Đảo quốc Bahamas bị biến thành vật thí nghiệm chương trình nghe lén

Thứ Sáu, 27/06/2014, 10:55

Theo tiết lộ mới của người tố giác Edward Snowden, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bí mật đánh chặn tín hiệu viễn thông, ghi âm và lưu giữ âm thanh của hầu hết mọi cuộc giao tiếp qua điện thoại di động ở đảo quốc Bahamas với hệ thống tuyệt mật - có tên mã là SOMALGET - mà không hề có sự chấp thuận từ phía chính quyền nước này.

Theo tài liệu do Edward Snowden cung cấp, NSA hợp tác với Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) để mở "cửa sau" đối với mạng viễn thông của Bahamas nhằm lưu giữ nội dung mọi cuộc gọi trong vòng 1 tháng.

Được biết, SOLMAGET cũng là một phần trong chương trình gián điệp quy mô hơn gọi là MYSTIC với mục đích giám sát các hệ thống viễn thông của Bahamas và vài quốc gia khác - bao gồm Mexico, Philippines và Kenya (và một quốc gia khác không được nêu tên). Trong khi MYSTIC khai thác các mạng di động để thu thập "siêu dữ liệu - thông tin tiết lộ thời gian, nguồn và đích của các cuộc gọi - thì SOMALGET là công cụ hữu hiệu cho phép NSA thu gom và lưu giữ nội dung mỗi cuộc giao tiếp điện thoại di động của cả một quốc gia.

Hệ thống SOMALGET được triển khai tại đảo quốc nhỏ bé Bahamas nhằm giám sát "bọn tội phạm ma túy quốc tế và các nhóm buôn lậu nước ngoài đặc biệt" vốn không liên quan gì đến các âm mưu khủng bố. Trong báo cáo về tội phạm và an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm 2013, Bahamas được đánh giá là quốc gia có nền dân chủ ổn định và hoàn toàn không có sự bất ổn chính trị hay mối đe dọa khủng bố nào trong đảo quốc này.

Theo số liệu thống kê, gần 5 triệu người Mỹ du lịch sang Bahamas mỗi năm và nhiều nhân vật quan trọng của Mỹ cũng có nhà cửa ở đảo quốc này, như là Thượng nghị sĩ Tom Harkin, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates và “Nữ hoàng Talk Show” nổi tiếng Oprah Winfrey.

Bên trong trụ sở NSA ở Fort Meade, bang Maryland.

Với hệ thống nghe lén SOMALGET, NSA đã làm xấu đi mối quan hệ hợp tác thực thi luật pháp quốc tế mà Mỹ cam kết với các đồng minh - theo đánh giá của nhà khoa học Michael German, thuộc Trung tâm Tư pháp Brennan, Đại học New York và là người từng trải qua 16 năm phục vụ ở Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Theo một tài liệu của NSA, SOMALGET được triển khai để giám sát toàn bộ mạng viễn thông của Bahamas và có khả năng xử lý trên 100 triệu cuộc gọi điện thoại mỗi ngày. Các khả năng ưu việt của SOMALGET được mô tả chi tiết trong một tài liệu tháng 5-2012 được soạn thảo bởi một chuyên gia trong Ban Ma túy và tội phạm quốc tế (ICN) của NSA.

Dữ liệu SOMALGET được thu thập bí mật nhờ sự giúp sức từ phía DEA - có thể yêu cầu nghe lén các mạng điện thoại nước ngoài thông qua chương trình hợp tác thực thi luật pháp quốc tế. Khi cần nghe lén điện thoại của một trùm ma túy tại một quốc gia khác, DEA sẽ gọi điện đến đối tác và yêu cầu thiết lập một hệ thống đánh chặn tín hiệu viễn thông.

Một tài liệu năm 2012 của NSA về Somalget.

Để thuận lợi cho việc nghe lén như thế, nhiều quốc gia đồng minh với Mỹ - bao gồm Bahamas - phải thuê các nhà thầu tư nhân lắp đặt và điều hành thiết bị đánh chặn tín hiệu hợp pháp như thế. Với SOMALGET, NSA lợi dụng các nhà thầu này để bí mật triển khai chương trình "tình báo tín hiệu - SIGINT" và thu thập thông tin về mọi cuộc gọi di động ở quốc gia khác trong khi không có sự cảnh báo nào với chính quyền nước này.

Christopher Soghoian, chuyên gia công nghệ của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), gọi các thiết bị đánh chặn tín hiệu hợp pháp này là "những con ngựa gỗ thành Troy", và ông cảnh báo "các quốc gia chủ nhà nên suy nghĩ 2 lần trước khi chấp thuận chúng".

Từ lâu, DEA đã giúp đỡ NSA tạo ra các "cửa sau" đối với các mạng điện thoại nước ngoài và ngược lại, NSA cũng hỗ trợ mạnh mẽ các chiến dịch tình báo của riêng DEA trong suốt nhiều năm. Với hơn 80 văn phòng quốc tế, DEA thực sự là một trong các cơ quan chính quyền Mỹ được triển khai rộng rãi nhất trên toàn cầu và trở thành công cụ gián điệp đắc lực cho NSA.

Cựu đặc vụ DEA Finn Selander cho biết: "Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ có ma túy. Chúng tôi còn thu thập thông tin tình báo. Trong các báo cáo của chúng tôi, có thông tin về ma túy và cũng có những thông tin không liên quan đến ma túy. Do đó, các quốc gia cho phép chúng tôi hoạt động bởi vì họ thật tình không coi chúng tôi như là một tổ chức gián điệp".

Luật về các thiết bị nghe lén của Bahamas (LDA) đòi hỏi mọi cuộc nghe lén đều phải có sự cho phép bằng văn bản của Bộ trưởng An ninh quốc gia hay lãnh đạo cảnh sát và có sự tham vấn với Bộ trưởng Tư pháp nước này. Các cá nhân mục tiêu cũng phải được nêu tên rõ ràng. Tại sao NSA chọn công cụ mạnh mẽ như SOMALGET để chống lại Bahamas, đảo quốc nhỏ bé với dân số chỉ hơn 400.000 người và không hề đặt ra mối đe dọa nào cho nước Mỹ.

Câu trả lời hợp lý có lẽ là NSA coi Bahamas như "vật thí nghiệm" nhằm cải tiến cũng như sửa chữa công cụ gián điệp mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ở những quốc gia khác

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.