Đằng sau vụ án gián điệp Ariel Weinmann

Thứ Tư, 30/08/2006, 08:30
Ngày 9/8/2006, báo chí thế giới rộ lên việc mật vụ Mỹ vừa bắt giữ nhân viên hải quân, 21 tuổi, Ariel Weinmann vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho nước ngoài. Tờ báo Al-Watan của Arập Xêút ngay lập tức còn quả quyết kẻ bị bắt giữ có nguồn gốc từ Israel.

Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo nhân viên tàu ngầm, Ariel Weinmann được điều động về phục vụ tại tàu ngầm USS Albuquerque của Hải quân Mỹ, nơi anh ta đảm trách vai trò nhân viên kỹ thuật phụ trách điều khiển bắn.

Theo các nguồn tin thân cận với Cơ quan điều tra, Weinmann đã sao chép vào chiếc máy tính xách tay rất nhiều thông tin mật quan trọng liên quan đến trang bị của chiếc tàu này, đặc biệt là các chi tiết kỹ thuật của loại tên lửa Tomahawk. Với một mục đích rất rõ ràng, Weinmann đã tìm đủ mọi cách để bán những bí mật mà anh ta khai thác được cho tình báo nước ngoài.

Những số liệu điều tra cho thấy, “phi vụ” đầu tiên của Weinmann diễn ra tại Bahrain vào tháng 3/2005. Đến ngày 3/7/2005, Weinmann đã đào ngũ và lẩn trốn trong suốt 8 tháng cùng với chiếc máy tính xách tay chứa các thông tin mật lấy từ tàu ngầm. Hồ sơ được Mỹ tiết lộ cho biết, Weinmann đã có hai cuộc tiếp xúc với “các đại diện của một số cơ quan tình báo nước ngoài” tại Vienna (tháng 10/2005) và Mexico (tháng 3/2006). Chỉ vài ngày sau, Weinmann tìm cách quay trở về Mỹ và bị các nhân viên Cơ quan nhập cư bắt giữ tại sân bay quốc tế Dallas.

Từ thời điểm này, vụ án gián điệp Weinmann bắt đầu xuất hiện rất nhiều điểm mâu thuẫn đáng ngờ. Những tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ án gián điệp trên lại không phải là từ nước Mỹ, mà lại là hai tờ Jerusalem Post của Israel và Al-Watan của Arập Xêút. Cả hai đều có thông tin khẳng định, Weinmann là điệp viên hoạt động cho Israel. Nếu như thông tin trên được kiểm chứng, đây sẽ là một đòn giáng nặng nề vào quan hệ Mỹ - Israel vào đúng thời điểm kịch tính đối với Tel-Aviv trong cuộc chiến Liban.

Chính phủ Israel đã chính thức phản ứng trước thông tin trên khi kịch liệt phủ nhận về một hoạt động gián điệp chống lại đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, lại xuất hiện thêm một giả thuyết không kém phần kịch tính. Báo chí Mỹ (đầu tiên là Hãng tin CNN) tung ra một thông tin cho rằng, Thượng sĩ hải quân Weinmann là điệp viên của Moskva (?!).

Ông Robert Weinmann cha của Ariel Weinmann thì quả quyết, con mình đã đào ngũ bởi một lý do đơn giản là mắc chứng bệnh ảo tưởng. Diễn biến hoạt động của Weinmann theo như hồ sơ cũng có nhiều điểm gây ngạc nhiên. Sau khi chạy trốn khỏi tàu ngầm với chiếc máy tính xách tay (đáng lý ra chỉ cần một thiết bị lưu dữ liệu), Weinmann đã tới Vienna để gặp gỡ các điệp viên nước ngoài, sống cố định tại một căn hộ, thường xuyên thư từ qua lại với các thành viên trong gia đình, thậm chí theo như ông Robert, còn nhận được cả bưu kiện và quà nhân dịp giáng sinh.

Đến cuối mùa đông, kẻ đang bị truy nã vì tội đào ngũ, trộm cắp và hoạt động gián điệp này lại dễ dàng tới Mexico để hoàn tất giai đoạn phạm tội cuối của mình. Hơn nữa, Weinmann rõ ràng là khờ khạo tới mức công khai bay tới Dallas để nộp mình cho các nhân viên phản gián. Ngay sau vụ bắt giữ này, các cơ quan mật vụ Mỹ đã im lặng suốt 4 tháng trời, trước khi tiết lộ cho báo chí một loạt những thông tin đáng ngờ trên.

Một số nhà quan sát đã đưa ra một giả thuyết không phải là không có lý liên quan đến những chi tiết bất hợp lý trên: Ariel Weinmann là một "diễn viên" bất đắc dĩ trong một “vở kịch gián điệp” được dàn dựng vụng về. Rất có thể tình báo Mỹ đã sắp đặt cho các nhân viên của mình đóng giả “đại diện tình báo nước ngoài” để đưa Weinmann vào bẫy. Thế là từ một kẻ đào ngũ đơn thuần, Weinmann đã trở thành một tên phản bội nguy hiểm, có khả năng phải ra tòa án binh và nhận bản án tử hình.

Liệu đây có phải là trò sắp đặt của các cơ quan mật vụ Mỹ, từ lâu đã không vạch mặt được một điệp viên cỡ bự kiểu như Aldrich Ames? Ariel Weinmann hiện đang được giam giữ trong điều kiện cách ly hoàn toàn tại một căn cứ của Hải quân Mỹ ở Norfolk (bang Virginia). Nhiều người đang nóng lòng chờ đợi phiên tòa xét xử Weinmann để có thể phần nào làm rõ động cơ thực sự đằng sau vụ án này

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.