Dai dẳng “cuộc chiến địa đạo” Hamas-Israel

Thứ Hai, 18/12/2017, 16:34
Hôm 10-12 vừa qua, trong tình hình an ninh gia tăng căng thẳng tại Jerusalem, quân đội Israel thông báo đã phát hiện và phá hủy một đường hầm được cho là “tác phẩm” của lực lượng vũ trang Hamas chạy sâu hàng trăm mét vào lãnh thổ Israel, cách cộng đồng dân cư Israel chỉ khoảng 1km.

Trong lịch sử các cuộc chiến tranh, đường hầm là một giải pháp để một bên tham chiến đột kích, tấn công hoặc phá hoại tiềm lực đối thủ của mình. Ở Dải Gaza, các chiến binh thuộc phong trào Hồi giáo Hamas đã đào rất nhiều đường hầm vượt Gaza vào Israel để thực hiện các cuộc tấn công kiểu như vậy, đồng thời đây cũng là tuyến đường ngầm mang lại sự sống cho người dân ở vùng biên giới.

 “Mê cung” khắc chế quân đội và vũ khí hiện đại

Vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, khi đã gần kiệt lực trong cuộc chiến chống lại quân La Mã, người Đức đã đào một hệ thống đường hầm thông nhau để có thể phục kích và bất ngờ gây ra những tổn thất cho kẻ thù. Hơn 200 năm sau, vào năm 256, đội quân người Sassanian trong tình cảnh bị đế chế La Mã khép chặt vòng vây ở Dura-Europos (Syria ngày nay) đã đào một tuyến hầm dưới các bức tường thành.

Hamas cung cấp cả điện thoại và điện cho các căn hầm.

Quân La Mã phát hiện ra kế hoạch này nên đã tương kế tựu kế, đào một đường hầm khác nối thông vào với dự định đưa quân xuống chôn kẻ thù trong hầm. Quân Sassanians tiếp tục đáp trả bằng việc chất đầy trong đường hầm các hỗn hợp khí sulfur và hắc ín để tạo ra khí sulfur dioxide - hình thức chiến tranh hóa học đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Thế là quân La Mã khi tràn xuống đã nhiễm khí độc, chết ngạt hàng loạt trong hầm.

Trong Thế chiến thứ I, các thợ mỏ người Anh được huy động vào các trung đội đặc nhiệm, với nhiệm vụ đào hệ thống đường hầm phá vỡ phòng tuyến của Đức ở mặt trận phía Tây. Họ đã đào được 22 tuyến đường hầm xuyên qua các hàng rào dây thép gai của quân Đức ở Messines. Trong số này, 19 đường hầm đặt thuốc nổ đã tạo ra vụ nổ giết chết 10.000 lính Đức vào ngày 7-6-1917. Thế nhưng, bộ binh Anh lại không thể tiến vào trận địa bị chia cắt bởi hố sâu từ các đường hầm bị phá…

Việc tạo hệ thống đường hầm đòi hỏi tiêu tốn nhiều thời gian và nhân lực tác chiến chỉ cần số ít. Trong điều kiện chiến tranh mà các bên tham chiến không tương quan về lực lượng, đường hầm lại phát huy được những giá trị không ngờ. Đường hầm tạo cơ hội cho phía quân yếu thế thay đổi phần nào cục diện của cuộc chiến vì đối phương buộc phải có hành động đối phó với hiểm nguy từ các địa đạo.

Nói cách khác, một đội quân hùng mạnh về vũ khí sẽ buộc phải chiến đấu trong một trận địa do chính đối thủ của mình tạo ra mà ở đó, sức mạnh của vũ khí, công nghệ không còn phát huy đầy đủ tác dụng. Hamas, tổ chức vũ trang Palestine theo đường lối cứng rắn kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 đến nay, dùng đường hầm, địa đạo để phục vụ những lợi ích quân sự và chính trị của mình trong thế bị Israel bao vây tứ bề.

Họ hiểu rõ từng ngóc ngách trong đường hầm, trong khi quân Israel không hiểu biết về điều đó. Nhìn rộng ra, tại Afghanistan, Pakistan và Yemen, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang kiến tạo hệ thống hầm ngầm tinh vi để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.

Hãng tin Reuters từng dẫn lời cựu Thủ tướng Palestine Ismail Haniyeh, thủ lĩnh cao cấp nhất của Hamas, đe dọa: “Những địa đạo mà chúng tôi tạo dựng nằm trong một chiến lược của Hamas trong cuộc chiến chống Israel. Đó là chiến lược địa đạo. Trên hoặc dưới mặt đất, những kẻ chiếm đóng sẽ bị chúng tôi tống cổ”.

Quân đội Israel luôn cảm thấy bất an với đường hầm chạy đâu đó dưới chân mình, ngay trong lãnh thổ mà họ xem là bá chủ: Phiến quân Hamas có thể bất thần  ngoi lên ở bất kỳ đâu, trong bất cứ thời điểm nào để thực hiện các các đòn tấn công. Năm 2006 là năm Hamas thắng lớn trong cuộc bầu cử ở Palestine.

Ngày 25-6 năm ấy, các chiến binh lữ đoàn Ezzedine Al-Qassam, lực lượng vũ trang của Hamas, đã xâm nhập lãnh thổ Israel bằng một đường hầm bí mật dài 960 m rồi tấn công một đồn lính ở gần cửa khẩu Kerem Shalom trong vòng 6 phút, bắn hạ 2 người lính Israel và bắt sống binh sĩ 19 tuổi tên Gilad Shalit. Toàn bộ chiến dịch diễn ra chỉ trong có 6 phút, nhưng hệ quả mà nó để lại thì còn dai dẳng.

Sau khi bị giam giữ 5 năm, Shalit đã được đưa ra đổi lấy 1.000 tù nhân Palestine. Như vậy, ở phương diện này, ưu điểm lớn nhất của đường hầm chính là tác động tuyên truyền. Hệ thống này không thể thay đổi cục diện cuộc xung đột giữa người Israel với người Palestines, nhưng nó là hiện thân của tinh thần đoàn kết chiến đấu.

Những cuộc đụng độ từ lòng đất

Sở dĩ hệ thống hầm ngầm của Hamas rất khó phát hiện vì chúng bắt đầu từ bên trong nhà dân hoặc đền thờ ở Gaza, kéo dài hàng kilômét vào bên trong hoặc ngay rìa các thị trấn biên giới bên phần Israel. Để đối phó với chiến lược của Hamas, quân đội Israel đã thành lập những đơn vị tác chiến đặc biệt chuyên trị địa đạo.

Các tay súng Hamas trong một địa đạo ở Gaza. Ảnh: Baltimore Sun.

Cuối năm 2008, Bộ Tổng tham mưu Israel thành lập một đơn vị công binh riêng mang tên Yahalom (Kim cương), chuyên phát hiện và phá hủy địa đạo Hamas. Kế đó, đội đặc nhiệm Kfir (Sư tử con) thành lập năm 2012 được huấn luyện đánh nhau trên đường phố đô thị sau khi chui qua địa đạo của Hamas. Trong chiến dịch tấn công “Bảo vệ biên giới” mà Israel thực hiện bằng những cuộc không kích dữ đội ở Gaza tháng 7-2014,  quân đội Israel đã xem việc xóa sổ các đường hầm ở Gaza là một mục tiêu chiến lược của mình.

Theo tờ “The Times of Israel”, binh sĩ nước này đã phát hiện khoảng 40 đường hầm rộng rãi, kiên cố, đủ điện nước, cất giữ nhiều vũ khí, đạn dược và cho phép một người vũ trang tận răng qua lại dễ dàng. Một trong số đường hầm đó dài 2,5 km, được đào ở độ sâu 20 m và các chuyên gia ước tính Hamas đã dùng 350 tấn bê tông để xây dựng. Sau chiến dịch làm 2.000 người Palestine và 72 người Israel thiệt mạng cùng khoảng 100.000 người ở Gaza lâm vào cảnh mất nhà cửa, Tel Aviv vẫn không thôi sợ hãi trước “mê cung” của Hamas.

Tháng 3-2016, chuyên trang Foreign Policy đã dẫn lời thủ lĩnh chính trị lực lượng Hamas, Ismail Haniyeh, cho biết: “Các chiến binh của chúng tôi vẫn đang nỗ lực tạo ra số đường hầm gấp đôi các địa đạo từng được đào ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của họ”.

Trong bối cảnh Dải Gaza bị Israel pháo kích và phong tỏa biên giới, hàng loạt đường hầm đã được đào để chuyển hàng lậu từ Ai Cập vào vùng đất nóng bỏng chiến sự. Khi ấy, hàng nghìn người Palestine đã sống nhờ vào việc buôn bán qua đường hầm tại những nơi như thành phố vùng biên Rafah. Nhiều loại mặt hàng chuyển lậu vào Gaza qua các đường hầm như thuốc lá, lương thực, nhiên liệu, quần áo…

Ngay cả gia súc sống cũng được chuyển qua hầm phục vụ cho các trang trại và những bữa ăn. Các nhóm chiến binh Hamas kiểm soát Gaza đã ban hành cả quy định về việc cấp phép và kiểm soát việc buôn bán qua đường hầm, thậm chí còn cung cấp cả kết nối điện thoại và điện cho các căn hầm. Ngoài các mặt hàng dân sự, người ta cho rằng chiến binh Hamas còn chuyển cả vũ khí vào Dải Gaza thông qua tuyến đường dưới lòng đất này.

Tháng 7-2016, trong suốt 7 tuần đối đầu, Hamas sử dụng những đường hầm để xâm nhập vào lãnh thổ Israel 4 lần và giết chết 12 binh sĩ của Israel. Cùng trong thời gian này, Israel cho biết đã phá hủy 32 đường hầm trong suốt cuộc xung đột Gaza và phát triển công nghệ mới nhằm chống lại những nỗ lực của Hamas xây lại mạng lưới đường hầm bên trong lãnh thổ Israel.

Mỹ hỗ trợ “Vòm sắt ngầm”

“Công nghệ mới” của Israel được Đài Rusia Today hé lộ là một loại vũ khí bí mật nhằm triệt tiêu hệ thống địa đạo chằng chịt do lực lượng Hamas xây dựng sâu dưới lòng đất. Rusia Today dẫn các nguồn tin quốc phòng phương Tây cho biết, “Vòm sắt ngầm” thực chất là một hệ thống phức tạp bao gồm các thiết bị do thám, vệ tinh, phân tích dữ liệu tinh vi và các loại vũ khí chuyên dụng xuyên phá lòng đất. Trong số những công ty tham gia dự án triển khai “Vòm sắt ngầm” có Elbit Systems và Rafael Advanced Defense Systems, các nhà thầu từng phát triển lá chắn tên lửa Vòm sắt nổi tiếng.

Binh sĩ Israel phát hiện một đường hầm của Hamas.

Ngoài ra, trang tin DEBKafile còn dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, “Vòm sắt ngầm” bao gồm các cỗ máy mặt đất được cảm biến siêu nhạy, có thể phát hiện những rung chấn và tiếng động nhỏ nhất dưới lòng đất. Kết hợp với hình ảnh chụp từ vệ tinh và thông qua quy trình phân tích dữ liệu phức tạp, hệ thống sẽ giúp “soi rõ” những gì đang diễn ra sâu bên trong lòng đất. Từ đó, các cấp chỉ huy quân đội Israel sẽ triển khai vũ khí tiêu diệt mục tiêu.

Theo Rusia Today, dự án “Vòm sắt ngầm” được Mỹ hỗ trợ rất tích cực. Sau chuyến thăm Israel của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work diễn ra vào đầu năm 2016, Washington và Tel Aviv đã đạt thỏa thuận hợp tác cùng phát triển hệ thống này.

Cụ thể, Mỹ đồng ý hỗ trợ 120 triệu USD cho dự án và quốc hội nước này đã thông qua khoản giải ngân đầu tiên 40 triệu USD với mục tiêu “xây dựng năng lực chống địa đạo nhằm phát hiện, vẽ bản đồ và vô hiệu hóa những đường hầm đe dọa Mỹ lẫn Israel”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Sherwood cho hay.

Theo Sherwood, Mỹ sẽ “nhận các thiết bị mẫu, có quyền thăm địa điểm thử nghiệm và hưởng quyền lợi về mặt phát minh sáng chế”. Lý giải cho sự tham gia của Mỹ, các chuyên gia nhận định: bản thân Mỹ cũng có nhu cầu sở hữu năng lực phát hiện và phá hủy các cơ sở ngầm dưới lòng đất. Mối đe dọa cụ thể nhất là hệ thống đường hầm từ Mexico được bọn tội phạm sử dụng để tuồn ma túy và buôn người vào lãnh thổ Mỹ. Xa hơn, Washington muốn tạo ưu thế “nắm thóp đối thủ” trong trường hợp nổ ra xung đột.

Trước đây, Mỹ và Israel luôn cáo buộc Iran che giấu các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân trong hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng núi. Trung Quốc thì được các tai mắt tình báo của Mỹ “chiếu cố” nên được cho là sở hữu hệ thống hầm ngầm kiên cố trải khắp lãnh thổ nước này để cất giấu máy bay và tên lửa hạt nhân. CHDCND Triều Tiên thì từ lâu đã nổi tiếng với khả năng đào hầm, bao gồm hệ thống địa đạo phức tạp ở khu phi quân sự liên Triều. Thậm chí, theo tờ “The Telegraph”, có nghi vấn chính Bình Nhưỡng đã hỗ trợ bước đầu giúp Hamas tạo ra mê cung địa đạo ở Gaza.

Không biết uy lực của “Vòm sắt ngầm” mạnh đến đâu mà kể từ đầu năm 2016, hơn 10 đường hầm của Hamas đã sụp đổ và chôn vùi những người đang đào bới, khiến lực lượng này tổn thất hàng chục thành viên. Khi ấy, thời tiết có mưa triền miên được cho là nguyên nhân có thể gây sập hầm, nhưng tình trạng xảy ra hàng loạt khiến Hamas và một số chuyên gia nghi ngờ có thể Israel đã đưa “Vòm sắt ngầm” ra thử nghiệm trên thực địa.

Theo thông báo từ Binh đoàn e Izz al-Din al-Qassam thuộc Hamas, Abd al-Salah al-Butnaji, một chỉ huy cao cấp 36 tuổi, đã bị chôn vùi khi đang làm việc bên trong địa đạo. Do vậy, Hamas không ngừng theo dõi sát sao mọi nỗ lực của Israel nhằm phá hủy mạng lưới địa đạo chằng chịt ở Gaza. Từ đó, Ismail Haniyeh, một thủ lĩnh Hamas cho biết, họ đã “phát hiện một phương tiện ngầm, được gắn camera, cảm biến với mục tiêu theo dõi đường hầm và các chiến binh của chúng tôi”.

Quang Học (tổng hợp)
.
.