Cựu điệp viên CIA 2 lần làm gián điệp cho Nga

Thứ Hai, 27/06/2011, 11:30

Trong làng tình báo Mỹ, cái tên Jim Nicholson có lẽ nổi tiếng không kém những Aldrich Ames hay Kim Philby. Điểm đặc biệt của Nicholson là ông đã làm gián điệp cho Nga ngay cả khi đã vào tù. Và người giúp ông thực hiện điệp vụ từ trong tù không ai khác chính là Nathan - con trai út của ông.

Giấc mơ tình báo của Jim

Kathleen Hunt, một thuộc cấp của Jim Nicholson ở Trung tâm Chống khủng bố CIA, nhận xét rằng Jim là một ông sếp dễ tính, có duyên, không hay cáu bẳn như những sếp khác trong CIA. Jim làm việc ở tầng 6 của tòa nhà trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia. Dưới quyền Jim ngoài Hunt còn có gần chục người khác. Ban ngày, Jim miệt mài với công việc theo dõi bọn khủng bố. Tối về nhà "gà trống nuôi con", một mình chăm lo cho 3 đứa con. Công việc buồn chán đó chỉ là bề ngoài của Jim. Từ nhiều năm trước, ông đã là một điệp viên nội gián cho SVR - Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga.

Harold James Nicholson sinh năm 1950 tại Woddburn, bang Oregon, trong một gia đình tuy không phải nhà nòi nhưng cũng theo ngành tình báo, quân đội. Mẹ Jim, bà Betty, là chuyên gia về mật mã trong quân đội Mỹ, còn cha kế của Jim - Marvin "Nick" Nicholson - là một trung sĩ Không quân, làm việc trên chiếc máy bay do thám tình báo SR-71 trong Căn cứ Không quân Edwards, bang California. Nền tảng gia đình đó, cộng với thời niên thiếu của Jim đầy rẫy những câu chuyện tình báo ly kỳ thời Chiến tranh lạnh, nên từ năm 14 tuổi, Jim rất mê các nhân vật trong truyện và phim gián điệp. Jim ước mơ sau này khi lớn lên sẽ trở thành một điệp viên nổi tiếng!

Năm 1969, Jim được học bổng ROTC theo học Đại học bang Oregon. Tốt nghiệp đại học, Jim cưới vợ là Laura Sue Cooper, và nhập ngũ. Trong 6 năm, Jim đưa cả gia đình bé nhỏ của mình đi khắp các căn cứ quân sự Mỹ, từ Fort Benning, bang Georgia, cho đến Okinawa, Nhật Bản. Năm 1979, Jim rời quân ngũ do không thể sống nổi với đồng lương quân nhân.

Trở về đời thường, Jim xin làm việc trong Công ty sản xuất nến Hallmark tại Kansas City, bang Missouri. Và chính tại đây, Jim bắt đầu thực hiện ước mơ thời niên thiếu của mình. Năm 1980, Jim gia nhập CIA, bắt đầu những năm tháng sống cuộc sống nửa bí mật nửa công khai. Năm 1982, Jim được CIA cử đến Manila, Philippines, hoạt động với vỏ bọc quan chức ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, bên trong Đại sứ quán Mỹ. Nhiệm vụ chính của Jim tại đây là tìm kiếm các điệp viên KGB của Liên Xô để tuyển mộ làm điệp viên hai mang cho CIA.

Thời Chiến tranh lạnh, 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô đối chọi nhau trên mọi phương diện, các kho vũ khí của 2 nước luôn chĩa vào nhau và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, những thông tin mật về tình hình bên trong của mỗi bên đều rất quan trọng đối với bên kia. Cũng như KGB, CIA lúc đó sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền, kể cả tước vị cao để mồi chài điệp viên đối phương. Công việc rất thành công, và Jim được các đồng nghiệp trong CIA gọi bằng biệt danh Batman (Người dơi).

Khi đứa con trai út, Nathan Nicholson tròn 1 tuổi (năm 1985), Jim được CIA thuyên chuyển sang Bangkok, Thái Lan. Lại phải mang gia đình đi, kéo theo những thay đổi, khó khăn nhiều mặt. Sau Thái Lan, Jim tiếp tục đưa gia đình sang Tokyo, nơi ông làm trưởng trạm CIA trong 3 năm 1987-1989. Năm 1990, Jim chuyển đến làm trưởng trạm CIA tại Bucharest. Đến năm 1994, ông lại chuyển trở về Đông Nam Á, làm trưởng trạm CIA tại Kuala Lumpur. Và tại đây, Jim tự mình liên lạc và trở thành một gián điệp hai mang cho SVR.

Trở thành điệp viên SVR

Người mà Jim thường xuyên làm việc bên phía KGB là điệp viên mang mật danh “George”, tên thật là Vasily V. Fedotov. Jim đã nhiều lần cung cấp thông tin cho George tại nhiều địa điểm khác nhau, khi thì ở Malaysia, lúc sang tận Thụy Sĩ, rồi Ấn Độ, SingaporeIndonesia. Sau này, khi vụ việc của Jim bị phanh phui, cùng với nhiều vụ khác, Fedotov đã bị chính quyền Mỹ trục xuất về Nga.

Có thể nói, việc Jim Nicholson trở thành gián điệp hai mang cho Nga là một vấn đề nghiêm trọng đối với CIA, vì lẽ cho đến thời điểm đó, chưa có sĩ quan nào nắm giữ vị trí cao trong CIA làm gián điệp cho nước ngoài. Với các vị trí trưởng trạm CIA đã và đang đảm nhiệm, Jim có thể cung cấp cho SVR khá nhiều thông tin mật, quan trọng. Và khi phát hiện được Jim làm gián điệp cho SVR, CIA đã phải hủy bỏ kế hoạch triển khai nhiều chiến dịch nhạy cảm ở hải ngoại.

Theo lời khai của Jim với tòa án, nguyên nhân khiến ông phản bội CIA, quay sang làm việc cho SVR gồm 2 phần, phần thứ nhất là về lý tưởng, còn phần thứ hai mang tính quyết định, là vì túng thiếu, khó khăn tiền bạc. Vào thời điểm Jim bắt đầu làm việc cho SVR, ông bị vợ, bà Laura, đâm đơn ly dị, bị buộc phải chu cấp hàng tháng cho bà Laura 775 USD, đồng thời phải theo đuổi phiên tòa giành quyền nuôi con đầy tốn kém. Jeremi, con trai lớn của Jim lại đang cần tiền đi học đại học. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ lại chuyển ông sang dạng "công tác ở nước ngoài" và cắt phần phụ cấp nhà ở khiến cho tình hình càng khó khăn thêm.

Tuy nhiên, khoảng thời gian mà Jim cung cấp tài liệu mật cho SVR kéo dài không lâu, vì ông đã sớm bị nghi ngờ và lộ tẩy do quá bất cẩn. Khoảng tháng 10/1995, tức là chừng 1 năm làm việc cho SVR, Jim đã bị lộ sau một chuyến đi "công tác nước ngoài" trở về. Lúc này Jim đã được điều về phụ trách giảng dạy tại Trung tâm Huấn luyện điệp viên mới của CIA ở Williamsburg, bang Virginia. Lần thứ nhất, các lãnh đạo CIA đã yêu cầu Jim phải làm xét nghiệm qua máy phát hiện nói dối, nhưng Jim đã rất bình tĩnh trả lời các câu hỏi một cách trôi chảy, qua mặt được máy phát hiện nói dối. Nhưng đến lần thứ hai, khoảng tháng 12 cùng năm, Jim đã bị phát hiện hít thở thật sâu trước khi kiểm tra máy phát hiện nói dối.

FBI đã bắt đầu nghi ngờ Jim. Đầu năm 1996, các hồ sơ lưu về việc đi lại và tài chính của Jim đều bị kiểm tra kỹ. FBI phát hiện mỗi năm Jim đi nước ngoài 2 lần, và ngay sau mỗi chuyến đi là tiền được chuyển vào tài khoản của Jim ở ngân hàng. So với mức lương 78.000USD/năm của Jim thì đây là số tiền không nhỏ. Tổng cộng số tiền đã được chuyển cho Jim cho đến ngày ông bị bắt là 300.000USD.

FBI phối hợp điều tra với CIA và phát hiện Jim đã sử dụng máy tính tại Trung tâm Huấn luyện để truy cập cơ sở dữ liệu của CIA nhằm tìm kiếm thông tin về phong trào ly khai ở Chechnya - mối bận tâm lớn của Nga. Thế là mùa hè năm 1996, FBI và CIA cùng theo dõi Jim. Tuy nhiên, Jim đã thiếu cảnh giác nên liên tiếp phạm sai lầm, để lộ hành tung và kể cả những thông tin liên lạc với phía Nga.

Jim đã không ngờ rằng CIA đã theo sát gót khi ông đăng ký ở khách sạn Shangri-La ở Singapore, lên xe ôtô đi cùng đối tác người Nga trước khi lên máy bay cùng cô bồ người Thái Lan đi nghỉ mát ở Honolulu. Sau đó, Jim xin chuyển sang công tác ở nước ngoài nhưng không những bị từ chối mà còn bị chuyển về Tổng hành dinh ở Langley để tiện theo dõi hơn.

Ngày 1/8/1996, Jim tiếp tục mắc sai lầm khi báo tin cho George biết mình được chuyển về trung tâm chỉ huy ở Langley; mẩu giấy liên lạc có ghi cuộc hẹn tại Thụy Sĩ Jim vứt bừa vào thùng rác ở Tyson's Corner đã bị FBI thu hồi. Jim cũng không biết mình đã bị FBI nghe lén khắp nơi, từ nhà riêng cho đến văn phòng làm việc, xe ôtô và cả máy tính xách tay. Nhờ đó, FBI biết được Jim đã sao chụp rất nhiều tài liệu mật để chuyển cho SVR.

Ngày 12/11/1996, Jim "vô tư" sao chụp tài liệu mật trong phòng làm việc mà không biết rằng mọi hành vi đều đã bị ghi hình bởi chiếc camera tình báo gắn trên trần nhà. 4 ngày sau, ngày 16/11, Jim đến Sân bay quốc tế Dulles (Washington D.C.) để đi Thụy Sĩ "giao hàng", mang theo 10 cuộn phim thô (chưa tráng) trong đó chứa 74 tài liệu mật. Khi Jim làm thủ tục lên máy bay thì 2 đặc vụ FBI đã đứng chờ sẵn ở cửa soát vé. Jim đã bị bắt cùng với chứng cứ là 10 cuộn phim, số tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ và vé máy bay đặt sẵn để đi đến một địa điểm thứ ba.

Gián điệp từ trong tù

Ngày 5/6/1997, Harold James Nichiolson bị tòa buộc tội làm gián điệp cho nước ngoài và bị tuyên mức án tù 23 năm 7 tháng. Ngày Jim được đưa đến biệt giam tại nhà tù Sheridan cũng là sinh nhật thứ 13 của cậu con trai út Nathaniel James Nicholson. Cậu bé rất thương bố, xem bố như thần tượng và tin bất cứ điều gì bố nói. Đó là cơ sở đầu tiên để Nathan sau này theo bố làm gián điệp cho Nga.

Ngay sau khi học xong chương trình phổ thông, Nathan đăng ký nhập ngũ và được chuyển đến căn cứ Fort Benning, nơi bố từng phục vụ trong quân ngũ. Nathan cảm thấy rất tự hào. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Nathan buộc phải xuất ngũ sớm do bị thương. Nathan trở về Oregon, ghi danh học Trường cao đẳng Cộng đồng Lane, đồng thời xin được việc làm ngoài giờ. Cuối tuần, Nathan đến nhà tù Sheridan thăm bố.

Trong tù, Jim tham gia các xưởng sản xuất dành cho tù nhân, mỗi ngày kiếm được 1USD. Và vấn đề tài chính tiếp tục ám ảnh Jim. Các con của ông giờ đây đang lâm vào khó khăn: đứa lớn, Jeremi, cần tiền trả học phí, con gái Star thì nợ tiền vay đi học 50.000USD. Nathan thiếu nợ mua xe, thuê nhà, thẻ tín dụng,… Vì vậy, Jim quyết định móc nối lại các đối tác cũ người Nga. Lần này, Jim thực hiện việc trao đổi thông qua con trai mình là Nathan.

Một hôm, khi Nathan vào thăm bố như thường lệ, Jim đã kề tai thì thầm với con trai về những người bạn Nga của ông ở Moskva, rằng họ có thể giúp đỡ các con về tài chính. Sinh nhật thứ 24 của Nathan, Jim đã yêu cầu con trai giúp mình thực hiện việc giao tiếp với các điệp viên SVR. Nathan không một giây chần chừ, đồng ý ngay.

Kế hoạch bước đầu của Jim là, ghi những mẩu giấy nhắn tin nhờ Nathan mang đến giao cho các điệp viên Nga đang hoạt động trên đất Mỹ. Chuyến đầu tiên, ngày 13/10/2006, Nathan lái xe đi Bắc California. 10h sáng hôm sau, Nathan bước vào một căn nhà gạch xưa trên nóc có cắm cờ Nga. Đó là Lãnh sự quán Nga ở San Francisco.

Sau khi xem mẩu giấy tin nhắn, những người Nga trong tòa nhà vẫn chưa tin Nathan là con trai của Jim. Lần thứ hai Nathan trở lại vào ngày 27/10, một người có bí danh “Mike” (tức điệp viên SVR Mikhail Gorbunov) đã tiếp đón Nathan thật niềm nở. Lần này, sau khi xem mẩu tin nhắn của Jim, Mike trao cho Nathan một túi màu nâu, bên trong có 5.000USD và một cuộc hẹn cho lần gặp tiếp theo.

Lần gặp thứ 3, tháng 12/2006, Nathan bay sang Mexico City để gặp một người quản lý "mới mà cũ". Đó là George. Chuyến đi này, Nathan nhận được 10.000USD từ George.

Nathan bắt đầu trực tiếp nhận yêu cầu từ George. Những thông tin George cần nắm vào thời điểm này chủ yếu liên quan đến nguyên nhân Jim bị bắt, vì sao và khoảng thời gian nào Jim bị tình báo Mỹ nghi ngờ và theo dõi,… Tất cả những thông tin này đều được Jim ghi chép cẩn thận, giao cho Nathan mang đến cho George. Trong những lần gặp ban đầu, những vấn đề trao đổi giữa Nathan và George đều ghi ra giấy, còn các câu hỏi và yêu cầu của George được Nathan ghi chép trong quyển Kinh thánh hoặc quyển sách hướng dẫn du lịch.

Jim thường hay sử dụng điện thoại để gọi cho con trai, một phần để kiểm tra xem cậu đã hoàn thành nhiệm vụ được giao chưa, phần để trao đổi một số thông tin liên quan công việc. Trong khi đó, mọi liên lạc của Jim đều đã được FBI cài máy nghe lén. Vì vậy, nội dung trao đổi giữa hai bố con qua điện thoại đã bị FBI nắm bắt đầy đủ. Nathan không biết mình đã bị FBI theo dõi từ lâu. Mọi hoạt động, đi đứng của cậu đều bị FBI giám sát chặt chẽ. Căn hộ Nathan ở, chiếc ôtô cậu sử dụng đều bị lục soát và cài thiết bị theo dõi toàn cầu, kể cả e-mail, điện thoại cậu sử dụng đều bị nghe lén, đọc trộm.

Ngày 13/12/2007, sau khi đến Mexico City lần thứ 3 để gặp George, Nathan trở về nhà qua ngả Sân bay quốc tế George Bush ở thành phố Portland, bang Oregon. Một sự cố nhỏ đã khiến Nathan suýt bị bắt: Hai đặc vụ FBI đóng giả nhân viên Hải quan sân bay đã lục soát hành lý của Nathan và tạm giữ quyển sổ tay của Nathan trong đó có ghi chép những thông tin liên quan đến cuộc nói chuyện với George và yêu cầu mới của George. Sau vài câu tra hỏi, và sau khi quyển sổ tay được mang đi "kiểm tra" (thực chất là sao chụp lại), Nathan được cho qua. Nathan không phải là mục tiêu của FBI, chủ yếu họ theo dõi cậu để có bằng chứng buộc thêm tội cho bố cậu, cho nên Nathan cứ ung dung hành động.

Tổng cộng trong 2 năm, Nathan đã gặp George hơn chục lần, và được George trao cho 35.000USD. Tuy nhiên, sau sự cố ở sân bay George Bush, FBI tăng cường điều tra đối với Nathan, tiến hành khám xét nơi ở, phát hiện thêm nhiều chứng cứ. Lúc này, Jim đã bắt đầu lo lắng một kết cục không hay.

Ngày 28/1/2009, 2 đặc vụ FBI quay trở lại nơi ở của Nathan, còng tay cậu và đưa lên xe chở về nhà giam trung tâm Portland. Sau 72 giờ, Nathan được tại ngoại. Tại phiên tòa ngày 7/12/2010, Nathan đã khai nhận tội thông đồng với bố làm gián điệp cho người Nga. Theo thỏa thuận trước giữa Nathan với thẩm phán Anna Brown, đổi lại việc khai nhận tội và chấp nhận ra làm chứng trong phiên xử bố mình, Nathan được tuyên án 5 năm quản chế và 100 ngày lao động công ích. Hơn một tháng sau, tại phiên tòa khác ngày 18/1/2011, thẩm phán Brown tuyên phạt Jim thêm 8 năm tù, tổng thời gian thụ án tù là 31 năm 7 tháng

An Tôn - Tiểu Khang (theo The Oregonian)
.
.