Đại chiến Thế giới I và cuộc chiến tình báo tổng lực

Thứ Tư, 14/11/2018, 15:23
Đại chiến Thế giới lần thứ I đã tạo ra bước ngoặt quyết định cho các hoạt động tình báo. Đối đầu, xung đột leo thang và mở rộng ra theo mọi hướng, khái niệm “chiến tranh” không chỉ bó hẹp trong các trận đánh, mà có thể là một cuộc chiến tranh kinh tế, chiến tranh tâm lý, chiến tranh mật mã và giải mã – hay một cuộc chiến tranh tổng lực.

Lần đầu tiên các kỹ thuật tình báo hiện đại đã được đưa vào sử dụng: kỹ thuật xây dựng mạng lưới điệp viên, kỹ thuật chiến tranh tâm lý với việc tung tin giả và tạo xáo trộn trong xã hội, kỹ thuật xây dựng mật mã và phá giải mật mã…

Khai sinh “chiến tranh tâm lý”

Trước năm 1914, hoạt động tình báo là lĩnh vực ít được chú ý đến, tuy nhiên sau khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc (năm 1918), hầu như không có nước nào có thể phớt lờ hay không quan tâm đến nó. Đại chiến thế giới lần thứ nhất đã khai sinh ra dạng chiến tranh tâm lý. Người dân đã trở thành một mục tiêu được hướng tới, trên bình diện đạo đức và kinh tế, trong các chiến dịch quân sự.

Một trung tâm theo dõi và bắt sóng điện radio của cơ quan tình báo Pháp trong Thế chiến thứ nhất.

Người Đức tìm cách hỗ trợ phong trào ly khai Bắc Ai-len hay những người dân tộc chủ nghĩa xứ Flamand. Quân Đồng minh thì khuấy động sự phản kháng của các dân tộc thiểu số ở Đức, Áo-Hung hay đế quốc Ottoman. Tháng 6-1916 , viên phi công Pháp Anselma Marchal đã mạo hiểm thực hiện chuyến bay đêm vượt 660km để thả hàng vạn tờ truyền đơn trên bầu trời Berlin nhằm tác động vào tâm lý người dân Đức.

Mục tiêu chính trong cuộc chiến tranh tâm lý đối với người Anh lại là nước Mỹ. Năm 1915, các cơ quan tình báo Anh đã tung ra bộ hồ sơ Bryce, được dịch ra và tuyên truyền rộng rãi trong hơn 30 ngôn ngữ, mục đích: tố cáo những hành động hung bạo của Đức trong chiến dịch quân sự ở Bỉ. Bản báo cáo đã tạo ra những hiệu quả mạnh mẽ.

Tình báo Anh cũng khai thác tối đa tấm thảm kịch của tàu chở khách Lusitania, bị tấn công và đánh chìm bởi thủy lôi của tàu ngầm Đức. 1.200 nạn nhân trong đó có 128 người Mỹ. Dưới tác động của cuộc chiến tranh tâm lý này, nước Mỹ từ chỗ đứng trung lập lúc ban đầu đã quyết định tham gia khối Đồng minh chống lại Đức.

Mạng lưới tình báo phát triển mạnh

Những hoạt động tình báo đã tăng tốc ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột. Theo thống kê của Cơ quan tình báo Pháp, có tới hơn 2.000 phụ nữ đã được Đức tuyển mộ và cài cắm khắp châu Âu, chủ yếu là ở Pháp. Trong các gia đình trung lưu Pháp, những quản gia hay người phục vụ gốc Đức đều trở thành đối tượng theo dõi. Mọi người dân đều được khuyến khích theo dõi những người lạ mặt xuất hiện trong các thành phố hay  làng mạc. Các sản phẩm nổi tiếng có nguồn gốc từ Đức như Maggi hay Kub đều bị tẩy chay. Trẻ em cũng được lên danh sách theo dõi để phục vụ cho việc truy lùng gián điệp Đức.

Phớt lờ tin tức tình báo, Pháp hoàn toàn bị bất ngờ với cuộc tấn công của Đức vào chiến tuyến Verdun (ngày 21-2-1916).

Những thành phố của các nước trung lập như Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Sĩ hay Thụy Điển đã trở thành ổ lưu trú và môi trường hoạt động nhộn nhịp của điệp viên đủ các phe phái. Ở Genève người ta có thể chạm mặt đủ các loại hoàng tử và công chúa thật giả lẫn lộn. Họ nói thành thạo nhiều loại ngôn ngữ, gia nhập các câu lạc bộ thượng lưu và thân quen với các nhân vật quan trọng một cách dễ dàng. Ở đây cũng có mặt hàng ngàn những kẻ đào ngũ và các điệp viên Pháp mà phía Đức rất muốn tuyển mộ.

Các điệp viên Đức thường chọn các nước Bắc Âu như một cánh cửa để xâm nhập vào đất nước của đối phương (Nga, Pháp, Anh..). Hãng thông tấn Wolff của Đức, thông qua văn phòng của mình tại Copenhague tại Đan Mạch, đã thu thập được rất nhiều tin tức quý báu về người Nga. Bắc Âu cũng là địa bàn xâm nhập của các điệp viên các nước như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Ở Pháp, một cơ quan mật vụ được gọi tên là “Phòng Nhì” được thành lập với mục đích chính là thu thập các tin tức liên quan tới Đức. Phòng này có nhiệm vụ tổng hợp các báo cáo của các tùy viên quân sự ở nước ngoài và gửi tới cơ quan tình báo (SR-Service de renseignement).

Năm 1904, SR đã tuyển mộ một sĩ quan của Bộ tổng tham mưu Đức. viên sĩ quan này đã cung cấp toàn bộ kế hoạch xâm chiếm Schlieffen, báo trước về kế hoạch tấn công Luxembourg và Bỉ để quay sang tấn công vào Pháp. Một chiến công tình báo ngoạn mục? Không hẳn là vậy. Bộ tổng tham mưu Pháp nghi ngờ bởi những tin tức chiến lược này quá quan trọng để có thể tin rằng nó là tin thật.

Họ cho rằng đây là một kế hoạch cũ đã lạc hậu và bị bỏ qua. Đây là một sai lầm tai hại của quân đội Pháp. Năm 1914 khi cuộc chiến nổ ra, quân Đức đã tiến hành các chiến dịch quân sự theo đúng với bản kế hoạch mà phía Pháp đã có trong tay từ trước đó. Sự coi thường các hoạt động tình báo của các cấp chỉ huy quân đội và các chính khách dân sự đã khiến nước Pháp phải trả một cái giá quá đắt.

Khác với nước Pháp, nước Anh rất chú trọng phát triển sức mạnh tình báo của mình. Họ đã thiết lập một trung tâm phối hợp các hoạt động tình báo của quân Đồng minh đặt tại Folkestone, Cơ quan tình báo đối ngoại – MI6 được thành lập vào năm 1909, kế thừa một truyền thống hoạt động tình báo đã hàng trăm năm của nước Anh.

MI6 đã rất thành công trong việc thu thập các thông tin tình báo quý giá về thương mại và quân sự từ các nước trung lập như  Thụy Sĩ hay Bỉ. MI5, Cơ quan tình báo đối nội có nhiệm vụ chính là công tác phản gián. Trong số các cơ quan tình báo Anh, đội ngũ quân báo của hải quân Anh là sáng chói nhất. Các chuyên gia mật mã của Hải quân Hoàng gia đã góp một phần quan trọng vào chiến thắng của phe đồng minh.

Ở Đức, các hoạt động tình báo quân sự (vụ IIIb) được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tướng Walter Nicolai. Vụ IIIb hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: báo chí, tuyên truyền, thông tin tình báo và phản gián. Hải quân có bộ máy tình báo riêng của mình. Trong những vấn đề liên quan tới nước Nga hay các nước vùng Balkan, vụ IIIb sẽ cộng tác với Evidenzbureau - Cơ quan tình báo Áo - Hung. Thông thường tình báo Đức hoạt động ở phương Tây dễ dàng hơn ở phương Đông. Họ luôn thiếu các điệp viên gốc Nga.

Cuộc chiến mật mã

Cho đến đầu thế kỷ XX, việc truyền tin trên thế giới vẫn được thực hiện thông qua hệ thống cáp điện tín. Nhưng từ những ngày đầu cuộc chiến tranh, hải quân Anh đã tìm cách cô lập nước Đức với thế giới. Họ săn lùng các đường cáp điện báo của Đức, đang chôn sâu dưới lòng đại dương để phá hủy chúng. Người Đức phải xoay sở tìm cách truyền các thông điệp tình báo qua làn sóng radio. Điểm tiện lợi là bất cứ ai cũng có thể bắt được các chương trình phát trên radio.

Hiểu rõ tầm quan trọng của các cuốn sổ chép khóa mật mã, mỗi chiếc tàu Đức bị chìm hay bị đánh đắm đều được lục soát rất kỹ để tìm khóa mật mã.

Và để bảo toàn bí mật, các thông điệp phải được mã hóa. Người Đức vì thế đã cố gắng phát triển các kỹ thuật mã hóa và giải mã và dùng chúng để nắm bắt các bức mật mã truyền đi từ các con tàu của hải quân Anh trong suốt cuộc Đại chiến. Hoạt động có hiệu quả nhất trong kỹ thuật mã hóa và giải mật mã là quân đội Áo-Hung. Họ đã thu được và giải mã hoàn toàn các bức điện tín truyền qua sóng radio của quân đội Nga hoàng trong trận đánh Tannenberg vào tháng 8-1914 và trong chiến dịch bên vùng hồ Mazurie vào tháng 2-1915.

Về phía nước Pháp, một ủy ban liên bộ về mật mã được thành lập vào năm 1909, quy tụ các chuyên gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Hải quân và Bộ Nội vụ. Hai năm sau, khi vừa được đề cử làm tổng tham mưu trưởng, đại tướng Joffre cho thành lập một ban cơ yếu, đặt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Cartier.

Thiếu tá Cartier, cựu sinh viên Bách khoa Paris, một sĩ quan tài năng đã từng công tác ở phòng quân báo Bộ tổng tham mưu từ năm 1902 đến 1912 là nhân lực chủ chốt trong ủy ban liên bộ này. Công việc đầu tiên mà ông đảm nhận là việc bảo mật các thông tin trao đổi qua lại giữa Pháp và Nga, một đồng minh quan trọng mà lãnh thổ giữa hai nước bị ngăn cách bởi các quốc gia thù địch. Từ 1914, các chuyên gia mật mã Pháp đã nắm được cách vận hành của Ubchi, kỹ thuật mã hóa thông tin của các lực lượng trên bộ của quân đội Đức. Một sĩ quan Đức đã bán bản hướng dẫn sử dụng Ubchi cho các điệp viên người Pháp vào năm 1913.

Một thời gian sau đó , quân Đức đã thay thế Ubchi bằng một hệ thống mật mã khác. Phía Đức đã phát hiện ra hệ thống mật mã Ubchi đã bị bẻ khóa sau khi bắt được một sĩ quan người Anh và tìm thấy một tài liệu của quân báo Anh giới thiệu về cách giải mã của hệ thống mật mã Ubchi. Viện dẫn những nguyên tắc của đồng minh, trước đó Anh đã yêu cầu Pháp chia sẻ mọi bí mật quân sự, kết quả là sau đó quân đồng minh đã mất đi cơ hội giải được các bức mật mã của quân Đức.

Một thời gian sau đó người Pháp lại tiếp tục hỗ trợ nước Anh trong cuộc chiến tranh mật mã. Tháng 1-1915, họ lại gửi cho người Anh những chìa khóa để bẻ khóa hệ thống mật mã mới của Đức, hệ thống ABC. Ngay lập tức người Anh đã giải mã và đọc được những bức mật mã, bí mật gửi từ Anh sang Hà Lan, mô tả chi tiết hành trình của các chiến hạm của hải quân Hoàng gia. Vụ việc này cho phép nước Anh quét sạch một mạng lưới điệp viên của Đức nằm ở cả hai bờ eo biển Manche.

Tại một tòa nhà cổ khu Whitehall - London, Hải quân Anh đã thành lập một cơ sở tình báo, quy tụ các chuyên gia mật mã đặt dưới sự chỉ huy của chuẩn đô đốc Reginald Hall, để khởi đầu một cuộc chiến tranh dạng mới với Đức - chiến tranh mật mã. Với hàng loạt các trạm thu sóng của Hải quân rải đều khắp nước Anh, nhóm các chuyên gia mật mã đã thu và giải mã được một số lượng lớn các bức mật mã của quân Đức, góp một phần không nhỏ vào việc đánh bại quân Đức trong Đại chiến thế giới I.

Việc phá khóa của một bức mật mã là vô cùng khó khăn, tốn nhiều công sức và nhiều khi phải cần tới một vận may. Ngày 20-8-1914, xác của một lính Đức bị sóng biển đánh dạt vào bờ biển của Nga trên vịnh Phần Lan. Đó là một điện báo viên trên chiếc tuần dương hạm vừa bị quân Nga đánh đắm. Lục soát xác chết này, người Nga tìm thấy một cuốn sổ ghi chép khóa mật mã để giải mã các bức điện của hải quân Đức. Không biết cách khai thác, phía Nga đã tặng lại cuốn sổ cho các đồng nghiệp nước Anh.

Cơ hội may mắn thứ hai: Tháng 12-1914, một chiếc tàu kéo lưới của Anh đang đánh cá trên biển Bắc, bất ngờ nhặt được một cuốn sổ ghi khóa mật mã của quân Đức lẫn trong đám cá nằm trong lưới. Tất nhiên các khóa mật mã của các binh chủng Đức là khác nhau và chúng cũng thường xuyên thay đổi, tuy nhiên hai cơ hội may mắn trên cũng đã giúp nhóm chuyên gia mật mã của chuẩn đô đốc Reginald Hall phá khóa và giải mã được rất nhiều bức điện quan trọng của phía Đức.

Từ lúc đó trở đi, tất cả điệp viên của Anh quốc đều hiểu rõ tầm quan trọng của các cuốn sổ chép khóa mật mã loại đó. Từ đó mỗi chiếc tàu đối phương sau khi bị đánh đắm đều được lục soát rất kỹ càng. Cuốn sổ thứ ba thuộc loại đó thu được tại một nước trong vùng vịnh Persic, viên phó lãnh sự Đức ở đó bị bắt quả tang đang tìm cách phá hoại một đường ống dẫn dầu, hắn trốn chạy vứt lại đồ nghề, một trong các túi đồ đó có một cuốn sổ ghi cách giải các bức mật mã của Đức.

Sau những bước khởi đầu chật vật, nhóm chuyên gia giải mật mã của Reginald Hall đã có những bước tiến vượt bậc. Quen thuộc với các công thức chào hỏi và những mẫu câu lặp lại, sử dụng phương pháp nội suy, họ chỉ cần mất từ 6 đến 8 giờ để giải mã các bức điện mật của Đức, dẫu rằng mật mã được thay đổi hàng tuần. Công việc thầm lặng của họ đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của phe Đồng minh đối với Đức trong Đại chiến thế giới I. 

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.