Đằng sau cuộc “thay máu” cộng đồng tình báo Mỹ

Thứ Bảy, 11/04/2020, 13:09
Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và cộng đồng tình báo Mỹ lại bước sang trang mới với việc ông chủ Nhà trắng vừa quyết định sa thải Tổng thanh tra cộng đồng Tình báo Mỹ Michael Atkinson với lý do “không còn niềm tin tuyệt đối với ông này”.

Lần lại toàn bộ lịch sử trong thời gian gần đây có thể nhận thấy, quan hệ giữa tổng thống và cộng đồng tình báo chưa bao giờ có thể coi là “cơm lành canh ngọt”. Vì sao lại xảy ra tình cảnh kéo dài như vậy trong mối quan hệ trên, và điều này có thể gây ra những hệ lụy gì đối với chính sách đối ngoại của nước Mỹ?

Đối đầu căng thẳng

Atkinson là quan chức Mỹ đầu tiên thông báo cho quốc hội về đơn nặc danh, trong đó cáo buộc Tổng thống Donald Trump gây áp lực đòi Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden qua cuộc điện đàm hồi tháng 7 năm ngoái.

Tổng thanh tra cộng đồng tình báo gửi thư tới quốc hội Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái, khẳng định rằng nội dung trong đơn tố cáo nặc danh ông Trump là "khẩn cấp và đáng tin cậy". Quyết định sa thải Atkinson của Tổng thống Trump lập tức vấp phải chỉ trích của các thành viên đảng Dân chủ. Chủ tịch tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff phản đối kịch liệt.

Tổng thanh tra cộng đồng Tình báo Mỹ Michael Atkinson, người mới bị sa thải.

Thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ thì cho rằng đây là hành động "phá hoại sự toàn vẹn của cộng đồng tình báo".

Trước đó, việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái ám sát tướng Qasem Soleimani của Iran đã cho thấy, sự bất đồng giữa các cơ quan mật vụ Mỹ với Tổng thống Donald Trunp về các vấn đề đánh giá những mối đe dọa từ bên ngoài vẫn là yếu tố chủ chốt trong quan hệ giữa Tổng thống với toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ.

Ngay sau những tuyên bố đầy vẻ phấn khích của ông Trump về cái gọi là “tiêu diệt nhân vật khủng bố số 1 của Iran” là hàng loạt những ý kiến đánh giá mang sắc thái thận trọng và hoài nghi từ hàng loạt các quan chức, chuyên gia hàng đầu trong giới chức tình báo Mỹ.

Ngay sau vụ ám sát, người lên tiếng phản ứng đầu tiên là nhân vật đầy uy tín trong cộng đồng tình báo Michael Morell, cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đồng thời là một nhà phân tích tình báo chuyên nghiệp. Theo ông Morell, hành động trên sẽ dẫn tới sự đáp trả khó có thể lường trước từ phía Iran, không loại trừ khả năng sẽ nhằm vào cả quan chức cấp cao của Mỹ.

Theo số liệu từ báo chí Mỹ được tờ The New York Times, những người ủng hộ và thúc giục ông Trump phê chuẩn chiến dịch trên không phải là giới quân sự hay tình báo, mà là những cố vấn chính trị của ông – như Phó tổng thống Mike Pence, cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Ngoại trưởng Mike Pompeo. Theo ý kiến của giới tình báo, những người có nguy cơ phải hứng chịu đòn trả đũa của Tehran không phải là các cố vấn của Trump, mà là những quân nhân, quan chức ngoại giao hay dân thường Mỹ ở nước ngoài.

Nếu nhìn lại quá khứ, đương kim tổng thống Mỹ đã nhiều lần công khai lên tiếng chỉ trích cộng đồng tình báo Mỹ. Chẳng hạn như ông Trump khẳng định, bộ máy của Giám đốc tình báo quốc gia DNI (được thành lập sau vụ khủng bố 11/9/2001) và những cải cách sau đó đối với các cơ quan mật vụ Mỹ thực chất chỉ là “một bộ phận trung gian quan liêu không cần thiết”.

Cần biết là vào thời điểm hiện tại, nhân vật chủ chốt trong cộng đồng tình báo Mỹ chính là chiếc ghế Giám đốc tình báo quốc gia, người có đặc quyền phối hợp hoạt động của 17 cơ quan tình báo khác nhau của Mỹ, trong đó có cả những gã khổng lồ như CIA và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).

Trong thời gian vừa qua, DNI đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía ông Trump sau khi ông giành thắng lợi trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và tiếp đến được Thượng viện tuyên bố “trắng án” trong cuộc điều tra luận tội.

Hiện tại, chiếc ghế giám đốc DNI đang thuộc về Richard Grenell, được Tổng thống Trump đưa lên từ ngày 20-2-2020 thay cho Joseph Maguire. Quyết định bổ nhiệm ông Grenell của Tổng thống đã gây “mất lòng” cộng đồng tình báo Mỹ, bởi họ cho rằng ông này ngoài việc là một nhân vật thân cận với tổng thống nhưng lại không có kinh nghiệm liên quan đến tình báo.

Cần nhớ là Joseph Maguire cũng mới chỉ đảm nhiệm chiếc ghế DNI từ ngày 16-8-2019, sau khi người tiền nhiệm Dan Coats tuyên bố từ chức. Trong lá đơn xin từ chức của mình, ông Coats đã nhận định, các cơ quan mật vụ dưới sự lãnh đạo của ông đã hoạt động hiệu quả hơn bao giờ hết. Điều này khiến công luận đặt câu hỏi, vì sao người đứng đầu cộng đồng tình báo lại từ chức, trong khi hiệu quả hoạt động của các cơ quan mật vụ lại được cải thiện? Nguyên nhân của nghịch lý trên thực ra rất đơn giản: những bất đồng nghiêm trọng của Coats với Tổng thống về một loạt các vấn đề trong chính sách đối ngoại.

Như vào năm 2018, Coats từng công khai rằng, Tổng thống Trump không chia sẻ thông tin với ông về việc tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Helsinki. Về mặt nguyên tắc, Coats cũng không đồng ý với chính sách của ông Trump đối với CHDCND Triều Tiên. Tháng Giêng năm 2018, khi ra điều trần trước quốc hội, Coats đã có những ý kiến trái ngược với tuyên bố của Tổng thống trước đó cho rằng CHDCND Triều Tiên không còn là mối đe dọa đối với nước Mỹ. Cũng vì hàng loạt những bất đồng mang tính nguyên tắc trên, ông Coats không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đệ đơn từ chức.

Ngay sau khi Coats từ chức, ông Trump còn “tiện tay” đẩy mạnh việc thay đổi một loạt nhân sự khác, đồng thời thay thế những nhân vật thân cận mới nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong cộng đồng tình báo Mỹ. Họ bao gồm Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách mảng chống khủng bố và tình báo tài chính Sigal Mandelker và người đứng đầu Văn phòng kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài (OFAC – cơ quan chuyên đưa ra các biện pháp cấm vận chống lại các cá nhân và công ty nước ngoài) John Smith, thay vào đó bằng bà Andrea Gacki. Dưới thời của Smith trước đó, vai trò của OFAC đã có những hoạt động nổi bật, khi cơ quan này là nơi đưa ra các biện pháp cấm vận chống lại Nga, Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên.

Tính ra chỉ trong 3 năm đầu tiên cầm quyền, ông Trump với nhiều nguyên nhân tương tự đã sa thải và thay thế hơn 10 nhà lãnh đạo hàng đầu trong các cơ quan tình báo quốc gia; trong đó đáng chú ý có giám đốc DNI, hai giám đốc CIA, hai giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI), 3 cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống… Đây được coi là chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử mối quan hệ giữa cơ quan mật vụ với các tổng thống Mỹ.

Cũng dễ nhận ra rằng, phần lớn những vụ bê bối chính trị trong nội bộ mà ông Trump dính dáng vào đều có vai trò tích cực của các quan chức CIA hay những cơ quan mật vụ khác.

Như cựu sĩ quan tình báo quân đội Jason Kander từng công khai ủng hộ việc phế truất Tổng thống Trump vì lý do Tổng thống “tích cực vận động cho những lợi ích đối ngoại của Moscow”? Kander – người từng nắm chiếc ghế ngoại trưởng và hạ nghị sĩ của bang Missouri – quả quyết ông Trump đã đi ngược lại với quyền lợi của Washington để ủng hộ cho Nga trong các vấn đề liên quan đến Syria và Ukraina.

Còn bản thân ông Trump về phần mình đã tuyên bố trên Twitter rằng, những kẻ ngu ngốc và căm thù nước Nga không thể hiểu được rằng, việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chính là con đường tốt đối với nước Mỹ.

Đỉnh điểm của cuộc đối đầu gay gắt trên chắc chắn là thủ tục nhằm phế truất tổng thống của AdamSchiff, người đứng đầu Ủy ban đặc biệt về tình báo của Hạ viện, hành động được người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích gay gắt là “những trò lừa đảo và gian dối”.

Đâu là nguyên nhân?

Vào năm 2018, Giám đốc CIA Gina Haspel, giám đốc FBI Christopher Wray và giám đốc DNI Dan Coats trình bày trước Thượng viện một bản báo cáo về những mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ - nội dung chủ yếu là những vấn đề liên quan đến Iran, CHDCND Triều Tiên và Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS).

Sau khi nghe báo cáo từ những nhà lãnh đạo hàng đầu của tình báo Mỹ, người ta mới “ngã ngửa” ra rằng, chúng có nội dung gần như hoàn toàn mâu thuẫn với những tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump.

Nếu như người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố về chiến thắng hoàn toàn trước IS tại Syria và Iraq thì báo cáo của tình báo lại khẳng định lực lượng khủng bố tại đây vẫn còn không ít.

Chỉ trong 3 năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã sa thải hơn chục nhà lãnh đạo của các cơ quan mật vụ Mỹ.

Còn Iran – quốc gia bị ông Trump buộc tội đã vi phạm các điều kiện về thỏa thuận hạt nhân – lại được khẳng định trong báo cáo đang hoàn toàn tuân theo các thỏa thuận quốc tế đã ký trước đó. Nhận định trên còn được minh chứng bằng những số liệu từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và đánh giá từ nguyên thủ một số quốc gia trong EU.

Theo đánh giá của DNI, Iran hoàn toàn không có khả năng khôi phục tiến trình sản xuất vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn. Nếu ông Trump cho biết Triều Tiên đang tích cực giải trừ quân bị, thì báo cáo lại khẳng định xu hướng ngược lại, đồng thời nhận định Bình Nhưỡng sẽ không phá bỏ các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tất nhiên nội dung của báo cáo đã khiến ông Trump phải nổi xung, nhất là những dữ liệu liên quan đến Iran. Ông gọi kết luận của 3 cơ quan mật vụ là không chính xác, đồng thời khuyên họ nên về trường học lại. Những phát biểu của ông Trump tất nhiên đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực, không chỉ trong cộng đồng tình báo mà cả trong dư luận nước Mỹ.

“Tổng thống đang có thói quen nguy hiểm là làm mất uy tín cộng đồng tình báo…” - Phó chủ tịch ủy ban tình báo thượng viện Mark Warner phát biểu – “Trong lúc nhiều người đang mạo hiểm cuộc sống của mình để hoạt động tình báo, ông ấy lại coi thường chuyện này”.

Theo các chuyên gia, sự bất đồng của giới lãnh đạo tình báo với Tổng thống bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Yếu tố hàng đầu được tính đến là mức độ tiếp cận thông tin.

Nếu như tình báo Mỹ có rất nhiều thông tin, thì bản thân Tổng thống không thể nhận được tất cả những dữ liệu này. Những dữ liệu của cơ quan tình báo trình lên tổng thống nhiều khi không hoàn toàn chuẩn xác. CIA hoàn toàn có thể che giấu những sự kiện trên thực tế để phục vụ cho lợi ích của mình. Còn nhớ mâu thuẫn giữa ông Trump và tình báo Mỹ bắt nguồn ngay từ thời điểm tranh cử tổng thống.

Tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Nga được giới mật vụ nhìn nhận như một nguy cơ. Đơn giản là việc gạch Nga khỏi danh sách những mối đe dọa tiềm tàng sẽ khiến tình báo mất đi những khoản ngân sách lớn hàng năm.

Cuộc đối đầu sẽ đi đến đâu?

Ngay sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng, ông Trump trên thực tế đã bước vào một cuộc chiến với giới chính trị gia kỳ cựu, tất nhiên trong đó có cả cộng đồng tình báo. Nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng, ưu thế lâu dài dù trong bất cứ trường hợp nào vẫn thuộc về phe tình báo. Đây là bộ máy khổng lồ sở hữu những nguồn tài nguyên lớn, trong đó cả về tài chính, tổ chức và thông tin.

Đối sách duy nhất và phổ biến nhất của ông Trump cho đến lúc này vẫn là đặt những người thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt của cơ quan tình báo.

Nhưng đây là một tiến trình dài hơi kèm theo nhiều rủi ro. Mỗi một nhà lãnh đạo bị sa thải sẽ là một đối thủ tiềm tàng đối với ông Trump trong tương lai. Chưa kể nếu bị “ép quá”, phía tình báo sẽ có những phản ứng tiêu cực hơn mà chưa ai dám dự đoán kết quả.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.