Điệp viên Afghanistan từng có kế hoạch ám sát Osama bin Landen

Thứ Hai, 17/09/2012, 10:25

Theo tiết lộ của cựu điệp viên Ba Lan Alexander Makowski, vào năm 1999 - tức 2 năm trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ giết chết gần 3.000 người - một nhóm điệp viên Afghanistan trung thành với thủ lĩnh nhóm chiến binh chống Taliban đã thông qua trung gian tình báo Ba Lan đề nghị với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) kế hoạch ám sát trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden.

Tất cả những gì họ muốn là phần thưởng 5 triệu USD mà chính quyền Clinton đưa ra cho việc bắt giữ Bin Laden. Nhưng lúc đó, quan chức CIA tỏ ý ngần ngại và họ đã bỏ lỡ mất cơ hội. Cựu điệp viên Ba Lan chính là nhân vật trung gian trong kế hoạch của nhóm điệp viên Afghanistan này.

Trong cuốn sách "Săn lùng Bin Laden" xuất bản ở Ba Lan hồi tháng 6/2012, tác giả đồng thời là cựu điệp viên Ba Lan Alexander Makowski nêu một số chi tiết chưa từng biết đến về việc chính quyền Mỹ đã thiếu sự quan tâm đến những cảnh báo về cuộc khủng bố kinh hoàng  ngày 11/9/2001 như thế nào.

Theo cuốn sách, nhóm điệp viên dưới trướng thủ lĩnh các chiến binh kháng chiến chống Taliban Ahmed Shah Massoud báo cáo cho Makowski biết vị trí chính xác những căn nhà mà Osama bin Laden thường lưu trú ở Kandahar - thành phố miền Nam Afghanistan và cũng là trung tâm quyền lực của Taliban - cũng như những con đường mà trùm khủng bố thường qua lại, nơi tổ chức hội họp và các phương tiện giao thông ưa thích của Bin Laden.

Nhóm điệp viên của Massoud trình lên CIA qua trung gian tình báo Ba Lan kế hoạch sử dụng ôtô gài bom để ám sát Osama bin Laden, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Nhưng vào ngày 14/10/1999, một sĩ quan CIA chỉ được Makowski gọi vắn tắt là "Jim" bay đến thủ đô Warsaw của Ba Lan với câu trả lời cho giới chức tình báo nước này: "Chúng tôi không có giấy phép giết người". Jim cũng cho biết mục đích của CIA là bắt sống Bin Laden để đưa ra tòa án xét xử theo quy định của pháp luật.

Cuốn sách của Makowski không chỉ nêu bật kế hoạch ám sát Bin Laden không được thực hiện, mà tác giả còn đề cập đến nhiều sự cảnh báo chết người khác không được giới chức Mỹ quan tâm, ví dụ như vụ tấn công chiếc tàu USS Cole của Mỹ ở Yemen vào tháng 10/2000.

Vào đầu năm 1999, tình báo Ba Lan nhận được mật báo Bin Laden đang chuẩn bị chiến dịch tấn công các tàu chiến của Hải quân Mỹ đóng ở vùng Vịnh. Nhóm khủng bố của Bin Laden gồm 27 người, giấu mình ở Dubai chờ thời cơ hành động. Lúc đầu CIA yêu cầu tình báo Ba Lan cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về âm mưu, nhưng sau 7 hay 8 tháng nghiên cứu, quan chức tình báo Mỹ trả lời rằng, một cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến như thế khó có thể xảy ra!

Và không lâu sau đó, USS Cole - không hề được bảo vệ sau khi có báo cáo tình báo về âm mưu tấn công - bị tấn công thật ở Yemen. Nghi can âm mưu tấn công USS Cole là Abd al Rahim al-Nashiri bị bắt giữ và hiện đang đối mặt với phiên tòa của Ủy ban Quân sự ở Guantanamo.

Michael Scheuer - từ năm 1996 đến 1999 lãnh đạo "trạm Alec" đặc biệt của CIA có nhiệm vụ giám sát Osama bin Laden - cho biết ông không hề biết gì về báo cáo tình báo của Ba Lan liên quan đến trùm khủng bố. Còn Gromoslaw Czeminski, điệp viên Ba Lan từng tham gia giải cứu 6 sĩ quan tình báo Mỹ ở Iraq năm 1990, nhận xét: Người Mỹ không tin cộng đồng tình báo Ba Lan.

Alexander Makowski.

Alexander Makowski là con của một sĩ quan tình báo Ba Lan, nói tiếng Anh lưu loát, được giáo dục tại Mỹ và tốt nghiệp khoa Luật - Đại học Havard. Makowski tốt nghiệp trường tình báo quân đội Ba Lan ở Stare Kiejkuty, cũng là địa điểm của một trong những "nhà tù bí mật" của CIA.

Sau 20 năm phục vụ Cơ quan tình báo quân đội Ba Lan đến hàm đại tá, Makowski giải ngũ vào năm 1990. Nhưng sau khi trở thành một doanh nhân bình thường, Makowski vẫn không hề rời xa thế giới gián điệp.

Vào năm 1997, Makowski tìm đến thung lũng Panjshir ở miền Bắc Afghanistan gặp Massoud tự giới thiệu là điệp viên Ba Lan và chào bán vũ khí do nước này chế tạo. Massoud lúc đó muốn mua sở hữu 3 thứ - số vũ khí của Ba Lan trị giá 150 triệu USD, trang thiết bị để khai thác mỏ ngọc lục bảo và một thỏa thuận để xây dựng cơ sở in tiền Afghanistan trên đất Ba Lan. Sau đó, một sĩ quan tình báo cao cấp của Ba Lan trình báo vụ việc đến CIA nhưng họ không mấy nồng ấm với Massoud và cũng không muốn Ba Lan bán vũ khí hay các thứ khác cho nhóm chiến binh của Massoud.

Quan hệ giữa hai người ngày càng được thắt chặt và cuối cùng Massoud giới thiệu với Makowski về mạng lưới tình báo do ông ta xây dựng trong thập niên 1980, về sau được sử dụng để theo dõi từng bước chân của trùm khủng bố Osama bin Laden. Makowski cho biết, lúc đầu Massoud thường xuyên cung cấp thông tin giá trị cho tình báo Ba Lan về Al-Qaeda và cơ cấu tổ chức của Taliban để chuyển giao cho người Mỹ song lúc đó CIA không mấy quan tâm.

Nhưng vào giữa tháng 6/2000, Massoud ra lệnh cho các chỉ huy quân sự của mình không hợp tác với CIA trong việc truy lùng Bin Laden sau khi kế hoạch ám sát trùm khủng bố quốc tế bị tình báo Mỹ thẳng thừng bác bỏ. Makowski cho rằng có lẽ do sự thiếu quan tâm của CIA mà Massoud muốn giữ riêng cho mình nhiều bí mật về Osama bin Laden cũng như âm mưu khủng bố ngày 11/9/2001.

Nhưng có một điều mà Massoud không hề biết được đó là kế hoạch ám sát ông của Osama bin Laden trước ngày 11/9/2001 (Mossad bị giết chết ngày 9/9/2001, lúc đó 48 tuổi)

Thục Miên (tổng hợp)
.
.