Cựu điệp viên NSA tiết lộ về cơ sở tình báo nghe lén bí mật ở Australia

Chủ Nhật, 17/07/2011, 14:35

Suốt hơn 41 năm tồn tại, cơ sở tình báo liên kết giữa Mỹ và Australia được bảo mật tối đa. Thế nhưng vào năm 2008, một trong những người từng làm việc thâm niên trong cơ sở này đã rời khỏi cơ sở và có ý định viết một cuốn sách kể chi tiết về cuộc sống và công việc của mình bên trong cơ sở siêu bí mật này. Người đó chính là David Rosenberg, và quyển sách của ông có nhan đề là "Bên trong Pine Gap: Câu chuyện của người điệp viên trở về từ sa mạc".

Trong số các cựu điệp viên Mỹ tham gia viết sách kể chuyện "bếp núc" hay tiết lộ những "bí mật chưa từng tiết lộ" để kiếm tiền sau khi đã từ bỏ công việc, không phải ai cũng được may mắn như David Rosenberg. Ông vừa cho xuất bản một quyển sách kể về căn cứ tình báo kỹ thuật nghe lén toàn cầu hợp tác giữa Mỹ và Australia, trong đó chứa đựng khá nhiều thông tin bí mật, nhạy cảm liên quan đến hoạt động của cơ sở này nhưng lại không bị NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia - cơ quan tình báo bí mật nhất nước Mỹ) kiểm duyệt hay “gây khó dễ”.

Nằm cách thành phố Alice Springs khoảng hơn chục kilômét, trong sa mạc miền Trung Australia - thường được người Australia gọi là vùng Outback, Pine Gap là một khu liên hợp kỹ thuật nhỏ ít người biết đến, có tên gọi chính thức là Cơ sở Quốc phòng Liên hợp Pine Gap, còn gọi là "Vùng 51 của Australia".

Cơ sở tình báo bí mật này bắt đầu hoạt động từ năm 1970, ban đầu có 400 gia đình quân nhân người Mỹ đến làm việc và ăn ở luôn bên trong cơ sở. Đến khi kết thúc Chiến tranh lạnh, con số nhân sự hoạt động bên trong Pine Gap đã lên đến gần 1.000 người, và hơn 1.000 người sau năm 2.000. Về cơ sở vật chất, ban đầu chỉ có 2 bộ ăng-ten, đến năm 1999 đã phát triển lên 18 bộ.

Suốt hơn 41 năm tồn tại, cơ sở tình báo liên kết giữa Mỹ và Australia được bảo mật tối đa. Thế nhưng vào năm 2008, một trong những người từng làm việc thâm niên trong cơ sở này đã rời khỏi cơ sở và có ý định viết một cuốn sách kể chi tiết về cuộc sống và công việc của mình bên trong cơ sở siêu bí mật này. Người đó chính là David Rosenberg, và quyển sách của ông có nhan đề là "Bên trong Pine Gap: Câu chuyện của người điệp viên trở về từ sa mạc" (Inside Pine Gap: The Spy Who Came in from the Desert).

Toàn cảnh cơ sở tình báo kỹ thuật Pine Gap. Ảnh: Keith Douglass - Chuyên gia nghiên cứu UFO ở Alice Springs.

Điều đáng quan tâm ở quyển sách không chỉ là tác giả Rosenberg vừa là một trong những người làm việc lâu năm nhất tại Pine Gap (18 năm) vừa là một điệp viên bí mật kỳ cựu với thâm niên 23 năm làm việc cho NSA - mà còn bởi nội dung chứa đựng những thông tin nhạy cảm về cơ sở tình báo bí mật hợp tác giữa Mỹ-Australia.

Theo nhà phê bình Dylan Welch, nội dung quyển sách chủ yếu mô tả chi tiết cuộc sống và công việc của ông David Rosenberg bên trong cơ sở Pine Gap suốt 18 năm, từ năm 1990 đến khi ông rời khỏi nơi đây năm 2008. Cuộc sống và công việc thầm lặng của người kỹ sư điện chuyển sang làm điệp viên kỹ thuật chỉ gói gọn bên trong căn phòng rộng thênh thang và tối om om, chủ yếu là thao tác với các thiết bị điện tử hiện đại để theo dõi và lắng nghe cả thế giới đang "nói gì, làm gì".

"Chúng tôi không được nêu tên trên báo chí, không ai được biết đến chúng tôi" - Rosenberg nói về công việc của mình.

Với công việc thầm lặng đó, Rosenberg đã phục vụ qua 4 đời Thủ tướng Australia và 3 đời Tổng thống Mỹ, trải qua hàng loạt cuộc chiến đương đại gây nhiều biến động ở Trung Đông, châu Âu, châu Phi và châu Á, kể cả vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001. Xuất thân là một kỹ sư điện, Rosenberg sau đó được đào tạo thêm chuyên ngành tình báo điện tử, kỹ thuật chiến tranh điện tử,… trước khi chuyển đến làm việc tại Pine Gap.

Trong lời tựa của quyển sách, Giáo sư Des Ball - một nhà nghiên cứu hàng đầu về Pine Gap đã viết: "Pine Gap là một trong những trạm thu thập tín hiệu tình báo lớn nhất, quan trọng nhất và bí mật nhất của Mỹ trên thế giới", tức một trong những trạm Echelon lớn nhất thế giới.

Theo mô tả trong nội dung quyển sách, Pine Gap là một "trạm mặt đất của vệ tinh", có chức năng thu thập các dữ liệu tình báo hỗ trợ an ninh cho cả Mỹ lẫn Australia. Thông tin tình báo do Pine Gap cung cấp chủ yếu phục vụ các mục tiêu thương lượng về kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí. Nhiệm vụ chủ yếu của Pine Gap là giám sát và báo cáo về sự tồn tại và phát triển của các hệ thống vũ khí, đặc biệt là các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của các quốc gia nằm trong phạm vi quan tâm theo dõi của Mỹ và Australia.

Thông qua vệ tinh, Pine Gap thu thập khối lượng dữ liệu rất đa dạng về truyền thông, các tín hiệu điện tín và sóng radar, sau đó chuyển các tín hiệu, dữ liệu này đến khu vực làm việc của các chuyên gia phân tích để giám sát và kiểm tra. Với chức năng và nhiệm vụ như trên, Pine Gap đóng vai trò sống còn trong năng lực thu thập thông tin tình báo tín hiệu của Mỹ và Australia.

Tuy nhiên, trên thực tế công việc bên trong Pine Gap tùy theo thời điểm, tập trung theo dõi các điểm nóng khác nhau trên thế giới. Ở nhiều đoạn của quyển sách, Rosenberg đã mô tả một cách chi tiết các hoạt động "theo thời điểm" đó, kể cả việc theo dõi các thủ lĩnh phiến quân ở Somalia, nghe lén điện thoại các nhà lãnh đạo Serbia trong cuộc chiến Kosovo năm 1998, theo dõi sát sao việc CHDCND Triều Tiên xây dựng các cơ sở hạt nhân, và cả việc săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden.

Cũng trong lời tựa quyển sách, Giáo sư Ball nhận định rằng, ông rất lấy làm ngạc nhiên vì sao NSA lại cho phép Rosenberg xuất bản một quyển sách với nhiều thông tin nhạy cảm như thế. Rốt cuộc Giáo sư Ball đã tự lý giải rằng, sở dĩ quyển sách của Rosenberg được NSA cho phép xuất bản là vì thực chất quyển sách này không tiết lộ nhiều điều bí mật "động trời" cùng những chi tiết kỹ thuật như nhiều người ưa thích chuyện bí mật mong đợi, mà chủ yếu là nó vẽ nên một bức tranh "thành công mỹ mãn" của sự hợp tác quốc phòng-tình báo giữa Mỹ và Australia, đặc biệt là những thành tựu trong ngành tình báo vốn đã là mối hợp tác lâu dài từ nhiều thập niên qua

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.