lãnh đạo Libya bằng mọi cách phải nối lại quan hệ ngoại giao và thương mại với những nước trên.

Tháng 11-2004, một tháng sau khi cấm vận được dỡ bỏ, Tổng thống Pháp Jacques Chirac dẫn đầu đoàn doanh nhân thăm chính thức Libya. Lúc bấy giờ hai doanh nhân Pháp Ziad Takieddine và Alexandre Djouhri cạnh tranh nhau môi giới thương mại cho Libya. Takieddine là một ông trùm buôn bán vũ khí, được coi là người đại diện đặc biệt cho Sarkozy tại một số quốc gia Arab. Từ đầu năm 2005, với vai trò được giao là kiến thiết quan hệ Pháp - Libya, Takieddine tổ chức tất cả các chuyến thăm của đoàn tùy tùng dưới quyền ông Sarkozy tới Libya.

Ông trùm buôn bán vũ khí Ziad Takieddine. (Ảnh: AFP).

Ngày 6-10-2005, Bộ trưởng Nội vụ Pháp lúc đó Nicolas Sarkozy cùng đi với Giám đốc văn phòng Claude Guéant đến Libya để thảo luận về việc ngăn chặn làn sóng nhập cư vào châu Âu qua con đường châu Phi. Chuyến thăm được Ziad Takieddine chuẩn bị. Trong một văn bản mà cảnh sát thu được, Ziad Takieddine lưu ý đây là "chuyến thăm không bình thường" và cần "tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận những vấn đề quan trọng khác, theo cách trực tiếp nhất". 

“Ông Sarkozy đã gặp riêng Muammar Gaddafi và dường như đã trực tiếp yêu cầu nhà lãnh đạo Libya hỗ trợ tài chính cho kế hoạch tranh cử tổng thống Pháp của ông vào năm 2007”, chuyên trang Mediapart cho hay. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, ông Sarkozy đã bác bỏ chuyện này.

Cuối năm 2006, đầu năm 2007 đã có nhiều vụ chuyển tiền từ Tripoli sang Paris. Năm 2012, Abdullah Senoussi, cựu Chỉ huy tình báo quân sự Libya, khi điều trần trước Tòa án Hình sự quốc tế (CPI) khẳng định chính ông giám sát việc chuyển 5 triệu euro tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Sarkozy qua trung gian của Claude Guéant và doanh nhân Ziad Takieddine. Trong một video do Mediapart công bố tháng 11-2016 tiết lộ rằng, chính Ziad Takieddine đã miêu tả cách thức ông ta chuyển 3 vali tiền trị giá 5 triệu euro từ Tripoli tới Paris như thế nào.

Theo tiết lộ của trang tin Mediapart, ngày 29-4-2007 tại Libya, Bộ trưởng Dầu mỏ Shukri Ghanem đã trao đổi với Bashir Saleh (Giám đốc văn phòng của Gaddafi) và Thủ tướng Baghdadi Mahmudi về việc đã chuyển 1,5 triệu euro cho ông Sarkozy. Nội dung cuộc trao đổi này được Bộ trưởng Shukri Ghanem ghi chép vào sổ tay riêng. 

Trong cuộc trao đổi trên, ba quan chức Libya cũng nhắc đến 3 triệu euro do Saif al-Islam Gaddafi, con trai của ông Gaddafi chuyển và 2 triệu euro do Chỉ huy tình báo Abdullah Senussi chuyển cho ông Sarkozy. Ba người này cũng bày tỏ lo ngại số tiền này sẽ bị cắt xén.

Ngày 6-5-2007, ông Sarkozy trúng cử Tổng thống Pháp. Ít lâu sau, Đệ nhất Phu nhân Pháp khi đó là bà Cécilia Sarkozy và Chánh văn phòng tổng thống Claude Guéant đã đến Libya để gặp nhà lãnh đạo Gaddafi và thuyết phục ông trả tự do các nữ y tá Bulgaria. 

Các nữ y tá này bị bắt giam từ năm 1999 và đã bị kết án tử hình với cáo buộc cố tình làm lây nhiễm virus HIV cho hàng trăm trẻ em tại một bệnh viện nhi ở thành phố Benghazi, Libya. Nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Gaddafi, ông Claude Guéant đã hứa rằng, Pháp sẽ tăng cường hợp tác với Libya trên nhiều lĩnh vực. Giữa năm 2007-2008, trong các thương vụ bán thiết bị quân sự của Pháp cho Libya, doanh nhân Ziad Takieddine đã nhận nhiều triệu euro tiền hoa hồng, Le Monde cho hay.

Cuối năm 2007, Pháp là nước phương Tây đầu tiên dang tay chào đón Gaddafi kể từ khi Libya quyết định phá bỏ tình trạng cô lập ngoại giao 4 năm trước. Chuyến thăm Pháp lần đầu tiên trong 34 năm của ông Gaddafi diễn ra sau khi Pháp góp công lớn thuyết phục Libya phóng thích 5 y tá người Bulgaria và một bác sĩ người Palestine. Trong 5 ngày thăm Pháp, nhà lãnh đạo Libya được phép dựng lều truyền thống của người du mục tại khu vườn trong khuôn viên nhà khách chính phủ gần Điện Élysée.

Ngày 3-3-2008, Chánh văn phòng tổng thống Claude Guéant đã nhận chuyển khoản 500.000 euro từ người gửi nặc danh và dùng tiền này mua nhà. Ông nói đây là tiền bán hai bức tranh của ông.

Cũng theo Le Monde, cuối những năm 1990, doanh nhân Alexandre Djouhri đã bí mật mua một biệt thự ở Mougins (Alpes-Maritimes). Đến ngày 21-5-2008, ông Alexandre Djouhri bán lại biệt thự trên cho quỹ đầu tư của Bashir Saleh (giám đốc văn phòng của Gaddafi) với giá 10 triệu euro trong khi biệt thự được định giá chỉ 4,4 triệu euro. 

Vụ chuyển nhượng được thực hiện từ hải ngoại. Cảnh sát Pháp hiện đang điều tra xem đường dây này có được dùng để chuyển tiền tài trợ của Libya cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy hay không. 

Từ đối tác sang đối thủ

Giúp Gaddafi giảm nhẹ sự cô lập, nhưng sau đó ít lâu, ông Sarkozy lại trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây cứng rắn nhất trong chiến dịch tấn công trừng phạt chế độ Gaddafi, với hệ quả là Libya bị nội chiến tàn phá, chế độ Tripoli sụp đổ, và bản thân Gaddafi bị phiến quân sát hại.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và nhà lãnh đạo Gaddafi trong cuộc gặp tại Pháp năm 2007.  (Ảnh: EPA)

Theo Le Monde, mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa ông Sarkozy và ông Gaddafi bắt đầu xảy ra từ tháng 2-2011 khi binh sĩ Libya bị cáo buộc nổ súng giết chết hàng trăm người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Benghazi. Chính ông Sarkozy là một trong những nguyên thủ phương Tây đầu tiên kêu gọi ông Gaddafi từ chức. 

Tiếp theo, ông Sarkozy đưa Pháp đứng vào tuyến đầu trong các cuộc không kích của NATO nhằm vào binh sĩ chính quyền Gaddafi, giúp lực lượng nổi dậy ở Libya lật đổ Gaddafi vào tháng 8-2011. Ngày 20-10-2011, nhà lãnh đạo Gaddafi thiệt mạng trong một vụ không kích của NATO.

Chính trong bối cảnh đó, ông Sarkozy bị cho là đã nhận tiền từ Chính phủ Lybia để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Những lời tố cáo đầu tiên do chính con trai của Gaddafi, Saif al-Islam đưa ra vào năm 2011, khi nội chiến Libya lên đỉnh điểm. 

Trả lời Đài Truyền hình Pháp Euronews, con trai của cố lãnh đạo Libya đã không ngần ngại đòi Tổng thống Sarkozy “phải trả lại số tiền mà ông ta lấy của Libya để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông ta”. Saif al-Islam khẳng định: “Chúng tôi đã tài trợ cho ông ta và chúng tôi có tất cả các chi tiết và sẵn sàng tiết lộ tất cả mọi thứ”. Lời tố cáo đó không mấy được chú ý cho đến khi trang mạng Mediapart nhập cuộc vào năm 2012, công bố kết quả điều tra của họ về nghi án này.

Gọng kìm tư pháp

Đến năm 2013, nước Pháp chính thức mở cuộc điều tra về những cáo buộc nói trên, và đến tháng 9-2017, Cơ quan Trung ương chống tham nhũng và vi phạm tài chính, thuế khóa (OCLCIFF) tại Nanterre, gần Paris, đã chuyển cho các thẩm phán một báo cáo, trong đó kê ra trong vụ này khá dài: Tham nhũng chủ động và thụ động, hối lô, biển thủ công quỹ, lạm dụng tài sản xã hội, giả mạo tài liệu, rửa tiền trốn thuế, tàng trữ tài sản bất hợp pháp… 

Bên cạnh đó, OCLCIFF còn nêu bật việc ban vận động của ông Sarkozy đã dùng tiền mặt để chi trả mà không khai báo. Ông Eric Woerth, cựu thủ quỹ của ban vận động, đã thừa nhận vụ việc, nhưng giải thích rằng đó là các khoản đóng góp vô danh.

Dẫu sao thì chiến dịch vận động của ông Sarkozy bị tình nghi là đã vi phạm luật lệ Pháp, đặc biệt là nhận tài trợ bất hợp pháp. Bản thân cựu Tổng thống Sarkozy bị nghi ngờ đã nhận tiền của lãnh đạo Libya. Ngày 20-3-2018, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị cảnh sát tư pháp thẩm vấn liên quan tới cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận 60 triệu USD từ nhà lãnh đạo Gaddafi. 

Luật Pháp chỉ cho phép một cá nhân tài trợ tối đa 7.500 euro (khoảng 9.200 USD) cho quỹ tranh cử của ứng viên tổng thống. Ngoài ra, số tiền 60 triệu USD cũng cao gấp hai lần mức giới hạn tối đa được phép cho mỗi quỹ tranh cử ở Pháp vào thời điểm đó. Tuy nhiên từ trước đến giờ, ông Nicolas Sarkozy vẫn phản bác mọi cáo buộc là chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 của ông đã được tài trợ bất hợp pháp. 

Liên quan đến vụ này còn có doanh nhân Alexandre Djouhri, người mới bị bắt ở London hồi tháng 1-2018 và đang chờ bị dẫn độ về Pháp để trả lời về tội danh rửa tiền trong khuôn khổ vụ án. Doanh nhân Ziad Takieddine thì bị truy tố về tội đồng phạm nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để kinh doanh và chiếm đoạt công quỹ.

Bị dính líu vào vụ này còn có ba trợ lý đắc lực của ông Sarkozy, gồm ông Claude Guéant, cựu Chánh văn phòng phủ tổng thống Pháp dưới thời ông Sarkozy; ông Brice Hortefeux, cựu Bộ trưởng Nội vụ và lãnh thổ hải ngoại, và Eric Woerth, cựu Bộ trưởng Kinh tế. Báo chí Pháp nhận định, việc ông Sarkozy và các đồng sự bị tạm giữ chỉ là hồi kết của một câu chuyện có tính chất phức tạp cả về chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Yên Phúc
.
.