Đằng sau cáo buộc đối với 3 Tổng thống châu Phi

Thứ Hai, 29/11/2010, 16:45
Dư luận chính trường 3 quốc gia Congo, Gabon và Guinea Xích đạo thực sự xao động sau khi Tòa Thượng thẩm Pháp quyết định tiếp tục cuộc điều tra vụ kiện "tài sản phi pháp" liên quan tới 3 vị Tổng thống đó là: Denis Sassou-Nguesso, Omar Bongo Ondimba và Teodoro Obiang Nguema Mbasogo.

Trong số 3 Tổng thống kể trên có người đã chết, đó là ông Omar Bongo Ondimba. Tuy nhiên, công tác điều tra đối với những người có liên quan tới cố Tổng thống Gabon vẫn được tiến hành bình thường.

Cố Tổng thống Gabon: Chết vẫn chưa hết chuyện

Căn cứ theo cáo buộc của Tổ chức chống tham nhũng Transparency International (TI) và Tổ chức nhân quyền Sherpa, ngày 8/11 Tòa Thượng thẩm Pháp đã yêu cầu các nhà điều tra của nước này tập trung làm rõ nguồn gốc số tài sản bị coi là bất hợp pháp của 3 vị tổng thống: Denis Sassou-Nguesso, Omar Bongo Ondimba và Teodoro Obiang Nguema Mbasogo cùng người thân.

Từ năm 2007, cố Tổng thống Gabon Omar Bongo Ondimba và người thân đã sở hữu tới 39 biệt thự các loại ở nhiều khu vực sầm uất và thanh lịch của Pháp. Đây là kết luận điều tra ban đầu của Cảnh sát Pháp.

Cảnh sát cũng làm rõ việc cựu Đệ nhất phu nhân Edith của ông Omar Bongo Ondimba đã mua chiếc Daimler Chrysler bằng séc rút từ một tài khoản của Chính phủ Gabon tại Pháp.

Gabon tuy là quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi nhưng có trữ lượng dầu mỏ lớn và trong hơn 41 năm cầm quyền, ông Omar Bongo Ondimba và gia đình đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Pháp từng phong tỏa số tài sản trị giá 900 triệu USD của gia đình ông Omar Bongo Ondimba. Ngoài ra, cách đây hơn 6 năm (tháng 2/2004), Tổng thống Omar Bongo Ondimba từng bị Hoa hậu Peru Ivette Santa Maria tố cáo tội cưỡng dâm.

Từ trái qua: các Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, Omar Bongo Ondimba và Denis Sassou-Nguesso.

Theo lời khai của Hoa hậu Peru Ivette Santa Maria, khi đó cô được mời sang Gabon làm giám khảo cuộc thi sắc đẹp mang tên "Hoa hậu Nhân đạo" diễn ra hôm 19/1/2004. Nhưng sau khi tới đất nước Tây Phi này, họ đã đưa ngay cô tới Phủ Tổng thống và bị ép làm "vợ". Sau khi cự tuyệt yêu cầu kể trên và trở về khách sạn vì "sự hiểu nhầm" nên cô Ivette Santa Maria đã phải sống ở đó 12 ngày bởi không có tiền để trả các hóa đơn. Và chỉ được giải thoát khi các tổ chức phụ nữ quốc tế can thiệp.

Trước khi tạ thế (tháng 6/2009), Tổng thống Omar Bongo Ondimba là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất tại châu Phi - hơn 41 năm. Trong thời gian tại vị, chính sách cai trị của ông Omar Bongo Ondimba được coi nhằm duy trì mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Pháp. Gabon từng là thuộc địa của Pháp từ năm 1886 cho tới khi giành độc lập năm 1960. Tháng 5/2009, ông Omar Bongo Ondimba đi chữa bệnh và tưởng nhớ người vợ quá cố mới qua đời trước đó 2 tháng.

Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ali-Ben Bongo đã tuyên bố, Gabon sẽ đóng cửa mọi biên giới, đặt quân đội trên khắp cả nước trong tình trạng báo động và thắt chặt an ninh tại các khu vực nhạy cảm. Ông Ali-Ben Bongo đã lên nắm quyền sau khi cha ông qua đời, bất chấp chỉ trích và cáo buộc của phe đối lập. Luật sư của Tổng thống Ali Bongo tuyên bố, tân chủ nhân của đất nước Gabon không có bất động sản tại Pháp.

Tổng thống Congo: Chìm sâu trong cáo buộc

Tuy lên nắm quyền tại Congo lần thứ hai cách đây 13 năm (1997-2010) với sự giúp đỡ của quân đội Angola, nhưng ông Denis Sassou-Nguesso vẫn giàu lên một cách nhanh chóng. Theo cáo buộc của TI và Sherpa, Tổng thống Congo Denis Sassou-Nguesso và người thân sở hữu 18 bất động sản và 112 tài khoản tại ngân hàng ở Pháp kể từ năm 2007. Ông Denis Sassou-Nguesso cũng từng thừa nhận số tài sản nêu trên trong một chuyến công du tới Pháp năm 2009.

Còn theo tài liệu của tổ chức phi chính phủ Anh-Global Witness, Tổng thống Denis Sassou-Nguesso đã chi tiền công quỹ một cách phung phí. Hơn 4 năm trước (tháng 9/2006), ông Denis Sassou-Nguesso đã thuê dịch vụ phòng ở Waldorf Astoria với giá gần 20.000USD/đêm khi tới Mỹ tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Con trai của ông Denis Sassou-Nguesso là Denis Christel Sassou-Nguesso, chuyên buôn dầu mỏ ở Pháp và Dubai cũng luôn sẵn sàng bỏ ra 35.000 USD để thuê nhà thiết kế thuộc các hãng nổi tiếng như Louis Vuitton, Roberto Cavalli thiết kế những sản phẩm cho riêng mình.

Điều đáng nói là trong khi ông Denis Sassou-Nguesso cùng người thân có nhiều tài sản như vậy, nhưng trong suốt 5 năm qua, Congo vẫn phải chi hàng triệu USD cho chiến dịch vận động hành lang ở Washington để tìm cách đối phó với những kiện cáo kéo dài liên quan đến các khoản nợ quốc gia và bản thân Tổng thống.

Là một đất nước nhỏ bé và nghèo nhất Châu Phi, nhưng nhiều quan chức chính phủ Congo vẫn sống xa hoa bất chấp việc các nhà đầu tư phương Tây và Mỹ đã trục lợi bằng cách tìm kiếm và mua lại các khoản nợ xấu của nước này. Nhiều người nói rằng, việc Congo mạnh dạn chi cho chiến dịch kể trên bởi ngoài mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia, còn có quyền lợi cá nhân của gia đình Tổng thống Denis Sassou-Nguesso.

Tổng thống Denis Sassou-Nguesso từng bị Công ty đầu tư "quỹ kền kền" Elliott Management, có trụ sở tại New York kiện vì có liên quan tới khoản thanh toán món nợ 100 triệu USD mà chính phủ nợ cách đây 5 năm (2005-2010). Công ty Elliott Management cùng một số tổ chức nhân đạo châu Âu và Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Denis Sassou-Nguesso có dấu hiệu biển thủ hàng triệu USD thu từ nguồn lợi dầu hỏa của nước này.

Tổng thống Guinea Xích đạo: Thường xuyên bị đảo chính hụt

Gần 1 năm trước (3/12/2009), ông Teodoro Obiang Nguema Mbasogo tái đắc cử Tổng thống Guinea Xích đạo với 95,4% số phiếu bầu. Được đánh giá là "Tổng thống của lòng dân" bởi tại cuộc bầu cử năm 2002, ông Teodoro Obiang Nguema Mbasogo đã tái đắc cử với số phiếu gần tuyệt đối: 97,1%.

Nhưng cách đây 4 năm (2006) lần đầu tiên danh tính của ông xuất hiện trong danh sách những nhà lãnh đạo giàu có nhất khi tạp chí Forbes tính tổng tài sản của Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo lên tới 600 triệu USD. Ông Teodoro Obiang Nguema Mbasogo được coi là một trong những nhà lãnh đạo giàu có nhất thế giới.

Hơn 1 tháng trước (20/10), UNESCO cho biết, sẽ đình chỉ giải thưởng do Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo tài trợ. Ban điều hành UNESCO sẽ tham khảo các nhà phê bình để quyết định về tương lai của giải thưởng này sau khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo ông đã biển thủ hàng trăm triệu USD trong khi đa số dân chúng phải sống trong cảnh nghèo đói.

Tính đến nay, ông Teodoro Obiang Nguema  Mbasogo đã tại vị hơn 30 năm (từ tháng 8/1979) tại quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 ở khu vực Tây Phi có diện tích 28.051km2. Mặc dù phải đối mặt với nhiều âm mưu lật đổ chính phủ kể từ khi lên nắm quyền qua cuộc đảo chính 3 thập niên trước, nhưng Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo và chính phủ của ông vốn bị coi là vi phạm nhân quyền ở châu Phi vẫn là nhà lãnh đạo có uy tín ở Guinea Xích đạo.

Luật sư của Tổng thống khẳng định, ông Teodoro Obiang Nguema Mbasogo không có hành vi sai trái nào. Tuy nhiên, Cảnh sát Pháp cho biết, từ năm 2007 Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo đã sở hữu nhiều ôtô sang trọng với tổng trị giá trên 4 triệu Euro.

Quân đảo chính trên đường phố Conakri guinea - năm 2008. Ảnh: AP.

Những biện pháp phòng ngừa mới

Cách đây hơn 2 năm (tháng 5/2008), một thẩm phán Pháp cho rằng, vụ kiện "tài sản phi pháp" liên quan tới 3 vị tổng thống kể trên sẽ được một tòa án của nước này thụ lý. Mặc dù vụ kiện này đã bị tạm dừng hồi năm ngoái với lý do chưa đủ chứng cứ, nhưng quyết định hôm 8/11 của Tòa Thượng thẩm Pháp đã tái khởi động cuộc điều tra và người ta hy vọng nhiều thông tin mới sẽ được công bố thời gian tới. TI và Sherpa hy vọng, số tiền bị biển thủ, tham nhũng sẽ được phát hiện và hoàn trả cho người dân của 3 quốc gia nói trên.

3 tổng thống kể trên đang bị cơ quan chức năng Pháp điều tra về cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Họ bị cáo buộc đang sở hữu bất minh những tài khoản ở ngân hàng Pháp có liên quan tới hoạt động rửa tiền trị giá hàng trăm triệu euro và nhiều biệt thự sang trọng tại những khu vực dành cho giới thượng lưu ở thủ đô Paris và vùng Riviera của Pháp.

Cậu ấm, cô chiêu của 3 tổng thống kể trên cũng bị phát hiện đã sử dụng những tấm séc bất thường của một số hãng hoặc bên thứ ba để mua những chiếc xe đắt tiền như Mercedes, Aston Martin, Ferrari, Bugattis, Maseratis... TI và Sherpa cho rằng, khoản tiền kể trên từ biển thủ công quỹ mà có - trong khi họ cùng người thân và thuộc hạ sống xa hoa thì người dân của họ tiếp tục phải sống nghèo khổ.

Vì cuộc điều tra nhằm vào các nhân vật đứng đầu quốc gia nên quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Pháp với Congo, Gabon và Guinea Xích đạo đang bị ảnh hưởng. Ngay sau khi Tòa Thượng thẩm Pháp ra quyết định kể trên, đại diện của 3 tổng thống châu Phi đều lên tiếng phản đối. Thậm chí họ còn cho rằng, với tư cách hoạt động xã hội dân sự, TI và Sherpa không có quyền như nguyên đơn kiện 3 tổng thống.

Theo đánh giá của Tổ chức Global Witness (chuyên điều tra và thực hiện các chiến dịch nhằm ngăn chặn xung đột liên quan tới tài nguyên và tham nhũng), quan chức nước ngoài có thể gửi và giao dịch các khoản tiền tham nhũng ở những trung tâm tài chính lớn trên thế giới và Mỹ. Điều này cho thấy, tham nhũng sẽ không thể xảy ra nếu không có sự tiếp tay của các tổ chức tài chính lớn.

Ông Teodorin Nguema Obiang, con trai Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo bị tố cáo đã gửi ít nhất 110 triệu USD tại các ngân hàng ở Mỹ.

Trên trang web của tiểu ban điều tra Thượng viện Mỹ đưa tin, vợ và con trai, con gái của cố Tổng thống Gabon Omar Bongo Ondimba đã nhiều lần chuyển tiền tới ngân hàng Mỹ bằng những hợp đồng khác nhau.

Tại đại hội thường niên ở Qatar (9/11), Interpol đã nhất trí thành lập Trung tâm chống tội phạm mới đặt tại Singapore với tên gọi "Global Complex" dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.