Đi tìm nguyên nhân của những vụ tai nạn hàng không xảy ra gần đây

Thứ Hai, 29/08/2005, 10:44

Chưa bao giờ mật độ tai nạn hàng không thế giới lại dày đặc như trong thời gian gần đây. Nếu tính cả vận chuyển hàng không dân sự lẫn quân sự thì chỉ trong vòng nửa đầu tháng 8 này đã có đến 6 vụ tai nạn máy bay làm chết gần 400 sinh mạng, bao gồm cả các quan chức cấp cao.

Mở màn chuỗi “vận đen” của hàng không dân sự thế giới là chiếc máy bay của Hãng Hàng không Air France chở theo 309 hành khách trượt khỏi đường băng khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Toronto, Canada và bùng cháy hôm 2/8, nhưng thật may không có nạn nhân bị tử vong. 4 ngày sau đó, một chiếc máy bay của Hãng Hàng không Tunisia đã lao xuống vùng biển ngoài khơi Sicilia khi đang trên đường tới Tunisia làm 13 người chết.

Ngày 14/8, một máy bay chở khách của đảo Síp đã gặp nạn tại Hy Lạp khiến toàn bộ 121 hành khách trên máy bay thiệt mạng. Chưa đầy 48 giờ sau, chiếc máy bay của Hãng Hàng không Tây Caribbean rơi tại Venezuela khiến toàn bộ 160 người thiệt mạng. Cũng trong ngày 16/8, một máy bay quân sự của Tây Ban Nha chở theo 17 binh lính gặp nạn tại nam thành phố Heart, Afghanistan, không một ai còn sống sót. Trước đó, hôm 30/7, Phó tổng thống Sudan John Garang cùng 5 quan chức khác cũng đã tử nạn trên chiếc máy bay đang trên đường trở về Khartoum sau một cuộc hội đàm ở Uganda.

Trong số các vụ tai nạn máy bay kể trên, thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng là tai nạn tại Hy Lạp ngày 14/8 và tại Venezuela ngày 16/8. Riêng số nạn nhân của hai vụ tai nạn này đã lên đến 281 người. Trước khi có thể rút ra được điều gì đó từ những tai nạn trên, cần điểm lại diễn biến của 2 vụ tai nạn thảm khốc nhất.

12 giờ 5 phút theo giờ địa phương ngày 14/8, chiếc Boeing 737 của Hãng Hàng không Helios thuộc đảo Síp mang số hiệu 522 đã rơi ở Grammatiko, cách Athens 40km về hướng bắc, làm chết 121 người gồm cả hành khách và đội bay. Theo các quan chức Hy Lạp, nguyên nhân của vụ tai nạn này là do hệ điều hòa không khí cùng bộ ổn định áp suất trên máy bay bị hỏng khiến lượng oxy trong khoang thiếu trầm trọng và số người trên máy bay bị ngất kể cả tổ lái.

Bằng chứng được phía Hy Lạp đưa ra là: Thứ nhất, khi bay vào không phận của Hy Lạp, chiếc máy bay Boeing 737 trên đã không liên lạc được với giới chức nước này. Do vậy, họ sợ đó là máy bay đã bị không tặc khống chế để khủng bố, lập tức họ cử 2 máy bay chiến đấu F-16 lên để kiểm tra. Nhưng phi công Hy Lạp nhìn qua buồng lái chiếc Boeing 737 thì thấy tổ lái như gục đầu ngủ. Thứ hai, một số xác nạn nhân khi được tìm thấy vẫn còn đeo mặt nạ dưỡng khí. Thứ ba, nhiều nhân chứng nghe điện thoại của người thân gọi từ chiếc máy bay lâm nạn kia đều khẳng định họ thiếu oxy và mọi người xung quanh đều bị ngất, có người đã chết. Tất cả những lý do trên dẫn các nhà điều tra tới kết luận rằng số người trên chiếc Boeing 737 tai nạn tại Hy Lạp đã chết do thiếu oxy trước khi máy bay nổ. Tuy nhiên, tin tức mới nhất (18/8) về cuộc điều tra từ Chính phủ Hy Lạp cho thấy, nguyên nhân của tai nạn trên là do máy bay cạn hết nhiên liệu.

Trong khi hai hộp đen được tìm thấy từ xác của chiếc máy bay Boeing 737 tai nạn tại Hy Lạp đang được giải mã tại Paris, Pháp, thì rạng sáng ngày 16/8, một máy bay mang mã hiệu MD-82 của Hãng Hàng không Tây Caribbean rơi tại Venezuela đang trên đường từ Panama đến đảo Martinique khiến toàn bộ 160 người thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn này cho đến nay được khẳng định là do trục trặc kỹ thuật.

Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Jesse Chacon cho biết, phi công trên chiếc MD-82 đã xin phép bay vào không phận nước này để đáp khẩn cấp xuống sân bay Maracaibo do một động cơ phản lực bị hỏng. Vài phút sau, cũng viên phi công này thông báo, động cơ còn lại bị hỏng nốt và chiếc máy bay đang rơi tự do với gia tốc 2.000m/phút. Cuối cùng, chiếc máy bay đâm sầm xuống vùng núi gần thị trấn Machiques, cách Caracas 836km về phía tây. Nhiều chuyên gia hàng không nhận định rằng, nguyên nhân của sự cố về động cơ có thể do nhiên liệu bị ô nhiễm hoặc bảo dưỡng kém chất lượng.

Điều lấy làm lạ là trong cả hai trường hợp tai nạn kinh hoàng trên, phía công ty hàng không đều khẳng định công tác kiểm tra kỹ thuật máy bay trước khi cất cánh đã được tiến hành rất kỹ.

Ngày 15/8, khi bị các nhà chức trách tố cáo sự tắc trách trong công tác kiểm tra kỹ thuật, Hãng Hàng không Helios một mực từ chối lý do hỏng hóc kỹ thuật vì họ có bằng chứng cho thấy chiếc máy bay vừa được bảo dưỡng. Còn trong trường hợp của chiếc MD-82 thì theo Bộ trưởng Vận tải Pháp Dominique Perben, chiếc máy bay này đã được chính tay các quan chức của Pháp tại Martinique kiểm tra hai lần và không phát hiện bất cứ một dấu hiệu không an toàn nào. Giám đốc tạm quyền Trung tâm Hàng không dân dụng Martinique Raymond Dupont  còn khẳng định, yếu tố kỹ thuật không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn cho MD-82. Như vậy, nếu không phải lý do kỹ thuật thì do đâu hai chiếc máy bay trên bị lâm nạn?

Theo Jean Pariès, Phó giám đốc Văn phòng Điều tra và Phân tích an ninh Hàng không dân dụng Pháp, những tai nạn đáng tiếc trên có lẽ là hậu quả của sự bùng nổ hàng không giá rẻ. Ông Pariès cho biết, các hãng hàng không tư nhân trên đa phần mua lại các loại máy bay đã qua sử dụng, mặt khác để tiết kiệm chi phí, hạ giá vé, các hãng này luôn thực hiện các chiến lược “thắt lưng buộc bụng” trong mọi khâu kể cả việc bảo dưỡng, duy tu và sửa chữa máy bay. Hơn nữa do thiếu kinh phí cho đào tạo đội ngũ phi công, họ thường đi thuê phi công ở ngoài thuộc đủ mọi thành phần, không đảm bảo được khả năng điều hành tốt một chuyến bay bằng những người có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản.

Còn theo ông Noel Chevrier, Giám đốc Trung tâm Chống căng thẳng hàng không thuộc Hãng Air France, những vụ tai nạn gần đây đang tạo tâm lý lo sợ đi máy bay trong người dân. Nạn nhân đầu tiên của tình trạng này là chính hai hãng hàng không vừa có máy bay gặp nạn trên. Ông Chevrier tỏ ra lo ngại hơn vì rất có thể tâm lý trên của khách hàng sẽ tác động tới toàn bộ các hãng hàng không trên thế giới chứ không gì riêng các hãng hàng không giá rẻ.

Mặt khác, các vụ tai nạn trên đang đặt ra cho các nhà chức trách hàng không thế giới vấn đề về chuẩn kiểm tra an toàn hàng không. Được biết, hiện chỉ có 188 nước thuộc Tổ chức hàng không dân sự quốc tế (được thành lập năm 1947) tuân thủ theo chuẩn an toàn chung của tổ chức. Tuy nhiên, châu Âu lại có những chuẩn riêng của họ. Hiệp hội châu Âu về hàng không dân sự đề ra những tiêu chuẩn an toàn trong việc cung cấp chứng chỉ cho các loại máy bay, các nguyên tắc hoạt động và cấp bằng lái máy bay. Chưa hết, đầu năm 2004, Chính phủ Pháp công bố họ áp dụng một chuẩn an toàn hàng không mới gọi là “chuẩn Xanh”. Chuẩn này chỉ cấp cho các hãng hàng không có độ an toàn cao nhất. Trong khi đó, Mỹ và Anh, ngoài áp dụng chuẩn an toàn hàng không quốc tế, họ còn có những yêu cầu riêng cho các hãng máy bay nào muốn mở đường bay tới nước họ. Nhìn chung, chuẩn về an toàn hàng không thế giới hiện rối như canh hẹ. Điều này giải thích phần nào cho tình trạng tai nạn máy bay ngày càng tăng trong thời gian gần đây

Nguyễn Phương (tổng hợp)
.
.