Điệp viên CIA đầu tiên thiệt mạng tại Châu Á

Thứ Bảy, 16/01/2010, 04:45
Tháng 6/1949, sau một thời gian dài nghiên cứu, Liên Xô đã thành công trong việc chế tạo một quả bom hạt nhân đầu tiên và đang triển khai những bước cuối cùng để thử nghiệm. Nhiệm vụ của CIA lúc này là phải thu thập cho bằng được thông tin liên quan đến vụ thử nghiệm.

Do có thông tin tiết lộ rằng, Liên Xô sẽ thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên tại căn cứ Semipalatinsk trên lãnh thổ Kazakhstan, nên CIA đã điều động một toán điệp viên đến thi hành nhiệm vụ tại khu vực này và do MacKiernan chỉ huy. Để hợp pháp hóa nhiệm vụ của Mackiernan, mùa thu năm 1949, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khai trương Lãnh sự quán tại thành phố Urumqi, tỉnh Siankiang, phía tây bắc Trung Quốc, giáp với Tây Tạng, Ấn Độ và Kazakhstan. Mackiernan được bổ nhiệm làm lãnh sự. Phụ tá cho Mackiernan là 2 điệp viên Frank Bessac và Vasili Zensov.

Tháng 8/1949, toán điệp viên CIA do Mackiernan phụ trách ngụy trang thành người du mục địa phương tiến qua sa mạc Taklamakan đến vùng Semipalatinsk của Kazakhstan. Ngoài vũ khí, nhóm này còn mang theo điện đài để liên lạc với trụ sở của CIA ở Langley. Ngày 29/8/1949, khi Liên Xô tiến hành thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên tại Semipalatinsk thì toán điệp viên này cũng nắm bắt được các thông tin liên quan và sau đó thông báo cho trụ sở của CIA ở Langley. Từ Langley, thông tin về việc Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên lan nhanh khắp thế giới.

Mùa đông năm 1949, khi Quốc dân đảng bại trận liên tiếp trên các mặt trận, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định đóng cửa Lãnh sự quán tại Urumqi. Mackiernan tiếp tục thâm nhập vào Tây Tạng để bí mật hỗ trợ cho một số bộ tộc địa phương chống phá Hiệp định hòa bình được ký kết giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Tuy nhiên, một số thủ lĩnh bộ lạc địa phương, do động chạm đến quyền lợi cá nhân đã không chấp nhận sự lãnh đạo của chính quyền trung ương thông qua việc thành lập một tổ chức vũ trang đặc biệt có tên gọi Đội quân bảo vệ giáo phái và yêu cầu có sự giúp đỡ về huấn luyện, vũ khí và tiền bạc của Mỹ.

Tháng 11/1949, máy bay  của CIA bắt đầu thả chuyến vũ khí đầu tiên cho Đội quân bảo vệ giáo phái. Một điệp viên CIA khác tên Bruce Gable cũng được thả xuống Tây Tạng để phối hợp với nhóm của Mackiernan tổ chức huấn luyện chiến đấu, sử dụng vũ khí cho Đội quân bảo vệ giáo phái.

Năm 1951, hoạt động của Đội quân bảo vệ giáo phái bắt đầu thất thế do bị quân đội Trung Quốc trấn áp. Để tránh việc bị bắt giữ, CIA ra lệnh cho nhóm của Mackiernan từ biên giới Tây Tạng rút qua Ấn Độ và sau đó quay về lại Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng bởi phải hoạt động trên một địa bàn quá rộng lớn và nguy hiểm do lính biên phòng Tây Tạng canh phòng khá nghiêm ngặt.

Ngày 29/5/1951, khi nhóm của Mackiernan cố vượt qua vùng đồng bằng Chanty dọc theo biên giới Tây Tạng - Ấn Độ đã bị lính biên phòng Tây Tạng phát hiện và bắt giữ. Mackiernan ra lệnh nổ súng chống trả nên bị bắn chết. Riêng Bessac, Zensov và Gable chạy thoát đến Ấn Độ. Do lo ngại việc Mackiernan, một điệp viên CIA bị giết chết sẽ làm ảnh hưởng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là đối với vấn đề Tây Tạng nên CIA đã giấu nhẹm thông tin về cái chết của Mackiernan.

Vụ thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô vào ngày 29/8/1949 tại Kazakhstan.

Douglas Seymour Mackiernan sinh ngày 25/4/1913 tại thủ đô Mexico City của Mexico, trong một gia đình có cha là nhà thám hiểm. Tuy vậy, Mackiernan rất giỏi tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Mackiernan từng tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) vào năm 1939, được giữ lại giảng dạy tại MIT sau đó trở thành nhân viên mật mã của quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1943, Mackiernan làm nhân viên điện đài tại Lãnh sự quán Mỹ ở Urumqi và đến năm 1948 được CIA tuyển dụng. Mackierman  thuộc lớp điệp viên CIA đầu tiên hoạt động bí mật ở nước ngoài dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, trong đó chủ yếu là dưới vỏ bọc ngoại giao.

Điểm đặc biệt là một thời gian dài sau khi Mackiernan bị giết chết, gia đình mới chính thức được thông báo sau khi Bessac đột ngột quay về lại Mỹ từ chiến trường Triều Tiên và báo tin cho gia đình Mackiernan biết về cái chết của điệp viên CIA này. Việc trợ cấp cho gia đình Mackiernan cũng được đùn đẩy giữa CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Mackiernan là một điệp viên CIA hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao thì CIA lại phủ nhận điều này và khẳng định Mackiernan là một nhân viên ngoại giao cộng tác với CIA. Riêng CIA chỉ "bố thí" cho gia đình Mackiernan một khoản trợ cấp nhỏ. Việc làm này của CIA đã gây phản ứng mạnh trong nội bộ khi cho rằng CIA đã bỏ mặc số phận của các điệp viên thi hành nhiệm vụ và không quan tâm đến việc phụ cấp cho gia đình các điệp viên CIA đã hy sinh.

Phản ứng quyết liệt trong nội bộ CIA đã khiến Chính phủ Mỹ phải quan tâm. Kết quả là cái tên Mackiernan không chỉ được đề cập trong “Cuốn sách danh dự” (Book of Honor) của CIA mà còn được công nhận là điệp viên hạt nhân đầu tiên của Mỹ thuộc lớp điệp viên đầu tiên hy sinh khi thi hành nhiệm vụ ở nước ngoài. Một khóa đào tạo điệp viên CIA mới vào năm 2008 cũng được đặt tên là khóa Mackiernan

Hòa Văn (theo Spy Museum)
.
.