Đi tìm nguyên nhân của thảm kịch khinh khí cầu Hindenburg

Chủ Nhật, 12/02/2017, 22:00
Ngày 6-5-1937, chiếc khinh khí cầu Hindenburg nổ tung khi sắp đáp xuống căn cứ không quân Lakehurst gần New York. Sự cố bi thảm này làm chết 36 người. Vụ nổ của một trong những cỗ máy thương mại xuyên Đại Tây Dương đầu tiên đó là kết quả của một sơ suất trong chế tạo hay một sự phá hoại ?

Vào tháng 5-1937, chiếc khinh khí cầu Hindenburg đã vượt Đại Tây Dương 20 lần mà không có trục trặc gì. Chiếc khí cầu sang trọng này quả thật là một sự canh tân. Thật vậy, nó đã khai trương phương cách vận chuyển hành khách bằng khinh khí cầu. Được chế tạo bởi các kỹ sư Đức quốc xã, chiếc khinh khí cầu này là "nhãn mác" của tài năng Đức. Tờ "The Independent" bình luận: "Khinh khí cầu Hindenburg có thể được xem là chiếc máy bay Concorde của thời trước, có thể vượt Đại Tây Dương trong 3 ngày, nhanh gấp đôi so với đi tàu". 

Khinh khí cầu Hindenburg đang bay trên New York.

Ngày xảy ra tai nạn, chiếc khinh khí cầu chở theo 97 người đi từ Francfort đến Mỹ. Dài 248m và đường kính lớn nhất 41m, khinh khí cầu có thể chứa 190.000m3 khí hydro và mang theo 4 động cơ diesel có vận tốc tối đa 135km/giờ. Trong chuyến vượt Đại Tây Dương kéo dài 3 ngày, hành khách có thể đọc sách trong thư viện, dùng bữa trong một nhà hàng nhỏ sang trọng hay nghỉ ngơi tại phòng khách lộng lẫy.

Chuyến hành trình diễn ra êm xuôi cho đến ngày 6-5-1937, lúc chiếc khí cầu đến New Jersey. Một cơn bão khiến nó không thể hạ cánh, do vậy chiếc Hindenburg phải ở trên không vài giờ. Sau đó thời tiết tốt dần để nó có thể thử hạ cánh. Khi đến đúng điểm hạ cánh, các phi công thả dây neo để nó hạ từ độ cao 60m xuống đến đất. Hành khách bắt đầu thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi xuống. Đột nhiên một làn khói nhỏ xuất hiện ở phía sau chiếc khinh khí cầu, sau đó khói dày đặc hơn. Ngay lập tức khí cầu bốc cháy ngùn ngụt. Nhiều hành khách nhảy xuống và chết trên đường băng. Những người khác bị chết cháy bên trong khí cầu, số khác chết vì bị khí cầu đè bẹp.

3 ủy ban điều tra đã được thành lập nhằm xác định nguyên nhân thảm họa. Người ta đưa ra kết luận là một tia lửa đã làm cháy khí hydro nhưng lại không nói rõ nguồn gốc của tia lửa hay chỗ rò rỉ. Vào thời kỳ đó, cả chính quyền Đức cũng như Mỹ đều không muốn điều tra về một sự phá hoại vì sợ sẽ gây ra một rắc rối ngoại giao. Thế nhưng vài năm sau chính người Đức đã nêu ra giả thuyết đó, lập luận rằng phía Mỹ muốn làm hoen ố hình ảnh của chế độ quốc xã nhưng họ không thể đưa ra được bằng chứng nào. Thảm kịch này đã kết thúc việc vận chuyển hành khách bằng khinh khí cầu.

Cho đến năm 1997, chuyên gia về khí hydrô Addison Bain và một nhóm nghiên cứu của cơ quan NASA lại quan tâm đến thảm kịch. Họ khẳng định rằng khí hydrô không phải là nguyên nhân. Trước tiên, ngọn lửa trùm lên khinh khí cầu có màu đỏ rực trong khi khí hydrô không tạo ra ngọn lửa nhìn thấy được. Kế đến, không có nhân chứng nào nói đến mùi tỏi cay nồng hòa vào với hydrô để giúp phát hiện khi có rò rỉ.

Các điều kiện thời tiết có thể giải thích cho tai nạn. Cơn bão đã khiến khí cầu không thể hạ cánh có chứa một điện tích lớn, và những tia sét ngang dọc trên bầu trời quanh khí cầu. Addison Bain cũng lấy được 2 mẫu vải bọc khí cầu, giống như thứ đã được dùng để chế tạo Hindenburg.

Những thực nghiệm cho thấy để chắc chắn hơn, vỏ của khinh khí cầu được gia cố bằng một hợp chất gốc nitrate có trong thành phần của thuốc súng. Bên trên lớp sơn dễ nổ đó lại có thêm 1 lớp bột nhôm thường dùng để đẩy tên lửa. Những phần khác của thân được kết nối bằng các khung gỗ phủ sơn dễ cháy.

Chiếc Hindenburg bốc cháy.

Để xác minh cho giả thuyết của mình, Addison Bain cho các mẫu vật chịu những điều kiện thời tiết giống như ngày 6-5-1937. Các mẫu vật lập tức bốc cháy. Nhà nghiên cứu đã tạm đưa ra kết luận: "Triết lý của lịch sử là không nên sơn khinh khí cầu bằng nhiên liệu dùng cho tên lửa".

Đến năm 2013, kỹ sư hàng không Anh Jem Stansfield và các đồng nghiệp nghiên cứu lại thảm họa và nhận thấy rằng chiếc khinh khí cầu đã bị tích tĩnh điện khi đi qua cơn bão, đồng thời có lẽ 1 ống dẫn khí đã bị thủng, đó có thể là nguyên nhân rò rỉ trong những ống thông gió. Khi nhân viên dưới đất nắm lấy các dây neo, họ đã khiến khí cầu tiếp xúc với mặt đất và ngọn lửa đã bùng ra ở phía sau khí cầu, đốt cháy khí hydrô. Khám phá này đã dẹp tan mọi nghi ngờ về phá hoại hoặc do tính chất dễ cháy nổ của lớp sơn.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.