Đài Loan: Giải tán lực lượng bảo vệ Lăng mộ Tưởng Giới Thạch

Thứ Hai, 31/12/2007, 14:45
Ngày 14/12/2007, Bí thư trưởng Dân tiến đảng (đảng cầm quyền ở Đài Loan) Trác Vinh Thái tuyên bố, trước dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Tưởng Kinh Quốc (13/1/1988 - 13/1/2008), lực lượng vệ binh đang bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch sẽ chính thức giải tán vào ngày 31/12/2007. Ngay sau khi tuyên bố này đăng tải, nhiều luồng dư luận khác nhau đã liên tiếp được đưa ra.

Sự thay đổi cần thiết?

Theo dự chi ngân sách được thông qua năm 1996 thì công tác duy tu, bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch cần ít nhất 2,6 triệu Đài tệ (tiền Đài Loan). Và một đơn vị bảo vệ lên tới một đại đội (108 người), song trên thực tế, người ta chỉ điều động hơn 80 người và hiện lực lượng đang bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch chỉ còn 35 người.

Tuy vậy vào năm 2000, ông Trần Thủy Biển và Dân tiến đảng lên nắm quyền tại Đài Loan đã có ý định giải tán lực lượng bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch, nhưng mãi bây giờ họ mới chính thức thông báo ý định này.

Theo đó đến hết ngày 31/12/2007, lực lượng vệ binh đang bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch sẽ bị giải tán. Trước đó, ông Trần Thủy Biển và Dân tiến đảng còn gây áp lực đòi đổi tên “Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch”. Nhưng việc này đã và đang vấp phải sự phản đối của dư luận, nhất là Quốc dân đảng.

Thậm chí có người còn đưa ra câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định kể trên. Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Trần Thủy Biển và Dân tiến đảng luôn tìm cách xóa bỏ tàn dư của Quốc dân đảng cũng như hình tượng của cha con Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc.

Đầu năm 2007, ông Trần Thủy Biển và Dân tiến đảng quyết định dỡ bỏ tất cả tượng của Tưởng Giới Thạch ra khỏi các trụ sở quân sự, công viên và nhiều nơi công cộng khác.

Nhưng mãi tới ngày 5/2/2007, Sở chỉ huy Quân cảnh Đài Bắc mới bắt đầu dỡ bỏ tượng Tưởng Giới Thạch tại các trụ sở của họ. Ngay lập tức, quyết định trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Quốc dân đảng. Quốc dân đảng coi hành động trên của ông Trần Thủy Biển và Dân tiến đảng giống như việc đơn phương thay đổi lịch sử. 

Trên thực tế (trong suốt 20 năm qua), một số tượng của Tưởng Giới Thạch đã bị dỡ khỏi các công viên và nhiều địa điểm công cộng khác. Sân bay chính của Đài Loan (mang tên Tưởng Giới Thạch) cũng đã được đổi tên trong năm 2006.

Thậm chí ông Trần Thủy Biển còn muốn xét xử Tưởng Giới Thạch về vai trò trong vụ sát hại hàng nghìn người, từng được lịch sử gọi là “Sự kiện 28/2/1947”.

Mọi rắc rối đều xuất phát từ việc chưa nhập thổ?

Theo thống kê, kể từ khi Tưởng Giới Thạch mất (5/4/1975) và Tưởng Kinh Quốc qua đời (13/1/1988) đến nay, gia tộc họ Tưởng và Quốc dân đảng luôn gặp phải những chuyện không may. Đời thứ ba của Tưởng Giới Thạch hiện chỉ còn lại duy nhất Chương Hiếu Nghiêm (con trai Tưởng Kinh Quốc, mang họ mẹ).

Tống Mỹ Linh cùng Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vỹ Quốc tại tang lễ Tưởng Giới Thạch.

Quốc dân đảng đã mất quyền lãnh đạo kể từ năm 2000 và hiện Mã Anh Cửu, nguyên Chủ tịch Quốc dân đảng (nhậm chức từ tháng 8/2005), nguyên Thị trưởng Đài Bắc, ứng cử viên sáng giá trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế lãnh đạo Đài Loan hiện đang gặp rắc rối với pháp luật.

Ông Mã Anh Cửu bị cáo buộc tham nhũng 339 nghìn USD tiền ngân sách từ khi còn làm Thị trưởng Đài Bắc. Trước đây, thể theo nguyện vọng của thân nhân gia đình họ Tưởng, thi hài của Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc sẽ được nhập thổ đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Tưởng Giới Thạch (5/4/1975 - 5/4/2005), nhưng bất thành.

Theo dự kiến ban đầu, đến hết tháng 9/2005 khu lăng mộ này phải hoàn tất, nhưng do có một số thay đổi về thiết kế nên công việc phải kéo dài. Ngay từ khi hay tin khu lăng mộ của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc sắp hoàn thành, người thân của họ đã yêu cầu chính quyền Đài Loan làm chiếc biển “Tưởng lăng” treo ở trước cổng ra vào.

Vấn đề gây tranh cãi chính là việc làm và treo chiếc biển “Tưởng lăng” ở trước cổng ra vào bởi đây là phần phát sinh không có trong dự án ban đầu. Tổng chi phí cho khu lăng mộ họ Tưởng lên tới gần 30 triệu Đài tệ và số tiền này trích từ ngân quỹ quốc gia.

Người đưa ra yêu cầu nhập thổ thi thể cha con Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan là Tưởng Phương Lương, vợ Tưởng Kinh Quốc. Ngay sau khi nhận được thông tin này, ngày 8/7/2004, ông Trần Thủy Biển đã tuyên bố, tôn trọng ý nguyện của người thân họ Tưởng. Theo đó sẽ tổ chức lễ an táng theo nghi thức cao nhất tại hòn đảo này bởi Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc từng là người đứng đầu chính quyền Đài Loan.

Mặc dù biết rõ tâm nguyện của Tưởng Giới Thạch là được chôn cất tại Trung Quốc đại lục, nhưng trước thực tế hiện nay, thân nhân họ Tưởng không còn lựa chọn nào khác. Người ta cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến Tưởng Phương Lương đưa ra quyết định kể trên.

Thứ nhất, nguyên nhân chính trị. Dân tiến đảng và Quốc dân đảng vẫn vừa đấu tranh quyết liệt với nhau, vừa phản đối việc đưa di hài cha con họ Tưởng về Trung Quốc an táng. Thứ hai, nguyên nhân kinh tế. Nhiều người trong Dân tiến đảng từng yêu cầu giải tán đơn vị bảo vệ linh cữu Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc.

Thậm chí có người của đảng phái khác đề nghị giảm kinh phí bảo dưỡng, quản lý di hài cha con Tưởng Giới Thạch. Thứ ba, nguyên nhân tâm linh. Tưởng Kinh Quốc có 5 người con, nhưng hiện chỉ còn lại duy nhất Chương Hiếu Nghiêm. Cả 4 người con của Tưởng Kinh Quốc là Hiếu Văn, Hiếu Vũ, Hiếu Từ và Hiếu Dũng đều chết vì bệnh tật, chủ yếu là ung thư.--PageBreak--

Được biết, ngay từ khi còn tại chức, Tưởng Giới Thạch đã tìm cho mình 3 nơi để lo việc hậu sự. Điểm thứ nhất nằm cạnh đình Chính Nghĩa, Tử Kim Sơn, thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.

Điểm thứ hai nằm bên cạnh Nhân Hồ, Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Điểm thứ ba nằm cạnh bức tượng Phật Di Lặc ở Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang. Còn Tưởng Kinh Quốc muốn được chôn cất bên cạnh mộ bà Mao Phúc Mai, mẹ đẻ của ông.

Ngôi mộ này nằm bên trong sân vận động của một trường học tại Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang. Mặc dù chỉ chọn nơi an nghỉ tạm thời, nhưng ngay từ tháng 6/1949, Tưởng Giới Thạch đã ngắm được nơi ưng ý tại Bi Vỹ, Đại Khê, huyện Đào Nguyên, Đài Loan bởi nơi đây có phong cảnh, địa thế giống với Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.

Khi đó Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh đổi tên Bi Vỹ thành Từ Hồ và linh cữu của ông cùng con trai Tưởng Kinh Quốc được quàn tại đây. Được biết, việc bảo quản di hài Tưởng Kinh Quốc khó hơn Tưởng Giới Thạch bởi khi còn sống ông ta mắc bệnh tiểu đường.

Công việc bảo quản do anh em Kế, Lôi đảm trách. Hiện ông Lôi đã chết, chỉ còn lại ông Kế, nay đã ngoài 80 tuổi.

Những mong muốn của họ Tưởng

Người dân Đài Loan đều biết tới danh tiếng gia đình nhà họ Tưởng bởi họ được mệnh danh là “Đệ nhất gia đình” tại Đài Loan. Nhưng kể từ khi Tưởng Kinh Quốc, con trai trưởng của Tưởng Giới Thạch qua đời cho tới nay vị thế “Đệ nhất gia đình” đã bị mất đi cùng năm tháng.

Gia đình họ Tưởng luôn muốn chôn cất Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc tại Trung Quốc, nhưng việc này bị cản trở từ phía người đứng đầu chính quyền Đài Loan trước đây, ông Lý Đăng Huy. Tuy là người kế nhiệm của Tưởng Kinh Quốc, nhưng Lý Đăng Huy đã đi ngược lại con đường của người tiền nhiệm, thậm chí ra lệnh rút phần lớn lực lượng bảo vệ tại nơi quàn linh cữu cha con Tưởng Giới Thạch.

Đứng trước tình hình này, tháng 12/1995, Tưởng Vỹ Quốc, con thứ Tưởng Giới Thạch và Tưởng Hiếu Dũng, con thứ Tưởng Kinh Quốc đã chính thức bàn tới việc sớm đưa linh cữu cha anh mình về chôn cất tại Trung Quốc. Ngày 8/7/1996, vấn đề này được Tưởng Vỹ Quốc chính thức đưa ra tại cuộc họp của Quốc dân đảng.

Sau khi nhận được tin này, Lý Đăng Huy vô cùng lo lắng, tìm mọi cách cản trở. Khi đó Tưởng Ngạn Sỹ, một người có quan hệ mật thiết với gia đình họ Tưởng đã hiến kế cho Lý Đăng Huy và ngày 17/7/1996, trong cuộc họp của Quốc dân đảng, Lý Đăng Huy đã quyết định thành lập “Tổ nghiên cứu” gồm Dư Quốc Phong, Tưởng Ngạn Sỹ, Lý Hoán, Cố Chấn Phủ và Tống Sở Du để giải quyết vấn đề này.

Ngày 25/7/1996, cả nhà Tưởng Hiếu Dũng bay sang Trung Quốc để tìm hiểu tình hình. Trung tuần tháng 11-1996, Nghiêm Trác Vân, vợ Cố Chấn Phủ được Lý Đăng Huy ủy quyền bay sang Mỹ xin ý kiến Tống Mỹ Linh về hai phương án giải quyết vấn đề kể trên của Quốc dân đảng.

Thứ nhất, tạm nhập thổ tại Đài Loan, chờ cơ hội thuận lợi sẽ đưa về an táng tại Trung Quốc. Thứ hai, không nên đưa về Trung Quốc. Đương nhiên Tống Mỹ Linh phải đồng ý với phương án thứ nhất. Sau đó để làm yên lòng người nhà họ Tưởng, Lý Đăng Huy đã quyết định tăng thêm binh lính bảo vệ tại nơi quàn linh cữu Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc.

Vấn đề này sau đó bị gác lại bởi cả Tưởng Vỹ Quốc và Tưởng Hiếu Dũng đều lần lượt qua đời năm 1997. Vậy là tâm nguyện ban đầu của cả Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đều không thực hiện được.

Tống Mỹ Linh muốn được chôn cất tại Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng sau khi chết bà phải an táng ở khu nghĩa trang Ferncliff tại Hartsdale, ngoại ô thành phố New York, Mỹ bởi nơi đây đã chôn cất Tống Ái Linh, Khổng Tường Hy, Tống Tử Văn... những người thân của bà.

Cách đây hơn 25 năm (tháng 7/1982),  vấn đề đưa linh cữu Tưởng Giới Thạch về Trung Quốc an táng sau khi thống nhất đất nước đã được đặt ra. Năm 1986, Phùng Hồng Chí, con trai tướng Phùng Ngọc Tường đã tới chụp ảnh toàn bộ những di tích nhà họ Tưởng tại Khê Khẩu và khi ra về có mang theo một ít đất (đựng trong hộp gấm) ở trước ngôi mộ của Mao Phúc Mai, mẹ đẻ Tưởng Kinh Quốc.

Lực lượng bảo vệ lăng mộ Tưởng Giới Thạch.

Người phụ trách thành phố Phụng Hóa cho Phùng Hồng Chí biết, sau khi thống nhất đất nước, họ ủng hộ việc đưa di hài của cha con họ Tưởng về quê nhà an táng. Sau khi về Mỹ, Phùng Hồng Chí đã viết thư và gửi hộp gấm kể trên cho Tưởng Kinh Quốc và việc này đã khiến ông ta vô cùng cảm động.

Ngay từ tháng 12/1993, Tưởng Vỹ Quốc đã cử đoàn đại biểu Hoa Mai Trung Hoa tới Bắc Kinh tham gia lễ khai mạc của Công ty Hoa Mai Trung Quốc do Tổng hội Hoa Mai Bắc Kinh tổ chức với mục đích chính là đi tiền trạm cho chuyến đi của ông tới Bắc Kinh sau đó.

Cao Phúc Vận, một thương gia có tiếng tại Đài Loan, Ủy viên hội đồng trong Tổng công ty Hoa Mai Trung Quốc, Chủ tịch Quỹ khai phát Hạ Bang và là người liên lạc chủ yếu cho Tưởng Vỹ Quốc với cơ quan chức năng ở Trung Quốc.

Được biết, thân nhân của Tưởng Vỹ Quốc ở Đại lục cũng đã liên lạc, gặp gỡ, tiếp xúc với Vương Triệu Quốc, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc và Đường Thụ Bị, nguyên Phó hội trưởng Hội Quan hệ hai bờ.

Ngoài ra, họ còn nhờ Ngụy Thành Quang, giám đốc một nhà xuất bản tại Đài Loan tiếp xúc với thư ký của Đặng Dung  để thu xếp cho Tưởng Vỹ Quốc gặp Đặng Tiểu Bình...

Năm 2002, Trần Chiêu Điển, Phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Triết Giang đã phát biểu, nếu gia đình họ Tưởng muốn an táng người thân của họ tại quê nhà thì cần phải làm theo đúng trình tự. Về khu lăng mộ và di sản của họ Tưởng tại Khê Khẩu, Phụng Hóa đã được Chính phủ Trung Quốc bảo hộ thỏa đáng.

Năm 1949, khi giải phóng tỉnh Triết Giang, Mao Trạch Đông đã chỉ thị, không được phá hủy nhà ở, từ đường và những kiến trúc khác của nhà họ Tưởng. Thời kỳ sau, một phần mộ của họ Tưởng bị phá nhưng đã được trùng tu 

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.